Mất nước thì làm gì?

Mất nước thì đi.. tắm nhờ.

Trong kí ức thời thơ ấu, thi thoảng nhà tôi bị mất nước. Đó là những ngày khi còn ở nhà tập thể Trung Tự, là cả những ngày khi đã chuyển xuống nhà lô mặt ngõ khu Thành Công. Mỗi lần mất nước, tôi nhớ sinh hoạt vô cùng bất tiện, cả nhà phải dùng rất dè xẻn, lúc ở nhà tập thể thì bố tôi phải xách nước đi bộ từ tầng một lên tầng năm, ở nhà tôi bây giờ thì bố mẹ phải thay nhau thức đêm canh giờ mà bơm được tí nước nào hay tí ấy. Dù ở đâu thì lượng nước ít ỏi tích trữ được cũng để ưu tiên cho nấu nướng và rửa bát, phần nước nửa rau thừa sẽ được đem dội vệ sinh, tinh thần tiết kiệm triệt để mà bây giờ nghĩ lại cảm thấy rất đáng suy nghĩ về lối sống bừa bãi ít suy nghĩ đến môi trường của bản thân.

Ít nước như thế, tất nhiên là phải đi tắm nhờ. Nhà tôi thường rồng rắn đèo nhau sang nhà chú hoặc nhà bác tôi để tắm giặt nhờ, mẹ tôi xách theo cái túi to đùng để quần áo, đồ thay ra thì giặt luôn, tiện lúc nào cùng mẻ thì giặt máy cùng nhà bác tôi, không thì mẹ tôi giặt tay rồi đem về nhà phơi. Trạng thái lúc nào cũng khẩn trương, chỉ nhanh nhanh chóng chóng xong việc để anh em tôi về còn học bài. Tôi với thằng Tít rất khoái những bữa tắm nhờ như vậy, cảm giác như một cuộc phiêu lưu đầy mới lạ trong hoạt động vệ sinh thường nhật. Trẻ con là thế, mất điện với mất nước người lớn có thấy khổ thấy mệt chứ chúng nó luôn tìm ra những chi tiết để hào hứng trải nghiệm. Chuyện mất nước xảy ra đâu độ vài lần, rải rác từ lúc tôi học mẫu giáo cho đến cấp một, không nhiều để trở thành nỗi ám ảnh, nhưng đủ để tôi hiểu.

Mười mấy năm sau, lớn lên, đi xa nhà, tôi ở nhà biệt thự chán thì chuyển lên ở chung cư, loại chung cư bình dân cho người thu nhập thấp ở khu phố ga tàu cuối Sentul Timur. Hồi tôi mới chuyển lên căn hộ tầng 16 được chừng hai tuần thì có chuyện. Hôm ấy thằng Kah Meng làm cùng công ty chở tôi về, nó ở toà bên cạnh, xe vừa rẽ qua cổng thì thấy nước chảy lênh láng khắp sân, Kah Meng thò đầu ra hỏi bảo vệ rồi thuật lại với tôi là đường ống cấp nước lên bể chứa cao nhất của toà tôi bị vỡ. Thế là tối tối, tôi với thằng bạn cùng nhà lại tha cái xe đẩy với thùng phi nhựa xuống tầng kĩ thuật lấy nước trực tiếp từ vòi, tới nơi thấy dân cư xếp hàng la liệt, nhà nào cũng có xe đẩy với thùng phi do ban quản lý toà nhà cho mượn, bọn trẻ con cũng hệt như tôi ngày ấy, theo cha mẹ xuống chơi, chúng nô đùa chọc ghẹo nhau rồi cười ầm ỹ, đám người lớn người thì cắm mặt vào cái điện thoại, người thì chuyện trò giết thời gian. Tôi kể cho thằng bạn, hồi nhỏ tao cũng từng trải qua những chuyện thế này, nhưng lâu lắm rồi, giờ ở nhà bố tao lắp hệ thống máy bơm kiểu hiện đại hơn, chả mất nước nữa, bây giờ làm những chuyện thế này, thấy nhớ lúc ấy quá. Thằng bạn nhe răng cười hì hì, nó tiếng Anh hơi kém, nghe câu được câu chăng, chẳng biết có hiểu những gì tôi kể không.

Được vài bữa, bọn tôi thấy vất vả mất thời gian quá, bèn thống nhất vài ngày mới đi lấy nước một lần, còn lại sẽ tuỳ nghi di tản chuyện tắm giặt. Tôi có ngay ông bạn Kah Meng nhà gần, tối nào tôi cũng sang căn hộ của nó ấn chuông xin vào tắm nhờ, xong việc có hôm còn ngồi lại kể chuyện nói xấu sếp rất lâu, quần áo thì vứt vào giỏ, cuối tuần đem qua tiệm giặt dịch vụ một thể. Cuộc sống cứ lững lờ trôi đi, ngay khi tôi vừa kịp thích nghi với cung cách hoạt động ồn ào ấy thì đường ống được sửa xong, mọi chuyện trở về như cũ, thói tiện nghi và sự yên tĩnh lại chia tách con người. Cho đến tận khi tôi trở về.

Ấy là kể chuyện như vậy, mất nước, mất đi nguồn cung cấp yếu tố quan trọng hàng đầu trong cuộc sống thì bao nhiêu thứ lích kích đã xảy ra. Căn nhà của tôi, không có nước, cảm giác như đó không còn vẹn nguyên là căn nhà của tôi nữa, thiếu đi dù chỉ một điều tưởng chừng như dĩ nhiên phải có, hoá ra lại làm cho mọi chuyện chẳng còn như chúng ta vẫn thường đinh ninh.

