(Truyện ngắn này được đăng tải lần đầu tại ZzzReview)
Khi ông tổ trưởng dân phố hát tới bài thứ ba thì thần hồn thần trí của tôi đã rời khỏi xác phàm mà bay đi làm kẻ si tình em gái hàng xóm từ lúc nào không hay.
Kể từ hôm tôi chuyển tới khu phố này sau nghe được như người bình thường, ngày nào ông ấy cũng tới gặp tôi. Người ta bảo, cho tới thời điểm tôi được điều trị thành công thì bệnh khiếm thính về cơ bản đã chính thức được giải quyết hoàn toàn. Từ nay không còn ai coi điếc là một dạng tật nguyền nữa. Điếc hay lãng tai do tự nhiên, do tai nạn, hay do bất kì lý do gì đều không còn là điều khiến con người bận tâm, giờ đây thính lực của tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều được đảm bảo duy trì ổn định ở mức chuẩn 10/10 như nhau. Nghe vậy, ôi tôi nghe vậy, tôi có cảm giác mình là người cuối cùng từng bị điếc ở đất nước này, là hiện thân cho một sự kiện mới chói lọi làm sao. Người ta lại bảo, kẻ từ điếc đặc sang thính rõ như tôi cần được tạo điều kiện cho tiếp xúc với môi trường mới, không nên ru rú trong bối cảnh cũ kẻo khả năng tái điếc là khá cao, thế là tôi được sắp xếp chuyển về khu phố này để bắt đầu cuộc sống mới, để hiểu thế nào là sự ồn ã náo nhiệt của đời sống. Môi trường sống ở đây cũng không khác nhiều với nơi ở cũ của tôi, cũng hàng cây, cũng phố xá thành thị, cũng ngõ ngách, cũng những con người với hình dáng như vậy. Tôi không khỏi cảm thấy bồi hồi khi gặp ông tổ trưởng dân phố lần đầu, ông ấy tầm tuổi như cha tôi ở nhà, với ông ấy, có lẽ tôi cũng như đứa con đứa cháu trong xóm mà thôi. Ông tổ trưởng nhìn tôi, bảo đây không phải lần đầu ông ấy đón những trường hợp như tôi, nên cứ yên tâm, ông ấy biết nên làm thế nào để giúp tôi.
Mỗi ngày hai giờ đồng hồ, ông tổ trưởng giúp tôi tập phát âm, phát âm chứ không phải nói, tôi tất nhiên là đọc thông viết thạo nên giờ thì việc của tôi là dành thời gian biến suy nghĩ trong đầu mình từ dạng ký hiệu trở thành âm thanh. Thực là cả một cuộc thay máu lớn lao. Ông tổ trưởng dẫn tôi thăm thú quanh khu phố, quanh phường nơi chúng tôi sống. Ông ấy bảo, ‘chả có cách gì tốt bằng học từ chính cuộc sống, cậu đi với tôi thế này rồi chẳng mấy chốc mà phát biểu hùng biện cũng được ấy chứ nói chuyện thường ngày thì đã là gì.’ Tôi cảm ơn ông ấy lắm và ra sức nghe, việc mà tôi đã từng mong muốn nhất, chờ đợi nhất suốt cuộc đời mình. Đi qua những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, tôi biết thế nào là tiếng ông già bà cả lạch cạch nơi cửa nhà. Đi trên đường phố tấp nập, tôi biết thế nào là tiếng xe cộ vun vút lao đi. Đi qua khu tập thể, tôi biết thế nào là tiếng người ta họp chợ cóc sống động một góc trời. Ngồi bên vỉa hè uống chén nước, tôi thậm hiểu tại sao người ta nói đó là cả một diễn đàn với những tràng rít thuốc lào òng ọc như nấu sử sôi kinh. Khi trời chiều, tôi biết thế nào là tiếng chó mèo ủng oẳng cãi vã làm dáng khi chúng biết có đông người trở về khu dân cư, tiếng người mẹ giục đứa con mau kết thúc cuộc vui với đám bạn mà về nhà tắm rửa ăn cơm. Cũng có những lúc tôi lang thang một mình khi ông tổ trưởng bận việc, bên tai tôi là những tiếng chửi thề mô tả cả sắc thái bực dọc lẫn sảng khoái, tiếng gió lùa qua tóc, tiếng nắng đan qua kẽ lá, thậm chí, tôi tin rằng mình đã nghe được cả tiếng bụi rơi. Nhưng rốt cuộc, chẳng gì có thể sánh được với tiếng hát.
Trước đây, khi sống trong thế giới vô thanh, đối với tôi, hát hò là một khái niệm trừu tượng. Mọi sự mô tả bằng chữ nghĩa về các vận động của thanh quản và những hình ảnh ví von qua xúc giác hay vị giác đều chỉ tổ khiến cho âm nhạc càng trở nên mông lung và khó nắm bắt hơn. Một đôi lần, tôi cảm nhận sự rung động theo tần số của không khí qua bàn ghế, vách tường, thân cây, hay bờ vai người ở cạnh, thấy lồng ngực mình run lên từng chặp đến nghẹt thở. Tôi vẫn luôn chờ đợi đến ngày được chữa khỏi hoàn toàn, để có thể như lời người ta nói với tôi, rằng sẽ biết ngay ấy mà, về một trong những loại hình nghệ thuật cổ xưa nhất, một trong những điểm tựa cứu chuộc của lòng người.
