Hồi cấp ba, ở xóm nhà lá cuối lớp, mình có thằng bạn ngồi cạnh tên là Tú, hiệu là Toòng.

Toòng với mình vốn ngồi cạnh nhau, về sau bị cô giáo tách ra thành thằng bàn dưới thằng bàn trên, tình cảm vì thế không hề phai nhạt. Nhớ hồi ấy cùng nhau vui đùa, ăn bao nhiêu điểm kém bằng nhau chằn chặn, thỉnh thoảng có cả sự góp mặt của Thạch Hùng học giỏi nhất lớp mình. Nó ngồi ngay bàn bên cạnh, có lần cô giáo tiếng Anh bảo sẽ kiểm tra học thuộc lòng đoạn hội thoại trong sách giáo khoa, đmẹ đúng là giáo dục xã hội chủ nghĩa, học kiểu ấy thì khá thế nào được, anh em coi thường không thèm học, tưởng cô giáo đùa nên Thạch Hùng mải quay sang bốc phét với mình và Toòng, đến lúc vào giờ kiểm tra thì đã muộn, mỗi thằng một con một đỏ au cả xóm nhà lá.

Nhắc đến Thạch Hùng lại nhớ chuyện bố nó đi họp phụ huynh, mọi người đang bàn luận sôi nổi về việc nên xiết kỉ luật bắt học hành cho nghiêm chỉnh kẻo thi đại học đến nơi rồi, hay nên để cho tâm lý đám con cái được thoải mái. Bố nó đứng dậy phát biểu, bảo cháu Thạch nhà tôi ở nhà chả phải giục nó học bao giờ, cứ để kệ là cứ thế tự nó học thôi, tôi còn hay phải nhắc nó đi ngủ kẻo mệt. Bữa trưa hôm ấy mấy chục thằng lớp mình đều nghe cùng một câu hỏi, thằng Thạch là thằng nào, mày có chơi với nó không, đấy nó ngoan nó chăm học như thế đấy, bố mẹ nó mát mày mát mặt, tao chỉ thấy cô giáo than phiền mày chểnh mảng là sao, chơi với bạn mà không học tập được bạn tí nào là sao??

Hôm sau đến lớp, anh em quây Thạch Hùng lại, bảo đmẹ Thạch Hùng, đi ỉa đi Thạch Hùng, nhanh lên đi ỉa đi kẻo mệt, nhanh lên đmẹ mày. Cái tội dám tỏ ra là con ngoan trò giỏi làm bọn ông ăn bữa cơm cũng đéo yên thân. Thạch Hùng bị anh em chửi, chỉ ngồi cười hề hề bảo có phải tại tao đâu. Bây giờ nó đã lấy được vợ và phải nói đó là một thành công vang dội của con ông Hùng.

Quay trở lại chuyện Tú Toòng, thằng này hồi học đại học tự nhiên lăn đùng ra ốm, bị bệnh gì nghiêm trọng lắm, phải vào viện nằm, anh em kéo đến thăm thấy nó yếu thoi thóp, mẹ nó mếu máo bảo ôi cháu ơi bác sĩ bảo có thể nó không qua được. Mình nghe thế, mặt cắt không còn giọt máu. Nhìn nó nằm đó, sức lực không còn bao nhiêu, lòng mình buồn vô hạn, nghĩ tới những ngày anh em đùa cợt cấu véo nhau trong giờ học, cảm thấy bất lực khi chẳng biết làm gì giúp nó.

Nhưng rồi Toòng đã vượt qua cơn sóng dữ, không những thế, nó còn trở lại khỏe mạnh y như hồi còn là niềm khát khao của biết bao thiếu nữ khi tung hoành trên sân bóng cho tuyển trường cấp ba. Mỗi lần ghé thăm cho tới khi nó hoàn toàn bình phục, nhìn chuyển biến của bạn, anh em vui mừng khôn xiết. Cũng mấy năm đã trôi qua, hôm trước đi đám cưới thằng An Cứt ngồi cạnh Thạch Hùng, Toòng vỗ vai mình bảo cuối năm nhớ thu xếp đi đám cưới tao. Mấy đứa lớp mình cười hà hà cả buổi.

