Tiêu đề là câu nói của Jeffrey Eugenides, tác giả cuốn tiểu thuyết Middlesex đoạt giải Pulitzer năm 2002, trong bài phỏng vấn Nghệ thuật tiểu thuyết (The Art of Fiction) do James Gibbons thực hiện. Nguyên văn bản Việt ngữ như sau:

‘Tuy nhiên, tôi lên đại học mà chẳng biết gì nhiều. Cho đến những năm tuổi 20 tôi mới trở thành một người đọc nghiêm túc. Những năm giữa tuổi 20 và 30, tôi đọc ngấu đọc nghiến, đọc nhiều hơn bất cứ khoảng thời gian nào trong đời. Tôi chỉ đang cố bớt ngu đi một chút.‘ (Chiêu Dương dịch).

Khi đọc đến đây, mình đang trải qua năm thứ 31 sống trên đời, tức là mình đã 30 tuổi rồi. Cuốn Middlesex lừng danh ấy mình chưa đọc. Mình sẽ đọc. Mình chỉ đang nghĩ về việc đọc nghiêm túc, và về việc trở thành một người đọc nghiêm túc.

Bây giờ tầng lớp thanh niên khởi nghiệp hay có cái thú kể lể về khối lượng sách họ tiêu thụ trong một khoảng thời gian. Ví dụ như có cái anh gì cũng nổi tiếng, được xã hội coi là ưu tú tài năng, lên mạng kể một tháng tôi đọc hai cuốn sách, muốn vượt qua tôi, bạn phải đọc một tháng bốn cuốn sách. Mặc dù anh không nói anh đọc sách gì và đọc như thế nào, nhưng như thế cũng tốt, ít nhất là tốt cho các nhà xuất bản.

Ở phía đối lập là trường phái khinh bỉ phong cách thống kê, họ thường bĩu môi nhếch mắt nói về chuyện đọc ít mà chất, nôm na là nhấn mạnh vào phương pháp đọc, đại để có thể kể tới những kĩ năng thưởng thức, tinh thần phê phán, khả năng phân tích, tổng hợp, trừu tượng hoá, khái quát hoá, vân vân và vân vân.

Mình đứng giữa, thấy bên nào cũng có cái hay, quả nhiên đọc không nhất thiết phải nhiều, mà cần trọng về giá trị và sự suy tưởng, tuy vậy nếu vừa đọc chất lượng mà vừa đọc được nhiều thì chẳng phải nhất cử lưỡng tiện hay sao, chẳng cớ gì mà phải nhăm nhăm yêu con gái nhà người ta, chén thôi cũng được mà. Đùa đấy, vừa yêu vừa chén, đỉnh cao mỹ vị ái tình nhân gian, lại được tiếng là có đạo đức.

Nhìn lại, mình thấy mình sở học làng nhàng, việc đọc cái gì cho ra hồn, phần lớn thời gian là dựa vào bản năng và sự cóp nhặt qua ngày rộng tháng dài, thỉnh thoảng vẫn hay ra vẻ cao đạo mà mở mồm ra khuyên nhủ người này người kia đọc đi, bằng cách ném ra vài danh mục sách, nói chung là tào lao và không có mấy tác dụng. Thân mình lo còn chưa xong, bày đặt khai dân trí (!!).

Năm vừa rồi mình đọc cũng được vài cuốn tự thấy khá thú vị, hôm nay, một buổi tối cuối năm dương lịch lạnh tái tê, mình không có người con gái tri kỉ nhèo nhẽo làm phiền, không có người anh em xương máu hàn huyên dè bỉu cuộc đời, không có gia đình ồn ào giục mình việc này việc nọ, mình ngồi một mình trong phòng làm việc, theo kiểu một chàng trai – hai tay tái lạnh – chỉ có gió với hơi mưa vừa tạnh ra cái chiều lãng mạn bí ẩn lắm, quyết định kể cho các bạn nghe một chút về miền chữ nghĩa mình đã đi qua trong 365 ngày vừa rồi.