Thế mà tôi biết ngay thật. Tôi ở đâu cũng nghe thấy tiếng hát vọng tới, tôi làm gì cũng là làm trong tiếng hát. Dù ngày hay đêm, dù tôi thức hay ngủ, hay chập chờn nửa tỉnh nửa mê, mọi lúc mọi nơi đều là tiếng hát. ‘Người ta hát karaoke đấy,’ ông tổ trưởng nhận thấy vẻ mặt tôi, bèn giải thích. ‘Thời đại bây giờ, karaoke hộ gia đình là phổ biến lắm, người người hát, nhà nhà hát. Trên báo người ta bảo, mật độ máy karaoke theo điều tra xã hội học thậm chí đã đạt tới mức bão hoà, tức là đủ để có thể làm cho lời ca tiếng hát mãi mãi ngân vang, không bao giờ tắt đi vào bất kì lúc nào, ở bất kì nơi đâu, dù là hang cùng ngõ hẻm hay biên giới hải đảo xa xôi, dù lúc giữa trưa chang chang nắng trút như thác đổ, hay khi đêm hôm tối trời giơ tay không thấy ngón. Ai ai cũng hát, ai ai cũng nghe hát, mọi lúc mọi nơi, lời ca tiếng hát như một dòng chảy bất tận tưới tắm lên tâm hồn của tất cả các sinh linh trên khắp thế gian. Hay thật đấy. Cuộc sống bây giờ công nhận là tốt hơn xưa rất nhiều, thế hệ cậu, mà nhất là cậu, chưa hiểu được đâu. Ngày xưa, lúc chúng tôi tầm tuổi các cô các cậu bây giờ, cũng thích hát lắm, mà hát cho ai nghe? Phương tiện không có, dùng sức người thì ăn thua gì? Người hát mà không có người nghe thì cũng vô nghĩa. Tôi không phản đối nhưng cũng chẳng ủng hộ cái đám ca sĩ, cứ bày ra thanh nhạc này nọ, rồi thần tượng hoá chúng nó lên. Vứt. Vứt hết. Tại sao cứ phải phân biệt ra người hát hay với người hát dở, phàm đã là tiếng ca thì đều xứng đáng được cất lên cho mọi người cùng nghe. Nên bây giờ thời buổi phát triển, phải biết trân trọng cậu ạ. Cậu thiệt thòi, không được lớn lên trong bầu không khí văn nghệ, nên nhiều khi những người như cậu sẽ sống xa cách thực tế, đó cũng là chuyện bình thường thôi, nên tôi sẽ giúp cậu. Yên tâm,’ giọng ông tổ trưởng toát lên vẻ trầm hùng, nhìn dáng điệu gật gù và ánh mắt ngời sáng soi rọi trước mặt mình, tôi bỗng thấy bất an làm sao.
Từ sau hôm ấy, việc học phát âm của tôi tiến lên một tầng cao mới: tập hát.
Ông tổ trưởng bảo, ‘nói được thôi chưa đủ, cậu nghe được rồi, nói tốt rồi thì giờ phải hát được nữa kìa, như thế thì mới hoà nhập được cuộc sống, mới kết giao được với xã hội, mới có tương lai.’ Tôi gật gù vâng dạ. Nghe ông ấy nói tới việc kết giao được với xã hội, tôi thấy động lực tập hát cháy bừng bừng khắp các tế bào, và tôi nghĩ về em.
Để nói thế này cho dễ hình dung, tôi không biết em là ai, em từ đâu xuất hiện, dù tôi đoán chừng em là một người láng giềng của mình có thể chỉ cách vài căn nhà, có thể ở tận rìa bên kia của phường tôi sống không biết chừng. Em đẹp, tất nhiên, nếu không tôi đã chẳng có chuyện gì mà kể. Gần như ngày nào tôi cũng thấy em. Khi thì từ xa, như bao thằng trai khác say sưa ngắm nhìn phụ nữ từ khoảng cách đem lại cho chúng cảm giác của những mãnh thú rình mồi, khi thì gần đến độ nếu như tim ngừng đập và mũi ngừng thở mà vẫn sống được, tôi sẽ sẵn sàng từ bỏ tim từ bỏ mũi để duy trì cự ly tuyệt diệu ấy với em. Em hát. Lúc nào em cũng hát. Không phải hát karaoke như người ta, em hát, lặng lẽ, như thể chỉ để cho riêng mình em, và riêng mình tôi vào cái khoảnh khắc em đi lướt qua tôi. Tiếng hát của em không giống như tiếng karaoke rộn ràng của những người hàng xóm, hay những người xa lạ trên khắp những con đường tôi ngày ngày đi qua. Theo như lời ông tổ trưởng dân phố của tôi, bây giờ người ta hát nhiều hát to như vậy, là vì đời sống người ta hạnh phúc, tâm hồn người ta thanh thản. Khi họ vui, họ biểu lộ niềm vui qua tiếng hát, lúc họ buồn, họ giải phóng nỗi buồn bằng lời ca. Mọi người không ngừng hát, cũng đồng nghĩa với mọi người không ngừng nghe. San sẻ và cảm thông cho nhau qua chuyện karaoke, ý nghĩa của việc khiến cho tất cả chúng ta, trong đó tôi là người gần nhất, đều có thính lực tốt như nhau chính là như vậy. Tôi cứ đinh ninh thế giới này là vậy. Ai cũng hát thật to, dầu hay dầu dở, giống như đôi tai tươi trẻ của tôi vẫn cảm nhận suốt những ngày hoà nhập cuộc sống, tôi cứ ngỡ việc nghe hát to như vậy suốt ngày suốt đêm là chuyện đương nhiên, là một lẽ thường tình. Hoá ra tôi nhầm. Lần đầu tiên ấy, em đi qua tôi, bằng tiếng hát khẽ khàng, lơ đễnh, hát mà như thể âm thanh em phát ra em còn chẳng nghe rõ bằng tôi. Chỉ trong một thoáng, tai tôi ù đi, tôi không còn nghe thấy những người hàng xóm đang gân cổ truyền tải thông điệp nào cho tôi, tôi cũng không biết đất trời có thể tĩnh lặng đến thế. Hoá ra những ngày thính tai đã làm tôi quên mất lặng yên đã từng đẹp đẽ biết chừng nào. Có vậy thôi, mà tôi ngẩn ngơ từ dạo ấy.
