Tôi luôn phải cố gắng kìm hãm sự hưng phấn của mình trong những bước chạy đầu tiên.
Phải rồi, tôi đang ở trạng thái sung mãn, tôi đã uống sữa lắc protein lúc năm giờ chiều, cơ thể cần một giờ đồng hồ để hấp thu và sẵn sàng giải phóng năng lượng. Những bài tập khởi động khiến tôi cảm thấy nóng dần lên, các cơ khớp trở nên mềm dẻo, tôi hít một hơi sâu, và bắt đầu bài tập chạy bộ quanh hồ.
Những ngày không quá bận, tôi thường chạy bộ ở hồ nước gần nhà, tên trên danh nghĩa là công viên Indira Gandhi, nhưng mọi người vẫn gọi nó bằng cái tên cũ trước đây, công viên hồ Thành Công. Hồ Thành Công nằm lọt trong công viên, mỗi vòng chạy đo được cự li một cây số từ ứng dụng chạy bộ trên điện thoại, với một người đang tập luyện để có thể chạy được đường dài như tôi, con số này rất lý tưởng. Tôi thường chạy lúc xế chiều, khi những người phụ nữ bế trẻ con cho đi ăn rong, một điều mà tôi rất ghét, đã đưa những đứa bé được nuông chiều theo cái cách ngu ngốc ấy trở về nhà. Công viên thưa người dần, và tôi bắt đầu chạy.
Giống như cách đây hai ngày, những bước chạy đầu tiên diễn ra khi tôi đang rất sung sức. Ở vài trăm mét đầu tiên, tôi thường nghĩ mình thực sự là một trong số các con của thần gió, bất chấp cường độ cơn đau ở bắp vế và xương ống chân đang tăng dần, tôi nhấm nháp cơn đau ấy với sự khoan khoái mà bất kì người chạy bộ nào cũng sẽ trải qua. Điều đáng tiếc là tôi không duy trì những cú lướt mình đi được quá lâu, nếu quá hăng hái, tôi sẽ biến phần còn lại của buổi tập chạy đường dài trở thành buổi tập chạy chậm đường dài, rất chậm, điều mà tôi không hề mong muốn, mục tiêu của tôi là cự ly và cả tốc độ.
Tôi luôn phải cố gắng kìm hãm sự hưng phấn của mình. Tôi bắt đầu quan sát xung quanh.
Em Điên hiện ra trong tầm mắt tôi sau khoảng ba trăm mét, em vẫn như mọi lần tôi bắt gặp em ở hồ, em nằm vắt vẻo trên thành đường dốc bậc thang dẫn từ đường dạo công viên xuống đường kè hồ phía dưới. Đường chạy ưa thích của tôi chính là đường kè hồ, tôi thích cảm giác xuống gần mặt nước, lọt mình giữa vùng trũng thấp, hàng cây trở nên cao lớn hơn, che lấp đi phần nào những toà cao ốc lấp ló phía sau. Tôi chạy về phía em Điên. Em đang ngân nga một giai điệu lạc lõng nào đó của riêng em, em nằm vắt vẻo, cứ thế ngửa cổ hát, giọng em níu với, cơn gió khẽ nâng nó lên gần tán lá. Xào xạc.
Bên cạnh em Điên là hội chơi gà chọi, gần chục người đàn ông châu đầu vào sới dựng bằng tấm cao su dày, màu đen bạc nhưng sạch sẽ, bên trong giải trấu, mùi hôi phả ra làm tôi khẽ nhăn mũi. Giọng lão Trọc tôi quen mặt đang oang oang đắc thắng, lão vừa nhảy phốc ra khỏi sới. Tôi không biết chơi, cũng không biết xem gà chọi, cú nhảy của lão làm tôi phải lắc người đột ngột để né sang trái. Việc chạy ngoài trời chắc chắn đem lại cảm giác phiêu lưu hơn chạy trên máy.
Tôi vươn người chạy lên bậc thang, ngang qua em Điên, giữ cho mình ở tốc độ khoảng sáu phút bốn mươi lăm giây cho một cây số, đường bờ kè bị ngắt quãng không tròn vòng bởi vị trí đặt trạm bơm, để chuyển động được tròn vòng hồ, tôi sẽ có một trăm mét ở đường dạo phía trên, trước khi trở lại với đường bờ kè sau khúc cua gần một trong những cổng phụ quay mặt về dãy nhà tập thể xây dựng từ quãng thập niên bảy mươi, tám mươi thế kỉ trước. Trên đường dạo tất nhiên có nhiều ghế đá, hệt như ở những công viên khác trong thành phố. Bên phải, phía ngoài rìa đường dạo, một nhóm mấy bác già đang tụ tập, họ tụm đầu quanh hai nhân vật chính và sân khấu là bàn cờ tướng bày trên ghế đá, hai nhân vật chính im lìm, còn ba bốn khán giả thì bình luận rôm rả. Tôi lướt qua họ, trước khi nghiêng trọng tâm vài độ để thực hiện cú ngoặt đổi hướng xuống cầu thang, tôi kịp nghe hai bác cũng lớn tuổi đang tản bộ nói chuyện, đảng chống tham nhũng phen này phải nói là ghê gớm đấy, một bác hừ mũi. Tôi không kịp nghe câu hồi đáp của bác còn lại.
Vài người chạy ngược chiều tôi, họ đi cùng nhau, mấy cô cậu này chắc còn đang đi học, hoặc là họ có dung mạo trẻ hơn nhiều so với định kiến của tôi về hình dáng của những thanh niên đi làm. Vài người chạy vượt qua tôi, không biết họ mới vừa chạy đây thôi hay đã xuất phát trước tôi bao lâu. Vài người bị tôi vượt qua, cơn đau đang bắt đầu rõ nét hơn, lan khắp hai chân, tôi giữ nhịp thở như bài tập đã định, tốc độ sáu phút bốn mươi lăm giây một cây số.
