Hà Nội có phố Khâm Thiên. Năm xưa, từ thời Lý, Trần, Lê thế kỉ XI – XVIII, ở đó có đài Khâm Thiên Giám (欽天監) được dựng lên để làm nhiệm vụ theo dõi thời tiết, xem thiên văn và nghiên cứu lịch pháp. Sau này, để gợi nhớ lại điều này, người ta đặt tên cho phố ấy là phố Khâm Thiên. Phố Khâm Thiên ngoài tên gọi chính thức bây giờ, còn có thêm nhiều tên cũ trong quá khứ, trong kí ức của những người già, và trong chữ nghĩa truyền tụng qua sách vở và lời kể dân gian. Nghe kể thời Pháp thuộc, có dạo phố có tên là phố Cầm Ca, do có nhiều tiệm hát tiệm nhảy nhạc Tây, có sòng bạc, có tiệm hút thuốc phiện. Đêm đến, hình dung ra ngoài phố là chốn ăn chơi của kẻ xống xếnh ham vui, phía trong là các xóm lao động nghèo, tăm tối và lạ lẫm như một thế giới nào khác hẳn, muôn đời vẫn vậy. Người lớn cũng kể, một thời có rất nhiều hiệu may, cửa hàng quần áo, may đo bán sẵn đủ loại thời trang thượng vàng hạ cám trên đời, nên gọi vui là phố Thợ May. Lại có lúc gọi là phố Nhiệt Đới, hay phố Xích Đạo vì cả phố nằm thẳng trục Đông-Tây, nhà cửa chen sát ra mép đường, vỉa hè còn lại nhỏ nhoi đến đi bộ và lấy chỗ để xe còn khó, nói gì trồng được cây xanh lấy bóng mát, mùa hè nắng chiếu rát bỏng thân người lại qua. Lại kể đến những ngày chiến tranh cuối năm 72, người Mỹ ném bom, san bằng cả phố Khâm Thiên, người chết, nhà tan cửa nát, mùa đông đẫm máu làm người ta gọi phố Khâm Thiên là phố B52. Đến tận bây giờ, sau khi phố Khâm Thiên được xây dựng lại, thêm lần nữa trở thành con phố vừa cũ vừa mới, người đời vẫn tranh cãi nhau truyện thắng thua, chuyện hận thù hay hoà giải.

Cũng may, bây giờ gọi tên phố theo tích xưa chuyện cũ, là chuyện làm nghiên cứu, làm khoa học, phục vụ cuộc sống dân tình.

Phố Khâm Thiên như nhiều đường phố khác ở Hà Nội, có nhiều ngõ. Cả một mạng lưới chằng chịt với hàng tỉ câu chuyện chẳng biết bắt đầu kể từ đâu. Nếu nói về số lượng ngõ có tên, có tích thì có phố Bạch Mai là thường được nhắc đến cùng phố Khâm Thiên, hai phố này có nhiều ngõ, nhưng chỉ rất ít ngõ được đánh số, đại đa số các ngõ đều có tên, việc đi tìm địa chỉ là thực sự vất vả nếu không có chỉ dẫn ngõ cạnh số nhà bao nhiêu cho người ít lui tới . Phố Bạch Mai nổi tiếng với ngõ Mỹ Ký, ngõ Lò Lợn, ngõ Trại Cá, ngõ Quỳnh.. Phố Khâm Thiên có ngõ chợ Khâm Thiên, ngõ Văn Chương, ngõ Cống Trắng, ngõ Hồ Bãi Cát, ngõ Trung Tả, ngõ Thổ Quan.. Điều thú vị nữa ở phố Khâm Thiên là bên cạnh những ngõ giữ được tên từ tên các làng cổ khi xưa, còn có những ngõ mới được đặt tên lại sau này, những cái tên đầy tính khẩu hiệu mang hơi thở xã hội chủ nghĩa như ngõ Kiến Thiết, ngõ Tiến Bộ, ngõ Hoà Bình.. buồn cười nhất là ngày xưa có ngõ Ăn Mày, vốn là khu đất hoang, tối đến hàng chục gia đình ăn mày dựng lều ngủ tạm, nay được đổi tên thành ngõ Đoàn Kết, đọc sách đọc báo biết chuyện này, lần nào đi qua mình cũng nhớ đến cảm giác hồi nhỏ đọc truyện chưởng rất khoái cái bang là tập hợp rất.. đoàn kết của những tay ăn mày võ nghệ cao cường và đặc biệt là không đi ăn xin bao giờ.