• • •
Ông tổ trưởng bắt đầu giai đoạn giúp tôi tập hát bằng cách.. hát cho tôi nghe. Trong nhà tôi đã được trang bị sẵn bộ máy karaoke, ông tổ trưởng tranh thủ dạy luôn tôi cách sử dụng, ông bật lên dò dò tìm tìm một lúc, rồi bắt đầu hát. Bài đầu tiên có nội dung ca ngợi chuyện hát hò. Tôi ngồi há hốc mồm ra nghe. Bài hát đại ý hát rằng hãy hát đi hát đi hát đi đừng ngại ngùng. Ông hát đi hát lại bài này ba lần. Sau đó ông tổ trưởng hát cho tôi nghe liên khúc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật. Các bài hát cứ na ná nhau, bài nào cũng như bài nào về chuyện nhà nước có sáng kiến này sáng kiến nọ, nhân dân hãy vui rèn ý thức, vừa tuân thủ chính sách pháp luật vừa tăng cường việc hát hò để chính sách pháp luật đến được với mọi nhà. Có nhiều bài chỉ khác mỗi phần lời, chứ nhạc nền thì y chang nhau, có bài lại lấy phần nhạc của mấy ca khúc nhạc trẻ mà tôi thường nghe hàng xóm hát suốt ngày để chế lời về nghị định giao thông đường bộ. Ông tổ trưởng càng hát càng đam mê, mặt tôi nghệt ra, không ngọ nguậy gì được. Thấy vậy, lúc sau tranh thủ hớp miếng nước cho lại sức, ông ấy bèn từ tốn giải thích, ‘mấy bài này là mới đấy, vì các nghị quyết chính sách này mới được thông qua, ở trên người ta gửi xuống, rồi cậu xem, từ mai là nhà nhà hát người người hát. Âm nhạc nó hay thế chứ, thử hỏi đã có bao giờ pháp luật đến được với người dân gần gũi như thế này chưa?’ Tôi, sau hai tiếng nghe trực tiếp liveshow, lần đầu tiên nếm trải cảm giác xây xẩm mặt mày, gật đầu như máy, ‘vâng, vâng bác ạ, cháu hiểu rồi.’ Ông tổ trưởng vui vẻ chào tôi ra về, không quên hẹn giờ này ngày mai ta lại tiếp tục. Tôi nhìn bóng ông khuất dần phía cuối con đường, hoàng hôn đã xuống tự bao giờ, mặt trời khuất dạng sau những mái nhà nhấp nhô, ráng chiều lay động như lẫn vào trong tiếng hát quen thuộc của một, hay vài, người hàng xóm nào đó mà tôi còn chưa kịp nhớ mặt nhớ tên. Họ đang hát về chủ trương mới.
• • •
‘Thế lỗ mũi cậu có ngừng hít thở không, dạ dày cậu có ngừng co bóp không mà cậu lại đòi đôi tai cậu ngừng nghe tiếng hát, con người giống con vật ở chỗ đều có tai và nghe là một hành vi bị động, thế nên con người hơn con vật ở chỗ có thể chủ động tạo ra âm thanh để nghe, nghe từ lời ăn tiếng nói cho tới lời ca tiếng hát, âm nhạc là, thanh niên các cậu hay nói thế nào nhỉ, à, là trà sữa cho tâm hồn, nghe hát như hấp thu một nguồn dinh dưỡng cho cuộc sống vậy, bên cạnh đấy thì có món ăn ngon, có món ăn chưa ngon, nhưng phàm đã là thực phẩm thì đều đáng trân quý, có nơi không khí trong lành, có nơi không khí kém trong lành hơn, nhưng phàm đã sống trong nền văn minh loài người thì mình phải biết chấp nhận sự thật rằng sự hoàn hảo làm gì tồn tại trên đời đâu. Hợp lý chưa nào?’ Ông tổ trưởng cười xoà vỗ vai tôi.
Tôi nhăn nhó, ‘nhưng mà cháu thấy..’
‘Nhưng nhị gì. Các cậu, cậu nào cũng như cậu nào, vừa nghe được mấy tí là đã bày đặt chê bai giọng hát của người ta. Thôi, tôi nói vậy thôi, rồi cậu tự suy nghĩ, cuộc sống này mình đâu chỉ sống cho riêng mình mình, còn cộng đồng còn xã hội nữa. Trách nhiệm của tôi là giúp đỡ cậu hoà nhập với đời sống mới, tôi cố gắng hết khả năng của mình thì cậu cũng cố gắng phần của cậu. Tìm ra tình yêu với những gì mình có, với những thứ xung quanh mình, sống như vậy mới nhẹ nhõm được,’ ông tổ trưởng ấm áp vỗ vai tôi thêm lần nữa.

Tôi không phàn nàn cự cãi thêm, chỉ lặng lẽ nghe ông tổ trưởng hát bài về việc tích cực học tập và làm theo các tấm gương đạo đức điển hình tiên tiến trong đời sống. Đến một khúc, tôi cất giọng hát theo, hai bác cháu cứ thế song ca một mạch thêm mấy bài. Ông tổ trưởng có vẻ lấy làm hài lòng lắm, nói ‘đấy, bao nhiêu thời gian tôi bỏ ra cũng xứng đáng quá đi chứ.’ Tôi biết ông vui khi thấy tôi dần dần đi qua những bước đầu trên chặng đường mới dưới sự chỉ bảo của ông. Cũng tốt cho mình, tôi tự nhủ. Ngoài những lúc gặp ông tổ trưởng, lâu lâu tôi lại tự tập, tất nhiên là tôi hát karaoke cho khí thế, một vài bản tình ca. Tôi sẽ làm quen em, biết đâu đó chính là ý trời. Tôi trầm bổng, quên mình đang lọt thỏm giữa tiếng hát sai nhạc sai phách lung tung của hàng xóm. Họ hát khoẻ hơn tôi nhiều, âm lượng từ máy karaoke ồn ã cả một góc trời, át đi cả bản tình ca ngọt ngào tôi thầm dành tặng em. Nhưng tôi không sân si nữa, tôi nhớ lời ông tổ trưởng. Tôi ý thức được rằng chỉ có karaoke mới là công cụ hữu hiệu nhất giúp người ta bộc bạch tâm hồn, đem tình người đến với nhau và rèn luyện lòng thương mến tha nhân trên khắp cõi đời này. Có lẽ vì vậy mà khái niệm vô thanh thực sự phải bị loại bỏ, sự yên tĩnh thì đem lại nỗi cô đơn, như tôi và tất cả chúng tôi ngày ấy đã cô đơn trong vũ trụ lặng câm của riêng mình, nó chỉ tổ đẩy người với người xa nhau, xa nhau và xa nhau. Thế giới này là thế giới của tiếng hát miên man không dứt, là thế giới của tiếng gào thống thiết đầy ngạc nhiên, là thế giới của tiếng rên rỉ nỉ non não nề. Thế giới này là thế giới mà giờ nào phút nào giây nào mỗi người cũng đều cảm thấy sự hiện diện của người khác ở ngay gần bên mình là quá rõ rệt, sự giao tiếp không ngơi nghỉ là quá mạnh mẽ. Thật là một thế giới đối lập hoàn toàn với thế giới mà tôi từ đó cất bước ra đi. Tôi sẽ hoà nhập với thế giới karaoke này, tôi sẽ xây dựng đời mình, tôi nhất định sẽ làm quen em.
