Dạo này dịp Tết, bọn thanh niên lại nhức nhối chuyện áp lực xã hội. Đi khắp nơi thấy kêu ca bị tra tấn bởi mấy câu nói xã giao. Loanh quanh nội dung chỉ có thế này:

‘Có vợ/chồng chưa?’

‘Có người yêu chưa?’

‘Tại sao chưa có người yêu?’

‘Định đến bao giờ thì có người yêu/chồng/vợ?’

‘Có con chưa?’

‘Bao giờ định có con?’

Dù nội dung câu chuyện có ra sao đi chăng nữa, rồi thế nào cũng xuất hiện mấy câu hỏi này, với một vẻ quan tâm đầy thiện chí. Mấy năm trước, sau khi tốt nghiệp ra trường, mình lần đầu tiếp xúc với thể loại áp lực xã hội thế này, ban đầu thì thấy không sao, nhưng sau đó nhận ra nó xuất hiện với tần suất dày đặc, gần như gặp ai cũng nói cùng một nội dung, và gần như thanh niên ‘chưa có’ (bất kể là chưa có gì) nào cũng gặp, thì mình bắt đầu ngờ ngợ là có vấn đề.

Nhớ hồi đi học, được dạy là bọn Tây gặp nhau ngoài đường, nó không bao giờ hỏi nhau là đang đêm đi đâu đấy, thế nên sẽ không bao giờ có câu trả lời kiểu đang đêm đi đái đây, đến đồi đánh đổ đèn, đéo đái được. Mặc dù chuyện đánh đổ đèn và đéo đái được rất hài, nhưng bọn Tây không thấy thế, chúng nó coi như thế là tò mò tọc mạch chuyện riêng cá nhân, vô duyên. Tóm lại đừng hỏi bọn Tây chuyện ấy. Mình được dạy đó là bởi văn hóa của Tây lông nó khác người Việt Nam mình, người Việt Nam mình quan tâm đến nhau thì hỏi thăm, bọn Tây nó không quan tâm kiểu ấy. Lớn lên thấy người Việt Nam gặp nhau ai cũng hỏi đang đi đâu đấy, làm cứ phải thanh minh đi đằng đây, đéo đi đái đâu, đừng đánh đồng.

Lúc ấy thì hiểu người Việt Nam mình có thói quen hỏi han quan tâm đến đời tư của nhau, là một dạng câu chào xã giao để đưa đẩy câu chuyện. Người ta coi đó là bình thường, ai cũng thế, qua nhiều năm, nhiều thế hệ. Nhưng đến mức độ gây ra sự bức xúc cho hàng triệu thanh niên, thì đó thực sự không còn là điều bình thường nữa.

Đầu tiên phải khẳng định, việc có người yêu/chồng/vợ là một việc tốt. Ok mong muốn tốt cho nhau là điều đáng quý, nhưng như thế không có nghĩa là người khác có quyền tọc mạch hay thậm chí thúc giục ‘vì tao quý nên tao mới muốn tốt cho mày’, kể cả đó là cha mẹ, chứ đừng nói phường cha căng chú kiết nào mới lần đầu gặp mặt, chả biết ai cũng bày đặt mở mồm ra dạy người ta là phải lập gia đình đi.

Mình nghĩ vậy, và mình lại đặt câu hỏi cho việc tại sao người ta lại chỉ muốn tốt mỗi chuyện ấy thôi nhỉ? Còn hàng tỉ việc tốt khác để mong muốn, sao không đề cập, mà loanh quanh chỉ có mỗi chuyện ấy?

Ấy là vì người Việt Nam mình cực kì thiếu chiều sâu văn hóa.

Giữa các thế hệ, người ta chả có chuyện gì để nói với nhau. Người lớn tuổi không hiểu về đời sống của thanh niên, không hiểu về công việc, không hiểu về văn hóa, không hiểu về cách nghĩ của thanh niên. Họ bê nguyên những gì họ được giáo dục từ hàng chục năm trước ra để áp dụng, họ bê nguyên những điều họ được hỏi từ hàng chục năm trước để đem ra hỏi lại đám con cháu. Họ không chịu hiểu rằng, thời đại bây giờ đã khác rất xa, thanh niên có nhiều mối quan tâm hơn, và chúng nó sống khác hẳn với cách sống của họ.

