Hai mươi năm trước, có những ngày hè trời nắng chang chang, mình trốn ngủ trưa, trốn ông ngoại, ra ngoài ngõ đá bóng một mình. Bọn bạn đi học hoặc bị nhốt trong nhà, không đứa nào được ra chơi cùng mình, mình cũng không thập thò rủ rê, cứ như thế lặng lẽ chơi, bên tai chỉ nghe tiếng bịch bịch bóng đập vào tường nảy lại cùng tiếng thở dồn dập của bản thân.
Hai mươi năm trôi qua, câu chuyện về những ngày ham mê chơi bóng chỉ còn lại như vậy, cùng đôi lần bị hàng xóm đuổi vì gây ồn ào phá giấc nghỉ của người ta, hình dáng đứa trẻ gầy nhom đeo kính cận, tóc tai ướt đẫm mồ hôi, người ngợm mặt mũi đỏ phừng phừng lầm lũi vần quả bóng về nhà mãi mãi trở thành ký ức cuối cùng với trái bóng. Chẳng hiểu vì điều gì, mình ngãng dần ra, thoáng chốc mà hai mươi năm vụt qua như bóng câu bên cửa sổ, ngày hôm nay, kí ức ấy sống dậy khi tim đập thình thịch trong lồng ngực đến hơn một trăm nhịp một phút.
Hôm nay, xem U23 Việt Nam đá chung kết với U23 Ô Tư Biệt Khắc Tư Thản.
Sau trận tứ kết ngồi xem một mình hồi hộp tưởng chết, mình tổ chức xem ở nhà trận bán kết và chung kết. Rủ anh em ở văn phòng và mấy đứa em ham bóng bánh đến ngồi chật nhà, hò hét bình luận rất vui. Hai trận trước, mấy ông em U23 đều đá hết hiệp phụ rồi vào luân lưu cân não, người hâm mộ đi từ cú thót tim này đến cú thót tim khác, đặc biệt là trận bán kết với U23 Ca Tháp Nhĩ . Vào được đến tận trận chung kết giải châu lục đâu phải chuyện đùa, dân tình vỡ oà trong sung sướng.
Họ đổ ra đường, họ hò reo, họ hô vang ‘Việt Nam vô địch’.
Mình đi trong đêm, nhìn đám đông đang tràn ngập niềm hạnh phúc thuần khiết thực sự. Việt Nam vô địch ư? Việt Nam vô địch thật sao?
(Lại là) Ký ức của mười năm trước chợt ùa về.
Những ngày cuối tháng mười hai, khi ấy mình đang là thằng sinh viên năm ba trường kiến trúc. Buổi tối trước ngày nộp đồ án, tuyển Việt Nam đá chung kết lượt về với tuyển Thái Lan ở sân Mỹ Đình. Đmẹ thứ não trạng bần hàn ngớ ngẩn của đám tổ chức thể thao ao làng Đông Nam Á nghĩ ra thứ chung kết lượt đi lượt về. Cả khu vực có lèo tèo vài đội mà để vô địch được thì phải đá số trận ngang với thế giới người ta đá Worldcup. Trận chung kết (đm) lượt đi đá ở đất Thái, thế nào mà vòng bảng thua tan tác hai quả không gỡ, Việt Nam lại ăn được 2-1. Đến trận chung kết (đm) lượt về, mình đang lụt tung đít, cắm mặt vào máy tính vẽ bài suốt mấy ngày trời, bên ngoài phòng ăn, bố mẹ ngồi xem cứ tí lại xuýt xoa trầm trồ, mình ngồi trong phòng vừa bố cục bản vẽ vừa nhấp nhổm không yên. Được nửa hiệp một thì nghe bình luận viên lặng đi, biết ngay bọn Thái ghi bàn, lẽ ra lợi thế thuộc về đội bạn nếu tính bàn thắng sân khách sân nhà, nhưng đmẹ bọn Đông Nam Á ngu xuẩn đã bỏ luật bàn thắng sân khách sân nhà, vốn là yếu tố hấp dẫn nhất của việc đá lượt đi lượt về (dù đá lượt đi lượt về cho chung kết đã là quá ngu). Mình chạy ra xem bàn thắng quay chậm, rồi lại chạy vào cắm cúi căn căn chỉnh chỉnh.