Còn ba trăm mét nữa cho vòng đầu tiên, tôi tiến đến khu vực của những bài tập đám đông. Trên đường bờ kè trước mặt là lớp tập Pháp Luân Công, chừng gần hai mươi người đang nghe theo tiếng nhạc dìu dặt chậm rãi phát ra từ chiếc đài nhỏ đặt ở giữa, mỗi người có một tờ lịch treo tường loại giấy bìa bóng lót chân, họ cử động nhẹ nhàng, rất tập trung, đều nhịp theo lời hô ra hiệu bằng tiếng Tàu cũng phát ra từ đài, có cả giọng lồng tiếng Việt để phiên dịch. Một thanh niên nhỏ con mặc áo đen lặng lẽ đi qua đi lại, điều chỉnh động tác cho người này người kia, có lẽ anh ta là thầy hướng dẫn. Chính quyền Việt Nam thường hô hào ủng hộ việc cấm luyện tập và phổ biến Pháp Luân Công của Trung Quốc, lý do rất đơn giản, ‘bởi vì Trung Quốc cấm’, nhưng một mặt, họ không có động thái đàn áp mạnh tay lên những người yêu thích môn khí công này, rất nhiều công viên giữa ở thủ đô có những nhóm Pháp Luân Công thu hút đủ mọi lứa tuổi tham gia. Người biết thì chỉ trỏ, kìa, Pháp Luân Công đấy, công an mà biết thì chết đấy. Người không biết cũng chẳng quá tò mò, với họ đó cũng giống như người ta tập Thái Cực Quyền, mấy môn chầm chậm, hít hít thở thở, buồn ngủ chết đi được.
Khi tôi vừa băng qua nhóm Pháp Luân Công, tiếng nhạc xập xình cùng lời hô hai ba, quay sang phải, chân lên cao, ba bốn, thẳng hai tay.. làm tôi phì cười. Sự thay đổi phong cách đột ngột này luôn đem đến cảm giác hài hước không thể chối từ, phía trên đường dạo, nhóm các bà các chị đang tập nhảy, tôi cũng không rõ bộ môn ấy chính xác tên gì, tôi vẫn mặc định gọi nó là nhảy thể dục công viên. Đây có lẽ là phong trào hùng mạnh nhất nhì trong giới thể thao công viên ở thành phố này. Đi khắp các công viên, từ trung tâm ra tới ngoại thành, đâu đâu cũng có cả hàng trăm chị em phụ nữ tham gia những lớp nhảy như vậy, mỗi lớp độ bốn, năm mươi người, cũng đủ mọi lứa tuổi. Thi thoảng trong những lúc cợt nhả cùng nhau, tôi và bạn bè, những thằng trai đang độ sung sức, lôi bộ môn nhảy thể dục công viên ra làm đề tài cười cợt. Chúng tôi tự hỏi, các chị, các mẹ, các bà ham hố tập tành bộ môn này nhằm mục đích gì, với những động tác vô cùng hời hợt trên nền nhạc vô cùng kém thẩm mỹ, đẹp thì cũng chả đẹp, mà khoẻ thì càng không thể khoẻ hơn nổi, chẳng hiểu sao nó lại lan rộng thành một phong trào rộng khắp đến thế, đem lại công ăn việc làm cho rất nhiều huấn luyện viên mà tôi thường bông đùa rằng đó là những người thầy hướng dẫn nhàn hạ nhất trên đời. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất với nhau rằng bộ môn này đem lại cho người ta một ảo ảnh về việc vận động, nó khiến họ an tâm rằng mình đang rèn luyện thân thể, mình đang làm cho lượng mỡ thừa giảm bớt đi, mình có thể an tâm mà ăn uống thoả thuê. Như tôi đã nói, đó chỉ là một ảo ảnh.
Tôi hoàn thành cây số đầu tiên khi liên tục đảo hướng để tránh mấy chú chó theo chủ ra hồ đi dạo. Các thanh niên nam nữ dắt chó ra chơi, ngoài mục đích dắt chó đi chơi, họ còn tranh thủ à ơi tán tỉnh nhau. Chó của anh đẹp thế, chó của em đã tiêm chưa, ôi chúng nó thích nhau quá kìa em kìa. Thỉnh thoảng một vài thành viên trong cộng đồng chó bất thần phi thân ngang qua đường, tất nhiên với tốc độ của loài vật bốn chân này thì những người chạy bộ phải tập trung phản xạ, hoặc giảm tốc độ để tránh va chạm đáng tiếc xảy ra. Các thanh niên yêu chó này chắc chắn cũng chưa đi làm, họ không có mùi của những kẻ bầm dập sương gió. Tôi không biết nhiều về loài chó, tôi không rõ chúng có thích đi chơi đêm như con người không, nhưng chỉ cần thấy điệu bộ nhìn nhau lấp lánh của các thanh niên yêu chó, tôi đoán họ thế nào cũng sẽ yêu nhau. Tuổi trẻ ấy, ngoài niềm vui chó và sự rung động dành cho nhau, họ có còn biết trời đất gì nữa đâu.
Cây số thứ hai, đôi chân bắt đầu cảm thấy đau buốt, lúc này tâm trí của tôi bắt đầu nghĩ, ôi mình đang làm điều quái gì ở đây thế này, mệt quá, tại sao lại mệt như thế này, có lẽ hôm nay không phải là một ngày tốt để chạy bộ, thể trạng của mình không hoàn hảo, mình nên dừng lại, hay là dừng lại? Hàng loạt suy nghĩ xẹt ngang xẹt dọc trong đầu, tôi liếc nhìn đồng hồ, tốc độ sáu phút ba mươi hai giây một cây số.