Năm lớp mười hai, Toòng thấy mình học vẽ thi kiến trúc, Toòng bảo tao có thằng bạn cấp hai, nó cũng đi học vẽ thi kiến trúc giống mày. Mình cười khảy, ờ thế hả, biết thế. Trong lòng vô cùng khinh khi.

Đến lúc vào đại học, anh em mấy ngày đầu làm quen nhau, hỏi chuyện mày học cấp ba trường nào, mới vỡ lẽ Quang Ớt, thằng mà mình thi thoảng nhắc đến, chính là người bạn mà khi xưa Tú Toòng kể với mình. Nó cũng đem chuyện mình về khu nó ở, kể cho bọn Quang Ớt nghe, và thằng Ớt cũng ngay lập tức có thái độ coi thường mình.

Dù chưa hề biết gì về nhau, nhưng mình và thằng Ớt cứ khinh nhau cái đã, cái giống học vẽ mà không được giáo dục đầy đủ về sự khiêm tốn, nó hay vậy. Tình bạn bao năm qua cũng từ đó mà nảy nở.

Hồi ấy mình với Quang Ớt chơi rất thân, ăn dầm nằm dề ở nhà nhau những ngày lo làm bài, việc học như thế xem chừng rất có tác dụng, đẩy mình và thằng Ớt vào tình thế lúc nào cũng trao đổi, lúc nào cũng tranh luận, và tất nhiên, so kè.

Tình bạn ở giai đoạn này khác với những tình bạn mà mình từng có trước đó. Khi còn đi học phổ thông, bạn chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật, bạn phải chịu sự giám hộ của một người lớn hơn bạn, còn khi đã đi học đại học, bạn sẽ đi tù nếu chẳng may bạn đem lòng yêu thương một cô bé lớp chín và cô bé cũng yêu mến lại bạn, sự ‘chẳng may’ thực sự xảy đến khi tình cờ pháp luật biết đến tình yêu trong sáng của bạn, và không có bất kì nhân nhượng ngoại lệ nào hết, trừ phi bố của bạn là một người có công với cách mạng trong thời bình. Nói như vậy để thấy, dù ở tuổi nào thì chúng ta đều còn rất xa mới đạt tới điều gọi là sự trưởng thành.

Hồi mới vào đại học, mấy bữa đầu đến nghe phổ biến, có ông thầy lên phát biểu truyền cảm hứng cho các tân sinh viên khoa kiến trúc, thầy nói rất hùng hồn, các anh chị đã đến tuổi trưởng thành, các anh chị là những công dân đi học, các anh chị hãy quên vở kẻ dòng đi, hãy dùng giấy trắng để ghi chép, để tập cách tự sắp xếp công việc của mình, các anh chị không cần ai vẽ sẵn dòng cho các anh chị nữa, bọn sinh viên ngồi nghe vỗ tay rào rào. Mấy hôm sau đi học, mình vẫn thượng quyển vở còn sót từ hồi cấp ba lên bàn, nhìn quanh thấy bọn cùng lớp toàn dùng giấy trắng A4. Thằng Trung Chít bảo mình, sao lại dùng vở kẻ sẵn dòng thế kia, chúng ta là những công dân trưởng thành đi học cơ mà. Mình cười, ừ, nên tao có cần ai bảo tao là phải dùng giấy trắng hay dùng vở kẻ dòng đâu, tao thấy cái nào tiện cho tao thì tao dùng. Trung Chít theo phản xạ nhìn xuống những dòng chữ nguệch ngoạc của nó, hihi.

Mình và thằng Ớt học hành tài lanh ất a ất ơ, các môn phụ anh em thi lại liên miên như cơm bữa, nhưng hễ thi lại thì đều qua trót lọt. Trong đám anh em ở lớp thì chỉ có mình và nó là giữ vững được thành tích ghê rợn này. Nhớ có lần học môn cơ kết cấu, thi lượt đi dù đã được thằng Hà Bồng học rất giỏi bên khoa xây dựng sang kèm cả buổi, nhưng hôm sau mình và Ớt vẫn làm bài không ăn thua. Không sao, chuyện cũng bình thường như việc mình sinh ra là để được phụ nữ yêu mến vậy.