Gần cuối trận cũng là lúc mình đã hòm hòm bài vở, yên tâm xách mông ra ngồi xem. Vừa được dăm phút thì thanh niên Công Vinh tự CV9 (đọc là Xê Vê 9) nhảy lên đánh đầu ngược ghi bàn thắng quyết định. Việt Nam vô địch thật rồi, câu khẩu hiệu đầy ám ảnh mà người dân hô hò tự thủ dâm suốt đằng đẵng bao nhiêu năm trời, cuối cùng cũng thành sự thật.
Mình chộp điện thoại, gọi ngay thằng Tiến Anh bạn mình, rủ nó đi in bài, không khí đang sôi động quá, đi không?
Dòng người hồi ấy không đông như bây giờ, họ tiến từ Mỹ Đình về trung tâm thành phố, họ tản ra khắp nơi. Hai thằng bọn mình đi trên đường, đập tay đập chân chan chát với các thanh niên đứng hò reo vẫy cờ phần phật. Mình ra đến hàng in, thủng thẳng căn căn chỉnh chỉnh thêm một lúc chán chê, mấy thằng thợ in sốt ruột muốn đi chơi lắm rồi nhưng vẫn phải ngồi chờ mình, hihi.
Năm ấy hai mươi tuổi, nhắn tin cho cô gái mình phải lòng, kể chuyện linh tinh, lúc sau người ta đánh rơi mất điện thoại trên đường đi xem ăn mừng. Chẳng biết có phải tại mình không.
Mười năm sau, bóng đá Việt Nam đưa người Việt Nam đi từ nỗi buồn này tới nỗi thất vọng nọ. Phải rồi, bóng đá như một thứ ảo tưởng phù phiếm làm người ta tạm quên đi tất cả. Niềm vui và cả nỗi buồn như một phần của cuộc chơi. Rồi bất thình lình, lọt vào chung kết giải U23 châu Á.
Có nhiều lúc mình nghĩ, kinh tế kém thì thể thao giỏi làm sao được. Quả thực vậy. Thể thao là ý chí, là rèn luyện, là khoa học, là tổ chức, là tầm nhìn. Thời đại bây giờ, ganh đua nhau về kinh tế, về sức mạnh quân sự, về văn hoá, về thể thao. Nói tới đâu, thấy đất nước mình thua kém thiên hạ tới đó. Mặc cảm nhược tiểu sâu thẳm trong tiềm thức mỗi người dân xứ sở này làm họ luôn mong ngóng, luôn chờ đợi, luôn thèm khát được ghi nhận, đươc là một điều gì đó, được thiên hạ nể trọng kiêng dè. Nói chuyện kinh tế thì khó hiểu quá, nói chuyện quân sự thì xa vời quá, nói chuyện văn hoá thì không có đủ trình độ, người dân chỉ còn biết trông vào thể thao, mà cụ thể là bóng đá, môn thể thao người ta cuồng nhiệt say mê.
Phải rồi, có thể hi vọng lắm chứ, chẳng phải Hy Lạp vô địch châu Âu khi tình hình kinh tế bi đát đấy sao, vô địch đầy bất ngờ rồi sau đó đất nước vỡ nợ. Tây Ban Nha nợ nần be bét ở châu Âu nhưng có chiến lược phát triển thể thao tạo ra thế hệ huy hoàng 1984-1988 thống trị bóng đá thế giới suốt bao nhiêu năm đến phát chán, vô địch cả đua xe đạp với quần vợt nữa thì đúng là không thể không khâm phục. Bồ Đào Nha chả khá khẩm hơn là bao, làng nhàng rồi vô địch châu Âu.