Đây không phải lần đầu tiên tôi tập chạy bộ, càng không phải lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng vọng của chính mình kêu gào dừng lại, phải rồi, dù sao thì cơ thể tôi cũng xứng đáng với một chút nghỉ ngơi, tôi có thể dừng lại đi bộ một chút, rồi chạy tiếp cũng không sao. Lòng bàn chân tôi đang cảm nhận phản lực từ nền đường, cổ chân tôi tiếp tục hoạt động như một trục xoay chính hiệu, bắp chân tôi bắt đầu căng lên, tôi liên tục nhấc đùi để lao về phía trước với niềm tin rằng việc tập chân với mức tạ tiến triển tốt gần đây sẽ giúp cơ bắp của tôi thể hiện được nhiều sức mạnh và dẻo dai hơn. Tôi sắp ngã về phía trước, tôi không thể dừng lại, tôi sẽ kiểm soát cú ngã này. Tôi không thể dừng lại.
Điều tiếp theo mà tôi nghĩ đến là câu chuyện mà Haruki Murakami đã kể trong cuốn sách viết về việc chạy bộ trong suốt hơn hai mươi năm của ông nhà văn này. Khi tham dự cuộc thi siêu marathon có cự li một trăm cây số, ông ta đã không hề đi bộ. Murakami đã chạy liên tục, bất chấp nhanh hay chậm, trong suốt quãng đường một trăm cây số, ông ta chia sẻ những cảm nhận của bản thân trong suốt hành trình đầy đau khổ ấy, đau khổ thực sự theo nghĩa đen, để đổi lấy cảm giác của kẻ không thất bại, kẻ tiếp tục. Dù cho sau đó ông ta đã mất đi sự hào hứng với bộ môn chạy bộ vì không còn mục tiêu gì để phấn đấu và chuyển sang chơi ba môn phối hợp, người này thực sự là một tấm gương thể thao nghiệp dư đối với tôi. Có thể còn vô vàn những tấm gương như vậy trên thế giới, nhưng không phải ai trong số đó cũng trượt giải Nobel văn học năm này qua năm khác.
Tôi nhớ tới vài nhân vật chạy bộ nghiệp dư nổi tiếng khác mà tôi biết trên mạng, và từng chạy cùng họ trong một vài cuộc thi hay sự kiện nhỏ. Thể thao là ý chí, quả thực những kĩ sư, bác sĩ, thương gia, nhân viên văn phòng, nhà hoạt động xã hội.. ấy có ý chí rất tuyệt vời. Họ thực hiện việc chạy bộ một cách tự nhiên với niềm vui thuần khiết. Đôi lần tôi đọc bài viết của họ về những kinh nghiệm họ có được sau thời gian trui rèn bản thân, nhìn thành tích họ đạt được thể hiện dưới dạng ảnh chụp màn hình thiết bị điện tử đo thông số chạy, đoan chắc những người này truyền niềm cảm hứng cho không chỉ mình tôi mà còn nhiều người khác tham gia vào hoạt động thể chất sơ khai này. Chạy bộ rất chán, chán kinh khủng, chán đến mức nếu trên đời còn môn nào chán hơn chạy bộ, có lẽ chẳng gì khác ngoài bơi lội, một bộ môn mà độ chán nếu có thể đong đếm bằng lời thì Haruki Murakami sẽ lại thêm lần nữa trở thành ứng viên nặng kí cho giải Nobel văn học khi ông ta đang ngày đêm tập luyện.
Công viên tầm này đã ít trẻ con lắm, trời không còn đủ sáng, đã tới giờ những bà mẹ muốn con cái mình ở nhà lo tắm rửa sau một ngày dài, bữa tối đang chờ chúng. Thoáng nghe có tiếng gọi bố ơi bố ơi, bố chờ con, rồi một chú nhóc cỡ bốn tuổi mắm môi đạp xe, loại xe đạp dành cho lũ nhóc, đuổi theo, từ phía sau băng qua tôi. Phía trước, người cha trạc tuổi tôi cũng đang chạy bộ, anh không dừng, ngoái đầu lại khoát tay ra hiệu cho con trai mình tiến lên, anh chậm dần, rồi họ điều chỉnh giữ cùng tốc độ bên nhau. Hai cái bóng một thấp một cao lầm lũi tiếp tục cuộc hành trình. Đâu đó, tôi nghĩ về mối quan hệ giữa cha và con trai, rồi sẽ có những khoảnh khắc họ đối đầu với nhau trước những lựa chọn cuộc đời, rồi sẽ đến những khoảng thời gian mà họ dù sống cùng nhà nhưng rất ít hỏi han nhau, rồi sẽ có những ngày mà họ cảm thông cho giấc mơ của nhau, điều mà những người phụ nữ dù có tình yêu như biển cả, có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được. Người cha cúi xuống tiếp sức cho cậu con trai vượt qua vài viên gạch gờ lên. Cố lên con, giỏi lắm.
Vươn tới những mét cuối cùng của cây số thứ ba, lúc này chân tôi đã thích nghi với cơn đau, hông tôi trở nên linh hoạt, hai tay và thân trên thả lỏng theo nhịp điệu tự nhiên của hơi thở, tôi cảm thấy cơ thể đang bước vào giai đoạn vận hành trơn tru sau quãng khởi đầu để làm quen với trạng thái vận động tốc độ. Tôi đang hô hấp ổn định, nhịp tim có vẻ tốt, tôi quyết định tăng tốc, mục tiêu của tôi không phải là sáu phút ba mươi giây cho một cây số. Tôi tăng dần guồng chân và đảo hướng chạy sau khi hoàn thành ba cây số đầu tiên. Việc chuyển sang chạy theo hướng ngược lại của vòng hồ khiến góc nhìn cảnh vật thay đổi, tôi bớt chán hơn nhiều, và quan trọng là nó giúp giảm đi áp lực cho chân trái sau khi phải ôm cua liên tục ngược chiều kim đồng hồ.