Tôi không đọc sách nữa, bây giờ tôi đọc lời bài hát. Vừa nghe người ta hát một bài hát này, vừa đọc lời một bài hát nọ, đó là một trải nghiệm kì cục, vì khi đọc lời bài hát, tự trong đầu ta sẽ lanh canh văng vẳng nhạc điệu của từng câu từng chữ ấy, và nó đánh nhau với thanh âm của ca khúc tai ta thu nhận, thế là, bằng một cách thức nào đó mà não bộ ta sẽ có lúc đưa luôn lời bài hát mà ta đọc vào những nốt trầm bổng của bài hát mà hàng xóm của ta đang y ỷ thiết tha. Thật dễ hiểu khi thời nay chẳng ai còn đọc sách cả, vì người ta còn bận hát và bận nghe hát, khi anh không thể cưỡng lại được những đón nhận bị động của sinh lý, thì tốt nhất là anh nên nương theo nó để đời sống của anh vẫn tiếp tục được đủ đầy. Giờ là thời của thơ và ca, các nhà thơ đang yên đang lành tự dưng lại trở nên thành phần ưu tú của xã hội. Trước đây bị coi là phường đuổi khách bao nhiêu thì giờ lại được trọng vọng bấy nhiêu. Họ song kiếm hợp bích cùng các nhạc sĩ, cặp đôi nghề nghiệp này thậm chí biến tất cả mọi thứ trên đời thành lời bài hát, phục vụ nhu cầu hát hò của đủ mọi giai tầng cấp bậc trong xã hội. Cái trò biểu diễn ngâm thơ trên nền nhạc vốn là một phát minh sến đau sến đớn như tôi nhớ trước đây từng đọc được không ít lời nhận xét bỉ bôi của những thế hệ cũ, giờ lại phất lên trông thấy, các nhà thơ, các nghệ sĩ ngâm thơ biểu diễn ầm ầm, không ít trong số đó sẽ được phổ nhạc thành bài hát, thật là khai thác đến tận cùng cái giá trị của nghệ thuật vị nhân sanh. Cá nhân tôi quan sát thấy tầng lớp dân chúng gần như không đọc thơ karaoke, có lẽ vì đòi hỏi nhiều năng lực hơn so với hát. Chẳng biết nên buồn hay nên vui.
Ông tổ trưởng dân phố giờ không còn dành cho tôi hai tiếng mỗi ngày nữa, ông ấy nói vai trò của ông ấy với tôi đến đây bình đẳng như với mọi công dân khác, có việc gì khó cứ tới tìm, có bài hát nào muốn biết cứ tới hỏi. Tôi thật lòng biết ơn ông ấy. Lâu lâu chúng tôi gặp nhau trong khu phố, tôi chào ông ấy bằng cách hát váng lên một đoạn bài hát mới về trật tự trị an, ông ấy cười phá lên và đáp lại bằng mấy câu ca về kế hoạch hoá gia đình. Ý là ông trêu tôi, giục tôi chuyện đã hoà nhập đời sống rồi, có công ăn việc làm, biết hát hò, biết tìm thấy sự thanh thản trong lòng mình khi ngày ngày 24/24 đều nghe tiếng người ta chơi karaoke, thậm chí cả trong giấc ngủ, thế thì cũng tới lúc yêu đương hẹn hò như một thanh niên đích thực đi là vừa rồi. Chẳng chờ tới lúc ông tổ trưởng trêu, tôi đã tìm thấy lý tưởng của đời mình rồi.
• • •
Nhà em với nhà tôi ở cùng một làng. Gọi là làng, ấy bởi thành phố nơi chúng tôi sống, vốn xưa gồm nhiều làng nhỏ, lâu ngày rồi người ta tụ tập giao thương, sống quần cư lan ra hoà lẫn vào nhau mà thành, tàn tích của ngôi làng ngày ấy giờ còn sót lại là mái đình nơi người ta hát chúc mừng năm mới, chúc thọ thành hoàng làng, là cổng làng cũ lọt thỏm giữa nơi phố thị, người ta bán nước trà và hát những bài nhạc chế dân gian về chính trị chính em, rồi vỗ đùi cười rinh rích với nhau. Từ lúc phát hiện ra, tôi lấy làm tâm đắc chuyện này lắm. Số phận, đó chính là số phận. Phong thuỷ tốt lành đã đưa tôi về đây sinh sống gần em trên mảnh đất này, với nếp làng đọng lại sau từng ấy thời gian, và những uyển chuyển của đời sống náo nhiệt mà tôi dần thân quen. Em sẽ là hiện thân cho sự kết nối giữa lặng yên và ồn ã, sẽ là điểm tựa cho hồn tôi nương náu tìm lại một chút cảm giác của những ngày cũ đã qua, và níu đời tôi vào thực tại của văn nghệ xóm nhà. Em không mang hình dáng và điệu bộ của một phụ nữ đã có gia đình, hay chỉ là mảnh tình vương bên mấy ngón tay vẫn thường lắc lư theo điệu mấp máy của đôi môi, ôi, đôi môi ấy sẽ im bặt khi tôi hôn em. Tình yêu của tôi nảy nở trong tiếng hát nhỏ nhẹ nơi em làm im bặt tiếng gầm của thế gian, và nó sẽ bừng cháy trong khoảnh khắc lặng thinh của hai chúng tôi giữa muôn trùng ca ngợi tình yêu và cuộc sống. Đừng hát nữa em ơi, xin đừng hát nữa làm gì, mà hãy yêu nhau đi, cho gạch đá có tin vui. Tôi nghĩ đến đâu mà thấm tới đó, người ngợm tâm hồn cứ mềm nhũn cả ra.