Đến sát hôm thi lại, mình chong đèn ngồi học, làm bài mẫu các kiểu, thậm chí còn lên mạng gọi Hà Bồng vào hỏi công thức. Phải công nhận là chỉ đến khi cận kề với cái chết thì con người ta mới có thể phát huy được tất cả mọi phẩm chất cả xấu xa lẫn tốt đẹp của bản thân.

Học hành như thế nên tự tin lên cao, hôm sau mình ung dung xách đít lên trường, hội quân với các anh em ở hành lang, ông nào nhìn nhau cũng hỏi ôn được gì chưa, mình khiêm tốn bảo ừ thì cũng có tí chữ lận lưng chống liệt. Đến giờ vào, thầy giáo gọi theo danh sách, chờ mãi không thấy tên mình, trong khi bọn bạn đã vào hết, mình hỏi thầy ơi sao không có tên em ạ. Thầy giáo hỏi cậu tên gì, dạ em tên Kim, làm gì có tên cậu trong danh sách, thầy giáo nhíu mày. Mình há hốc mồm, ơ sao lại thế ạ, thầy kiểm tra lại giúp em với, sao lại không có tên em được. Thầy giáo nhìn mình, bảo chờ tôi tí, nói đoạn thầy lôi ra một tờ giấy trong cặp, rà rà một lúc thầy nói, đây cậu đây, thi đi cậu bảy điểm qua rồi còn gì. Mình há mồm còn to hơn trước, ơ thật ạ, em tưởng em trượt. Thầy giáo nhìn mình khinh bỉ, tôi cũng đến chịu cậu, trượt hay đỗ cũng không biết, thi xong còn chẳng thèm đi xem điểm. Mình vò đầu, giời ơi mất công em học cả đêm qua. Ở trong phòng, tiếng chửi mình của hội Quang Ớt, Vinh Béo và Trung SH cứ thế vọng ra..

Đi thi lại mới thấy trên đời có lắm cái sự hài, cũng trong buổi thi lại hôm ấy, có một chuyện đã xảy ra.

Chẳng là lớp mình có một thanh niên đúp từ khóa trên xuống, tên là Tất Bình. Khoan hẵng nghĩ đây là điều gì kinh khủng, chẳng qua cũng chỉ là một chuyện hết sức bình dị ở một ngôi trường nhiều con trai mà thôi, phải nói vậy vì mình biết phần lớn bạn đọc blog mình là nữ, dù mình không cố tình, hehe.

Tất Bình có dáng hình nhỏ thó, nom khắc khổ mỏi mệt, ánh mắt buồn bã và giọng nói thâm trầm chậm rãi như một cao nhân đến từ đất Phật. Tất cả là kết quả của những đêm dài miệt mài thức chơi điện tử. Vì thế nên Tất Bình đúp, không những vậy, năm nay anh cũng thi tạch liên tục, dĩ nhiên bao gồm cả môn kết cấu này. Mà khốn nỗi, trường mình những hôm tổ chức thi lại, thường là mấy môn thi lại cùng một lúc, giờ giấc bị chồng chéo lên nhau, đang thi dở môn này thì ở hành lang kế bên môn kia lại phát giấy vào bài.

Tất Bình sáng hôm ấy thi lại ba môn, môn đầu sớm hơn, làm bài xong vội chạy đến phòng thi cơ kết cấu. Thưa thầy, em xin phép vào thi. Thầy giáo có vẻ bực bội, thầy cau mày bảo sao giờ này mới đến, cậu có biết đã vào thi được nửa tiếng rồi không. Anh Bình ấp úng nói không nên lời, ánh mắt buồn bã nhìn thầy giáo. Có lẽ ánh mắt ấy đã quá tình cảm, thầy giáo sau một hồi nhăn mặt thì cũng cho Tất Bình vào.