Người dân Việt Nam có gì? Đừng vội nói chuyện nợ công treo lơ lửng trên đầu, đừng vội nói chuyện không có tự do ngôn luận, đừng vội nói chuyện tham nhũng, cũng đừng vội nói chuyện áp bức bất công, đời sống xuống cấp, đạo đức suy đồi, đất nước tàn mạt. Đừng vội nói. Đa số đám đông không hiểu, không muốn nghe, họ lảng tránh, họ mệt nhoài với vòng mưu sinh vất vả mà không hiểu tại sao số kiếp mình phải nhọc nhằn đến vậy. Nếu như ai đã từng tiếp xúc với những người lao động chân tay thì mới hiểu, đã có quá nhiều lúc chúng ta dùng suy nghĩ của những người được học hành, được khai sáng để đánh giá một xã hội với đại bộ phận, tiếc thay, vô học.
Mình đi trong đêm, sau trận bán kết, có lúc giật mình khi thấy một chiếc công nông nhả khói mù mịt, nổ uỳnh uỳnh phi như điên giữa đường, bên trên là sáu, bảy thanh niên ngả ngớn hò hét, vẫy cờ vù vù. Quá nguy hiểm, mình buột mồm, nép vội vào hè phố.
Mình nhìn những người thanh niên đang tràn trề niềm hạnh phúc thắng trận, họ hân hoan, họ sung sướng, họ đang tận hưởng niềm vui lọt vào chung kết giải khu vực. Dẫu cho đó chỉ là giải dành cho lứa tuổi sinh viên.
Phần lớn không đội mũ bảo hiểm, chở nhau kẹp ba, nẹt ga, manh động và hung hăng.
Người ta kể những câu chuyện vui về việc xảy ra va chạm, ngày thường chắc nhảy bổ vào ăn thua đủ, những đêm thắng trận này chỉ cần đọc thần chú ‘Việt Nam vô địch’ là tay bắt mặt mừng, tất cả đều là anh em một nhà. Nghĩ cũng vui, trong lòng một đất nước mà sự đồng điệu lớn nhất lại nằm ở việc thân ai nấy lo, mạnh ai nấy sống, lại có một lúc mà người ta chậm lại, nhìn vào mắt nhau với nụ cười chan chứa, dẫu cho niềm vui ấy, rồi ngày mai, rồi ngày kia, rồi sẽ qua đi.
Mình nhìn những thanh niên máu lửa nhất trên đường, mình nhận ra, đó là những em thợ nề, đó là những em thợ sắt, đó là những em phục vụ quán ăn bình dân, đó là những em làm nghề thu họ, đó là những em mà cuộc sống là những ngày không có chữ nghĩa, không có người bảo ban đầy đủ. Đọc đến đây, có thể sẽ có suy nghĩ cho rằng mình đánh đồng, mình khinh người. Ừ, thì cũng có thể mình đánh đồng, mình khinh người. Nhưng biết sao được, thế giới quan của mình đâu thể bao trùm lên vạn vật. Mình đã chứng kiến, những em sinh viên, những người có ăn học, cách họ ăn mừng, dù sao, cũng được sức nặng của chữ nghĩa kéo lại, mềm mại và chừng mực hơn.
Niềm vui cần được tỏ bày, điều ấy hoàn toàn chính đáng. Ở đâu mà người ta chẳng ăn mừng khi thắng trận, ở đâu mà người ta chẳng hân hoan khi những người đại diện cho họ đem đến niềm tự hào.
Thanh niên nước mình, chúng nó thiếu sân chơi, thiếu những hoạt động lành mạnh để giải toả năng lượng, không chỉ là năng lượng vật lý, mà còn cả năng lượng tinh thần. Chúng cần đổ ra đường, hả hê như vậy, đời người biết được mấy phen.
Mình thích bóng đá. Dăm ba ngày không nói chuyện bóng đá với các anh em là ăn không ngon ngủ không yên.