Khi tôi đạt tốc độ sáu phút mười lăm giây một cây số, em Điên đang đi tha thẩn ngược hướng chạy của tôi. Em Điên cao lớn, vai rộng, em thả bộ với dáng điệu thủng thẳng khinh đời, tay vung vẩy, đầu nghiêng nghiêng, nhịp bước em chậm rãi, dáng hình đung đưa khi em mải ngâm nga giai điệu của em. Em Điên hiện lên, phía sau là mặt hồ gợn sóng lăn tăn. Mọi người đi qua đi lại, tất cả đều dành ra vài giây trong đời để nhìn em, không ai dừng lại. Trong giây phút ấy, tôi đã cho rằng, hẳn em là một người hạnh phúc biết bao. Mắt em nhìn đi đâu tôi không biết, tôi không nhìn vào mắt em. Tôi hơi giảm tốc khi thấy em Điên bước gần mép nước. Tôi không dừng lại.
Hội chọi gà của lão Trọc vẫn đang ồn ào, tiếng xuýt xoa xen tiếng chửi thề. Lão Trọc bá vai một lão khác đầu hói, lão Hói mặt mày căng thẳng, chân lão chùng xuống nhìn chăm chăm vào sới gà. Tôi thoáng thấy hai con gà chọi cổ đỏ au nhảy lên tung cước vào nhau, không rõ con nào đang thắng thế, hay chúng đang bất phân thắng bại không biết chừng. Tôi chỉ theo thói quen của một người dân Việt Nam, chạy vù qua và nghĩ đến món gà chọi mà tôi đồ rằng sẽ được dọn lên bàn nhậu sau trận chiến.
Chuyển động ngược chiều làm tôi nắm bắt được có bao nhiêu người đang chạy quanh hồ giống như tôi. Lúc này quanh hồ có khoảng mười người đang chạy, đám bạn trẻ lúc nãy đã dừng, họ đi bộ ra phía quán nước trước cổng công viên, vài chị phụ nữ mặc áo khoác rất kiên trì vừa chạy vừa nghỉ, tôi rất muốn hô hào động viên họ, nhưng rồi như mọi lần, tôi im lặng không nói gì. Có mấy người đàn ông chạy rất nhanh, các anh này lớn tuổi, có vẻ như họ là kiểu người thường xuyên tập luyện, chuyển động của họ bài bản và mạnh mẽ, một bạn Tây dáng cao dong dỏng, sải chân dài lần nào ra hồ tôi cũng đụng mặt, chúng tôi thoáng nhìn nhau trong một khoảnh khắc, rồi lại lầm lũi giữ nhịp cho bản thân. Một anh tầm trung tuổi chạy cùng chó của anh, cả chủ và chó đều khoẻ mạnh và nhanh nhẹn đáng ngưỡng mộ. Giống chó Phú Quốc dáng rất đẹp, đặc biệt là không rọ mõm đúng theo phong cách của những người nuôi chó, họ dành sự tin tưởng tuyệt đối vào vật nuôi của họ, bạn của họ, mọi tội lỗi là do xã hội không có được niềm tin ấy như họ. Đáng nể nhất là vài lão tướng cỡ tuổi năm mươi, sáu mươi nhưng thanh niên như tôi còn lâu mới bì kịp, họ cởi trần, cơ thể săn chắc, bụng to nhưng không hề ục ịch, họ chạy từ lúc nào tôi không biết, tôi cũng ko hay khi nào họ sẽ dừng, nhưng họ bền bỉ, có mặt rất thường xuyên, tôi đoan chắc họ uống bia cũng cừ không kém gì khi họ thể hiện ở đường chạy.
Một nhóm nhảy thể dục công viên bây giờ đang vẩy cổ tay và ưỡn hông về hai bên trái, phải. Động tác này kì cục đến mức tôi hình dung ra họ đang quăng mỡ vào mặt người đi đường. Tôi bật cười với suy nghĩ này nhưng cũng ngay lập tức cảm thấy sự khiếm nhã của mình khi nghĩ về những ngày đầu mới bước vào con đường tập luyện. Mọi sự nỗ lực đều cần được ghi nhận và khích lệ. Tuy vậy với nền nhạc dance xập xình một bài hát gốc Tàu rẻ tiền, tôi không khỏi phản ứng ngán ngẩm, cái chép miệng bất giác khiến tôi thoáng chút băn khoăn, như thế là mình có quá thiên về chủ nghĩa dân tộc không, hay mình đang sử dụng lý trí để đánh giá thế gian này??
Đoạn đường qua nhóm Pháp Luân Công đem lại trải nghiệm khá thú vị, khi tôi chạy đến thì họ đã đông người hơn, xếp thành ba hàng, chừa lại ở giữa là lối đi cho người qua lại, nhưng do không xếp được thẳng thớm nên tôi phải đánh võng lắc lư mới vượt qua được. Tiếng nhạc Tàu êm ái, không khiến tôi khó chịu như mới vừa đây, vài lần nổi máu nghịch, tôi vừa chạy chậm len lỏi giữa các học viên, vừa đưa tay bắt chước theo động tác khí công của họ. Không ai quan tâm đến tôi, không ai biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt.
Tôi giữ tốc độ ổn định, hình dung ra mình sẽ muốn nghỉ sau khi đạt được năm cây số hoặc bảy cây số, nghe có vẻ đẹp đẽ tròn trịa theo sở thích của nhiều người, trong đó có tôi. Trời se se lạnh, phố lên đèn đã lâu, mùi của bữa cơm gia đình phảng phất đâu đó, lẫn vào mùi của gió, của nước, của bầu không khí bụi bặm ô nhiễm. Lưng áo tôi đã ướt đẫm từ bao giờ.
Tôi gặp lại hai bác già nói chuyện chính trị khi lên bậc cấp tới đường dạo phía trên, các bác đang ngồi ghế đá. Bác khi nãy nói về cuộc chống tham nhũng của đảng, bây giờ vung tay, như cái tay ấy, thời đỉnh cao của nó là kinh khủng lắm, hô mưa gọi gió không ai dám làm gì, bây giờ về vườn rồi, cũng như anh em mình, con cái cho đi nước ngoài sống cả rồi, vợ chồng già ở đây buồn chết đi được. Bác còn lại lắc đầu, cái lũ chúng nó..