Nhưng ở đời nếu câu chuyện chỉ có thế thì gọi đéo gì là câu chuyện, Tất Bình vào ngồi được độ mười lăm phút, nhắm thấy môn này không ổn rồi, độ khó của đề đã vượt sức học của mình, anh bèn quyết định nộp giấy trắng để kịp ra chuẩn bị cho môn thi lại kế tiếp. Tất Bình đứng dậy, thưa thầy cho phép em nộp bài. Thầy giáo trợn tròn mắt, ơ cái cậu này, đã đến muộn rồi lại còn đòi ra sớm, không làm được thì cũng ngồi đấy, tôi không cho cậu ra, cậu tưởng đây là cái chợ à? Tất Bình ngồi xuống, anh em trong phòng thi im phăng phắc.

Được một lúc, thầy giáo đang yên vị trên bàn giáo viên, Tất Bình lặng lẽ đứng dậy thêm lần nữa, lần này trong im lặng. Anh lặng lẽ đi lên bàn giáo viên, nhìn thầy giáo, và thảy tờ giấy thi bỏ trắng lên bàn, các bạn hãy lưu ý động từ ‘thảy’. Thầy giáo sững sờ.

Sau đó Tất Bình quay lưng bỏ đi, vẫn không nói lời nào, đi ra đến cửa, Tất Bình chợt dừng lại, nắng đổ bóng dài như nỗi buồn vô tận của anh vào phòng thi, không khí trở nên rất khó tả, mọi ánh mắt hồi hộp đổ dồn vào Tất Bình. Rồi đột ngột, Tất Bình rú lên một tiếng xé lòng như con mãnh thú bị trọng thương, tay vung mạnh cái bút vào tường, kêu cách một phát, giữa lúc ấy thì tiếng cách không khác gì một phát súng giữa trời xanh, cái bút nảy tít vào gần chân bàn giáo viên. Tất Bình bỏ đi, lần này bỏ đi thật sự, cái bóng gầy gò đầy tủi hờn của người bạn cô đơn khuất khỏi tầm mắt của các anh em.

Thầy giáo sau mấy phút, hết cơn xúc động, bèn lên tiếng, này cái bạn Bình này bạn ý làm sao thế nhỉ. Anh Vinh Béo đang cắm cúi làm bài, mặt để râu quai nón ngẩng lên bảo bạn ý bị nghiện đấy thầy ạ. Thầy giáo mặt tái đi, ơ nhưng mà tôi có làm gì bạn ý đâu cơ chứ. Thằng Trung SH ngẩng lên, vén tay áo lên đến vai, để lộ vết sẹo to đùng dài ba chục phân của nó, bảo thì em cũng có làm gì bạn ý đâu.

Đmẹ lúc sau anh em xuống căng-tin có mình ngồi chờ sẵn, kể chuyện làm mình cười lăn cười bò, thằng Trung SH còn thêm phần vĩ thanh, nghe tao nói thế xong ông thầy sợ xanh mặt, còn đi ra hành lang ngó ngó, nhìn hài vãi l.. Anh em đoán quả này Tất Bình qua là cái chắc rồi, một pha đi vào lòng người như thế thì không thể tạch được nữa. Đến hôm xem điểm, Tất Bình tạch mẹ luôn, mình cảm thấy rất thích cái tính ngay thẳng không sợ bạo lực của thầy giáo.

Quay lại chủ đề học lại thi lại, Quang Ớt đến năm thứ tư thì đứt mạch chiến thắng, gặp cú shock tình ái đầu đời, lăn lê bò toài, vật vã như tất cả những thằng trai khác khi thất tình, và tạch một lượt ba môn, theo thuật ngữ thể thao bây giờ thì gọi là lâm vào khủng hoảng sau ba trận toàn hòa và thua.

Chú bé chán đời nên buông xuôi tất cả, tuy vậy đến ngày thi lại vẫn gượng dậy mò lên trường, thậm chí làm bài còn hăng để trả thù đời. Với tư chất thông minh cộng thêm lòng căm thù cuộc sống, chất lượng bài thi của Ớt có thể nói là không tồi, môn tin mình cũng phải đi thi lại với nó nên mình biết.

