Cả đời mẹ mình, giống như rất nhiều bà mẹ khác mà mình biết, thường không gặp vận đỏ khi tham gia trò chơi bốc thăm trúng thưởng. Cũng có thể vì khi mẹ mình ở trong những sự kiện như vậy, lý thuyết xác suất thống kê cho thấy cần bốc thêm vài chục ngàn lần nữa chẳng hạn, hoặc ít ra, là vài lần nữa, để có thể trúng được ô tô, xe máy, hay cái tivi màn hình phẳng. Hôm nay, trong khi ngồi một mình, bỗng dưng mình nhớ tới lần cuối cùng mẹ mình chơi bốc thăm trúng thưởng. Trúng mấy cân bề bề. Đó là hội họp lớp đại học của mẹ mình, có thể ai cũng sẽ đều trúng một cái gì đó, ban tổ chức là bạn của tất cả mọi người, có thể thế, mà cũng có thể không. Buổi trưa chủ nhật hôm ấy, bố mình đi vắng, mẹ mình hồ hởi hấp bề bề cho anh em mình, ba mẹ con ngồi bóc ăn, mình khen ngon, mẹ mình kể chuyện, bảo cả đời chả trúng cái gì, hôm qua lần đầu tiên mới trúng được mấy cân bề bề, sướng thế cơ chứ. Đó là lần cuối cùng mẹ mình bốc thăm trúng thưởng. Mình không còn nhớ sự kiện ấy xảy ra trước cái chết của bà bao lâu. Một năm? Hai năm? Hay một tháng? Một vài tháng?

Mình không nhớ nữa. Không tin nổi là mình đã quên mất chi tiết của niềm vui bé nhỏ ngày ấy. Bé đến lớn, mình hay tự động nhớ được các mốc thời gian, chuyện này xảy ra lúc này, chuyện này xảy ra lúc kia. Nói nghe buồn cười chứ mỗi bận dính vào tình ái, mình chưa gặp cô nào hay nhớ ngày nhớ tháng như truyền thông rẻ tiền hay cài vào đầu thiên hạ, toàn là mình nhớ, một cách vô thức, rồi sau thỉnh thoảng lôi ra kể cho người ta nghe, nghe xong cứ thật à, thế à, em quên rồi, sao anh nhớ thế. Có lần thằng Thạch Hùng sửa nhà, nhờ mình góp ý vài vấn đề, mình sang nhà nó ngồi huyên thuyên cả buổi. Mấy năm sau, mình trải qua bao sóng gió yêu đương, nhà Thạch Hùng lại sửa, nó lại nhờ mình qua xem xét, mình đến kể vanh vách chuyện hồi ấy thời gian nào, cả nhà nó nghệt ra, khen mình nhớ giỏi thế. Không biết hay nhớ được chuyện này chuyện kia trên đời có phải điều gì hạnh phúc và may mắn chăng, mình không biết.

Thế mà mình đã quên mất câu chuyện về một trong những lần cuối cùng của mẹ diễn ra vào thời gian nào, vắt óc đến mấy cũng không nghĩ ra nổi. Nỗi buồn ấy ập đến, và ở lại với mình trong suốt buổi chiều mùa đông, dưới cơn mưa phùn ủ ê và tiếng người nói cười không dứt.

Nỗi buồn là một điều thật tuyệt diệu. Mình nói với em, rằng lúc nào mà anh chẳng buồn. Đó là chuyện sau này, khi lời mình nói với phụ nữ đã mềm mại đi nhiều. Hồi xưa, lúc mới mười chín hai mươi, mình nói với em, vui vì vui, vui vì buồn, vui vì muôn màu buồn vui đều có cả. Nghĩ lại, ướt át sến xẩm thế nhưng may mà lúc ấy còn biết buồn, không thì lớn lên, biết đâu lại khó chịu, lại dùng lý trí để điều khiển bản thân vượt qua nỗi buồn. Như thế thì buồn lắm.

Buồn quá, mình nhắn tin cho thằng Khắc Giang, này, hôm nay tự dưng tao buồn quá, nỗi buồn cần được uống rượu, chứ tao thì không cần. Tất nhiên, thằng Khắc Giang lạ gì mình, nó bảo, lại nói câu quen thuộc rồi, dù mình đinh ninh rằng câu này mình vừa mới nghĩ ra, chắc mình đã quên cách mình rủ nó ngồi lai rai nói dăm chuyện tầm phào những lần trước đó. Mình không nhớ nữa.

Lần trước, mình dẫn nó ra quán Phụng. Đó là lần đầu tiên mình trở lại sau khi chú Phụng qua đời.

