Dạo này mình đi học Hán Nôm, sau những màn tranh cãi kịch liệt trên mạng, như một chớp tắt của cuộc đời, khi chẳng còn ai nói đến nó nữa cho đến một ngày sự việc trở nên nghiêm túc hơn, cuối cùng thì động lực cũng đủ để cất thân tới lớp.

Thằng Khắc Giang bạn mình, một thanh niên học thuật đầy đầu đến từ mảnh đất miền Trung quê của siêu hotboy phượt thủ đi hơn 30 nước từ thế kỉ trước với chi phí thậm chí còn âm, thỉnh thoảng đi café nói chuyện sách vở, chuyện thời cuộc, nó kể, tao đi học đến bài này bài kia rồi, mình nghe xong cũng gật gù, ừ thế biết đọc câu đối chưa. Nó bảo chưa, đường còn dài lắm. Mình nghe thế thì hứng khởi, cắp cặp đi học, chẳng biết có nên cơm cháo gì không, nhưng cứ học đã, đến tầm này, khi hiểu ra sự học thuần khiết để thỏa mãn lòng hiếu học, mấy câu hỏi kiểu học làm gì, nghe chỉ muốn cho gặp mấy cán bộ bộ văn hóa, chứ mình giải thích không nổi, hehe.

Hồi xưa lúc còn là mấy thằng sinh viên kiến trúc, phần lớn bọn mình đều ôm trong lòng niềm ham thích cố gắng vẽ được như Tây. ‘Như Tây’ trở thành một lời ngợi khen có sức nặng bội phần. Khối lượng kiến thức khổng lồ của ngành xây dựng phương Tây tràn vào tâm hồn những thanh niên non trẻ và chiếm giữ một vị trí quan trọng, dẫu cho có thể dẫn tới nhiều lệch lạc buồn cười, nhưng thôi, chuyện ấy chẳng bàn, vì chúng ta đang sống trong một thế giới Tây phương hóa, cứ học cái hiện đại của người ta đã, rồi hẵng hay.

Ngày ấy mình nghĩ vậy, đến giờ vẫn nghĩ vậy.

Nhưng đi làm một thời gian, cũng tiếp xúc ít nhiều Tây Tàu đủ kiểu, đủ để hiểu ra thế giới đã tiến xa lắm rồi, nhân loại tiến bộ đã đạt đến một tầm văn minh vượt quá sự hình dung của đại đa số xã hội rất xa rồi. Một ngày chợt nhận ra, những thứ ông bà tổ tiên để lại, đẹp biết nhường nào.

Thầy mình nghe mình nói chuyện, cười xòa bảo mình, cuối cùng thì cũng phải ngoái đầu nhìn lại cội rễ hả. Mình thưa vâng, hôm sau thầy dẫn sinh viên đi học vẽ ghi ở một ngôi chùa cổ, mình xin thầy cho lẽo đẽo đi theo, cố thấm được bao nhiêu thì thấm, trong lòng nảy sinh một tình cảm sáng trong với niềm vui giản dị khi bước qua những hồn cốt đã gây dựng nên văn hóa xứ sở mình.

Vừa vui, vừa buồn.

Bạn mình hỏi đi Ninh Bình à, có đi chùa Bái Đính không, mình lắc đầu, đi làm gì, chốn xô bồ ấy, cứ như là kinh doanh tôn giáo, chùa thì xem ảnh thấy giống y chùa Tàu, chùa nước Nam mình, trước giờ có như vậy đâu. Bạn mình gật gù, ừ, cũng đúng. Nhờ nghề nghiệp nên mình nghe phong thanh, bây giờ người ta còn đang thực hiện những dự án chùa chiền còn lớn hơn như thế nữa, lớn tầm nhất nhì khu vực, uy phong bề thế đầy giàu sang. Người nước Nam, bao nhiêu đời làm gì cũng tỉ mẩn, say sưa với những thứ nho nhỏ xinh xinh, cân đối tỉ lệ nào cũng hợp vừa với tấm lòng hồn hậu và tầm vóc dáng người nhỏ bé, có cần gì to tát cao sang đâu mà cha ông mình vẫn truyền được cho mình bao nhiêu thứ đấy thôi, có cái hay có cái dở, nhưng có bao giờ để chúng ta lạc lõng bơ vơ giữa thế giới như lũ lai căng không gốc gác đâu. Nói ra lại thành mất lòng các bậc đàn anh cha chú, nhưng trời ơi, vì đâu nên nỗi..?

Tiền ư..? Thôi đừng nói về tiền nữa, thêm buồn, em ơi..

Quay trở lại chuyện đi học Hán Nôm, đây đúng là một môn khó nhằn, dù thầy giáo truyền đạt rất hay, rất sáng tạo, nhưng phải thú thực thứ khoa học ước lệ tượng trưng của phương Đông quả đã góp phần gây ra việc đi trước về sau so với những người phương Tây xây dựng nền văn minh dựa trên khoa học quy tắc. Mình học trầy trật, tự nhủ biết vậy đi học sớm hơn thì đã viết blog hay hơn bao nhiêu, giờ này không đến nỗi lẹt đà lẹt đẹt theo đuổi giấc mơ con.

