s2.04

Oh yeah, Robin, I know, you are absolutely right.

Hồi xưa xem đến đoạn này, mình bất giác mỉm cười, nụ cười nhếch mép đầy thoả mãn. Lúc ấy mình đã tốt nghiệp đi làm được một thời gian, tin rằng tất cả những thằng làm nghề kiến trúc hay còn đang đi học trên đời này đều cảm thấy sướng sung lâng lâng khi chứng kiến Ted Mosby miệt mài làm việc lúc đêm muộn, hệt như những gì vẫn thường xảy ra với chúng nó, và được Robin Scherbatsky trao cho những giây phút nồng ấm của tình yêu, điều này thì hơi ít xảy ra ngoài đời thực, nhưng không sao, phim mà, hãy cứ vui đi, biết đâu ngày mai cuộc đời sẽ cho ta ăn vả vào mặt không biết chừng.

Lúc nhỏ, mình thích vẽ và tỏ ra rất chú tâm, một vài người lớn xem mình vẽ thì nói mình có năng khiếu, bây giờ kể ra thì nghe không khiêm tốn lắm, nhưng chuyện hồi ấy là vậy, mà thật ra đứa trẻ nào chẳng đầy tài năng, cũng tại bởi thế giới của những người lớn đã làm chúng thui chột mất món quà của tự nhiên đó thôi. Lúc đi học mẫu giáo, mình được biết có một nghề sau này sẽ vẽ vời suốt ngày, thế là thay vì như bọn bạn thích làm cô giáo, bác sĩ, chú bộ đội, kỹ sư rất khuôn sáo mô phạm, mình nói mình muốn trở thành kiến trúc sư. Năm ấy mình mới năm tuổi.

Suy nghĩ ấy kiên định trong lòng mình suốt quãng đời ấu thơ, lúc nào mình cũng chắc như đinh đóng cột về mơ ước nghề nghiệp sau này. Có một khoảng thời gian, hồi lớp bảy, năm mười ba tuổi đầy định mệnh, mình phát hiện ra trên đời ngoài vẽ còn có một hoạt động vô cùng hay ho, đó là viết. Làm thơ và viết văn. Hồi ấy say sưa nghiên cứu, đọc về văn nghệ tiền chiến, thơ mới, tìm hiểu về các thể thơ, về vần luật, về tính nhạc của âm thanh tiếng Việt. Mười ba tuổi, mình viết toàn thơ tình và chỉ thơ tình cho đến tận năm hai mươi mấy tuổi. Sự nghiệp tán gái huy hoàng của mình in dấu không biết bao nhiêu thi ca mà kể, thậm chí cả sự nghiệp tán gái của bọn bạn mình cũng ghi dấu chữ nghĩa của mình. Lúc ấy, đã có giây phút mình nghĩ, hay là sau này làm nhà báo cũng được đấy nhỉ. Nghề ấy cũng hay, suốt ngày viết. Điều thú vị ở đây là khi thích vẽ thì mình muốn trở thành kiến trúc sư, khi thích viết thì mình muốn trở thành nhà báo, trong đầu óc non nớt của chú bé năm ấy đã bỏ qua những ý tưởng về hoạ sĩ hay nhà văn nhà thơ, bây giờ nhận ra điều này, mình tin rằng nó thể hiện nét tính cách dè dặt lựa chọn phương án an toàn và phần nào ý thức xã hội đối với các hoạt động mang tính nghệ thuật. Lúc thi lên cấp ba, trong đầu mình thoáng có suy nghĩ thi chuyên văn hoặc học ban D cũng là một lựa chọn không tồi, nhưng suy nghĩ này tắt ngóm khi mình nhận ra đó là môi trường rặt con gái là con gái, bọn con trai sống trong môi trường này rồi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vốn bản tính từ nhỏ tới lớn thích giao du la cà tụ bạ, từ lúc dậy thì ngày nào không văng tục chửi thề mình ăn không ngon ngủ không yên, mình quay đầu ngay lập tức và cập vào bến bờ của đám anh em mà bây giờ thỉnh thoảng mình vẫn nhắc tới trên blog, bạn nào hay đọc chắc cũng biết. Lý do thật giản đơn lãng nhách, nhưng phần lớn là vì mình vẫn thiết tha chuyện trở thành kiến trúc sư hơn tất cả những mong muốn nhất thời khác.