Tôi chậm lại khi bước lên bậc cấp, đây chính là những giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi tôi cho phép mình tận hưởng mỗi vòng chạy, kịp nghe hai bác nói loáng thoáng, tôi lại hít một hơi sâu rảo bước về phía trước.
Nhiều người cũng ngồi trên ghế đá như hai bác nói chuyện chính trị, họ nói đủ thứ chuyện trên đời, ở trên đường dạo tôi phải né tránh nhiều người hơn, tình cờ mà cũng nghe được nhiều chuyện lọt vào tai hơn. Một bác gái phàn nàn với mấy bà bạn về con dâu, một cặp tán tỉnh nhau đang ngồi cười rinh rích, một bạn nữ đang nói chuyện qua video với ai đó.. Tôi không có thói quen đeo tai nghe nhạc khi tập luyện, nhiều người thích chìm đắm vào thế giới riêng của họ, tận hưởng mọi thứ của riêng họ, tôi lại thích thú việc cảm nhận thế giới đang vận động ra sao quanh việc vận động của cơ thể mình, có lẽ đó là khi thể tính hoà cùng với thể lý trong vũ trụ nhận biết của cá nhân tôi. Thời gian trở thành một khoảnh khắc diệu gì duy nhất, không còn tồn tại bất kì dài ngắn nào, chỉ còn lúc trước và lúc sau, chỉ còn kí ức về cơn đau đeo bám những guồng chân, chỉ còn mục tiêu đang tuôn trào cùng dòng năng lượng được huy động để không ngã quỵ. Tôi đang chạy với tốc độ sáu phút lẻ năm giây. Tôi lại tiếp tục nhanh hơn.
Chồng em đi nhậu về muộn, mình cứ ngồi thêm một lát anh ạ. Trên đời có những âm điệu rất đặc biệt, giống như tiếng chuông điện thoại và tiếng điện thoại rung có bước sóng tạo nên cảm giác khó chịu cho tai người, làm người ta không thể lờ nó đi mà buộc phải có hành động can thiệp, có một thứ âm điệu đầy du dương của ái tình không lẫn đi đâu được. Tôi bất giác quay đầu nhìn, ngay lập tức ánh mắt của người đàn ông đang cầm tay người phụ nữ khiến tôi phải hối tiếc vì phản ứng của mình. Họ đang ngồi trong góc khuất, đường rộng mà tại sao tôi lại chạy sát phía rìa ngay lúc họ thủ thỉ với nhau. Nghĩ cũng éo le, có lẽ họ không phải người sống quanh đây, tôi tự hỏi đây có phải nơi hẹn hò hai người họ thường hay lui tới. Kinh nghiệm yêu đương chợt ùa về làm hai bàn tay tôi nóng bừng lên. Tôi giữ mình chạy nhanh, không ngoái lại tôi cũng biết họ sắp di chuyển, có thể là ra một ghế đá khác, có thể lắm. Viễn cảnh sẽ lại vô tình bắt gặp họ hú hí với nhau trên ghế đá công viên chỉ sau vài phút nữa thôi khiến tôi chỉ muốn quay lại mà đuổi phắt họ đi nơi khác cho rồi.
Trời đã nhá nhem tối, ánh đèn trong công viên chỉ còn đủ giúp người ta tránh không đâm vào nhau, hội cờ tướng trở nên nổi bật hơn hẳn, tôi dễ dàng nhận ra họ từ xa nhờ ánh đèn flash từ ba, bốn chiếc điện thoại đang bật sáng, soi cho cho cuộc đấu trí vẫn chưa đến hồi kết. Một trong hai đối thủ là ông cụ tôi thường gặp ở quán nước trước cổng công viên. Ông độ ngoài tám mươi, đi lại nhanh nhẹn, chuyện trò rất minh mẫn, đặc biệt đam mê cờ tướng, ông đi đâu cũng có đeo cái túi lủng lẳng bên hông, trong đựng bộ quân cờ, bàn cờ tướng ông đeo sau lưng nom y như ông cụ rùa trông truyện. Tôi hỏi sao ông không dùng bàn cờ giấy gập lại cho gọn mà tiện mang đi hả ông, ông bảo mày không biết đánh cờ đúng không, tôi cười vâng cháu kém cái món ấy lắm ông ạ, ông bảo đấy ông biết ngay, mày không đánh cờ nên không hiểu cái thú của bàn cờ gỗ đâu. Khi chạy tới gần, tôi nghe ông đang nện quân cờ xuống mặt bàn, tiếng chan chát vang lên đầy phấn khích, tưởng như ăn tươi nuốt sống đối thủ đến nơi, đã vậy ông còn đệm thêm sau cú nện tiếng hô, quỷ dữ này, quỷ dữ này. Mấy ông đàn ông đứng xung quanh cười ồ lên, tiếng cười sảng khoái tan trong không gian, chỉ tội cho đối thủ của ông cụ là một chú tóc muối tiêu, trông chú rất căng thẳng, ánh đèn flash xanh xao làm hình ảnh chú nhíu mày trở nên yếu ớt đến lạ. Tôi chạy vọt qua hội cờ, tốc độ năm phút năm mươi bảy giây một cây số. Lúc này tôi đang bắt đầu vòng thứ bảy, vừa quay đầu trở lại vòng chạy ngược chiều kim đồng hồ.
Hội chọi gà đã giải tán, lũ gà không thể chiến đấu trong điều kiện tối trời. Còn lại sới gà vẫn nằm đó, như chưa từng có cuộc đụng độ nào xảy ra, mọi thứ đã được dọn dẹp sạch sẽ. Mọi người đi qua, không một ai dừng lại.