Tại sao họ không hiểu? Vì họ không đọc nhiều sách, họ không xem nhiều phim, họ không nghe nhiều nhạc, họ không có những thú vui mang tính văn hóa (xin lỗi chứ phim Việt Nam thì đéo đáng được gọi là phim, ngồi buồn cởi cúc xem chim, còn hơn ra rạp xem phim nước mình, có hẳn ca dao). Thế hệ trước trải qua thời tuổi trẻ trong khó khăn vất vả, ai cũng vậy, và họ bị thiếu hụt nghiêm trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Họ không có con đường nào để giao tiếp với thanh niên. Mình nói đến đây thế nào cũng có bạn nghĩ mình quy chụp, còn đầy người thế nọ thế kia. Ở đây mình đang nói về tình trạng chung, mình không nói tới những trường hợp đơn lẻ, không tin, các bạn tự ngẫm nghĩ và đối chiếu.

Còn người trẻ cũng chẳng hơn gì, các bạn đòi hỏi người ta phải hiểu các bạn, trong khi các bạn chả có con mẹ gì cho người ta hiểu. Cũng không đọc nhiều sách, không xem nhiều phim, không nghe nhiều nhạc, không có kiến thức về nghệ thuật, văn hóa, lịch sử. Các bạn hời hợt trong giải trí, qua loa trong tìm tòi, dễ dãi trong giao tiếp và chỉ làm mình làm mẩy lên khi có điều gì không vừa ý. Hãy hiểu người già, đừng bắt họ hiểu phải các bạn ngay lập tức, hãy nhớ rằng giao tiếp với người già cũng có điểm chung với việc sử dụng máy vi tính, đó là bạn phải hiểu cái máy tính, chứ đừng bao giờ đòi cái máy tính phải hiểu bạn, bạn mà đòi cái máy tính phải hiểu bạn, thì bạn chả khác gì người già. Hi vọng các bạn hiểu ý mình.

Đó là nguyên nhân thứ nhất.

Nguyên nhân thứ hai là người Việt Nam mình chả có chuyện gì để nói với nhau, nhưng lại không thích nói những chủ đề chung.

Không hề thiếu chủ đề để mà nói, nhưng người ta chả bao giờ nói. Chuyện công việc, chuyện chính trị, chuyện lịch sử, bật tivi lên nói theo chủ đề đang có trên tivi cũng chỉ có chuyện thể thao là hết. Nhưng mà họ chả thích những chuyện kia, vì họ không có văn hóa tranh luận, không có sự ham thích trao đổi kiến thức. Cái này là hậu quả của lối sống sợ hãi chính trị, né tránh những chuyện hàng ngày diễn ra xung quanh mình, không nhìn thẳng vào sự thật, thường tìm lý do để bào chữa cho những điều bất cập đang xảy ra hàng ngày.

Nói thật, ở độ tuổi sau 25, không nói chuyện chính trị, còn nói chuyện gì? Chuyện cuộc sống, có gì là không liên quan đến chính trị? Mà như thế sẽ liên quan đến rất nhiều chủ đề từ văn hóa cho tới lịch sử, thời sự, nghề nghiệp, những vận động xã hội đang diễn ra không ngừng mà mỗi người lại là một kho kiến thức với rất nhiều điều đáng để lắng nghe. Tiếc thay, nghe làm sao được khi mà không chịu nói.

Ai cũng cho rằng, ngày Tết nói gì vui vẻ, cuối cùng vì điều ấy mà khiến cho mọi thứ mất vui, và cũng không có lợi gì về mặt giao tiếp.

Mình chẳng bênh ai ở đây cả các bạn ạ. Mình cũng thanh niên như các bạn, cũng phải đối mặt với cả loạt câu hỏi như thế, cũng phải hứng chịu ánh mắt và thái độ y như các bạn phải hứng chịu. Nhưng rồi mình nghĩ, sau này khi đã lớn hơn, thế hệ mình sẽ hỏi thế hệ sau điều gì?