Việc học vẽ của mình cũng lắm nỗi gian nan. Ban đầu học ở trường mẫu giáo không đủ độ phê do ở đó thầy cô giáo chỉ biết dạy trẻ con vẽ ngôi nhà có mái hình tam giác màu đỏ, góc trên có ông mặt trời, có cái cây, gạch ngang một cái rồi đứng trên cái gạch ngang ấy là vài hình người, bên dưới là ô tô. Loanh quanh chỉ có vậy. Mình sau khi chán ốm cái kiểu ấy thì bắt đầu tự vẽ bịa cho khác đi, nhớ nhất có bức tranh tả cảnh tưới cây ở vườn nhà ông bà dưới quê hồi nghỉ hè mình được chứng kiến, thế là mình toả sáng rực rỡ, mọi người quên luôn chuyện mình hay đái dầm buổi trưa, tâng bốc mình như một tài năng thứ thiệt và đem gửi bức tranh ấy đi triển lãm.

Sau này mình lên cấp một, mùa hè rảnh rỗi bố mẹ mình cho mình đi học vẽ ở cung thiếu nhi, đăng kí rất vất vả do quá đông cha mẹ muốn nâng cấp đời sống tinh thần cho con mình, hay nhìn theo góc độ khác là muốn tống chúng nó đi học cho đỡ ở nhà nghịch phá. Mình học được nhõn hai tuần. Đến lớp cứ đinh ninh sẽ được dạy vẽ những thứ mình nhìn thấy trước mắt, ví dụ như cái bàn cái ghế, hay đơn giản thì cũng là bông hoa, cái bình theo đúng những gì mắt thấy, nhưng không, các thầy cứ bắt mình phải thể hiện theo phong cách ngây thơ trong sáng phù hợp với lứa tuổi. Mình hỏi thì thầy bảo cứ vẽ đi, cứ vẽ thật trong sáng đi con, con còn đang là học sinh mà. Mình chán quá, chả học nữa, tưởng đi học thì sẽ khá hơn bọn trẻ con cùng lứa chứ đi học mà vẫn vậy thì thôi, về nhà lôi truyện tranh ra chép lại vui hơn, học được còn nhiều hơn là học với thầy trong sáng. Rốt cuộc thì điều mình nhớ nhất ở cung thiếu nhi là khu chơi xe ô tô điện, một màn phải nói là cực vui mà mình luôn thòm thèm mỗi lần đến giờ phải ra về.

Lớn lên tí nữa, mình xin đi học vẽ để thi kiến trúc. Ăn chửi té tát. Bố mẹ mình là những bậc phụ huynh kiểu mẫu, con cái học đàn học vẽ cho vui thì không sao, chứ manh nha có ý định nghiêm túc thì đừng hòng. Thậm chí bố mình trong cơn nóng giận còn bảo gia đình tao toàn người lao động chân chính, không có cái kiểu vớ vẩn ấy, tao cấm mày nhắc lại chuyện này thêm lần nào nữa. Mẹ mình thì từ nhỏ tới lớn luôn mong mình thành giáo sư tiến sĩ, ngành gì cũng được, miễn không nghệ nghiếc gì là được. Mình chán lắm, buông xuôi, niềm vui sống tụt thảm hại, bị ngăn cản như vậy, mình cũng chẳng thiết tha gì chuyện nhà báo nhà biếc lôi thôi.

Nhưng nếu cứ thế cam chịu sự áp đặt của cha mẹ như rất nhiều đứa con khác thì làm gì có chuyện mà kể, mình vẫn luôn là chính mình, sau một học kì sa sút thảm hại do chán nản bỏ bê học hành, lần đầu tiên điểm toán trung bình của mình là sáu phẩy tư. Tết năm ấy, ngày mồng một, câu đầu tiên mình nói với cha mẹ là xin đi học vẽ.