Nói vậy chứ chuyện trọng đại như vậy quả tình không hề đơn giản. Tôi hít hà lấy khí thế hết lần này tới lần khác, trải qua không biết bao nhiêu bận lắng nghe sự khẽ khàng của tiếng lòng em ca, tôi hồi hộp tới không nhúc nhích nổi, chứ bàn gì xa xôi tới tiếp cận làm quen. Tôi vò đầu trách mình nhát gan hết lần này tới lần khác. Một buổi chiều hè, chúng tôi vô tình đi qua nhau, con ngõ nhỏ dưới tán cây khế ngọt nơi khúc cua, trẻ con giờ này còn đang bị người lớn giữ ở nhà chưa cho chạy chơi, chó mèo giờ này cũng lang thang xó xỉnh nào chẳng biết, xung quanh thanh vắng chẳng có một ai, em không hát, tôi không hát, tiếng ai đó hát bỗng hoá ra vô thanh bên tai tôi. Em bước từng bước chậm rãi ngược chiều tôi đi. Chưa bao giờ tôi nghe tim mình đập mãnh liệt đến vậy, thật không khác nào tiếng trống dồn báo hiệu cho con người mang kiếp cầm ca chuẩn bị đón nhịp vào bài. Cảm tưởng như em sẽ nghe thấy tiếng trống phản chủ ấy mà cất giọng hát lên một lời nào đó chế giễu cái thằng tôi đang lộ hết vẻ bối rối ra mặt. Lúc ấy tôi chỉ muốn độn thổ hoặc bay vút lên đuổi phắt lũ chim sẻ đang lích chích chuyền cành đi cho rồi. Một thoáng, rồi hai thoáng, ba thoáng, tôi không thể ước tính thời gian theo một định lượng cụ thể, chỉ biết mình cứ đờ ra bước đi như kẻ một kẻ vô dụng nhát gái chính hiệu. Cho tới khi em đã đi qua tôi, tôi đã đi qua em, em đã khuất sau lối rẽ, tôi đã ngoảnh đầu lại thẫn thờ nhìn làn tóc phất phơ biến mất nơi cuối ngõ, tôi mới hoàn hồn, và tiếng lải nhải từng thu thay lá lá rơi đắp mộ cuộc tình của bà chị hàng xóm là điều đầu tiên ập đến với trái tim kiệt sức nơi tôi.
Sau lần ấy, tôi trốn biệt không dám tới gần em, chỉ le lói nhìn trộm từ xa. Mất mấy ngày nghe hàng xóm luyện tình ca karaoke nhân phẩm mới phục hồi. Nghe giọng một bác nào chắc cũng lớn tuổi không biết ở đâu vọng tới, đời người con gái chưa một lần yêu ai nhìn về tương lai mà tôi thấy như cơ hội còn dài. Một bữa khác, tôi canh lúc tối trời, một buổi tối mát lành, có nắng đêm như lời bài hát, có ánh trăng và có ánh sao, ngay khi có tiếng kẻng đổ rác leng keng, tôi rình cho xe đi qua rồi lững thững xách xô rác bước theo sau. Hai anh chị công nhân vệ sinh cài cái loa cơ động bên hông quần, vừa gõ keng keng theo điệu nhạc vừa hát điều đó tuỳ thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn mà thôi, nghe ngứa tai chẳng lẽ tôi lại lên vỗ vai bảo tôi có làm gì sai đâu sao thành phố cứ ngày một nóng lên thế này, thế thì thuộc gì vào tôi mà thuộc? Nhưng thôi, hôm nay tôi đi theo sau các anh chị là để gặp em, vì tôi đã biết nhà em ở ngõ kế bên, cách ngõ nhà tôi cái tán xà cư(cừ) xanh rờn. Đúng như dự liệu, tình yêu của đời tôi cũng xách xô ra đổ rác khi hai anh chị công nhân dừng xe, tăng nhịp kẻng. Nhìn môi em mấp máy, tôi biết em đang ngân nga điều gì đó. Cảm giác không nghe rõ mới thật tuyệt diệu làm sao, tôi như điếc thêm lần nữa khi đối diện với em, cứ mỗi lần ký ức về những ngày xưa ấy ùa về, em không khỏi khiến tôi bùi ngùi, chạnh lòng mừng mừng thương thương cho chính mình, vì sao, thì tôi cũng không biết nữa. Hai anh chị công nhân vừa đẩy xe rác đi khỏi, tôi đánh liều tiến lên phía trước, giấu cả hai tay lẫn xô rác ra sau lưng mà đi bên em. Tôi liếc sang, thấy em đang thong thả, chẳng rõ có phải chúng tôi đang nhịp bước cùng nhau không, hay là tôi lại đang đánh trống rộn ràng. Lần này, tôi không để trái tim làm hại mình nữa.
‘Nhà em ở gần đây à? Thi thoảng anh thấy em đi khu mình nhỉ, em hay đổ rác giờ này à?’ Nói xong tôi thấy mình ngu mà không cách nào thu lại được, giờ này xe rác mới tới, không đổ giờ này thì đổ vào mồm ai giờ khác. Tôi nhìn thẳng ra phía trước mà đi, cố cho ra vẻ tự nhiên không buông tuồng vồ vập.
Em lặng yên chẳng trả lời.
‘Độ này anh bắt đầu thấy chán chán cái bài điều đó tuỳ thuộc hành động của bạn, em có thấy thế không? Ngày nào họ cũng hát bài ấy, lúc không hát thì lại bật loa tự động, thế mà không mệt nhỉ. Sao không hát mấy bài mới cho vui nhỉ? Chủ đề gì mà chẳng được, thiếu gì bài để hát đâu, mọi người đi đổ rác vì tiếng kẻng chứ ai vì cái bài đổ trách nhiệm ấy đâu,’ tôi khịt mũi leo thang.