Hôm nay, thầy giáo dạy về các bộ liên quan đến đời sống, đến nhà cửa ruộng vườn, trong đó có chữ Tù. Chữ Tù tiếng Hán thuộc bộ Vi, nghĩa là vây quanh, viết thành một hình vuông, bên trong là chữ Nhân, biểu thị con người bị giam cầm, bị mất tự do.

Ngồi trong lớp, nghe thầy giáo giảng tới đây, mình nghĩ tới những người được gọi là tù nhân lương tâm, tới dân xứ Việt.

Đọc sách ‘Tổ quốc ăn năn’, thấy có một ý, đó là với người Việt, tổ quốc như một gánh nặng trên vai, tổ quốc đeo bám, tổ quốc phiền hà, tổ quốc nặng nề và u ám.

Ôi, đúng hay sai?

Nhớ ngày đi xa làm việc, mẹ bảo mày tìm cách ở lại, hoặc đi đâu xa hơn đi con, ở đây tốt như vậy còn gì, về Việt Nam rồi với tính mày, lại khổ.

Lúc ấy nghĩ, trời ơi một xã hội mà một dấu mốc cho sự thành đạt trong cuộc sống là vượt thoát được khỏi đất nước mình, thì xã hội ấy là kiểu xã hội gì..?

Con muốn về, mẹ ạ.

Chẳng biết sự muốn ở lại với quê hương của mình còn được bao nhiêu, và càng chẳng biết đến bao giờ thì mình sẽ lại thêm lần nữa dứt áo ra đi. Chỉ nhớ lúc ấy, bật ra câu con muốn về, chẳng một mảy may nghĩ ngợi.

Giờ nghĩ tới những tù nhân lương tâm, ừ, họ là tù nhân trong tiếng gọi thúc giục của lương tâm những con người nặng lòng với đất nước, có nhà tù nào giam hãm được tâm trí họ đâu. Cũng giống như bao người dân nước Việt hôm nay, một nước Việt buồn với hành trang là món nợ công ngập đầu ngập cổ, môi trường sống xuống cấp trầm trọng, tham nhũng và thói xa hoa trưởng giả cứ mặc nhiên hoành hành, sự độc ác với nhau cứ như một gia vị không thể thiếu. Trời ơi. Thứ níu giữ người ta ở lại, có lẽ chỉ còn là đường biên giới chẳng vẹn nguyên như thời cụ kị, và tình cảm vô hình cứ quặn lên trong mỗi khoảnh khắc yên bình hiếm hoi của cuộc sống. Có người bảo, đến cái cột điện mà có chân, nó cũng bỏ đi..

Về nhà, đọc tin miền Trung, chợt thấy buồn giận không chịu nổi.

‘Hội kiến trúc sư Việt Nam nên tuyên bố tự giải tán đi. Các vị đã làm được gì sau từng ấy năm? Tổ chức đủ thứ cuộc thi cổng chào, tháp kỉ niệm. Năm nào cũng tổ chức cuộc thi nhà ở nông thôn, nhà ở vùng lũ. Anh em sinh viên, kiến trúc sư trẻ tham gia nhiều, đưa ra nhiều giải pháp hoàn toàn khả thi. Các vị chấm giải xong, cuối cùng chỉ toàn cổng chào và tháp kỉ niệm được xây. Nhà ở vùng lũ cho bà con giờ này thế nào rồi? Biết bao nhiêu phương án sao chẳng được đưa ra phát triển để áp dụng vào thực tế?

Chúng tôi là kiến trúc sư, chúng tôi là những thanh niên tuổi đời non trẻ với gánh nặng cơm áo gạo tiền, chúng tôi tự bản thân không hẳn là vô can, nhưng chẳng phải các vị được sinh ra để làm những việc có ích cho người dân hay sao? Tại sao không đưa ra để cộng đồng cùng chung tay, các vị là đơn vị tổ chức có vị trí rõ ràng trong xã hội, tại sao những việc ấy không làm? Bây giờ nhìn bà con miền Trung khốn khổ như thế, có cảm thấy chút bất nhẫn nào dội lên trong lòng không?

Không làm được thì nghỉ đi, để dân tự làm.

Ngẫm lại ngày ấy, được cái giải ba hồi năm thứ tư, muốn lại thêm lần nữa vứt cái giấy khen vào mặt mấy người. Muốn rơi nước mắt..’

Một ông anh vào góp ý, đại ý anh bảo ừ cũng có lý, nhưng nên giữ mình bình tĩnh, rồi cuối cùng có chuyện gì là thay đổi chóng vánh trong một tích tắc đâu em.

Nghe anh nói, lòng dịu lại, nghĩ đến số phận một con người được sinh ra trải sinh lão bệnh tử, trọn vẹn một kiếp giữa trần gian, nghĩ tới đồng bào, tới những người đang ngày đêm đấu tranh, những người phải đối mặt với đủ chuyện hung hiểm, những người đang lao đi trên những chuyến xe cứu trợ miền Trung, mong các anh chị gặp được bình an.

Nước mắt cứ chảy, ngồi khóc một mình. Gạt nước mắt thôi, phải làm gì đấy thôi, em ạ. Cho hành trình đến với tự do.

———-

ChuKim – 2016

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.