Tôi bắt đầu khát, việc hô hấp bằng cả mũi và miệng trong trạng thái chuyển động khiến cổ họng tôi khô khốc. Thật tốt là thời bây giờ loại túi đeo cho người chạy bộ có thể mang bình nước nhỏ theo được bán đầy rẫy, không phải lúc nào người ta cũng cảm nhận được sự tuyệt diệu của nước uống, đặc biệt lại là nước điện giải vào đúng thời khắc quan trọng của việc chạy. Tôi thấy tỉnh táo hơn hẳn, gió lạnh buổi chiều tối mùa đông có đôi chút cản trở, nhưng khiến tôi thấy mát mẻ hơn hẳn những ngày hè oi ả. Thật tiếc vì khác với nhiều người, tôi không gạt được khỏi đầu mình việc thành phố này ô nhiễm đến mức độ nào, lời khen cho thời tiết thật quá ấu trĩ, nó chỉ thể hiện việc người ta thiếu cập nhật tin tức và tự đánh lừa bản thân đến mức độ nào.
Đúng như dự đoán, dù đã tiếp nước, trí não tôi vẫn bắt đầu tìm cớ để dừng lại. Thôi nào, đủ rồi, hôm nay đâu phải một buổi chạy dài hơn thường lệ, mình hoàn toàn có thể dừng ở con số bảy, chân đang đau rồi này, lại còn không khí ô nhiễm nữa, một buổi chạy ngoài trời đâu nhất thiết lúc nào cũng phải kéo dài, ngày mai, ngày kia vẫn có thể tiếp tục mà.
Tôi hít một hơi sâu, thở ra từ từ, cố gắng điều tiết sự vận hành của bộ máy sinh học phức tạp mà chỉ khi chơi thể thao tôi mới nhận ra nó khó điều khiển hơn tôi từng hình dung rất nhiều. Chỉ còn nửa vòng nữa là tôi sẽ chạm ngưỡng bảy cây số. Tôi cố gắng guồng đều hai chân. Hội nhảy thể dục công viên mới vừa kết thúc, họ đang chào nhau ra về, cô giáo thu dọn bộ loa, một lúc nào đó khi có dịp, tôi nhất định sẽ tới góp ý về cách chọn nhạc nền cho cô giáo này, nếu tôi biết mà không nói ra sự thật, lỗi là ở tôi chứ đâu phải ở ai khác. Tôi nhủ thầm, lần thứ bao nhiêu tôi không nhớ nữa trong các buổi tập chạy của mình, tôi nhủ thầm.
Cơn gió cuộn lên, cuốn chút lá khô ít ỏi xuống mặt nước. Công viên thường ngày vẫn có người quét dọn vệ sinh, tôi đồ rằng như vậy, tôi chưa từng gặp họ, họ cũng chưa từng muốn gặp tôi, họ xuất hiện vào những thời điểm mà tôi dù có canh chừng đến mấy, rốt cuộc đều bị bầu trời, hàng cây, mặt nước, và những cô thiếu nữ có cặp mông tròn như áng mây làm lơ đễnh. Dần dần, tôi từ bỏ việc ngó nghiêng tìm người lao công, tôi không chủ đích nhìn, khéo lại dễ gặp họ hơn, vào một lúc tình cờ nào đó. Trái ngược với người lao công là những chàng trai đi câu cá. Từ lúc người ta kết thúc việc thi công kè lại bờ hồ cách đây mười mấy năm, chưa một lần nào tôi dẫu cho chỉ đi ngang qua thôi, mà không chứng kiến sự hiện diện của họ. Những chàng trai đi câu cá, họ cứ ngồi đó, lặng lẽ chờ đợi, họ phát ra rất ít tiếng động, chỉ rủ rỉ trò chuyện nếu ở cạnh nhau, và im lìm như pho tượng khi chỉ có một mình. Những chàng trai đi câu cá có người là thanh niên, có người trung tuổi, có người tóc điểm bạc. Họ đều kiên nhẫn, bình thản và lúc nào cũng khiến tôi có cảm giác họ đang nghĩ ngợi ghê lắm, chẳng biết có phải vậy không. Hồ này có hợp tác xã khai thác cá, nhưng người ta cứ để kệ cho dân tình câu. Cái lệ trên đời, cứ đâu có nước là sẽ có cá, tự nhiên sinh ra, tự nhiên ban tặng, cớ gì mà cấm cản nhau chỉ vài cái giật cần đổi lấy niềm vui bé nhỏ. Những chàng trai câu cá câu hôm nhiều hôm ít, chắc cũng tuỳ thuộc vào tâm trạng đám cá vởn vơ dưới hồ. Họ câu, nhưng ít khi ăn cá. Hoặc họ thả, kèm theo nụ cười thong dong, hoặc họ bán ngay cho những bà buôn đem ra chợ bán với giá rẻ rề, nhanh gọn hơn nữa có lúc các bà buôn mổ ngay tại đường kè, rồi bán lại cho các bà nội trợ đi bộ tập thể dục. Một lần tôi chứng kiến người ta mổ bụng cá, trào ra bộ lòng mề đen xì, thứ nước đen xì trong bụng cá làm mọi người nhăn mặt, thất kinh. Về sau không ai mổ cá tại chỗ nữa, làm thế người ta biết cá bẩn do nước hồ bẩn, không đẹp đẽ thơ mộng như vẻ ngoài vẫn thường đánh lừa kẻ ngây thơ. Sau lần ấy, tôi thường chú ý xem những chàng trai câu cá làm gì với sản phẩm đánh bắt của họ.
Nghĩ đến đây, tôi nhảy tránh xô cá của một chàng trai câu cá, sát mép trong đường kè hồ, vài người trong nhóm bọn họ trải chiếu, bày ra mấy thứ mồi nhắm gọn nhẹ, rót rượu cười cười nói nói với nhau. Tôi trố mắt ngạc nhiên, không ngờ những chàng trai câu cá cũng có lúc phát ra âm thanh cường độ lớn đến thế, cảm giác như họ vừa giáng một cái tát vào hình ảnh của chính họ trong lòng tôi. Tôi phì cười, cuộc sống thật muôn màu. Tốc độ sáu phút lẻ bảy giây một cây số, vòng thứ tám.