Có khác không, có hay hơn không? Hay là rồi cũng thế thôi?

Các bạn nên hiểu thế này, những người hỏi các bạn những câu vô duyên ấy, họ sống cả đời như thế rồi. Đó là cuộc sống đéo có gì ngoài việc lớn lên, đến tuổi thì lập gia đình, rồi sinh con đẻ cái, rồi hi sinh cả cuộc đời cho con. Như thế thì thử hỏi có gì đáng để quan tâm với họ hơn là chuyện cái vòng ấy đã được lặp lại hay chưa. Ở đây mình nhìn nhận thấy bên cạnh sự quan tâm và tình cảm chân thành, còn có một ẩn ức sâu thẳm về tự do, người ta không hiểu về tự do, không hiểu về cá nhân. Vì họ đã sống mà thiếu đi sự tôn trọng những điều ấy. Người ta mang trong mình một niềm day dứt không thể gọi tên, và người ta cảm thấy hài lòng nhẹ nhõm khi những việc họ đã làm, nay cũng được người khác thực hiện.

Đừng bắt họ phải thay đổi để hiểu bạn. Chuyện ấy không có đâu. Không phải ai cũng có mong muốn rằng con cái mình phải được tự hào vì nó là con của mình, mà toàn mong con cái làm cho họ tự hào. Điểm này thì ngày xưa như thế và bây giờ vẫn thế, rất nhiều. Không tin các bạn lên facebook mà xem, đầy người toàn thấy ảnh con, kể chuyện con, còn bản thân họ thì cả trên facebook lẫn ngoài đời, chả có gì để nói, chả có gì để trở nên hay ho, cuộc đời dừng lại ở việc kiếm tiền và mong đứa con làm cho mình vui vẻ.

Thế thì sau này, cũng lại hỏi ‘sao mày chưa lấy vợ/chồng?’ thôi. Một cách vô thức, hệt như bây giờ.

Điều mình muốn nói ở đây, đó là hãy biết cảm thông, và biết cả cứng rắn. Hãy trở thành những con người hay ho, những con người có di sản để truyền cho nhau, khi ấy sự tôn trọng những giá trị cá nhân, giá trị riêng tư sẽ tự khắc được nâng lên. Để thay đổi một nét văn hóa, đôi khi, tính bằng thế hệ.

Kể nghe chuyện này cho vui, không lại bảo sao hôm nay căng thẳng thế. Mình cũng hay bị hỏi chuyện yêu đương lấy vợ lấy chồng, câu trả lời ưa thích của mình là cháu nhiều người yêu quá, chả biết lấy ai bây giờ. Lúc khác nghe hỏi bao giờ lấy vợ nhớ mời bác nhé, mình bảo 50 tuổi cháu mới lấy vợ cơ, bác muốn hiểu sao thì hiểu, hehe. Cũng có ông bác cứ hay kể chuyện ông ấy bắt con lập gia đình vì đến tuổi, để quay sang giục mình thay bố mẹ mình, mình cười, nói con bác cứ như động vật ấy bác nhỉ, đến tuổi thì trưởng thành và phát dục. Bác đờ ra.

Hôm mẹ mình mới mất, có mấy bà cô đến nhà, cứ bảo tội nghiệp mẹ mày, sao mày không chịu lấy vợ sớm đi cho mẹ mày phấn khởi. Nói thật với các bạn là 100 người đều nói như thế, không ai khác cả. Mình đập bàn rầm phát, trừng mắt, cô có thích cháu quát lên không, từ giờ trở đi cô đừng có nói cái kiểu ấy trước mặt cháu. Bà nào cũng xin lỗi rối rít. Mình thấy chẳng có gì phải ngại. Muốn gì phải nói, vậy thôi.

Còn ngu nhất là gì các bạn biết không, đó là những thằng đổ lỗi cho Tết, sao chúng mày chưa lấy vợ đi cho nó khôn ra nhỉ..?

———-

ChuKim – 2017

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.