Nhưng đã bảo câu chuyện nếu chỉ có thế thì gọi đéo gì là câu chuyện, đến hôm công bố điểm, chú Ớt không có điểm, trong khi một thằng khác bỏ thi thì lại có con bảy ngon ơ. Cú này không khác gì đổ dầu vào lửa, cuộc đời vốn đã tăm tối nay lại bị nhấn thêm xuống tận bùn đen, phẫn nộ bùng lên trong lòng, Quang Ớt phăm phăm đi tìm ông thầy tin học. Ông thầy ban đầu chối bay chối biến, bảo không không, làm gì có chuyện tôi nhầm, chắc chắn là em không đi thi chứ tôi nhầm làm sao được. Quang Ớt mặt lạnh như tiền, em có nhân chứng, bao nhiêu bạn bè thân mến sẵn sàng đứng ra làm chứng cho Ớt, ông thầy đâm chột, lôi giấy ra dò dò một lúc, rồi bảo ờ ờ chắc là tôi nhầm (!!), thôi bây giờ như này, em cứ đăng kí học lại đi vậy, rồi bao giờ học lại thì báo cho tôi, em không cần đi học đâu, tôi sẽ cho em qua. Quang Ớt quắc mắt, không được thầy ạ, làm gì có cái chuyện như thế, em không chấp nhận chuyện đấy đâu, đây là lỗi tại thầy, tại sao em lại phải chịu như thế?

Cuộc tranh cãi cứ diễn biến theo kiểu một bên tỏ ra xuề xòa, một bên thì cứng như đá tảng, kiên quyết phòng ngự bảo vệ danh dự và quyền lợi của bản thân. Cuối cùng ông thầy đành thúc thủ chịu thua, làm các thủ tục sửa lại sai sót cho chú bé Ớt.

Sau chuyện ấy, anh em hiểu ra, à hóa ra là mấy ông thầy sửa được hết, chẳng qua lười, trốn tránh trách nhiệm, đmẹ đưa ra cái giải pháp cứ như kiểu hai thằng bạn với nhau, thân cô thế yếu không làm gì được trường nên đành phó mặc cho số phận, ông có phải bạn tôi đéo đâu, ông là cương vị người thầy cơ mà, Quang Ớt hừ mũi, nhấp ngụm trà bất bình kể với anh em.

Số thằng này cũng lạ, đã đen là đen không để đâu cho hết. Nó thi lại ba môn, lẽ ra đã ung dung cùng mình tiếp tục thành tích toàn thắng thi lại để lên năm tư, nhưng chú lại tạch mất môn thép gỗ. Tạch rồi thì không còn con đường nào khác ngoài học lại, đến đây phải mở ngoặc giải thích kẻo thanh niên bây giờ học tín chỉ không hiểu, chẳng là hồi mình đi học thì khóa mình lúc ấy vẫn học theo chế độ niên chế. Nếu bạn phải học lại môn nào đó, thay vì lên mạng đăng kí môn một cách vất vả với hệ thống cơ sở hạ tầng mạng trường như cứt mà sinh viên lúc nào cũng kêu rầm trời vì khổ sở, thì bạn sẽ phải điền vào một cái đơn xin học lại. Đúng rồi, mặc dù học tập là quyền của bạn, nhưng mà vẫn phải xin, và chờ người ta cho, mấy cái này nó là vấn nạn của não trạng quản lý rồi, thúc đẩy sự thay đổi và ghi nhận chuyển biến tích cực (nếu có) đi các thanh niên đầy sức lực ạ. Và không phải muốn nộp đơn lúc nào thì nộp, người ta có một thời hạn nhất định, cái này thì hợp lý này, và nếu không nộp đúng hạn thì kệ mẹ mày mất quyền lợi.

Quang Ớt như rất nhiều sinh viên kiến trúc, niềm vui thực hiện mọi việc vào phút chót đã trở thành bản năng. Suốt mấy năm trời đi học, lúc nào mình với thằng này cũng nộp đủ thứ vào phút chót, mỗi lần đến trường đóng học phí vào ngày cuối hạn cũng thấy vui vẻ hết cỡ, gặp đủ các thành phần nhố nhăng đang lóc cóc xếp hàng đóng tiền y như mình, anh em buông ra những lời bình phẩm cười gần chết về tác phong làm việc của nhà trường.