Nhà mình ầm ầm như đánh nhau. Chó nhà hàng xóm sủa gâu gâu. Huyên náo cả xóm. Bố mình hét vào mặt mình, tại sao mày không làm theo ý tao, tại sao mày cứ thích cái nghề ấy, tại sao mày không thích cái nghề kia (!?). Bây giờ nghĩ lại thì thấy đó là những câu hỏi rất nực cười, nhưng nhìn nhận trên khía cạnh văn hoá gia đình Á Đông thì có lẽ chuyện như của mình không phải là hiếm, thậm chí người ta còn bị o ép kinh hơn mình ấy chứ. Tất nhiên mình cãi, mình sống chết cãi bằng được, nhất định không thúc thủ chịu thua. Bố mình quắc mắt, gằn giọng, bảo mày có tin tao cho mày nghỉ học đi làm công nhân ngay không? Mình nhìn bố mình, cũng gằn từng tiếng, thế bố không tin là con sẵn sàng nghỉ học đi làm công nhân ngay à? Đằng nào cũng không được làm điều con muốn, thì con sẽ không bao giờ làm điều người khác muốn. Con sẽ không bao giờ thực hiện ước mơ của bố.

Nói xong câu ấy, mình ngồi phịch xuống ghế, nước mắt giàn giụa. Bố mình cũng ngồi phịch xuống ghế thở hổn hển, mặt mũi đỏ gay.

Bố mình rất thích con cái học về ngành cơ khí, làm kĩ sư, đó là những thứ mà bố mình cho rằng đầy nam tính, nhưng lúc còn trẻ do thời cuộc và điều kiện mà không có cơ hội thực hiện, hoặc cùng lắm thì có thằng con theo nghiệp quân đội cũng được. Đó là kì vọng rất chính đáng của ông già, nhưng đáng tiếc, như sau này khi thằng Tít em mình chuyển sang làm phim, mình hay nói, bố mẹ mình không có khả năng đẻ ra người thường, chỉ đẻ được nghệ sĩ thôi, hehe. Điều mình làm chỉ đơn giản là nhắc cho bố mẹ mình nhớ, rằng mình cũng có tính cách, có tâm hồn, có suy nghĩ của riêng mình. Cha mẹ sinh thành dưỡng dục yêu thương con cái quá, nhiều khi quên mất điều này.

Sau trận cãi vã mang tính bước ngoặt ấy, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, mình được đi học vẽ và càng trượt dài trên con đường xao nhãng học hành do bố mẹ mình quá chán mình mà kệ luôn. Mình cứ nhởn nhơ đàn hát vẽ vời, đọc sách và chơi điện tử, mãi tới nửa sau năm lớp mười hai mới quắn đít lên lo ôn thi.

Cũng may trường kiến trúc lấy điểm không quá cao nên mình đã đỗ. Suốt những năm đi học ở trường kiến trúc, bố mẹ mình tuyệt không quan tâm mình học hành điểm chác ra sao, chỉ thỉnh thoảng bóng gió đừng có để dây dưa phiền toái, mình nghe vậy, biết là phải tự lực cánh sinh.

Vào đại học, ngoài học trên trường ra thì bọn mình rảnh rang hoàn toàn, có chăng là đi học tiếng Anh với một vài lớp bổ sung kĩ năng là cùng. Sinh viên kiến trúc có thói quen đi làm thêm từ sớm, học hành trên trường một thời gian, thằng nào cũng hòm hòm chút ít vốn liếng vẽ vời, đó là lúc đi thực tập ở các văn phòng kiến trúc, hầu hết đứa nào cũng vậy. Lúc mình ngồi kể lại chuyện này, đúng mười năm trước, mình bắt đầu đi làm, bọn bạn mình với những người lớn hơn hay gọi là đi học việc, nhưng mình thích nói là đi làm hơn, nghe oách và thấy bản thân lớn hẳn. Mình với thằng Quang Ớt, thằng Đại xin đi làm ở văn phòng thầy bọn mình là thầy Hùng. Những ngày tháng vui nhộn và đầy ắp ước mơ cứ thế trải dài trước mắt bọn mình. Hồi ấy mới hai mươi tuổi, đầy năng lượng và sức sống, bọn mình đi làm bất kể ngày đêm và nghĩ ra đủ thứ trò vui. Hôm nay ngồi lục lại thấy vẫn còn cái clip ngày ấy Minh xoăn quay hôm anh em ở lại làm đêm trên văn phòng dịp sau Tết.