Phải mất vài giây nhìn ngó quanh quất, tôi mới tìm ra em Điên. Em đang ngồi cạnh một ông chú, dáng điệu ân cần khiến tôi đoan chắc đó là bố em Điên, người có lẽ vẫn luôn có mặt quanh đây. Bố em người gầy guộc, mặc bộ quần áo tối màu, tóc loà xoà trong gió lạnh buổi tối mùa đông. Em Điên thì cao lớn, ai nhìn cũng sẽ nghĩ em to gấp rưỡi bố em, em mặc áo trắng, vẫn vẩn vơ hát, bố em xoa đầu em, chẳng nói gì. Hai cha con người thanh niên và chú bé đạp xe vừa hay cũng đang tiến tới bậc cấp, chú bé đi bộ, nắm tay cha líu lo kể chuyện gì đó, người bố vác chiếc xe đạp tí hon trên vai, vẫn ít nói, anh kiên nhẫn lắng nghe con mình với vẻ trìu mến không dấu diếm. Hai cha con của thế hệ sau đi qua hai cha con của thế hệ trước. Em Điên và bố em lặng lẽ không nhúc nhích. Tôi nhìn hai cha con họ, những hình ảnh trái ngược nhau hiện lên trong hình dung của tôi một lúc rất lâu sau đó. Ánh mắt ngô nghê của cậu trai có trí tuệ kém hơn người bình thường, ánh mắt chia nửa buồn vui của người đàn ông từng trải thương con. Hai cha con họ ngồi đó, dưới ánh điện xanh xao, dưới tán lá tối tăm, dưới sự thương cảm của những người quen mặt lại qua, dưới tiếng ồn ào đường phố, dưới nỗi niềm nào gắn kết họ suốt cả cuộc đời..
Tôi không biết.
Tôi tiếp tục chạy, ngạc nhiên thấy hai bác nói chuyện chính trị đang đi bộ ngược chiều mình. Tôi không nghe rõ hai bác đang nói tới vấn nạn nào, chỉ thấy họ gật gù với nhau, tay đưa ra chém vào không khí. Tôi tự hỏi, bây giờ hai bác say sưa như vậy, khi về nhà, con cái mà có đề cập chuyện thời sự, không biết hai bác có trao đổi nhiệt tình như thế không, hay sẽ dùng quyền của một người lớn tuổi để át đi quyền được có chính kiến của con trẻ như nhiều người ở độ tuổi các bác. Đừng có vớ vẩn, đừng có dại, đừng có học đòi theo chúng nó. Đừng.
Tôi không biết.
Ghế đá còn lại hai người, họ soi đèn cho nhau đánh cờ, hay có lẽ họ đang soi đèn cho sân khấu của riêng họ. Ông cụ tôi quen chắc đã về, bữa cơm của bà vợ già và mấy đứa con, mấy đứa cháu đang đợi ông, tôi hi vọng như vậy. Nhìn dáng điệu còng lưng khoanh chân, im lìm nhìn vào bàn cờ của hai người đàn ông cuối cùng, bất giác tôi nhận thấy điện thoại của họ không hề rung, màn hình không vụt sáng. Họ có đang chờ đợi điều gì không, có điều gì đang chờ đợi họ không. Hay chỉ có họ đang chờ đợi nhau, chờ đợi cho ván cờ kéo dài mãi ra, trong nỗi hoang mang lo chỉ cần mình sơ sảy, đối thủ sẽ kết thúc cuộc chơi. Sau đó, họ sẽ làm gì?
Tôi không biết.
Những khuôn mặt thoáng qua tôi trong từng vòng hồ, họ có nghĩ chút gì về tôi như khi tôi nghĩ về họ hay chăng? Họ thấy tôi, tôi chắc chắn điều đó, từng lọn tóc phất phơ, từng giọt mồ hôi lăn dài, từng khoảng không tôi chiếm hữu đã lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại đến tẻ nhạt, lẽ nào lại không thể nhận ra nhau?
Tôi không biết.
Tôi bung sức cho quãng chạy cuối cùng. Cơ bắp tôi đang căng ra, sức mạnh toàn thân tôi đang được huy động, tôi cất tiếng gọi nguồn sinh lực tươi trẻ bừng nở thêm một lần trong đời. Tôi cố giữ tập trung điều khiển từng chuyển động. Không đạp chân về phía sau, nhấc đùi lên nào, hông mở ra, tiếp đất thật chuẩn, đừng gồng vai nữa, tay cử động nhịp nhàng lên, thở sâu vào ba nhịp hít hai nhịp thở, chú ý nghiêng người về phía trước, đừng nghĩ gì nữa, đừng quan sát gì nữa. Nhanh nữa lên nào. Làm được không? Làm được không??
Tôi không biết.
Tôi lao đi, tận hưởng niềm hạnh phúc được chạy. Tôi quên đi không khí đang ô nhiễm tệ hại ra sao, tôi quên đi những cuộc tranh đấu cho tự do đang diễn ra như ánh sáng chiếu rọi niềm hi vọng về tương lai, tôi quên đi những màn đấu đá thanh trừng chỉ xuất hiện trên luồng tin không chính thức ở xứ sở này, tôi quên đi những nhọc nhằn phải nếm trải qua mỗi ngày còn sống, tôi quên đi những nhân sinh nhỏ nhoi đang vận động trong vòng xoáy khổng lồ cuốn chúng ta đi không có điểm dừng, tôi quên đi mọi câu chuyện mà tôi nghĩ ra, tôi quên đi những điều khiến tôi buồn bã, cay đắng, hân hoan, tôi quên đi sự cô độc ngọt ngào mà từng bước chạy thầm lặng đem lại. Tôi có quên mất điều gì nữa không..?