Hôm ấy đến hạn chót, Quang Ớt như lẽ thường ở đời, tung tăng lên trường, lấy đơn ở văn phòng khoa, tự tra cứu, tự điền rồi đem đi nộp để có thể học lại vào hè. Nó cần sự có mặt của cô Nhã ở phòng đào tạo, người chuyên quản lý việc tiếp nhận đơn học lại và sẽ tổng hợp lại để có thể tổ chức lớp học lại cho sinh viên (tất nhiên tên cô không phải là Nhã, mình đổi tên cô đi rồi, cho nó tế nhị, hehe).

Đến đây thì sinh chuyện, cô Nhã không có mặt. Nhân viên phòng đạo tạo hẹn Ớt lát sau quay lại, chiều hôm ấy nó ngồi uống nước căng bụng, đi đi lại lại mấy lượt, lần nào cũng là cô Nhã đi có việc không ở đây. Nhưng cũng không ai có thể nhận đơn thay cho cô Nhã, vì sự chuyên môn hóa cực cao nên thiếu cô Nhã là bộ máy bị xộc xệch không ai hỗ trợ được. Quang Ớt hơi hốt, nó hỏi ơ thế thì bây giờ như nào ạ, hôm nay là hạn cuối rồi, phải có ai nhận đơn cho em chứ. Một nhân viên ở phòng đào tạo nói, thôi được rồi em cứ về đi, chúng tôi sẽ ghi nhận trường hợp này và báo lại với cô Nhã cho em, mai em quay lại.

Hôm sau Quang Ớt lại xách đít lên trường, cô Nhã vừa nghe nó trình bày thì cau mày gắt, cậu đừng có nói như thế, công việc của tôi là ở đây, lúc nào mà tôi chả ở đây, làm sao lại có chuyện tôi không có mặt được. Người hôm qua hứa cho Quang Ớt hôm nay vắng mặt, những người khác lắc đầu bảo không biết không biết. Nghe nó kể mình bật cười hố hố.

(Đến đây đã hiểu tại sao mình bóp méo tên cô Nhã rồi chứ các bạn?)

Quang Ớt tất nhiên không phải tay vừa, nó cãi cứng theo đúng phong cách. Cô Nhã cáu, bảo cậu đừng có nói như thế, đã biết là ngày hết hạn nó như thế, tại sao không làm sớn hơn đi, cứ để đến ngày chót mới làm rồi sinh chuyện?

Chuyện sau đó cãi nhau thế nào thằng Ớt kể mà mình không nhớ, đại khái là nó vẫn không được cô Nhã giải quyết cho, cô đã bảo hôm qua cô ở đây, thì tức là hôm qua cô ở đây, Quang Ớt không có ai làm chứng cho, lần này đành lủi thủi đi về.

Nhiều bạn đọc đến đây cũng sẽ thấy hơi đồng tình với cô Nhã, ừ đấy sao không làm sớm hơn đi, hạn người ta để cho bao nhiêu lâu mà cứ nước đến chân mới nhảy còn kêu cái gì. Đmẹ các bạn nhé, lại cái trò ngụy biện chó đẻ đổ lỗi cho nạn nhân, nếu nói như thế thì người ta nên hiểu thế nào về khái niệm ‘hạn chót’ hả? Chả lẽ lại phải hiểu ‘hạn chót’ có nghĩa là ‘một ngày trước hạn chót’ à??

Quang Ớt về nhà, cay cú lắm, rủ mình đi trà đá, chửi bới om sòm cả một góc phố. Đến năm sau, oái oăm thay, môn thép gỗ bị bỏ khỏi chương trình, mấy thằng khóa mình phải học lại lại phải mất thêm một công, chúng nó tập hợp đủ số lượng anh em để lập lớp, độ hơn chục thằng là ổn, lập một cái đơn trình bày hoàn cảnh, và xin được mở lớp để được học một môn mà nhà trường đã bỏ khỏi chương trình học. Đến đây thì nhà trường cũng đã đồng ý, tất nhiên, và vận đen với việc học lại của Quang Ớt tạm dừng ở đó. Kể ra mới thấy việc thất tình xao nhãng học hành là vô cùng tai hại, chưa biết có giúp anh em trưởng thành hơn tí nào không, nhưng lằng nhằng mệt mỏi thì chắc chắn.

