Thời đi học trường kiến trúc, mình chứng kiến không ít những thanh niên thi đi thi lại mới đỗ, bạn bè từng ôn thi cùng rải khắp các khoá. Có những thanh niên đỗ một trường khác, học được một vài năm thì chán, bỏ ngang rồi đâm đơn thi vẽ. Có những thanh niên thi không đỗ, bèn chuyển nguyện vọng vào  một trường khác có khoa kiến trúc lấy điểm thấp hơn, học tạm cho đến lúc phục hận thành công, thậm chí có ông học hành bết bát, sắp bị đuổi học đến đít rồi thì thi đỗ sang trường kiến trúc, thế là oách, hiên ngang làm lại cuộc đời. Thế nên hồi năm nhất, mình nghe bọn Thạch Hùng, Thao Đông kể chuyện bên trường chúng nó chỉ có bọn thi lại một năm là cùng, mình ngạc nhiên lắm, trong lớp mình đã xưng em chào anh với đủ các đại bàng, các đại bàng toàn hơn mình hai, ba tuổi trở lên, bọn hơn một tuổi mình toàn mày tao vì chúng quá đông, cá biệt có đại bàng hơn mình tận mười ba tuổi, già hơn cả thầy giáo, thực sự là tấm gương về sự hiếu học trong lòng anh em. Mình cứ tưởng trường đại học nào cũng như vậy.

Cũng năm nhất, chân ướt chân ráo vào học, nghe các khoá trên truyền xuống có truyền thuyết kể về một thanh niên, tay này thi năm đầu tạch, năm sau thi lại thì đỗ, vào học một năm thì đúp do ăn mừng hơi quá đà, năm sau đang dở dang thì dính vụ đánh nhau bị đuổi học, lại tay giấy tay bút ôn thi, thi lại và lại đỗ, đỗ rồi vào học năm nhất lại đúp do lại ăn mừng quá đà. Chuyện kể đến khi kì nhân này học năm nhất đến lần thứ tư thì dừng, không biết tương lai sau đó thế nào, cũng có thể đó chỉ là một sản phẩm thêu dệt của dân gian, anh em nghe, vừa cười vừa ngạc nhiên về độ si mê cái món vẽ vời.

Nhưng học một thời gian mới biết những chuyện như vậy là hoàn toàn có thể xảy ra, những thanh niên học rồi đúp, đúp rồi học, học rồi lại đúp tiếp, bị đuổi do quy chế chỉ được học tối đa bảy năm, nhiều như nước ngập sân trường kiến trúc mỗi dịp mùa mưa tới. Có thanh niên nom nghệ lắm, tên gì mình quên rồi, đúp từ khoá trên xuống lớp mình hồi mình học năm hai, thanh niên này rất vui vẻ hoà đồng, tham gia đủ các hoạt động điện tử, bóng banh cùng anh em. Năm sau thì biến mất, hỏi ra mới biết lại đúp xuống khoá dưới. Anh em há hốc mồm đéo lý giải nổi. Mình kể chuyện đúp với đuổi cho mấy thằng bạn trường khác nghe, một thằng học Bách Khoa cười ruồi bảo, mỗi khoá trường anh đuổi cả trăm thằng, đúp thì vô biên, chú nói anh nghe như chuyện hàng nước đầu ngõ thôi, chả bõ bèn gì. Sau này mình mới biết có một thể loại trong trường kiến trúc mà khoá nào cũng có, lớp nào cũng hiện diện, đó là thể loại tình cờ thi, tình cờ đỗ, đéo thiết tha quan tâm con mẹ gì, đỗ hay trượt không quan trọng, học hành với sự hờ hững bàng quan, kệ mẹ muốn ra sao thì ra.

Thằng Đức là hiện thân trái ngược của loại ấy.

