Nhà có hai anh em. Con em khoảng bốn tuổi, tóc dài, da trắng, mặt tròn tròn, người tròn tròn, mông to nên chạy lạch bà lạch bạch, nó có cái xe đạp ba bánh chắc của thằng anh thải lại, phải mất công trèo một chút mới lên được, mắm môi mắm lợi đạp rất hăng, nom vừa đáng yêu vừa buồn cười. Thằng anh lớn học độ lớp ba, chiều đi học về còn mặc nguyên đồng phục, về nó vứt bịch cái cặp lên bàn học rồi phi ra chạy chơi cùng lũ bạn hàng xóm. Con em thì vừa đạp xe vừa cười đùa với mấy đứa cũng bé bé như nó, thằng anh thì chơi với hội anh lớn trong khu tập thể, chúng nó đá bóng nhựa, thỉnh thoảng lại phải cử một thằng nhỏ con nhất chui xuống gầm ô tô moi bóng ra, hôm nay chú thợ xây quen mặt đi đâu mất, chỉ có mấy chú nhìn ghê ghê, lại có chú đội mũ bảo hiểm có râu cứ khoanh tay đứng đấy, thỉnh thoảng đi đi lại lại, nên chúng nó không dám lại gần mượn cái que.

Chú vừa được nhắc đến không thể là ai khác, chính là mình.

Dạo này mình hay đi công trường, trước cửa là sân khu tập thể, ở đây lại nhớ chuyện hồi nhỏ nhà mình cũng ở khu tập thể, chẳng hiểu sao mình chỉ ở đấy độ ba, bốn năm, cái hồi còn nhỏ xíu, thế mà kể không biết bao nhiêu lần không chán. Đi loanh quanh, chụp mấy cái ảnh, định thần so sánh khu này với khu tập thể gần nhà mình bây giờ, rồi nhớ lại khu ngày xưa mình ở, lúc ấy mình cũng tầm tầm như con em bây giờ, cũng chơi với đám bạn lít nhít trong sự để mắt canh chừng của người lớn, thỉnh thoảng mon men lại gần hội anh lớn, rồi được dăm phút lại chạy biến đi.

Thằng anh chạy chơi một lúc, hò hét cậu cậu tớ tớ vang trời, thỉnh thoảng mấy ông nhõi con lại len lén văng tục, nhưng chưa đủ dũng khí văng thẳng thừng, phải nói chệch chệch đi một chút cho đỡ ngại mồm, mình đứng đấy nghe thấy hết, bụm miệng vừa cười vừa muốn quay ra bảo các anh em thân mến, các anh em còn nhỏ, đừng học đòi thói chửi thề, các anh em chỉ có vài năm trong sáng thôi, hãy cố mà trong sáng, sau này khắc sẽ chìm trong những lời tục tĩu chẳng có lối về.

Được một lúc, con em mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cong đít đạp xe về nhà, nhà hai anh em nó ở ngay tầng một, cách công trường một đoạn. Mình thì vẫn tiếp tục loay hoay với cánh thợ thuyền, lúc này có cả ông già của thanh niên chủ đầu tư ghé thăm công trình, đứng bình phẩm với mình rất ghê, kiểu đấy, đấy là một vấn đề mà các cháu phải lường trước được là nó sẽ xảy ra, phải tính trước được là trong sử dụng sẽ nảy sinh vấn đề, để mà mình thiết kế cho nó trọn vẹn, đấy là chú góp ý như thế, còn làm như thế nào thì tùy ở bọn mày thôi, cố gắng làm cẩn thận cho em nó giúp chú nhé. Mình gật gù dạ vâng dạ vâng, liên tưởng ngay đến cảnh các thanh niên thầy phong thủy xuất thân là lái xe, nông dân, công an hay một cái nghề bất lương nào đó, với câu cửa miệng đấy là tôi nói thế, anh nghe hay không thì tùy. Các chủ đầu tư vốn học hành bằng cấp, làm ăn kinh doanh khuynh đảo thiên hạ, nghe thế thì hoắng hết cả lên, nằng nặc bắt sửa thiết kế, kẻo mày để cầu thang thế thì chết cả nhà tao, huhu..

Ông già của thanh niên chủ đầu tư vừa đi khuất dạng, mình đang ghi chép nhật kí đời tôi thì con em lũn cũn chạy ra, ngoạc mồm anh ơi, anh ơi, bà gọi anh về tắm. Nó gọi hai, ba lần thì thằng anh cũng chịu dừng đá bóng, quay ra mặt mũi cau có. Vãi cả bà, nó nói nguyên văn như thế, tắm gì mà tắm sớm thế không biết, sao ngày nào cũng tắm, tắm, hôm qua vừa tắm rồi, hôm nay lại tắm. Mình nhìn nó khuôn mặt đỏ gay, toàn thân ướt nhẹp, áo trắng đồng phục dính bết vào người, bộ dạng nhăn nhó tỏ ra hết sức phiền toái, chỉ thiếu mỗi nước mình phá ra cười.