Quán rượu của chú Phụng vẫn vậy, nhưng không còn dáng chú ngồi khom lưng trầm ngâm cạnh bể cá. Khách của chú vẫn vậy, vẫn có những thằng như mình, vẫn có những người khách ôm gói xôi đến gọi rượu uống một mình. Họ hàng con cháu chú nhận trông quán thay cho con ruột chú định cư ở nước ngoài. Mình hỏi em trông hàng, nom trẻ, khá xinh xắn, tóc vấn cao, lông mày đậm, trong ánh sáng mờ ảo quen thuộc, không rõ là lông mày tự nhiên hay sản phẩm của công nghệ làm đẹp. Này, ngày xưa bọn anh ăn, bày đồ khác đấy nhé. Em nhìn vào đĩa, ơ khác như thế nào ạ? Nem rán để trong bát cơ, không phải trong đĩa thế này. Em cười bẽn lẽn, mẹ em ra đây là làm theo ông hết mà anh. Mình cũng cười, em là thế nào với chú Phụng? Em là cháu gọi bằng ông trẻ ạ. Ừ, anh cảm ơn.

Thằng Khắc Giang lần đầu tới đây, nó đọc bài mình viết hôm biết tin chú Phụng mất, rồi chứng kiến mình chuyện trò như chỗ thân tình với chủ quán, nó khoái lắm, kêu thích không khí này quá. Nó kêu để một hôm cuối năm nào đó, rủ cả ông anh mình quen tới đây, ngồi với nhau bốc phét chuyện đời.

Hai thằng có một lúc ngước lên thấy phim ‘Hoa cỏ may’ chiếu trên tivi, cô trông quán, tức là mẹ em gái lông mày đậm, bật ngồi xem. Phim có cảnh một nhóm dân lành nhìn èo uột hết chỗ nói đánh nhau với một nhóm du côn nhìn dặt dẹo khỏi phải bàn. Kết quả là dân lành đánh cho du côn chạy toé khói. Anh em vừa xem vừa lầm bầm chửi, đmẹ phim như l., chả ra cái thể thống gì. Bao nhiêu đời người trôi qua mà mấy thằng mất dạy trong phim vẫn chửi thề theo kiểu đồ khốn, thằng chó này, mày chết này. Vừa tức vừa ngán ngẩm.

Lại quay lại chuyện trò, kể cho nhau chuyện rèn luyện, chuyện phiêu lưu, chuyện chim hoa cá gái như nhiều câu chuyện của đám trai vừa đi qua non nửa đời người. Trong quán, gia đình cô bán hàng ngồi tụm lại nói chuyện, không quá to nhưng có thể coi là ồn ào giữa không gian tôn trọng sự rủ rỉ rù rì. Nhớ ngày xưa lúc chú Phụng còn, làm gì có cảnh này. Nghĩ vậy, lại thấy buồn.

Rốt cuộc, nỗi buồn không uống rượu, cũng chẳng uống trà. Nỗi buồn cô độc như một lẽ tất nhiên phải vậy.

Xem Discovery thấy người ta bảo, cơ chế của nỗi buồn là khi cơ thể sản sinh ra một chất hoá học gì đấy, nó tác động tới bộ não làm người ta thấy trùng xuống. Buồn vui là chuyện thường tình, nhưng có những khi mọi thứ bị đẩy lên vượt khỏi mức kiểm soát, người ta dễ rơi vào trạng thái trầm uất, sinh bệnh lúc nào không hay. Hồi xưa chưa hiểu, cứ thắc mắc tại sao bị như thế thì lại uống thuốc, sao không chơi gì cho vui lên, giờ mới biết, thuốc có thành phần gồm chất hoá học có tác dụng tạo ra cảm giác nhẹ nhõm cho não bộ. Lúc bị như vậy rồi, sức đâu mà chơi gì như mình tưởng.

Cũng vì thế nên khi chơi thể thao, nếu đặt ra cho bản thân một mục tiêu vượt quá giới hạn, sau khi nỗ lực đạt được, cơ thể có một chức năng sẽ được khởi động để tiết ra một chất hoá học khác, đem lại khoái cảm thoả mãn hưng phấn. Vậy nên người ta mới khuyên nên tập luyện để giải toả là vì vậy. Khoa học phương Tây cái gì cũng có thể giải thích bằng vật lý và hoá học, tài thật.

Mình làm theo, lặng lẽ tập tạ, lặng lẽ tập chạy bộ. Thành quả đạt được không tệ, cuộc sống thực sự thay đổi kể từ ngày mình bước chân ra khỏi thế giới của những thanh niên hom hem lười biếng. Mỗi buổi tập luyện, mình đều lặng lẽ cảm nhận niềm vui mà sự cố gắng mang lại, để rồi sau đó, qua mỗi bước chân trên con đường trở về nhà, nỗi buồn không thể gọi tên nhẹ nhàng xuất hiện, thâu tóm và dịu dàng ve vuốt tâm hồn qua từng ngã rẽ thân thuộc.

Con Cục Mỡ nó bảo, anh cứ như vậy, đến mức mà anh cảm thấy vui với nỗi buồn của anh. Giật mình, nó nhắc lại những ý tứ năm xưa, với ánh mắt bình thản nhìn mình không chớp.

Rốt cuộc, nỗi buồn không uống rượu, cũng chẳng uống trà. Nỗi buồn cô độc như một lẽ tất nhiên phải vậy.

———-

ChuKim – 2018

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.