Hôm nay dân tình Malaysia đi bầu cử. Sự kiện bầu cử, giống như ở biết bao đất nước khác trên thế giới, là chủ để chính nóng sốt trên các phương tiện truyền thông và len lỏi và ngõ ngách đời sống thường nhật. Đến như tôi và anh bạn cùng công ty, vốn là thành phần dân tứ xứ sinh sống tại đây, cũng nhiệt tình tham gia lắng nghe và bình phầm trong mỗi bữa ăn trưa hay mỗi chầu bia muộn mằn sau giờ làm việc. Tôi sống ở đây chưa lâu, thời gian chưa đủ để gắn bó với từng góc phố hàng cây, tình cảm chưa đủ sâu nặng chặt bền, kỉ niệm chưa nhiều đến mức hằn lên trong động tác cử chỉ, chỉ mới vừa kịp hít thở bầu không khí một thủ đô cách thủ đô Hà Nội 3 giờ bay, chỉ vừa kịp quan sát và đối chiếu một vài khía cạnh giữa hai đất nước mà tôi ‘biết’ cho tới giờ phút này. Xin được nói ra một vài điều thiển cận.
Ở Malaysia, có một khái niệm rất mơ hồ: người Malaysia ( Malaysian ). Trong những buổi nói chuyện hăng say với những người bạn cả già cả trẻ ở đây, tôi đã mượn chút ngông cuồng của tuổi trẻ mà nói huỵch toẹt ra: đất nước chúng mày, làm gì có ‘người Malaysia’, cái ấy chỉ tồn tại trên giấy tờ, trên hộ chiếu của chúng mày thôi.
Tất nhiên là họ phản bác cũng nhiệt tình không kém: có chứ sao lại không, tao là người Malaysia đây, chính là tao đây, cả thằng này nữa, nó cũng là người Malaysia ( vừa nói vừa chỉ sang anh bạn ngồi cùng ).
Tôi nhìn họ: vậy tại sao quyền lợi của những người Malaysia lại không giống nhau? tại sao người Malay ( sắc dân bản địa ) lại được ưu đãi hơn bọn mày? tại sao người gốc Tàu và gốc Ấn Độ ( những nhóm dân di cư chính ) lại phải chịu những điều luật ràng buộc hơn, lại không được hưởng quyền học tập và các dịch vụ xã hội ngang bằng với người Malay, trong khi đóng góp về kinh tế và xã hội của những sắc dân này, nói một cách khiên cưỡng, là hoàn toàn ngang hàng với nhau, tại sao?
Nói đến đây, các bạn của tôi, thanh niên, người trung niên, người già lớn tuổi, người có học hàm học vị, người là anh lái taxi quan tâm đến sự vận hành cuộc sống, họ là người Malay, người Tàu, người Ấn Độ, họ đều im lặng trong chốc lát. Sau đó chúng tôi đã cùng nhau có những bình luận và góp ý thực sự chân thành và xây dựng. Phải, tôi đang sống ở một đất nước phân biệt chủng tộc. Sự phân biện chủng tộc ở Malaysia, vốn bắt nguồn từ thời kì họ còn là thuộc địa. Người Anh khi đó, như tất cả các ‘mẫu quốc’ tràn sang châu Á vào khoảng thế kỉ 18, đã áp dụng hình thức ‘chia để trị’. Khác với người Pháp chia Việt Nam thành Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ như 3 vùng lãnh thổ, người Anh áp dụng cả biện pháp chia theo màu sắc. Đặc điểm về sự đa dạng trong các sắc dân ở Malaysia đã trở thành điều kiện tuyệt vời cho chính sách ấy của người Anh, áp dụng trên cả khía cạnh tôn giáo tín ngưỡng, vốn đi kèm một cách tự nhiên với màu da. Những chính sách này, bất kể sau khi Malaysia giành lại độc lập, đã và vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến ngày nay, trở thành nỗi nhức nhối cho người dân đất nước này, hay ít ra là những thành phần sắc dân đất nước này.
