Năm ngoái mình viết bài Sao mày chưa lấy vợ..?, đại để là phàn nàn và buông lời xúc xiểm lối sống bất lịch sự của một bộ phận dân cư đời. Thấy mọi người có vẻ hào hứng đồng tình, mình chắc mẩm đã chọc phải chỗ ngứa của hàng triệu thanh niên. Quả đúng vậy!! Nhưng việc mình chỉ ra nguồn cơn cớ sự dưới góc nhìn của mình và bóng gió nói đến giải pháp có vẻ không giúp được các thanh niên ngay lập tức, chặng đường đổi thay lắm khi phải tính bằng thế hệ, mình nói rồi. Năm hết Tết đến, ai hỏi vẫn hỏi, ai chán vẫn chán, mới hôm qua mình đến nhà thằng bạn chơi còn chứng kiến khách nhà nó thả vào mặt nó đủ hết không sót câu nào:

‘Có người yêu chưa?’

‘Tại sao chưa có người yêu?’

‘Từng này tuổi rồi lập gia đình đi.’

‘Cho bố mẹ mày vui.’

‘Lương được bao nhiêu?’

Thằng bạn mình mặt mũi ngán ngẩm nhưng vẫn phải chịu đựng, mình ngồi cạnh cũng bị vạ lây:

‘Cậu này cũng chưa vợ à?’

‘Chúng mày nhanh lên đi chứ.’

Lúc sau mình hỏi, này, cô chú vừa rồi thân với nhà mày không? Thằng bạn cười hậc, mày nghĩ thân thì có hỏi mấy cái đấy không? Mười hoạ mới gặp, lôi nhau ra làm quà thôi.

Đêm về nằm vắt tay lên trán nghĩ suy, mình quyết định viết ra một số bí kíp đối đáp mà mình đã chuẩn bị sẵn để có thể có cuộc sống vui tươi, thanh thản. Đúng với tinh thần ‘muốn gì phải nói, không nói thì không ai hiểu’, mình viết ra thế này hi vọng các bạn đọc được thì có thể áp dụng nếu thấy phù hợp, sự thay đổi sẽ xảy đến nhanh hơn khi chúng ta thò tay vào hành động, cuộc đời ngắn ngủi lắm, không nhanh lên thì còn phải ngậm mối căn hờn nhẫn nhịn đến bao giờ?

Mỗi câu hỏi mình chuẩn bị cho các bạn ba phương án, mức độ tăng dần theo bản lĩnh và sự liều mạng của các bạn. Mình viết với ngôi nhân xưng là bác/cháu, các bạn tự động áp dụng theo thực tế, còn tại sao mình chọn bác/cháu thì đấy không phải là tại định kiến của mình đâu, là tại mình thích thế thôi, hihi. Sau đây, cuộc vui xin được phép, bắt đầu:

  1. ‘Có người yêu chưa?’ – Câu này nói chung là nhẹ nhàng, hỏi thăm quan tâm thôi, không có vấn đề nặng nề gì cả, vậy nên trả lời với nụ cười trên môi, tạo không khí vui vẻ đầm ấm.

– Cháu nhiều người yêu lắm, ý bác hỏi người nào?

– Cháu mới bị đá.

– Cháu bê đê.

  1. ‘Tại sao chưa có người yêu?’ – Tại sao cái con mẹ gì vậy? Câu này đụng chạm, đến đây thì không thể nhân nhượng cho sự thô thiển được nữa rồi.

– Cháu bận đi làm/đi học.

– Cháu nói dối bác có tin không?

– Đấy là việc của cháu.

  1. ‘Từng này tuổi rồi lập gia đình đi, cho bố mẹ mày vui.’ – Mình cực ghét câu này và mấy câu đại loại kiểu vậy. Nó tọc mạch và bất lịch sự kinh khủng, nó thể hiện sự khệnh khạng của một người lớn tuổi với lớp thanh niên đáng tuổi con cháu, nó đầy tính phán xét và rất thiếu sự tôn trọng. Chưa lập gia đình tức là làm buồn lòng cha mẹ à? Từ bao giờ mà việc tận hưởng cuộc sống, việc theo đuổi những mục tiêu cá nhân cần không gian và thời gian của tuổi trẻ, việc bình tâm nuôi dưỡng sự trưởng thành và sẵn sàng trở thành một việc làm buồn lòng cha mẹ? Đáng nói hơn là những câu nói như vậy vô tình hay cố ý sẽ có tác động tới cha mẹ chúng ta, khiến họ cũng chịu một áp lực theo kiểu con cái nhà ông bà sao mãi chưa lấy vợ lấy chồng, nó bị làm sao à? Mình không thể chấp nhận thứ văn hoá này. Nói gì tôi cũng được nhưng lôi cả cha mẹ tôi vào thì hãy xem đây.

– Bác thấy bố mẹ cháu buồn lắm ạ?

– Bác sắp bỏ vợ/chồng chưa ạ?

– Bác hiểu bố mẹ cháu quá ạ, lẽ ra bố mẹ cháu phải có một người con như bác mới phải.

  1. ‘Bao giờ cho bác ăn cỗ đây.’ – Câu này mật độ xuất hiện phải nói là chóng mặt. Lẽ ra có câu gì văn học nghe hay hay hơn một tí thì còn đỡ, nhàm chán thế kia thì ta làm cho nó vui lên tí.

– Bác đói rồi ạ?