Thằng Đức là chàng trai miền Trung nắng gió, nước da ngăm đen, chân đầy cơ bắp mặc quần đùi đá bóng như bọn con gái mặc quần bó đi tập yoga ưỡn đít. Thằng Đức đá bóng rất hay, ở đội nào nó cũng nắm vai trò gánh cả đội, dẫn dắt anh em đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hồi nhỏ mà nó không lựa chọn nghiệp học hành, chắc đi theo các tuyển trạch viên bước vào đời cầu thủ lâu rồi. Thằng Đức kể, em học giỏi nhất nhà, bố mẹ em kì vọng vào em lắm, hồi ấy em học lớp mười hai, ở tỉnh nên không được tiếp xúc nhiều thông tin, em có biết gì đâu, mãi mới nghe người ta nói có nghề kiến trúc, em lên mạng tìm hiểu thì thấy mê quá. Nhưng chỗ em không có lớp dạy vẽ, đi rất xa mới có, mà học cũng không kịp, thế là em quyết định thi khối A vào trường kiến trúc. Năm ấy, thằng Đức đỗ khoa xây dựng.

Với bố mẹ nó, nó đã đỗ đại học, họ chỉ biết như vậy. Thằng Đức khăn gói lên Hà Nội học. Vừa học trên trường, nó vừa chắt chiu tiết kiệm sinh hoạt phí bố mẹ cho, lặng lẽ đi xin học vẽ ở một lớp gần trường. Nó học rất quyết tâm.

Năm sau đăng kí thi khoa kiến trúc, thằng Đức đỗ luôn.

Để ăn mừng (đmẹ ăn mừng), thằng Đức làm vài trận bóng với phong độ thần thánh. Đến mấy hôm sau, nó lên trường hỏi thủ tục thì mới ngã ngửa, do không tìm hiểu kĩ trước nên nó đã lỡ mất thời hạn rút hồ sơ để nộp lại cho năm học mới. Lối suy nghĩ giản đơn về cuộc đời mang đậm phong cách sinh viên đã làm hại thằng Đức. Các quy định hành chính được đặt ra ở xứ mình, nhiều khi không phải cứ nói cải cách là cải cách, không phải cứ nói xử lý linh hoạt là xử lý linh hoạt, nhất là khi có nhiều quy định không hề vô lý. Thằng Đức được bác phụ trách thủ tục vỗ vai, bảo thôi học tiếp khoa xây dựng cũng được mà.

Thằng Đức nghĩ ngợi một lúc, rồi nó xin rút luôn hồ sơ, trở thành kẻ giang hồ tứ cố vô thân, không còn thuộc bất kì một đơn vị, tổ chức nào. Em nghỉ mẹ luôn, đéo phải lằng nhằng. Thằng Đức kể đến đây, mình bật ngón tay cái lên khen nó. Không thể không khen.

Thằng Đức lại kiên nhẫn chờ đợi. Một năm lông bông này, nó giấu gia đình, không một lần thổ lộ về ước mơ nó đang theo đuổi. Nó âm thầm ôn thi, âm thầm luyện vẽ, và vẫn đi đá bóng với thái độ thi đấu máu lửa của một cầu thủ trẻ đến từ miền Trung nắng gió. Mấy thằng cu em ở cùng nhà nó còn kể, có đợt anh Đức rảnh quá, cứ chiều chiều lại ra mấy sân bóng đứng xem người ta đá, thỉnh thoảng có đội thiếu người thế là anh ý xin đá cùng, đam mê lắm.

Đến kì thi lại, đúng với phong cách sinh viên, thằng Đức suýt quên. Nó kể, hôm ấy em đi đá bóng về, thằng bạn ở cùng nhà nhìn thấy em thì nó hỏi ơ anh Đức hôm nay không lên trường tập trung à? Em mới sực nhớ ra, vội chạy lên trường, may mà ở gần, tí thì vỡ mặt anh ạ. Mình nghe, bật người hô hố.

Lần thứ hai làm lại cuộc đời, thằng Đức đỗ. Tất nhiên, mình đang kể một câu chuyện đầy tích cực, nên thằng Đức đã đỗ, với nó, bây giờ mới thực sự là đỗ đại học. Nó về quê, chỉ nói với bố mẹ một câu, năm sau con chuyển qua học ngành kiến trúc, phải học lại từ đầu. Bố mẹ thằng Đức nghe con mình nói vậy, thằng con út nghịch ngợm học giỏi nhất nhà, nhìn nó và gật đầu. Thằng Đức kể, bố mẹ em chả bảo gì cả.