Hôm nay mười mấy anh em bạn bè kéo sang nhà mình, khí thế cao vút.
Bên Tàu tuyết rơi to, sân ngập trắng. Trước trận có thông tin hoãn, rồi cuối cùng trấn đấu vẫn được tổ chức. Bật màn hình tivi, ngay lập tức có cơn bão chửi to như bão tuyết, rằng ban tổ chức chơi khăm Việt Nam, bắt Việt Nam đá trời lạnh, Ô Tư Biệt Khắc Tư Thản bọn nó quen thời tiết này rồi, bọn nó lại còn mặc áo trắng, nhìn như tàng hình trên sân, chơi khăm rồi chơi khăm rồi.
Mình cười cái hậc, xem hết hiệp một thì bảo, đừng có ngoạc mồm ra nói ban tổ chức chơi khăm Việt Nam nữa. Các bạn chả hiểu cái mẹ gì cả, bão tuyết cả tuần còn dài, chả lẽ hoãn cả tuần chờ cho khô ráo, chi phí đội lên ai chịu? Đây không phải giải vô địch quốc gia đá cả năm trời mà đá bù sau vào lúc khác. Người ta cũng đã trải bạt rồi, trên mạng đầy hình ảnh, nhưng tuyết rơi thế thì chỉ một lúc là kín sân. Đừng nói chuyện mái che vì như thế bạn càng chả hiểu con mẹ gì. Xem bóng đá, cổ vũ, nhưng mà cần tỉnh táo kẻo bị auto-ngu. Thưởng thức trận đấu thể thao, trong đó có điều kiện thời tiết là chuyện bình thường. Thế thôi, giờ thì nghỉ tí đi rồi hiệp hai còn hò hét.
Người đồng ý người không, mình chả quan tâm.
Y như rằng, vào hiệp hai thì mấy chú Ô Tư Biệt thay áo màu xanh. Chả hiểu có phải nó nghĩ thương đội mình nên nó thay áo hay không nữa.
Trận này như những trận trước, U23 nước mình chơi rất kiên cường. Mình ngồi xem, hồi hộp tưởng chết, tim đập binh binh, im thít không ho he nổi câu nào. Mấy ông em đã vượt qua được nhược điểm chí mạng là tâm lý mà các thế hệ đi trước luôn mắc phải hết lần này tới lần khác. Ông em Quang Hải thể hiện phẩm chất ngôi sao, nó đá quá hay làm nức lòng đồng bào. Tuy chỉ còn cách loạt luân lưu một phút thì bị thằng cầu thủ da trắng tóc vàng ghi bàn bởi cú chạm bóng đầu tiên sau khi vào sân, nhưng phải công nhận toàn đội U23 năm nay đã thi đấu rất xuất sắc, các em đã ở rất gần với ngưỡng cửa thiên đường. Nỗi buồn bỗng ập tới, cả đất nước trầm xuống.
Nói vậy lại nhớ, đại hội ao làng Đông Nam Á mới cách đây mấy tháng, cũng chính mấy con người này đá như cặc, thất bại ê chề, vậy mà nay lại tràn trề cảm hứng như vậy. Vấn đề chính là ở đội ngũ huấn luyện.
Huấn luyện viên Hữu Thắng không đủ trình độ dẫn dắt, thay bằng ông huấn luyện viên Phác Hằng Căng quê Hàn Quốc, chỉ sau bốn tháng mà cả đội khác hẳn, dân tình xem mà ngỡ ngàng. Cảm giác như xem đội bóng xịn nào chứ không phải cái đội mới trước đây còn bị ăn chửi té tát, thiếu điều muốn bỏ xứ mà đi.