Hôm trước trà đá với Ớt, anh em bàn tán râm ran vụ Trịnh Xuân Thanh (ai tầm này không biết anh Thanh là ai thì lạc hậu quá rồi nhé, chịu khó theo dõi tình hình thời sự hơn đi) sau thời hạn chính thức (tức là năm năm học đại học) được chín năm rồi quay lại trả nợ môn tiếng Nga, chắc học một thầy một trò vì thời điểm ấy đéo ai thèm học tiếng Nga nữa mà có lớp dạy, rồi lấy bằng chậm mười ba năm sau khi ra trường, haha, quả là khổ cho các thầy cán bộ bây giờ, ngày ấy chắc đang là sinh viên hoặc cán bộ măng non, biết đâu được chuyện thế nào, cái tư duy nhiệm kì nó có hại cho tất cả mọi mặt của xã hội như thế đấy. Anh em tấm tắc khen trường mình tốt thế, lâu lâu lại có những trường hợp được đối xử nhân đạo ghê.

Đấy là mình còn chưa kể những lần có việc cá nhân, lên phòng công tác sinh viên xin giấy chứng nhận sinh viên để tham gia workshop ở ngoài, mấy cán bộ phòng công tác sinh viên hoạnh họe đủ kiểu, lại còn bảo bây giờ tôi không làm cho cậu được, bây giờ cậu ra ngoài làm gì chúng tôi đâu có biết, nếu cậu làm việc tốt thì trường được thơm lây, nhưng nhỡ cậu làm gì phạm pháp gây hại cho xã hội khiến nhà trường bị xấu mặt thì sao?

Đmẹ lúc ấy nói thật là nản vãi l., sinh viên học trong trường, có thẻ có hồ sơ, chả thiếu cái mẹ gì, tiền học đóng đủ, nội quy chấp hành, giấy chứng nhận sinh viên trường phải cung cấp, bởi vì đó là nghĩa vụ của trường với sinh viên. Còn bọn sinh viên làm gì với tờ giấy ấy, thì đó là việc của chúng nó, kệ con mẹ chúng nó đi, nó làm gì tốt thì bố mẹ nó tự hào, nó tự hưởng thành quả, trường thích thì ăn hôi, còn nó làm sai thì pháp luật xử lý. Nói nghe thiếu trách nhiệm và vô lý vãi l., đến giờ nghĩ lại vẫn thấy bực.

Nhưng nói vậy thôi, chứ đừng bi quan quá, hôm trước vào trường kiến trúc, sau mấy năm thấy cơ sở vật chất khá hơn hẳn, nhiều hoạt động được tổ chức cho bọn sinh viên tham gia, vừa có ích cho kĩ năng của chúng nó, lại vừa nâng cao được chất lượng môi trường giáo dục của trường. Mà cái làm mình ngạc nhiên nhất là đông sinh viên đi trong trường hơn hẳn hồi mình còn kéo bè kéo đảng lên trường lê la trà đá hoặc bỏ học đi chơi. Có lẽ bây giờ bọn nó thích đi học hơn hồi mình, nếu cảm giác của mình là đúng thì đây thực sự là điều rất đáng ghi nhận cho nhà trường. Nhà trường thấy đấy nhé, tôi công tâm chứ không phiến diện.

Mỗi tội mấy thằng em sinh viên vẫn đồng tình với mình về vụ phòng công tác sinh viên chả giúp gì cho sinh viên cả. Chắc mấy bữa nữa nên đổi tên thành phòng công tác không sinh viên.

Không thì mình lâu lâu lại nhớ ra chuyện gì, lại kể, hehe.

 

(*) http://danviet.vn/kinh-te/nghi-an-cap-bang-dai-hoc-sai-quy-dinh-cho-trinh-xuan-thanh-711574.html

———-

ChuKim – 2016

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.