.
.
.
.
.
Em vào nhà, tôi tiếp tục đi thẳng, tiếng lạch xạch khoá cửa lạnh lẽo như những nhát dao đuổi bám sau lưng tôi. Em chẳng buồn nói với tôi một lời. Tôi đích thị là một gã vô duyên hạng nhất, xớn xác nói những lời nhạt toẹt mong bắt chuyện với người ta. Hai lần mở miệng là hai lần im lặng trở thành sự ồn ào khủng khiếp giữa cơn bão đời.
Tối hôm đó, chưa bao giờ tôi hát karaoke điên loạn đến vậy. Bầu trời vẫn có ánh trăng có ánh sao, tán cây khế rung lên mỗi khi tới khúc cao trào, đôi lúc một quả chín tới vàng ngọt rụng xuống nền xi măng, ngọn đèn đường toả ra thứ ánh sáng cô đơn sầu thảm lẫn vào nỗi buồn của tôi hắt ra từ ô cửa sổ, tôi hát, còn những người hàng xóm của tôi có thể nghỉ ngơi được rồi. Giá mà có ông tổ trưởng dân phố chứng kiến, chắc hẳn ông ấy sẽ xúc động vô cùng.
• • •
Cuộc sống cứ thế như một dòng sông phẳng lặng. Tôi cứ thế đi đi về về như tất cả mọi người xung quanh. Tôi không nhớ đã bao nhiêu ngày trôi qua kể từ buổi tối tôi đi đổ rác cùng em, tôi cũng không nhớ lần cuối cùng mình có một ngày không cất tiếng hát karaoke là từ bao giờ. Tôi không còn cảm thấy mình là một người mới được chữa khỏi bệnh khiếm thính. Bây giờ tôi là một người bình thường, có công việc, có những mối quan tâm thường nhật, Lâu lâu ông tổ trưởng dân phố gặp tôi, hai bác cháu theo lệ luôn hát hò chào hỏi nhau. Ông ấy hỏi han tình hình cuộc sống của tôi, kể chuyện rằng dạo này ở trên không thấy giao xuống việc như ông đã làm cho tôi nữa. Các khu phố khác cũng vậy, và các phạm vi cộng đồng rộng lớn hơn, có lẽ cũng vậy. Những ngày tháng các tổ trưởng dân phố đóng vai trò hướng đạo cho những người mới tìm được thính lực dường như đang thực sự trôi qua. Ông tổ trưởng nói thêm dăm câu chuyện khu phố, rồi tôi đứng lại nhìn tấm lưng mẫn cán của ông ấy bỏ đi, tự hỏi không biết rồi tới đây ông ấy sẽ làm gì với hai tiếng đồng hồ dư thừa ra mỗi ngày? Sẽ tìm một cái tù và khác để thổi cho đồng bào tôi nghe, hay sẽ lùi dần vào đời sống như những ông già khác, với những bài ca huy hoàng về quá khứ chẳng ai dám chắc rằng có gì đáng tự hào hay không.
Cũng từ dạo trở thành một người đàn ông bình thường ôm nỗi buồn tình ái, tôi thấy mình mắc cái tật thi thoảng lại mấp máy môi, giai điệu từ một bài hát bất kì hiện ra trong đầu những giây phút một mình lững thững đi bộ sẽ đưa suy nghĩ của tôi trở thành lời ca nhỏ nhẹ cho riêng mình tôi chuyện trò với bản thể của chính mình. Những lúc ấy, tôi không nghe thấy tiếng người ta hát karaoke dù to đến thế nào đi chăng nữa, hay hay dở gì cũng mặc, tôi chỉ nghe thấy tiếng lòng mình, thánh thót và nhẹ bẫng. Có giống như em không nhỉ, tôi tự hỏi. Tôi thấy mình bay bổng trong thế giới của riêng tôi, lại một lần nữa, tôi sống với hình bóng của nỗi cô đơn mà tôi đã từng gắn bó trong những ngày là kẻ điếc trước đây. Hoá ra trên đời này vẫn luôn có cách để sống theo cách mà chúng ta muốn, phải chăng điều tôi đang cảm nhận lúc này đây, cũng là điều vẫn luôn ở trong em kể từ ngày em mang theo tiếng hát như lời thủ thỉ đi lướt qua tôi? Kể cũng lạ, tôi ngạc nhiên thấy mình đắm đuối dễ chịu trong nỗi cô đơn quen thuộc, đồng thời vẫn có thể thoải mái thơ ca hò vè, có lúc còn gào thét theo đúng nghĩa gào thét cùng những người xung quanh. Đời sống phân thành hai cực đổi chỗ luân phiên nhau, nếu phải lựa chọn một cực duy nhất làm kim chỉ nam, thú thật, tôi muốn mình cứ xoay mòng mòng.
Tôi tha thẩn bước đi trên vỉa hè nay đã trở nên thân thuộc, nhẩn nha ngâm nga chuyện công việc vừa xong trong ngày theo giai điệu thô mộc như viết lên cây lời ban (bàn) giao hô (hồ) sớ (sơ) ấy.
‘Này, này! Mải nghe ai hát mà tôi gọi mãi không trả lời,’ tôi giật nảy mình, hoá ra là ông tổ trưởng dân phố, ông ấy đang đi cạnh tôi tự bao giờ.
‘À, bác ạ,’ tôi cười giả lả, ‘bác đi đâu thế này, cháu đang mải hát nên không để ý. Chứ cháu mà thấy bác là cháu hát ngay điều ấy hoàn toàn tuỳ thuộc tổ trưởng rồi.’
Ông tổ trưởng thoáng đăm chiêu nhìn tôi. ‘Ừ, hoàn toàn tuỳ thuộc tổ trưởng,’ ông ấy đáp, rồi mỉm cười. ‘Nhưng mà là tổ trưởng khác, không phải tổ trưởng này nữa rồi.’
‘Bác nói vậy là sao ạ?’ Tôi không hiểu.
‘Hết tuần này là bác nghỉ, không làm tổ trưởng tổ dân phố nữa.’