  1. Tiểu thuyết

Mình đọc được một cuốn phải nói là hay, đó là cuốn Thời nắng lịm (In times of fading light – 2011) của tiểu thuyết gia người Đức Eugen Ruge. Cuốn này nói về sự thay đổi của xã hội nước Đức từ giai đoạn chia cắt Đông-Tây cho đến khi bức tường Bá Linh sụp đổ và trở thành nước Đức thống nhất thông qua những diễn biến nội tâm của các thành viên một gia đình Đông Đức điển hình. Ông Eugen Ruge viết cuốn này là cuốn đầu tay, xuất bản năm ông ấy 57 tuổi, chi tiết này làm mình cảm thấy được khích lệ vô cùng, đấy, ở cái tuổi ấy người ta vẫn có thể xuất đầu lộ diện và thành công ngay lập tức. Mình rất hài lòng với chi tiết này và lừa bịp bản thân suốt mấy tuần bằng cách lờ đi bảng thành tích dày cộp với những năm tích luỹ trước đó của ông Ruge.

Cuốn này được dịch giả Hoàng Đăng Lãnh dịch rất đỉnh, ngôn ngữ mượt mà uyển chuyển, vừa hiện đại lại vừa ra được mùi xã hội chủ nghĩa. Nói chung mình không định viết review sách, bạn nào thích thì có thể tự tìm trên mạng hoặc mua luôn mà đọc, trên mạng có bức ảnh nhà văn Eugen Ruge và dịch giả Hoàng Đăng Lãnh chụp chung nom rất nghệ khi ông tác giả tới Việt Nam tham gia giới thiệu sách, chỉ bật mí là mình đã bật cười khi đọc đoạn tranh cãi giữa hai nhân vật cha con, ông bố là người của xã hội Đông Đức còn sót lại, ông con thanh niên đang khi tận hưởng sự cởi mở của xã hội tự do mà phương Tây mang lại. Đọc mà thấy bồi hồi nhớ tới những trận cãi vã không bao giờ có điểm kết giữa mình và bố mình. Quả nhiên là ở đâu thì những cặp cha con cũng sẽ đều cãi nhau về đề tài này mà thôi. Trừ những cặp cha con sợ hãi chính trị và đéo dám ấn like trên mạng, hehe.

IMG_6654

Ngoài ra còn có cuốn Chiếc cầu trên sông Drina (The bridge on the Drina – 1945) của nhà văn Nam Tư cũ, Ivo Andritch, ông này ăn Nobel văn học 1961. Cuốn này nói về giai đoạn lịch sử kéo dài 300 năm của xứ Bosnie-Herzégovine, kéo dài từ khi cây cầu bắc qua sông Drina được xây dựng cho tới khi chịu đựng phá huỷ trong chiến tranh, những sự kiện và những kiếp người gắn liền với cây cầu này, không có nhân vật chính, không có nhân vật phản diện, tất cả là một dòng chảy cuồn cuộn của nhân sinh ái ố hỉ nộ. Bản Việt ngữ do cụ Nguyễn Hiến Lê dịch. Mới chỉ biết đến đây thôi là mình đã ưng lắm rồi, huống hồ cuốn này còn được Phạm Công Thiện phân tích rất hay trong chương IV cuốn Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (mình đọc bản in lại và chỉnh sửa năm 1970).

Phải làm sập đổ tất cả nhịp cầu trong đời mình. Đừng mong muốn bắc cầu lại, hãy để sự ngăn cách được là ngăn cách. Chịu đựng sự phân ly, yêu thương sự phân ly. Muốn bắc lại một nhịp cầu là muốn tìm lại khói nhà xưa, tìm lại cái gì đã bay lên và bay mất. (Phạm Công Thiện)

Khi đọc những dòng này, mình đâu biết rằng một mối tình sẽ đến và đi theo cách day dứt nhưng chẳng hề đem lại niềm ngạc nhiên le lói nào.