Bây giờ mối quan hệ của mình với Quang Ớt vẫn vậy, không bị bọn con gái chen vào bao giờ nên anh em bao nhiêu năm không thay đổi, vẫn y hệt như trong clip. Trải qua và chứng kiến bao nhiêu chuyện tình cảm yêu đương, những biến động trong đời, bọn mình vẫn là mấy thằng ham chơi thích ngồi trà đá tán phét đủ điều. Mới đó mà đã mười mấy năm.

Nhắc tới chuyện yêu đương, từ hồi mình vào trường kiến trúc, mình bắt đầu chặng đường đem vẽ vời thơ phú đàn ca ra tán gái, sử dụng tất cả các khả năng tuyền cho mục đích yêu đương đen tối. Sự đời có lúc thành lúc bại, đó là chuyện thường tình của binh gia. Nhiều hơn một lần, mình nghe phụ nữ nói họ thích yêu kiến trúc sư, giống như Robin Scherbatsky vậy, vì kiến trúc sư rất hay ho. Có em trong lúc tán tỉnh nhau, còn bạo gan nói với mình, là nhất định phải lấy chồng tuổi rồng, làm kiến trúc sư. Bố khỉ, thế thì chính là anh đây chứ còn gì nữa, mình cười toe. Về sau, khá lâu về sau, em ý đi lấy chồng thật, tất nhiên không phải tuổi rồng, cũng không phải kiến trúc sư.

Xem phim thấy người ta làm hay vậy, thì cứ đem lòng mang theo niềm tin ngây ngô rằng ngoài đời cũng thế, sự kì thú của phim ảnh là vậy, lắm khi, sự thật và sự hư cấu lẫn lộn với nhau, có lẽ vì thế mà cuộc đời mới thật đáng sống làm sao.

Yêu đương bận nào mình cũng đem chút kiến thức nghề nghiệp truyền cho người yêu, có cô còn học được cách vẽ mặt bằng, chuyển nhà là tự ngồi lên phương án bố trí nội thất, rất vui. Không việc này thì việc khác, có khả năng giúp được, thấy cái nghề này cũng không tới nỗi bạc, mình không phụ nó thì nó cũng chẳng phụ mình. Nói huênh hoang vậy chứ ra đời vênh vang vậy thôi, khi về nhà, đụng chuyện nhà, mình gặp vấn đề y như bao nhiêu ông anh đi trước đã nói, làm cho cha mẹ khó gấp vạn lần làm cho thiên hạ. Từ lúc đi học vẽ tới giờ đã mười bốn năm, từ khi đi làm đã mười năm, từ khi ra trường đã bảy năm, chừng ấy thời gian, trải qua bao chuyện buồn vui, chỉ đáng tiếc một điều là chưa kịp thiết kế cái gì cho mẹ.

Thỉnh thoảng cao hứng, mình còn viết chuyện đi làm nghề, anh em đọc, bảo cẩn thận chủ đầu tư đọc được thì chết, mình cười hì hì, sợ gì. Chuyện đi học ở trường kiến trúc, chuyện đi làm chỗ này chỗ kia, những câu chuyện mình cứ kể đi kể lại, kể mãi, kể tới mức cảm giác như phần kí ức ấy sống động thường trực trong từng sinh hoạt hàng ngày, công việc đã thực sự trở thành một phần của cuộc sống. Cứ mỗi độ tháng mười, mình lại nhớ, nhớ khi còn nhỏ, nhớ khi chiến đấu giành giật quyền tự quyết với mẹ cha, nhớ khi lớn lên, nhớ tháng mười ngày ấy ngơ ngác lần đầu ngồi ghế văn phòng, nghe các anh lớn giao việc, nhớ khi đi học, nhớ mười mấy năm đã qua, nhớ những người đi trước, nhớ những người bạn đã lâu không gặp, nhớ những đứa em mình từng góp phần dìu dắt.

Vậy mà khi ở cạnh một mối tình, kể cho em nghe về những dự định trong quãng đời sắp tới, em nói, em rất thích anh làm kiến trúc sư, thích hình ảnh anh ngồi làm việc, đi công trường; mình cười, lần tới gặp nhau, em sẽ không còn được ngồi cùng kiến trúc sư Kim nữa rồi.

Danh xưng ấy, thôi, ở lại với tháng mười.

 


(*) How I met your mother – Season 02, Episode 04: Ted Mosby, Architect.

———-

ChuKim – 2018

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.