‘Ơ thế hả bác, sao bác không làm tiếp?’ Tôi ngạc nhiên.
‘Ờ, thôi, đến lúc tôi nghỉ rồi. Tôi làm tổ trưởng tổ dân phố suốt từ lúc về hưu tới giờ, bây giờ không còn như ngày trước, sau lứa các cậu, có còn mấy ai điếc đến tận lúc lớn đâu, người ta chữa được từ sớm cả rồi. Kinh nghiệm hỗ trợ người điếc hoà nhập cuộc sống mới của tôi, bây giờ xã hội không cần dùng tới nữa. Các việc khác trong khu phố, để mấy người trẻ hơn tôi họ làm, như thế hợp lý hơn. Nên tôi về hưu thôi, lần này tôi về hưu hẳn,’ ông tổ trưởng vỗ vai tôi. ‘Cho nên cậu là lứa cuối cùng tôi hỗ trợ đấy nhé.. Sau này, có thời gian thì ghé qua nhà bác chơi, uống chén nước.’
‘Dạ,’ ông tổ trưởng thay đổi cách xưng hô khiến tôi bỗng thấy bùi ngùi. ‘Cháu cảm ơn bác.’
‘Ơn huệ gì. Đừng có khách sáo. Thôi, bác đi lên phường đã. Tiện gặp cậu trên đường thì bác kể chuyện như thế.’
Tôi chào, rồi đứng lại nhìn ông tổ trưởng tất tả bỏ đi. Cho tới khi tôi nhận ra thứ âm thanh đinh tai nhức óc như đấm vào mặt tôi là tiếng hát quảng cáo của ông chủ quán phở bên cạnh, tôi mới vội bước đi kẻo làm vướng chuyện kinh doanh của người ta.
• • •
Ngày cuối tuần, tôi xách chai rượu đã chuẩn bị từ trước, đi qua thăm ông tổ trưởng dân phố, cho đến hôm nay đã trở thành một ông bác hàng xóm thuần tuý. Vừa thấy tôi ở cửa, ông ấy đã vồn vã mời vào. Đây là lần đầu tiên tôi ghé nhà ông, âu cũng là một thiếu sót, nhưng thôi cũng đành. Căn nhà lô ngõ giống như rất nhiều căn nhà lô ngõ khác, cũng cầu thang ở giữa hai gian hai bên, trong phòng khách bày biện đơn giản, bộ bàn ghế gỗ mà bây giờ thanh niên ít còn chuộng, kệ tủ bày vài tấm ảnh, ảnh ông và gia đình, ảnh ông thời còn công tác, thêm vài tấm bằng khen, đại loại như vậy. Tất nhiên không thể thiếu tivi và bộ máy hát karaoke. Tôi nhìn ông pha nước mời mà nhớ cha mẹ tôi. Nhà tôi cũng như ở đây, cũng cầu thang ở giữa hai gian hai bên, cũng bộ bàn ghế màu nâu thời thượng của những thập kỉ cũ, cũng lối bày biện na ná nhau, cũng hình ảnh cha mẹ tôi lâu lâu hát karaoke mà tôi lúc ấy chưa hiểu tại sao. Lâu rồi tôi chưa về thăm họ.
‘Cháu có món quà biếu bác, cảm ơn bác đã giúp đỡ cháu rất nhiều ạ,’ tôi đặt chai rượu vào tay ông tổ trưởng.
‘Bày vẽ thế, bác cảm ơn. Này, hôm nay ở lại ăn cơm nhé, để bác bảo bà vợ làm vài món. Cậu không bận bịu gì đâu đấy,’ ông ấy cười hà hà bắt tay tôi. Từ dạo về đây sống và quen biết ông, giữa chúng tôi mới có không khí không nhuốm chút mùi công việc nào như vậy. Ông tổ trưởng kể cho tôi nghe hơn mười năm được bà con chòm xóm tin tưởng ở cương vị tổ trưởng dân phố, ông đã đóng góp phần mình thế nào, đã gánh gồng giúp đỡ những thanh niên như tôi, cho đến khi ông nghỉ hưu hẳn, ngót nghét lên tới hàng chục người. Có người sau đó chuyển về chỗ ở cũ, có người lại chuyển đi một nơi khác nữa, có người như tôi, chọn ở lại đây sinh sống. Cao hứng, ông tổ trưởng khui chai rượu, hai bác cháu làm vài ly rồi bật karaoke hát hò vang trời. Tôi nghe ông ấy hát lại những bài trước đây từng hát cho tôi nghe, lúc ấy thấy đầu óc quay cuồng trước năng lực âm nhạc của ông bác bao nhiêu, giờ lại thấy một tình cảm thân thương dâng lên trong lòng bấy nhiêu. Nghĩ tới hội chứng nghe hát chán nhiều quá, cuối cùng đâm ra lại thấy quen quen và thiếu thì không chịu được, tôi cười thầm và cũng cầm mic lên làm song ca cùng ông tổ trưởng.
Chúng tôi đang hát thì có tiếng chuông cửa. ‘Lại có khách, cậu chờ bác tí nhé, giúp bác chêm nước vào ấm trà,’ ông tổ trưởng đặt mic xuống bàn. Tôi vâng dạ, quay đầu nhìn ông tổ trưởng ra mở cửa cho khách. Tôi cầm phích nước, vừa kịp rót thì chủ nhà và người khách mới đã vào tới nơi.
Tôi ngẩng đầu lên và ngay lập tức điếng người. Là em.
Em gật đầu mỉm cười chào tôi. Tôi chẳng biết là mình có gật đầu đáp lễ lại em không, hay lại đực ra như phỗng. Tim tôi lại đập cuồng loạn, có khi là do mấy chén rượu và hoạt động hát hò nãy giờ làm lưu thông khí huyết cũng nên. Ông tổ trưởng ngồi đối diện em và tôi. Ông quay sang tôi, ư ử hát trên nền nhạc mới vừa đây song ca cùng tôi:
‘Từ lúc quen nhau chưa giới thiệu lời nào, kể về cô gái đây
cùng chung hoán (hoàn) canh (cảnh) mà đã quyết định ở đây
xấy (xây) dựng cuộc sống mơi(mới)
cố (cô) đây nhà bên, ngày trước cung (cũng) từng bì (bị) điệc (điếc)
và nay đã ổn rồi.’
