Ông ngoại tôi có một người em trai, ông Cảo. Đám cháu chắt chúng tôi không biết về ông Cảo, vì ông hi sinh ngoài chiến trường khi còn trẻ, đó là thời chống Pháp. Nhiều năm trước, cụ thể là năm 1952, ông ngoại tôi làm hồ sơ xét công nhận liệt sĩ cho em trai mình. 3 năm trước, ông ngoại tạm biệt cõi đời, để lại kí ức trong tôi về những nỗi buồn thường trực xuất hiện bên tiếng thở của ông tôi.

Năm 2011, chính quyền xã quê tôi khánh thành nghĩa trang liệt sĩ mới, tức là xây dựng lại, và tiến hành các công việc sao đó tôi không nắm rõ, liên quan đến mộ phần các liệt sĩ quê hương. Bác tôi và mẹ tôi, những người sinh ra và lớn lên ở đây, quay về tham dự buổi khánh thành. Hai người tìm tên của cậu ruột trong bảng danh sách, một việc làm thường thấy như chúng ta ai cũng sẽ làm. Không có tên ông Cảo trong danh sách liệt sĩ.

Cả gia đình bên ngoại tôi ngã ngửa. Người lớn trong gia đình vội tất bật tìm cách giải quyết vấn đề. Chính quyền hứa hẹn sẽ làm sớm và muộn nhất là 6 tháng sẽ xong. Nhưng không, hệt như khi chúng ta chờ đợi điều gì đó đã quá lâu, chờ thêm một chút nữa cũng chẳng sao. Một năm đã qua đi, họ vẫn không làm. Vâng, không làm. Cha tôi cuối cùng phải nhờ vả những mối quan hệ của mình để mọi việc được dứt điểm. Hôm nay mẹ tôi báo tin cho tôi, rằng sáng mai bà sẽ về quê, để bàn và lo liệu việc làm lễ truy điệu cho ông Cảo.

 

Ôi, 60 năm. Không danh xưng, không vợ con, không tồn tại trong kí ức chung của bất kì ai.

 

Gia đình tôi không cần chế độ, không cần quyền lợi từ cái chết của người thân. Không có những thứ ấy, chúng tôi vẫn sống, không hơn ai nhưng cũng chẳng phải đê hèn. Tôi kể ra câu chuyện này, cũng không phải để chửi rủa chế độ hay phê phán những điều xứng đáng bị nguyền rủa. Tôi cũng không muốn trách móc ai, họ chắc hẳn có một lý do nào đó, dù lý do ấy có thể chấp nhận được hay không. Chỉ là, trong một vài suy nghĩ của mình, tôi tự hỏi, tại sao chừng ấy năm, ông ngoại không nói gì với cha mẹ tôi, các bác, các dì, các anh em họ hàng? Cuộc mưu sinh tất bật cuốn những người lớn trong gia đình tôi đi, ông ngoại tôi hẳn là ngại không muốn con cháu phiền lòng thêm, rồi lâu ngày thời gian cũng đánh gục trí nhớ ông tôi. Tôi tự trả lời mình như vậy.

24 năm qua, trái tim tôi đã học được không ít, nhưng cũng chẳng nhiều. Những mảnh vụn dù sự thô bạo của cuộc sống có dày vò đến mấy, tôi vẫn luôn cố gắng lưu giữ. Phải nhớ, không được quên, bất kì thế nào cũng không được quên. Sự xót xa, những nỗi đau, những cảm xúc mà chẳng nên miêu tả ở đây, Phật dạy rằng hãy biết quên đi. Tôi không có Chúa, hay Phật, hay một biểu tượng tôn giáo nào để dẫn dắt tâm linh, nhưng tôi tin tưởng ở những điều họ răn dạy loài người.

Điều mà chúng ta luôn cần trong cuộc sống, đó là những bài học. Biết đâu, đến một ngày, một bài học lớn sẽ xuất hiện. Để trừng phạt.