20727

  1. Truyện ngắn

Cuốn Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông (Nocturnes: Five stories of music and nightfall – 2009) củng cố vững chắc niềm tin của mình về việc muốn viết văn hay và vẽ được đẹp thì người ta không thể nào sở hữu thẩm mỹ âm nhạc tồi tàn cho được. Về sau đọc thêm tiểu luận, mình biết ông Kazuo Ishiguro (Thạch Hắc Nhất Hùng), kẻ mà đã ăn giải Nobel văn chương 2017 nghe nhạc rất có gu, thậm chí còn có lúc tham gia làm nhạc, lại cũng thích Tom Waits lè nhè như mình, mình lấy đó làm hỉ hả lắm. Điều làm mình thán phục là bản dịch các tác phẩm của ông Thạch Hắc này đã xuất hiện rất lâu trên sạp trước khi anh ta ăn giải Nobel, điều đó chứng tỏ công tác làm bìa sách thực sự có vấn đề mà những dịch giả, biên tập, nói chung là những người làm công tác xuất bản ở xứ này cần trau dồi lại về thẩm mỹ đồ hoạ một cách nghiêm túc. Lắm khi chỉ vì cái bìa xấu mà người ta sẽ hờ hững lướt qua tác phẩm không một chút đắn đo, nhất là giữa một thị trường vàng thau lẫn lộn như hiện tại.

dakhuc1-1378713674.jpg

Nhắc đến đây, mình không thể bỏ qua cuốn Zoo – 2003 của Otsuichi. Một cuốn sách với cái bìa rẻ tiền vô cùng, và cho đến khi bạn nhìn thấy cuốn Calling you của anh ta thì bạn sẽ như mình, không tiếc lời mạt sát sự vớ vẩn của thằng nào duyệt cho in cái bìa như vậy. Tuy nhiên, Zoo là một tập truyện ngắn thực sự khiến mình bất ngờ về sự thú vị, Otsuichi quả nhiên là dạng tài năng đặc biệt, người đã miệt mài ngẫm nghĩ và viết lách ngay từ độ tuổi phổ thông, khi mà bạn bè anh ta đang mải mê với video game và những trò thể thao hấp dẫn khác.

IMG_6655

Cũng may, Ishiguro đã đoạt giải Nobel văn học trong khi mình vẫn mải mê lôi Haruki Murakami ra làm trò đùa với bọn bạn, và một bạn đã tặng mình cuốn Zoo, nên mình mới biết tới hai thanh niên một già một trẻ, một gốc Nhật nhưng đậm chất Anh hơn cả những nhà văn Anh, và một thì thuần Nhật với dáng vẻ của một otaku chính hiệu.

  1. Lịch sử

Ấn tượng nhất là hai cuốn Sapiens: Lược sử loài người (Sapiens: A brief history of humand kind -2011)Homo Deus: Lược sử tương lai (Homo Deus: A brief history of tomorrow – 2015) của thiên tài Do Thái Yuval Noha Harari.

Hai cuốn này là dạng sách nghiên cứu với lối viết phảng phất nét văn chương nên mình đọc say sưa, bỏ qua luôn thói quen cứ đọc một cuốn nghiên cứu lại đọc một cuốn văn học cho đỡ chán. Thanh niên thiên tài Harari này đem đến cái nhìn rất sống động về thế giới như nó đã là, thế giới như nó đang là và thế giới như nó có thể sẽ là. Hai cuốn gây xôn xao trong giới thích đọc sách, tất nhiên người khen không ít và kẻ chê cũng cực nhiều, mình trong giới hạn vài chữ ngắn gọn không thể đưa ra hết lời đánh giá, mà thật ra chủ yếu do kiến thức hạn hẹp không đủ trình độ để phê bình một cách sắc sảo như nó nên là. Được cái mình cảm thấy cái nhìn về tổng thể thế giới loài người đã có bước chuyển khoáng đãng hơn nhiều sau khi đọc hai cuốn sách này, tất nhiên khi đọc mình luôn cố gắng giữ thái độ nghi ngờ tác giả và thậm chí coi thường dịch giả để có thể đảm bảo sự tỉnh táo khi đón nhận thông tin. Harari sau khi đi một vòng từ quá khứ tới tương lai, nói đại ý nếu bạn cảm thấy tương lai thật tăm tối thì hãy cứ lạc quan lên, mọi lời dự đoán về những gì chưa xảy ra, mục đích chính là để chúng ta làm cho nó không trở thành hiện thực, chứ nếu để nó thành hiện thực thì việc dự đoán thật vô nghĩa biết bao. Mình liên tưởng ngay tới việc người ta hay nói ra rả trên tivi về chuyện nước ta chắc chắn sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hay ghê!!