Tôi không biết.
chukim
hà nội, 171212
———-
ChuKim
ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.
– natchukim.cogaihu@gmail.com –
PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.
Cam giac nhu minh dang chay cung Chukim. Vo tinh doc dc blog cua ban qua Facebook cua 1 nguoi ban. Minh doc gan het cac bai trong blog nay khi o nuoc ngoai. Chuc Chukim suc khoe va co duoc niem vui trong moi viec minh lam.
LikeLiked by 1 person
Cảm ơn bạn đã dành thời gian và sự quan tâm, hi vọng mình có thể duy trì được tình cảm này. Trân trọng.
LikeLike
Tết về nếu gặp anh ở Hồ Thành Công thì em xin phép chạy cùng anh vài vòng : )
LikeLiked by 1 person
Cảm ơn em. Nếu như anh kịp bình phục chấn thương thì rất vui nếu có thể tập cùng em :)
LikeLike
“Tôi không biết, …Những khuôn mặt thoáng qua tôi trong từng vòng hồ, họ có nghĩ chút gì về tôi như khi tôi nghĩ về họ hay chăng?….Họ thấy tôi, tôi chắc chắn điều đó…lẽ nào lại không thể nhận ra nhau?”
Follow blog của Chú Kim đã lâu, Tình cờ đọc được tản văn của Chú Kim về ”những vòng hồ”.
Tôi đã từng thấy Chú Kim, từng thấy qua rất nhiều lần. Lần đầu biết Chú Kim là qua một bài báo về hành động dũng cảm nhưng cũng hơi “ngầu” để bảo vệ môi trường. Lần thứ 2, biết tới Chú Kim qua một lần bạn bè nhờ đạo CV( Cirriculum Vitae) cho nó theo đúng nội dung ý tưởng CV của Chú Kim để được chất và “ngầu” như Chú Kim. Chính nhờ việc này mà mình cũng đạo theo để được hưởng sái (rất cám ơn Chú Kim).Ra trường lơ ngơ nhưng cầm CV đi xin việc thì tự tin hẳn vì không ngờ CV của mình cũng được người ta đánh giá là được, nếu không muốn nói là chất. Lần 3, bình thường chỉ tập tành ở fitness room, nhưng thế nào lại trôi dạt ra công viên gần nhà để chạy bộ – chạy quanh những vòng hồ, quanh đường kè hồ gần mặt nước, lọt mình giữa vùng trũng thấp. Nơi hàng cây trở nên cao lớn hơn, che lấp đi phần nào những toà cao ốc lấp ló phía sau… Chạy được một quãng bắt đầu thấy mệt, dừng lại đưa mắt đảo thật nhanh quanh hồ, để xem hồ này có gì mà thầy u quảng cáo với mình là ra tập tành vui lắm. Tự dưng thấy một gã thanh niên với những lọn tóc phất phơ trong gió, bộ râu của gã cũng được nuôi dài để theo trend tóc. Trông gã rất lập dị, ai nhìn cũng đoán là nghệ sĩ. Ồ nhưng không! Nghệ sĩ thì phải nhỏ nhắn, nét người phải thanh tao. Nhưng gã thanh niên đó trái ngược lại, hắn có đôi vai u thịt bắp của những gã thanh niên xăm trổ đòi nợ thuê. Phần thân và phần đầu hoàn toàn đối nghịch.Tất cả những nét đó xây dựng nên một hình tượng “người nghề sí cục súc thô bạo” :). Tôi bắt đầu tò mò, tiến lại gần thì thấy, oimeoi!!! Thần tượng Chú Kim ngoài đời này. Chú Kim is real…. Chú Kim so “ngầu” đúng chất thần tượng tôi vẫn nghĩ. Khi chú viết văn, viết truyện cung “ngầu” thật mà. Khi chạy, Chú Kim mặc bồ đồ thể thao thường là “black is simple” và tối màu chắc để dễ ẩn mình quan sát thiên hạ. Để ý và quan sát chạy theo nhưng chú chạy nhanh quá, mà lại cứ hồng hộc chạy ko biết mệt nữa, cứ như kiểu sợ thiên hạ chạy hết phần đường vậy. Thỉnh thoảng, chú Kim lại nhấn vào thiết bị đo tốc độ, rồi lại chạy tiếp. Tôi đoán chắc Chú đang tập luyện để đi thi giải chạy gì đó. Mấy lần tôi định chạy lại để cám ơn chú vì đã làm cái CV chất như vậy để tôi có ý tưởng đạo. Nhưng thôi nghĩ kệ đi vậy… vì đời vốn vậy mà… phiền người phiền ta… mà thực chất là đều ko chạy theo kịp.
Mà rốt cuộc sau khi đọc xong mẩu truyện ngắn về những vòng hồ của Chú Kim. Tôi lại thấy mình phải khám phá thêm những cuộc sống xung quanh “những vòng hồ” vào giờ tan tầm đó. Mặc dù tôi đã chạy rất nhiều lần và đi bộ ngắm nghía xung quanh ko dưới trăm lần, nhưng những cảm nhận của tôi đúng là ko được sâu sắc như Chú Kim. Chú Kim chạy bộ rất nhanh và làm cho con người ta như có cảm nhận Chú chỉ chăm chăm chạy bộ để tập luyện. Đối lập như vẻ bề ngoài của Chú, tâm hồn và những cảm nhận sâu sắc về con người xung quanh được Chú cảm rất chân thực, sống động.
LikeLiked by 2 people
Ồ, CV của mình phiêu bạt giữa đời thật sao? Cũng may vì nó hữu ích theo một cách nào đó 😆😆😆. Cảm ơn bạn nhé, cắm mặt cố chạy cho nhanh xong bị chấn thương nên lúc viết truyện này là đang nằm nhà tĩnh dưỡng đấy chứ 😭😭😭.
LikeLiked by 1 person
Ôi, như slowmotion vậy
LikeLiked by 1 person