Lại nhớ hồi năm ngoái mình viết bài ‘Độ đỉnh của một thằng đàn ông’, lúc ấy đang ngồi công trường, có thời gian rảnh bèn lôi điện thoại ra bấm bấm, không hiểu thế nào mà nhả ngọc phun châu xuất thần được mấy câu này ‘Đến một độ tuổi nhất định, độ đỉnh của một thằng đàn ông được bạn bè hắn ta đánh giá dựa trên độ ít-bị-phụ-nữ-làm-phiền của hắn. Càng ít bị làm phiền thì càng đỉnh.’. Bây giờ đọc lại cảm thấy kinh hồn, thầm tự xấu hổ với chính bản thân mình trong quá khứ.

Nhìn thằng anh đang vô cùng bực dọc, mình hiểu cho cái niềm lưu luyến trái bóng tròn của nó, hay chính xác hơn là niềm lưu luyến những giây phút được thả hồn sống chân thật với lòng mình bên những người anh em của tuổi thơ đầy mộng đẹp. Là một người đàn ông đã kinh qua những tháng ngày phong ba của tuổi trẻ với trải nghiệm về phụ nữ thuộc đủ mọi giai tầng trong xã hội, phải nói rằng mình cực kì cảm thông cho thằng anh lúc ấy, tin rằng sau này nó sẽ còn cảm thấy phiền toái hơn bây giờ gấp trăm ngàn lần, y như mình vậy.

Thằng anh sau một hồi càu nhàu, cũng đành tiếc rẻ quay ra bảo mấy thằng bạn, thôi tớ phải về đây, bà tớ gọi rồi, hẹn mai gặp nhé. Mấy thằng bạn đỉnh hơn, chưa bị mẹ hay bà, hay em gái gọi về, bảo ừ mai nhé, hẹn mai nhé, rồi quay ra chơi tiếp, có sao đâu vắng mợ thì chợ vẫn đông, cho đến khi cả hội bị xách tai về thì thôi.

Bọn nó chào nhau bịn rịn thế, làm mình chợt nhớ hồi tầm tuổi bọn này, mình cũng đã một lần nếm trải cảm giác ly biệt đầy buồn bã.

Đấy là năm mình học lớp bốn trường Kim Đồng, bạn thân của mình là thằng Dũng. Hai thằng chơi thân với nhau lắm, hồi đấy thích chơi với nhau đến nỗi còn lập lời thề sẽ không bao giờ lấy vợ để có thể chơi với nhau tự do thoải mái cho đến già. Một lời thề cực kì nghiêm túc.

Hết lớp bốn, thằng Dũng thông báo với mình nó sẽ theo bố mẹ nó sang Đức định cư. Tất nhiên là mình buồn, thằng Dũng cũng buồn. Nhớ hôm bế giảng cuối cùng, không hiểu tại sao mà cả mình và thằng Dũng đều ở lại rất muộn, mãi mà bố mẹ mình và bố mẹ nó chưa đón, mình với nó đứng bên hồ (trước cổng trường mình có một cái hồ khá đẹp, tên là hồ Giảng Võ), hai thằng nói chuyện linh ta linh tinh, xong chơi ném thia lia, thi xem thằng nào ném nảy lên được nhiều hơn. Bây giờ mỗi lần chơi thia lia, mình lại nhớ đến kỉ niệm ấy.

Mãi một lúc, mình bảo, buồn nhỉ, thế là anh em mình không được chơi với nhau nữa rồi. Thằng Dũng gật đầu, ừ, nhưng mà đành chịu thôi. Rồi hai thằng mình bắt tay nhau, nói như hai người đàn ông, nhất định sẽ gặp lại nhé, ừ, nhất định sẽ gặp lại. Sau đó, người nhà đến, mỗi thằng một hướng.

Biệt tăm đến tận giờ. Hai mươi năm.

Hai mươi năm trước internet chưa phổ biến, điện thoại đã là một thứ xa xỉ đối với trẻ con, nói gì tới chuyện thư từ liên lạc, độ tuổi lên chín, bọn mình chẳng cách gì, và cũng chẳng đủ tâm sức để gắn bó với nhau. Bây giờ nghĩ lại, chỉ cần thời cuộc lúc ấy tới sớm hơn một chút thôi, biết đâu mình và thằng Dũng đã có thể lâu lâu lại ngồi uống bia với nhau, như hai thằng đàn ông lớn đùng mồm đầy râu..?

Chẳng biết nó giờ này có còn nhớ đến thằng bạn thời thơ ấu là mình không, cũng chẳng biết nó bị phụ nữ làm phiền đến level nào rồi, vớ vẩn nó có con rồi không biết chừng, mấy cái thằng đẹp giai lại cao to đen hôi, thế nào lớn lên cũng nghịch như quỷ, rồi yêu đương sớm và lấy vợ sớm, dám thế lắm.

Mình đi về, trên đường cứ nghĩ đến chuyện này, kể mà bây giờ tìm lại được bạn, thì vui biết mấy.

———-

ChuKim – 2016

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.