IMG_6656

Bên cạnh đó, mình còn thích cuốn Xứ Đông Dương (L’ Indo-Chine Français – 1904), tự truyện của ông Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897-1902. Đây cũng là cuốn sách với lối viết đậm chất văn, mình khuân về đọc, nặng quá phải nhờ bạn mình sắm cho cái giá đỡ để chuyên tâm theo dõi câu chuyện của một đại nhân vật đã có những hoạt động để lại dấu ấn cực kì quan trọng trên xứ sở này. Nhiều chuyện ông Paul Doumer kể rất hóm hỉnh, như chuyện người dân An Nam ở một vùng quê và con hổ, hay chuyện ông bị ám ảnh với loài muỗi như thế nào. Đọc đến đâu thán phục đến đấy, quả nhiên là một trí tuệ lớn, nếu dựa trên những gì ông Doumer viết thì cung cách của ông trong cuộc sống và công việc đã vượt xa các lãnh đạo đảng và nhà nước ta bây giờ, những người đã đánh đuổi thực dân Pháp làm cho giấc mộng biến nước Nam trở thành một bang dùng hộ chiếu Pháp của những người da trắng tan tành.

Cuốn sách này gặp phải nhiều lỗi về dịch thuật, sau này mình tìm hiểu và tra soát lại mới phát hiện ra, sai cả về câu chữ lẫn thông tin, tuy không lớn nhưng rất đáng trách. Dù sao thì khi tái bản, đơn vị làm sách đã có động tác sửa sai, cái này đáng ghi nhận.

IMG_6657

  1. Chính trị

Năm vừa rồi điểm sáng trong mảng này là cuốn Chính trị bình dân – 2018, tác giả là nhà báo Phạm Đoan Trang mà mình rất kính trọng. Nói chung, đọc đến đây (nếu còn đọc đến đây), nhiều bạn chắc hẳn sẽ không mấy bận tâm, vì chính trị, suy cho cùng, nó là một cái gì đó xa xôi và khó thay đổi vô cùng trong quan niệm của chúng ta. Nếu đúng là bạn nghĩ vậy thì chúc mừng, đây là cuốn sách dành cho bạn, nó cung cấp những khái niệm cơ bản theo cách gần gũi nhất, với những ví dụ về ngay những gì đang diễn ra ở đất nước Việt Nam.

Đây là một đề tài khó viết, khách quan mà nói thì mình không cho rằng nó là cuốn sách dễ đọc, nhưng nó khó đọc vì sự khô khan của hàng loạt chương mục, hàng loạt khái niệm đòi hỏi đầu óc phải hoạt động, suy tư để phát triển cái nhìn tổng quát nhằm nâng cao kiến thức cho bản thân, chứ không phải vì sự khó hiểu. Nếu bạn đọc cuốn này mà còn cảm thấy khó hiểu thì có lẽ thứ duy nhất còn phù hợp với bạn là cái blog này của mình mà thôi (haha).

1412f711-6a7d-44dc-843e-61639d03ce1f.jpeg

  1. Tạp chí

Từ trước đến giờ, mình ít khi coi tạp chí. Phần vì không có thời gian và cơ hội tiếp cận với những tạp chí chất lượng cao, phần vì đọc sách còn chưa hết, tạp chí là một cái gì đó rất phù du mơ hồ mà thôi. Tuy vậy, suy nghĩ của mình đã thay đổi, ấy là khi mình biết tới tạp chí Zzz Review do Bên phía nhà Z, tức madame Z chủ biên.