Qua đó có thể thấy đó chính là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy người đứng đầu quan trọng như thế nào. Công tác tổ chức, hoạch định, lên chiến lược mà thực hiện tốt, việc cụ thể hoá thành thực tế sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Vậy mà đến giờ nhiều ông bà được học hành cũng bằng cấp lắm vẫn tin sái cổ vào việc dân mình ngu nên chính quyền mình như cặc. Thua. Tặc lưỡi nghĩ, nếu mà lãnh đạo nước mình cũng thuê được người nước ngoài có năng lực vào làm thì chắc hay lắm, bật cười. Rồi lại buồn, nhân tài nước Nam đâu cả rồi, chẳng lẽ lại không có nổi nhân tài hay sao? Có cái lẽ nào..
Nhân tiện, ai có thời gian thì đọc bài viết này, khá hay.
Trở lại chuyện bóng bánh, buổi sáng nay giống với buổi sáng trước trận chung kết, có việc gì mọi người đều cố gắng hoàn thành cho sớm, cho xong. Buổi chiều tất cả xếp bút nghiên, khoan cày, không ai làm gì nữa, nghỉ hết. Trước trận, đi đường thấy không khí sôi sục, mọi người đều vội vã phi đến chỗ hẹn, chuẩn bị ngồi trước màn hình đã chờ sẵn. Đây thực sự là một cơn sốt bóng đá. Thật tiếc cho những người sống có đôi phần khắc nghiệt hơi quá, họ không thích tận hưởng niềm vui thể thao chung, chẳng sao, họ cũng không thích khi người khác thưởng thức, không thích khi người khác ăn mừng. Họ nói, bóng đá là chiêu trò mị dân, dân đớn hèn ngu xuẩn không quan tâm tới hiện tình đất nước, chỉ mải mê những trò chốc lát, xứng đáng phận nhược tiểu.
Những người ấy không sai. Nhưng họ lại mắc phải một điều, ấy là họ lại dùng suy nghĩ của kẻ có nhận thức, để đánh giá, phán xét về kẻ không có nhận thức như họ. Những trí thức Việt Nam trong thế kỉ trước, chẳng phải đã mắc cùng sai lầm ấy khi nhìn nhận về những người cộng sản, những người thuộc tầng lớp lao động thấp kém trong xã hội đó sao..?
Hãy trở nên hay ho đi, hãy trở nên cuốn hút đi. Tin rằng một ngày nào đó, sự hay ho cuốn hút ấy, sẽ đem tới kết quả không ngờ.
Giống như cách mà mấy thằng em tuổi sinh viên đã thi đấu suốt giải này. Chúng nó trong một khoảnh khắc, đã làm hàng triệu người cùng nhìn về một hướng. Hướng ấy đúng hay sai, đừng nói ở đây, hãy nhớ là chúng nó đã làm được điều khiến hàng triệu người cùng nhìn về một hướng.
Không còn quan trọng chuyện thắng thua, không ai còn quá bận lòng. Các em thua, nhưng ý chí của các em dành được tình yêu của biết bao con người. Và điều ấy thì chẳng có gì là sai cả.
Thể thao là ý chí, cuộc sống là ý chí, ít nhất, ngày hôm nay các em đã truyền đi niềm cảm hứng để ngày mai người ta có thể kiên cường hơn, mãnh liệt hơn. Tất nhiên, sẽ vui biết mấy nếu các em trở thành những người đàn ông trưởng thành, biết quan tâm tới xã hội, tới đất nước, biết dũng cảm lên tiếng trước ngang trái bất công, biết chiến đấu cho sự thật như các em đã chiến đấu cho điều mà các em tin rằng, là màu cờ sắc áo.
Còn nếu các em không phải như thế, cũng tốt thôi, đó đơn giản là lựa chọn các nhân.
Hết trận, mấy đứa em dắt xe ra về, ngoài trời mưa lạnh, chuẩn bị vào đợt rét mới, chúng nó mặt mũi buồn xo, bảo, bọn em vẫn đi bão đây anh ạ, anh đi với bọn em không?
Lắc đầu.
———-
ChuKim – 2018
ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.
– natchukim.cogaihu@gmail.com –
PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.