Ở Việt Nam, chúng ta đã được nghe, được đọc, được dạy và được chứng kiến những bài học về giai cấp, về tôn giáo trên sách báo, tivi, ngoài đường hay trong ngõ xóm. Trong lứa chúng tôi, không ít người đã kể cho nhau nghe một vài kỉ niệm về những lần được gọi đi chung tay giữ trật tự khi mâu thuẫn quyền lợi giữa cộng đồng giáo dân và chính quyền xảy ra. Đám thanh niên như anh bạn tôi, mặc áo xanh tình nguyện, tay cầm gậy, đứng dàn hàng cùng nhau, cùng lực lượng công an cảnh sát trị nội bộ. Mấy ông trẻ ko mặc cảnh phục thì tất nhiên không hung hăng gì, cũng chỉ chuẩn bị tinh thần can ngăn, phần lớn thời gian họ dành để nhìn, nghe, và ghi nhớ, nhờ vậy những câu chuyện cười ra nước mắt ngày ấy, bây giờ trở thành niềm băn khoăn trong lòng chúng tôi. Đấu tranh giai cấp là một khái niệm cốt lõi của ý thức hệ cộng sản, mục tiêu của nó là để xóa nhòa áp bức bất công, xóa nhòa mọi ranh giới phi nhân tính giữa con người và con người, một mục tiêu mà tôi cho là đẹp, và trong sáng. Đáng buồn thay, ở thực tế cây đời xanh tươi, người ta thực hiện đấu tranh giai cấp, để rồi lại xây dựng những định kiến giai cấp hết sức dữ dội và phi lý. Nỗi buồn ấy đã kéo dài và đã nguôi ngoai phần nhỏ nào, khi đời sống người dân được tiếp cận với nhiều thông tin hơn, có cái nhìn nhẹ nhõm với nhau hơn, và thời gian cũng đã làm đôi lần làm tốt công việc của nó.
Phân biệt chủng tộc, phân biệt tín ngưỡng, phân biệt giai cấp, phân biệt giới tính, phân biệt đẳng cấp địa vị xã hội. Đặc điểm này của xã hội loài người sẽ còn làm tiêu tốn nhiều thời gian, nhiều sự tranh cãi, nhiều cuộc tranh đấu trong tiến trình phát triển, để vươn tới chân giá trị đích thực, vươn tới một thế giới nơi mà con người chạm được vào hình hài của tự do và sự thật. Trong số 179 quốc gia, VN xếp thứ 172, Malaysia xếp thứ 145 về tự do báo chí (theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ). Tôi mới chỉ sống ở hai đất nước, điều tôi nhận ra là có rất nhiều người nghĩ: không thay đổi được đâu, rồi sẽ vẫn như vậy thôi, cả một hệ thống như vậy, rất khó để sửa chữa. Các bạn thân mến của tôi, phải, đó là một con đường rất dài và gian nan mà chúng ta có thể phải bỏ ra một đời người hay nhiều hơn một đời người để thực hiện. Nhưng đừng để bộ máy khổng lồ của áp lực xã hội đè nặng lên tư tưởng và tinh thần, chúng ta không thể sửa sai ngay trong một sớm một chiều, chí ít điều mà chúng ta có thể làm là ngăn chặn những sai lầm, những điều trá ngụy tiếp tục xảy ra trước mắt mình, trong phạm vi khả năng của mình, điều này khó, nhưng tôi tin là chúng ta hoàn toàn làm được. Như những người bạn ‘Malaysian’ của tôi, họ bi quan, và tin tưởng ở cuộc bầu cử này sẽ đem đến cho họ cơ hội để thay đổi đất nước. Chúng ta, chúng ta cũng đã bi quan, và chúng ta sẽ vẫn tin tưởng, sự khác biệt về chính trị, văn hóa, kinh tế không làm cho chúng ta không thể tin tưởng và mong muốn như những người dân ở đất nước láng giềng.
Hãy nhớ rằng, cái suy nghĩ ‘khó lắm, hết cả đời mình có lẽ cũng chưa thay đổi được’ đã luôn tồn tại và song hành cùng loài người trong suốt mọi thời kì lịch sử. Suy nghĩ ấy, tư tưởng tự bảo vệ ấy bắt nguồn từ giáo dục, từ hiện thực xã hội tàn khốc, từ cường quyền, từ quãng đời người ngắn ngủi trước dòng chảy thô bạo của sự đổi thay. Nhưng suy nghĩ ấy không bao giờ có thể kìm hãm được sự đổi thay, sự đổi thay sẽ đến, sẽ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt. Hãy dừng việc đem đồng tiền ra để bao biện, hãy thẳng thắn thừa nhận sự yếu đuối và ngu dốt của bản thân, và từ đó chúng ta sẽ thay đổi. Một cuộc đời sẽ thay đổi.
Một nỗi buồn đã kết thúc, để rồi một nỗi buồn khác bắt đầu, to lớn và mạnh mẽ không thua kém gì nỗi buồn kia. Và nỗi buồn ấy cũng cần phải được kết thúc.
Mình rất thích bài này của bạn, cảm giác bất lực của họ cũng như của dân mình tuy khác nhau về ý nghĩa, nhưng giống nhau về bản chất sâu xa. Nếu mọi người cùng cố gắng thì đất nước sẽ khác hơn.
LikeLike