– Sang tuần nhà cháu có giỗ, mời bác ghé ăn.

– Cháu có định mời bác đâu ạ. (thấy họ nghệt mặt ra và cảm thấy hơi quá đà thì cười cười và bồi thêm, bố mẹ cháu mời chứ cháu tuổi gì)

  1. ‘Lương được bao nhiêu?’ – Câu hỏi này là một nét điểm xuyết hết sức lỗ mãng. Lương cao thì sao mà lương thấp thì sao, ghét giàu khinh nghèo hay đang đi tìm đồng minh cho việc con cái họ ở nhà lương thấp lương cao, à con nhà này lương thấp hơn con mình, hay lắm, à con nhà này lương chỉ như con nhà mình, tức là con nhà mình nó bình thường chứ không kém. Hay như nào? Mừng cho nhau vì kiếm tiền giỏi à? Nếu bạn nghĩ đơn giản như vậy thì bạn chưa hiểu mấy về cuộc sống này. Chuyện thu nhập cá nhân là chuyện nhạy cảm, nó chỉ nên được nhắc tới ở bình diện vĩ mô (hơn), khi người ta nhắc tới một cộng đồng, một vấn đề kinh tế, chứ đừng đem ra làm câu chuyện xã giao trà nước. Không hay đâu. Cái này thì nên thẳng thắn luôn, khuôn mặt lạnh te khỏi biểu cảm gì cho mệt.

– Cháu mới bỏ việc.

– Trừ hết chi phí thì cháu còn lương hưu mà không được cầm bác ạ.

– Cái này nó là chuyện riêng tư bác ạ.

  1. ‘Có được học sinh giỏi không?‘ – Câu này mình nhắc ra để nhắm tới những bạn đang đọc blog mình. Nói lại nhớ hồi còn đi học, tầm cấp một cấp hai, Tết đến đi đâu cũng bị hỏi câu này. Năm nào học sinh giỏi thì không sao, năm nào mà xếp loại học sinh tiên tiến thì đúng là ăn l., ức chế không để đâu cho hết. Họ hỏi, họ xoáy vào, họ dằn vặt nhay đi nhay lại cái chuyện ấy, như thể điểm kém một tí thì đời mày thế là chấm dứt, tương lai mày chỉ còn là một màu đen u ám. Và hiển nhiên, trong đó bao giờ cũng pha lẫn một chút hả hê của những bà mẹ (chính xác, mình đang nói tới những bà mẹ) có con được học sinh giỏi, một chút hài lòng của những bà mẹ có con cũng học sinh tiên tiến. Hồi mình học lớp bốn, nhớ như in học kì một năm đấy xếp loại tiên tiến, khổ đéo để đâu cho hết khổ, ăn cái Tết trong ê chề nhục nhã, hãi hùng và ám ảnh hơn nữa là có những khách không hỏi nhưng mẹ mình vẫn tự kể cho người ta để ý nói rằng thằng này học dốt ý mà chúc nó học giỏi làm gì. Căm phẫn. Không ai cần biết mấy đứa trẻ vui hay buồn với việc học, không ai cần biết chúng nó đã làm gì trong thời gian ấy thay vì ngồi cày tụng bài vở của nền giáo dục nhồi sọ. Không ai biết, không ai quan tâm. Đứa nào xếp loại học sinh trung bình nữa thì thôi, tan nát. Hạnh phúc chỉ còn là một khái niệm xa xỉ. Mình kể ra thế, ý nói, các bạn đừng có hỏi trẻ con câu này, nó tổn thương ghê lắm, thế hệ chúng ta đã chả vui vẻ mẹ gì với việc học, đến thế hệ này, khuyến khích chúng nó vui chơi, học hỏi từ cuộc sống, coi điểm chác nhẹ như lông hồng, đó mới chính là giáo dục, đó mới chính là điều chúng ta cần thay đổi từ trong chính bản thân mình. Nhớ nhé, học sinh đéo gì cũng không quan trọng bằng học sinh vui.

Đại loại như thế, dăm ba câu hỏi ngày Tết của những người chả biết nói chuyện gì với nhau. Tại sao họ hay hỏi, mình nói trong bài ở trên rồi, không cần nhắc lại. Những câu trả lời này, mình biết, phần lớn các bạn đọc blog mình sẽ không đáp thẳng vào mặt những vị khách vô duyên. Chúng ta đều còn đó rất nhiều mối quan hệ gia đình, xã hội, mà vì những mối quan hệ này nên chúng ta không thể sống thẳng thắn, sảng khoái. Vòng luẩn quẩn nhịn, bực rồi lại nhịn, bực cứ thế tiếp diễn. Chung quy lại, làm gì cũng đều là lựa chọn cá nhân của mỗi người thôi, có thể các bạn đọc xong, cười khảy bảo mình hung hăng nói càn, cũng có thể có bạn làm theo lời xúi dại của mình, các bạn có thể đổ hết tội vạ lên đầu mình nếu cần. Nhưng nói để các bạn hay, mình là mình làm thật, sau đó cuộc sống trở nên rất dễ chịu, mình trở thành người mà không phải người lớn hay người lạ nào cũng muốn nói gì thì nói, nói gì với mình người ta cũng có đôi phần cân nhắc. Mình gọi đó là gì các bạn biết không, hihi, đó là sự tôn trọng.

Năm mới năm me, nghĩ ra chuyện gì khác mà nói với nhau đi, nha.

———-

ChuKim – 2018

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.