Em ạ,

Ở nơi tôi sống, nếu trong hai người có một người nhiều tuổi hơn, thì người đó sẽ gọi người còn lại, chí ít, là ‘em’. Vậy nên tôi sẽ gọi em là em, giống như cách tôi gọi tên em theo tiếng nói dân tộc tôi, em Hoàng Chi Phong.

Em mười bảy, mười tám tuổi. Ánh mắt, giọng nói xuất hiện trên truyền thông.

Em mười bảy, mười tám tuổi. Làm rung động trái tim hàng triệu người.

Người ta ca ngợi em bởi những việc em làm ở độ tuổi mà họ gọi là vắt mũi chưa sạch. Em đứng trước đám đông, dẫn đầu đoàn người, trả lời phỏng vấn, hay dáng vẻ mệt mỏi của em sau khi được thả khỏi đồn cảnh sát. Người ta không tin nổi. Người ta không thể tin nổi.

Ngày mà câu chuyện đang xảy ra ở nơi em sống bùng lên trên khắp mạng lưới truyền thông giữa lúc thế giới đảo điên trước những chuyển biến chính trị năm qua, tôi, giống như rất nhiều người khác ở nơi tôi sống, chỉ biết trố mắt ra mà nhìn. Tôi gặp bạn mình ở quán nước vỉa hè, tôi bảo mày đọc báo chưa, thằng trẻ con mười bảy tuổi đang làm nghiêng ngả cả bộ máy chính quyền kìa. Bạn tôi gật gù, giỏi thật, nó như sinh ra để làm thủ lĩnh vậy, trông như mấy thằng bạn ‘no-life-gamer’ của em, nhìn gầy gò chán đời vãi l. mà nó làm được chuyện tày trời như thế. Nghe bạn tôi nói, tôi nhớ đến mấy thằng em xã hội, tối nào chúng cũng í ới rủ nhau không đá bóng thì điện tử, đá bóng thì ít điện tử thì nhiều.

Mười bảy tuổi, em nói ‘Chúng ta chiến đấu cho mục tiêu của mình mà không cần phải phân tích đến khả năng thành công.’,  ‘Nếu phải xem xét đến khả năng đạt được mục tiêu, thì bạn không nên tham dự vào các phong trào xã hội, phong trào sinh viên.’. Đọc đến đó, ngay lập tức tôi hoàn toàn khâm phục bản lĩnh và ý chí của em.  Tôi cảm nhận được việc em không hề có một chút e ngại, đã đặt lòng dũng cảm lên đôi vai gầy và dấn bước cho điều mà em tin là đúng.

Thế hệ của tôi cũng như những thế hệ thanh niên trẻ tuổi hơn tôi, sinh ra và lớn lên khi đất nước tôi không còn chiến tranh tàn khốc, có bao nhiêu người trong số chúng tôi dám đương đầu với chính mình? Đương đầu với chính mình là đương đầu với nỗi sợ thất bại, là đương đầu với áp lực của xã hội và gia đình, là đương đầu với thói quen đã thành lối mòn cũ rích. Đương đầu với chính mình là đương đầu với mọi trở lực ngăn cản trái tim được đập thật sự như một con người trưởng thành đang sống. Tự thân và mãnh liệt.

Chúng tôi, đám thanh niên trẻ tuổi, hai hay ba chục tuổi đầu vẫn không chịu lớn. Lớn làm sao được khi người ta vẫn còn giữ trong đầu cái tư duy ‘tuổi gì’. Mày tuổi gì mà đòi đi trước thiên hạ, thiên hạ nó khôn lắm. Mày tuổi gì mà đòi dạy khôn tao? Tuổi gì? Tuổi gì? Tuổi gì? Thường trực tư duy ‘tuổi gì’, nhưng chúng tôi lại sẵn sàng sống theo ‘tuổi’, thứ ‘tuổi’ được định nghĩa bởi lề thói xã hội mà ngay cả ý nghĩa của nó, thậm chí cũng chẳng được màng quan tâm. Em đến tuổi lấy chồng rồi, anh đến tuổi cưới vợ rồi, ta đã đến tuổi nhậu nhẹt với những trò vui bất tận.. Kinh khủng hơn, có cả thứ tư duy ‘hết tuổi’, với ví dụ kinh điển: hết tuổi học rồi, bây giờ học không có nổi. Chúng tôi nghe người khác nói, rồi nói cho nhau nghe, như một điều tự nhiên của cuộc sống. Rất nhiều người trong chúng tôi không nhận thức được, hay quên mất rằng bản chất tốt đẹp nhất của hôn nhân là xảy ra với đúng người, vào đúng thời điểm trong đời, chứ không phải bởi tiếng gọi của sinh lý hay sự giục giã của gia đình. Rất nhiều người trong chúng tôi không nhận thức được, hay quên mất rằng sự học sẽ theo ta cả đời, nếu ta thực tâm học vì lòng hiếu học. Trong sáng và giản đơn. Chứ không phải học vì muốn tìm kiếm tấm bằng, học để đánh bóng bản thân hòng mưu cầu vị trí cao trong xã hội. Học vì những điều ấy không có gì sai, nhưng liệu có thể học cho tốt được không, có thể học bằng cả trái tim và khối óc được không? Tôi biết, cuộc đấu tranh để sinh tồn sẽ đẩy chúng ta vào những tính toán để đạt kết quả thực dụng, nhưng tôi cũng không quên hiện trạng của nền giáo dục và đội quân bằng cấp đất nước tôi.

Em ạ, em đã đập tan mọi thành lũy xây dựng nên tư duy về ‘tuổi’ trong mắt tôi. Em đã chứng minh rằng người ta không nhất thiết phải sống đủ lâu mới có thể lên lão. Em nói em dành 18 giờ đồng hồ mỗi ngày để học tập và nghiên cứu. Người ta gọi em là ‘thần đồng chính trị’. Người ta nói phải có năng lực thế nào mới làm được như em, người bình thường sao làm nổi. Hẳn rồi, năng lực được xây dựng qua rèn luyện, chẳng phải em đã dành từng đó thời gian để trau dồi và rèn giũa bản thân đó sao? Trong khi tôi và bạn bè mình chợt nghĩ lại, thấy rùng mình bởi những năm tháng phí hoài đã qua.

Em cùng các đồng bạn của mình cho rằng ‘đây là nhiệm vụ của thế hệ tôi’. Tôi cho rằng em đúng, nhưng chưa đủ, đây là nhiệm vụ của mọi thế hệ, với thế hệ trẻ là lực lượng tích cực nhất, chứ không phải yếu ớt mông muội buông bỏ cuộc đời mình cho những điều mà xã hội ép chúng tôi tin. Những điều ấy, có lẽ nào, còn không hề có thật.

Từ chuyện của em. tôi suy nghĩ về chuyện điều gì có thể thay đổi xã hội, chuyện mà ai cũng bảo ‘khó lắm’. Quả thật khó, nhưng quanh tôi vẫn hàng ngày có những người, dù ít, đang nỗ lực tới từng tế bào của họ, để tạo ra thay đổi. Có lý do gì cho tôi khiến bản thân mình bị cuộc sống cuốn phăng đi không?

Phải rồi em ơi, ‘nếu không phải bây giờ, thì là bao giờ?’.

Hoàng Chi Phong, cảm ơn em.

Chu Kim

*Chú thích: Hoàng Chi Phong là tên phiên âm tiếng Việt của Joshua Wong Chi Fung.