Ấy là vì đang muốn nói sang chuyện mất nước, ừ, là nước Việt Nam tôi. Chuyện chúng tôi mất nước Việt Nam.

Nước mất thì nhà mất. Có lẽ vì vậy nên mới có từ ‘nước nhà’, đất nước là nhà. ‘Nước nhà’ chứ không phải ‘nhà nước’. ‘Nhà nước’ là một khái niệm chính trị, nó bao gồm bốn yếu tố con người, lãnh thổ, chính quyền và chủ quyền, cách hiểu thứ hai thì ‘nhà nước’ là chính quyền, cách này gần với cách hiểu trong xã hội Việt Nam, kiểu ‘mọi việc đã có đảng và nhà nước lo’ (*).

Còn ‘nước nhà’, hai chữ này có âm hưởng thơ ca và lần nào cũng làm tôi có cảm giác thân thương khi nghĩ về nguồn cội.

Mất nước Việt Nam, là mất đi điều gì nhỉ?

Thật không dễ để hình dung. Không như việc chúng ta bị mất điện thoại, mất xe máy, mất túi xách, mất đi bất kì thứ tài sản gần gũi hữu hình nào.

Đất nước này, xứ sở này, là nơi mầm mống đâm chồi qua biết bao nhiêu thế hệ, là khổ nhục và đắng cay, là hạnh phúc và mến thương, là công lao gây dựng giữ gìn của tiền nhân, là máu thịt cốt xương của ông cha, là nơi có gia đình, có mẹ, có cha, có anh chị em, có bạn bè, có những người cùng chung một tiếng nói, cùng chung một điệu cười, cùng chung dòng nước mắt. Là nơi có miếng ăn ngon hợp khẩu vị, là nơi có chén nước đậm hương thơm, là nơi có kỉ niệm gắn bó đi qua mỗi quãng đời người, có văn hoá truyền từ đời này qua đời khác, có những câu chuyện vui buồn mà ta đã đọc, đã nghe. Là nơi có thành phố, có thôn quê, có núi rừng, có biển cả, có ái tình nam nữ, có tình cảm gắn bó vượt qua máu mủ ruột rà. Là nơi có từng chút tình yêu thấm vào thịt da từ lúc nào không biết, là nơi ta luôn muốn nó trở nên tốt đẹp hơn qua mỗi ngày.

Mất nước ư? Bạn thân mến, làm sao chúng ta có thể hình dung nổi, phải không?

Tôi thường nói với bạn bè, ngày này tuần sau có chuyện gì xảy ra mày còn không biết, vậy mà sao đã vội đoan chắc như đanh đóng cột về những điều mơ hồ không diễn giải nổi thành lời? Trước khi có biến cố xảy ra, bao giờ mà chúng ta chẳng chắc mẩm, ôi giời, chẳng sao đâu.

Chẳng sao đâu, mất sao được mà mất. Phải vậy không?

Thế mà vẫn mất điện thoại, vẫn mất xe máy, vẫn mất người yêu, vẫn mất bạn bè, mất mẹ, mất cha.

Vậy còn mất nước?

Có bao giờ bạn nghĩ, sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta mất nước, mất đi Việt Nam này? Không, mất sao được mà mất. Phải vậy không?

Ừ, mất sao được mà mất.

Nhưng, nếu mất nước, thì chúng ta sẽ làm gì? Tôi sẽ làm gì? Bạn sẽ làm gì?

Sẽ cầm súng chiến đấu? Sẽ chết cho quê hương Việt Nam? Sẽ đánh đổi đời mình cho những thế hệ phía sau?

Sẽ bỏ đi, sống như một người lưu vong xa xứ? Sẽ ôm nỗi buồn nhìn về cố hương trong suốt quãng đời còn lại?

Sẽ ở lại, sống một cuộc sống không còn là cuộc sống của một con người có quê hương, có nguồn gội, có đầy đủ những điều thiêng liêng của một con người?

Sẽ..

Muôn ngàn cái ‘sẽ’, trong muôn ngàn điều ‘nếu’.

Không. Bạn thân mến ơi, đây là quê hương của chúng ta, đây là nhà, là xứ sở của chúng ta. Nếu đó không phải là lựa chọn đầy hạnh phúc, thì nỗi buồn mất nước không chỉ đơn giản như mất một chiếc xe, kiếm tiền mua xe mới rồi nỗi buồn sẽ qua đi.

Bạn sợ mất xe, bạn sợ mất điện thoại, bạn sợ mất tiền, nên bạn cẩn thận. Bạn khoá xe kĩ càng, bạn gửi xe ở nơi đảm bảo, bạn không lơ đễnh cầm điện thoại hớ hênh trên đường, nhà bạn có vài lớp khoá. Bạn cẩn tắc vô ưu.

Vậy mà chuyện mất nước, bạn dửng dưng, bạn không buồn phản ứng, dù trong thâm tâm bạn, đã có những giây phút điều đúng điều sai thoáng hiện lên. Rồi tắt ngóm.

Mất nước thì làm gì?

Mất nước thì đi tắm nhờ.

Đúng vậy, tôi chỉ muốn mất nước thì đi tắm nhờ. Chỉ vậy thôi, như thế đã là quá đáng lắm rồi.

Và nếu cũng muốn như tôi, ngày hôm nay, bạn hãy bắt đầu nghĩ: với những điều đang xảy ra, liệu chúng ta có mất nước không?

Liệu có mất nước Việt Nam không?

Nghĩ rồi, bạn làm gì, là tuỳ ở bạn.

 


(*) Theo Chính trị bình dân – tác giả Phạm Đoan Trang.

———-

ChuKim – 2018

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.