Rồi ông tươi cười rót nước mời người khách mới.
‘Khi năm xưa chau (cháu) còn khờ dại
được bác giúp cho hoa nhâm (nhập)
khi đôi tai chàu (cháu) đa (đã) biết dùng
thật lòng không quên.’
Em hát đáp lời, giọng hát em vẫn nhỏ nhẹ như vậy, nhưng tròn vành rõ chữ. Tôi thực không thể nào mà không tròn mắt trước màn hội thoại này.
‘Làn gió ca vang đêm ngày quanh khu phồ(phố) ta nó mới hay làm sao
đó cũng la (là) việc bác đong (đóng) gọp (góp) sực (sức) minh (mình) cho xa (xã) hội này
từ bao mái nhà lời ca váng lừng
là lòng bạc (bác) thêm niềm vui sống
đây cũng co (có) anh này từ điếc thành thông
nghe hát nơi đây tim hoà niềm vui
lâng lâng lời ca.’
Ông tổ trưởng rõ là vui vẻ. Ông lên giọng hát rất to, một tay giang ra để biểu thị tấm lòng dạt dào như biển cả, một tay chỉ sang phía tôi như giới thiệu.
Em quay sang chìa tay cho tôi. Tôi luống cuống bắt tay em, chao ôi là chao ôi! Tôi nói chào em, giới thiệu tên mình. Em khẽ chớp mắt, lại mỉm cười đáp lễ với tôi. Em và ông tổ trưởng hát hò đối đáp nhau qua lại thêm một lúc, em uống dăm miếng nước rồi xin phép đứng dậy ra về. Tôi từ đầu chí cuối chỉ biết chứng kiến, bỗng dưng khả năng hát bộc bạch lời nói ý nghĩ của tôi bay biến đâu mất, chẳng tham gia góp giọng được vào câu chuyện của hai người họ. Tôi nhìn em khuất sau cánh cửa, khoảng sân nhà ông tổ trưởng mới đây tôi còn thấy nho nhỏ xinh xinh, giờ sao bỗng dài rộng đến thế.
‘Sao thế? Thấy người ta đẹp quá rồi mất hồn luôn hả?’ Ông tổ trưởng quay vào nhà sau khi tiễn em ra về, nhìn tôi tủm tỉm cười. Tôi đỏ bừng mặt, gãi đầu đưa chén nước lên miệng.
‘Không nói nổi nên lời à? Thanh niên gì mà kém thế. Cậu nghe thì biết phải không, cô này cũng như cậu, ngày trước bác cũng hỗ trợ. Nó được chữa khỏi điếc sớm hơn cậu nhiều. Nó là một trường hợp lạ lắm, chắc do ngày đó công nghệ chưa tiến bộ như lúc người ta chữa cho cậu, nên nó rơi vào trạng thái vừa điếc vừa thông.’
‘Vừa điếc vừa thông? Là sao ạ?’ Tôi há hốc mồm.
‘Cô này chỉ nghe được khi cô ta hát. Lúc nãy chắc cậu không để ý đấy, khi bác hát, nó vẫn khẽ mấp máy môi hát rất nhỏ, đủ để không chen lời bác, mà vẫn nghe được bát hát gì. Cái thói quen nó như vậy, nên nó cũng thích giữ đà mà hát đối đáp như chuyện trò bình thường vậy. Còn cứ không ngân nga thành tiếng thì nó trở về là người khiếm thính. Hồi ấy bác mất nhiều công sức với nó lắm, chứ không dễ như với các cậu sau này. Mà cô này tính cách cũng lạ lắm, nó thực sự thích như thế, cứ lúc điếc lúc thông. Bác bảo nó đi chữa thêm đi, cho lành lặn hẳn như mọi người, nó lại từ chối, còn thuyết phục bác đừng báo lên trên, cứ để kệ nó như vậy, tự nó biết khi nào cần thì nó làm.’
‘Thật ra như vậy cũng không ổn lắm, việc của bác là theo dõi để ý, làm sao giúp mọi người đều sống hoà mình vào chuyện hát hò của xã hội bây giờ. Ở trên người ta quán triệt rõ ràng lắm, hát và nghe hát, không được để có ai sống một phút nào mà không có tiếng hát bên tai. Nhưng cái cô ấy nó cứ nằng nặc như vậy, nó bày tỏ bằng lời hát với bác, rằng nó không thể sống mà không có sự yên tĩnh. Nó hứa là nó sẽ thường xuyên hát, vì nó vẫn cần nghe được thế giới xung quanh. Dần dần rồi bác cũng kệ, nó vẫn hát, vẫn nghe hát, thế là tốt rồi còn gì, nó lại hài lòng hạnh phúc với cuộc sống của nó. Nên bác chẳng báo cáo lên trên nữa,’ ông chẹp miệng. ‘Thật ra bác kể cho cậu thế này cũng không tốt.. hôm nay vui quá, bác thừa lời mất rồi. Cậu cũng đồng cảnh ngộ như nó, giữ miệng một chút giúp bác nhé.’
Trong một thoáng, tôi nghĩ mình đã bay vút tới tầng mây nào đó và vĩnh viễn không bao giờ trở lại hạ giới. Mấy ly rượu và mấy chén trà, không biết thứ nào đang kích hoạt tâm hồn tôi. Hay là tiếng hát của ông tổ trưởng và em trong ký ức mới vừa đây thôi? Hay tiếng ông ổng của một người nào đó ngoài kia đang vọng vào?
Chỉ có sự im lặng của em là lơ lửng lan toả thấm đẫm tới từng đầu ngón tay tôi, khi tôi cầm mic lên tiếp tục hát cùng ông tổ trưởng.
———-
ChuKim – 2020
ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Trong khả năng của mình, mong bạn chia sẻ những bài viết của anh, như một sự khích lệ. Nếu có thể tài trợ/ủng hộ bằng vật chất, vui lòng ấn vào đây. Xin cảm ơn.
– natchukim.cogaihu@gmail.com –
Tái bút: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.