Năm thứ hai thi khoa kiến trúc, điểm vẽ của thằng Đức cao hơn so với năm trước đó. Nó vẽ khá thật, sau đó còn đi dạy vẽ cho bọn ôn thi. Thằng Mạnh bây giờ thực tập ở văn phòng mình, hoá ra hồi xưa cũng học anh Đức, thằng Đức còn kể thằng Mạnh đi thi về lo lắng lắm, nhắn tin tâm sự với em suốt, sau nó vẫn đỗ, mình toàn trêu nó là hòn ngọc của xưởng 5, anh em bảo hòn bi chứ, hòn bi của xưởng 5.

Thằng Đức chậm hai năm, lớn hơn hai tuổi so với bọn bạn cùng khoá. Chuyện ấy là bình thường như chén trà điếu thuốc bán đầy cổng trường, nhưng một thằng thi đỗ đến tận ba lần, lại còn trong ba năm liên tục thì không tầm thường chút nào. Thỉnh thoảng có mấy ông em đến văn phòng chơi, mình hay cười hỏi này, ngày xưa mày thi ba lần mới đỗ đúng không em. Mấy ông em gật gật vâng anh, hồi đấy vất vả lắm, năm cuối mà không đỗ là em đi học lái xe rồi đấy. Mình bảo ừ, thằng kia nó ngược với em, nó thi đỗ tận ba lần. Kể chuyện cho nghe, mấy ông em mặt nghệt ra, buột mồm, ôi học giỏi thế.

Chưa hết, vào học với tư cách là sinh viên kiến trúc, thằng Đức lĩnh luôn chức đội trưởng đội bóng đá tuyển trường, lại thêm một lần dẫn dắt các anh em chinh chiến. Mình chơi với thằng Trung Bệnh, nó hay kể nó thi tạch năm đầu, năm sau ôn thi chưa vào trường đã được các anh lớn gọi vào tuyển bóng rổ, đánh đấm thi đấu như một sinh viên đích thực. Hoá ra mình quen với hai huyền thoại thể thao trường kiến trúc, đéo thấy thơm lây cho lắm vì mình đá bóng hơi ngu, lần khác sẽ kể chuyện sau, còn bóng rổ thì học lại ba lần mới qua.

Thằng Đức đi làm, mình hỏi này mày còn giữ ba tờ giấy báo đỗ không. Nó bảo còn chứ anh, phải giữ chứ, sau này em cho con em xem cho nó sợ, không thì nói suông ai mà tin được, lại bảo mình thi ba năm mới đỗ thì chết. Mình bảo ừ thế phô tô mang lên văn phòng anh xem với. Hôm sau ông em mang ba tờ giấy báo đỗ cho mình xem, nhìn vào thấy điểm toán lý đều như hạt ngô, ba năm không có nhiều chênh lệch, rất chuẩn công thức kinh điển toán 7 lý 7 vẽ 5 thì sẽ đỗ đã lưu truyền suốt các thế hệ.

Mình đính vào bảng công việc, bảo anh để đây cho nó mang tính trưng bày, thành tích này đánh giấu giai đoạn đáng nhớ trong đời em. Thằng Đức híp mắt cười hihi.

Nó đi làm từ năm ba, đến giờ đã học năm cuối, vẫn vừa đi học vừa đi làm. Ngày xưa, mình cũng năm ba thì đi làm, hệt như nó bây giờ, cũng từng là ông sinh viên đầy ước mơ, cũng từng trải qua quãng thời gian việc đi học và việc đi làm chồng chéo loạn xạ gây ảnh hưởng lẫn nhau do chưa biết sắp xếp. Nhớ ngày ấy cũng đầy phong cách sinh viên như chúng nó, giờ ngoảnh đầu nhìn lại, kỉ niệm vui buồn đều trọn vẹn trong lòng sau bao năm ất ơ giữa đời.

Thằng Đức vẽ khá, đá bóng hay, tính tình siêng năng, nhưng lại có nhược điểm chưa có bồ. Mình hỏi, này, vẫn chưa có người yêu hả em? Mày còn năm cuối đấy, cố lên, không thì anh nghĩ mày nên kiếm một việc gì khác mà làm đi, làm cái nghề này mà không có người yêu thì mày đéo có tương lai đâu em. Thằng Đức cay lắm, bảo đâu, anh không biết về em đấy thôi.

Mình biết chứ, mình biết nó sẽ thành công.

———-

ChuKim – 2017

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.