Sức đọc của một người nếu đo đếm thì ngoài kia đầy rẫy những kẻ thiên kinh vạn quyển, mà đọc là đọc thực sự, đọc hiểu chứ không phải kiểu đọc lấy đó làm vui, ừ thì cũng có vui, nhưng bên cạnh vui còn có cả suy ngẫm. Đó là mình ba hoa vậy, vì mình thấy mình là thành phần đọc kém và chậm, thế nên việc ở Việt Nam xuất hiện một tạp chí review văn học khiến mình rất thích thú, nhất là khi chất lượng của nó không tồi chút nào, nếu không muốn nói là quá ổn (ở thời điểm hiện tại). Nhờ có Zzz Review mà mình biết thêm khá nhiều cuốn hay và biết lặng lẽ bỏ tiền ra mua về để thành chồng cao nghệu trên bàn cho đẹp mắt chứ đọc chưa hết nổi. Cũng nhờ tạp chí này mà mình nhận ra thị trường sách Việt Nam bị thống trị bởi văn học dịch, văn học Việt Nam vẫn sống, nhưng thiếu những tác phẩm lớn và thiếu cả những tính cách như đã từng có trong quá khứ, cái này là hậu quả của việc kiểm duyệt xuất bản mình rất ghét, tự hứa với lòng sẽ coi biên tập viên như kẻ thù, nếu sau này có cơ hội làm việc cùng, hihi. Nói năng linh tinh vui vẻ thế, chứ đó thực sự là vấn đề nhức nhối, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở bên Tàu, nơi đã sản sinh ra dòng ngôn tình, trước đây văn học Tàu đã không có gì thu hút mình, bây giờ thêm ba cái thể loại ấy, mình càng chẳng để trong mắt, biết là sẽ bỏ lọt viên ngọc nhưng thôi cũng kệ, thế gian thiếu gì ngọc.

Tạp chí ZZZ Review khá đa dạng về thể loại bài viết, có phê bình, phỏng vấn, điểm sách, vân vân. Và tất nhiên, gạn đục khơi trong ta sẽ có thượng vàng hạ cám. Có những bài viết hay giúp mình biết thêm các tác giả tác phẩm mà trước đó mình chưa nghe tới bao giờ (Eugen Ruge ở trên là một ví dụ) thì cũng có những bài khiến mình chỉ muốn đập mẹ cái kindle của mình đi cho rồi. (Lại) tất nhiên, mình không đập kindle nên mình đã chọn cách chịu đựng cảm giác buồn nôn cho đến hết bài viết. ‘Một sự thật cá nhan bị dồn nén tận đáy của ý thức’: Lối viết và tiếng nói nữ trong ‘Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ’ của tác giả Võ Bảo Trâm là một ví dụ. Mình bực đến nỗi lên mạng viết vài dòng xả nỗi cay cú vì kí ức về lối viết văn mẫu dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thân yêu bị khơi dậy. Nay kể ra đây, hi vọng không làm ai mích lòng.

Screen Shot 2018-12-31 at 10.23.24 PM

 

Tổng kết:

Năm vừa rồi mình cũng gọi là chịu khó đọc sách, đã biết bỏ tiền ra mua kindle để thay đổi thói quen sử dụng sách giấy, sau đó mê tít phát minh vĩ đại này của bọn tư bản giãy chết, tức đất nước không có vua nhưng hay bị gọi là đế quốc trong sách giáo khoa. Mình đã cố gắng không biến những thời khắc lười biếng trở thành vô nghĩa với những màn chơi bời vớ vẩn, mặc dù mình vẫn rất hay chơi bời vớ vẩn. Mình cũng nhận ra là đã hoàn toàn không đọc cuốn sách ngoại ngữ nào (cụ thể chính là tiếng Anh, ngoại ngữ duy nhất mà mình biết, một cách sơ sài), mình hoàn toàn đọc sách dịch và sách viết bằng tiếng Việt, năm tới mình sẽ cố gắng khắc phục điểm này. Ngoài ra, việc đọc các truyện ngắn, tiểu luận, bút kí, diễn từ, tóm lại là đọc trên mạng cũng là một trải nghiệm kì diệu đem lại cho mình những xúc cảm mãnh liệt hơn mình có thể hình dung trước đây. Xin cảm ơn tất cả những người đã chia sẻ miễn phí thành quả lao động của họ để những người như mình có được cơ hội được đắm mình trong chữ nghĩa tuyệt đẹp như vậy trong đời. Trong khuôn khổ những lời tâm tình này, mình không thể liệt kê hết những đường link cần thiết, trong tương lai nếu có đủ điều kiện mình sẽ tìm cách thực hiện và ủng hộ, mong mọi người thứ lỗi cho mình của ngày hôm nay.

Những giờ phút cuối cùng của năm 2018, nghĩ lại, thấy mình đã may mắn bớt ngu đi một chút.

———-

ChuKim – 2018

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.