Kể quanh co vậy, là vì mình rất thích tên ngõ Văn Chương. Tên gì không đặt, lại đặt tên là Văn Chương, hay ghê. Điều oái oăm là ngõ Văn Chương từng nổi tiếng trong suốt những năm 90 thế kỉ trước, đầu những năm 2000 thế kỉ này, về những băng nhóm giang hồ vặt, những đám thanh niên choai choai tụ tập đánh nhau lẫy lừng một thưở. Hồi còn đi học, gia đình nào cha mẹ mà nghe con cái kể có đứa bạn nhà ở ngõ Văn Chương là hỏi ngay, bố mẹ cháu làm gì? Những năm đầu sau Đổi mới, du nhập trò hút sách ma tuý, lúc ấy đời sống kinh tế khá hẳn lên so với thời bao cấp đói khổ, nhưng nhận thức người dân chưa theo kịp với tốc độ khá lên của kinh tế, nhiều nhà con cái mắc vào nghiện ngập, sinh ra đủ thứ tệ nạn của một xã hội hỗn loạn mới vừa được nới lỏng tự do sau thời kì bị bóp nghẹt. Đánh nhau, trấn lột, trộm cắp, hút chích rất ghê. Tiếng lành đồn xa nhưng tiếng dữ đồn cũng xa không kém, ngõ Văn Chương nổi bật bên cạnh những khu dân cư yêng hùng của Hà Nội, nhắc đến lại thấy kí ức và những chuyện nghe kể về các khu Nam Đồng, Hoàng Cầu, Chương Dương, hồ Ba Mẫu.. Sau này, dần dần bị hậu quả nhãn tiền đập vào mặt, người dân bắt đầu ý thức được, giáo dục răn đe con cái tránh xa, sách vở cho trẻ con đọc cũng nhiều dần lên, xã hội khác đi, tâm tính cũng thay đổi dần, chuyện về những dọc ngang đánh đấm đem đến nỗi sợ nơm nớp cho bọn trẻ con ở khu khác lảng vảng đi ngang rồi cũng qua đi. Những khu ‘địa bàn’ lành hẳn. Hay có thể do lớn lên, dày dạn mùi đời hơn, vô tình quên mất nỗi sợ ngày nào cũng nên.

Ngõ Văn Chương ngày ấy, cũng lâu rồi, hồi mình đang có một mối tình, một hôm mối tình nói anh chở em đi ra đây tí. Mình chở mối tình đi, vừa đi mối tình vừa kể chuyện mới quen một bà chị tính hợp nhau lắm, hai chị em làm đủ thứ việc với nhau, có cả cùng đi bê tráp đám cưới, bây giờ sang nhà chị ý đưa ít đồ. Mình nghe thì biết vậy, gật gù tỏ ra rất hưởng ứng chứ thật ra không mấy quan tâm, y như những thằng trai khác khi nghe một câu chuyện bất kì của bọn con gái. Đến nơi, mình quay đầu xe đứng chờ, đầu mải nghĩ mông lung chuyện nhân tình thế thái trong mắt thằng sinh viên sắp ra trường. Mối tình gọi điện, chờ một lúc thì bà chị chạy xuống, nghe loáng thoáng hai chị em họ cười nói tíu tít phía sau, chẳng ngoái đầu.

Bà chị tên Bích. Mình có ngờ đâu, đó chính là chị Bích bằng xương bằng thịt bước ra từ câu chuyện thời ấu thơ mà có lúc tưởng chừng đã mãi mãi quên nhau. Hoá ra nhà chị Bích sau khi rời khỏi khu tập thể Trung Tự, thì chuyển về ngõ Văn Chương. Bọn mình đều mải mê lớn lên mà bỏ rơi mất một phần kỉ niệm. Mãi sau này, đến khi tìm lại được mảnh tâm hồn thưở nhỏ, mình mới sực nhớ ra câu chuyện chiều hôm ấy với mối tình năm xưa, bất giác hỏi, này, đó có phải là chị không? Bích cũng giật mình, là em đấy hả?

Khi cả hai bật ra câu hỏi, mối tình đã trở thành mối tình xưa, tình bạn đã trở thành tình bạn chớp nhoáng. Chuyện đời thật lắm nỗi buồn vui.

Ngõ Văn Chương còn có chị Huyền, tự là Rồng, giang hồ quen gọi chị là chị Huyền Rồng. Nghe dữ dội đầy tính băng đảng thế nên lúc thằng Thạch Hùng giới thiệu, mình tưởng nghe nhầm phải hỏi lại thật không thật không, Thạch Hùng cười bảo thật chứ sao. Chị Huyền cắt tóc, cửa hàng nhỏ chỉ độ chục mét vuông, bên trong bài trí gọn gàng, cái gì cũng vừa khít, bên ngoài chị có bảng hiệu ‘Huyền Rồng cắt tóc năm nữ’, chữ Huyền Rồng màu đen in to đùng, khác biệt hoàn toàn so với những cái tên sến xẩm hoặc nhàn nhạt khác của những hiệu cắt tóc làm đầu. Lần đầu được thằng Thạch Hùng dẫn đến, ngay lập tức mình đã khoái phong cách này, vừa thẳng thắn mà lại vừa vui tươi, nó cho thấy sự hài hước trong một khoảnh khắc đã đạt đến đỉnh cao của đời người. Thật ra chị tuổi Thìn, nhưng chắc Huyền Thìn nghe không được văn học cho lắm lên chị chọn biệt danh là Huyền Rồng, lần này thì tiếng Nôm quả thật đã đại thắng, nghe quá hay. Mình đoán vậy, hehe.

Chị Huyền cắt tóc cho mình năm năm nay. Trước đấy mình tuyền chọn các anh em cắt tóc là đàn ông, theo quán tính của loài người thường truyền miệng nhau về việc đàn ông làm gì cũng giỏi hơn đàn bà. Giờ lớn nghĩ lại, thấy sai bét hay đúng đắn chưa chắc đã quan trọng bằng việc suy nghĩ bằng định kiến hay bằng tri giác khách quan. Lúc mình nói người cắt tóc cho mình là nữ, bạn bè mình trừ bọn Thạch Hùng, Thao Đông ai cũng hỏi thật à thật à, mình cười bảo thật chứ sao. Chị Huyền Rồng kể chị mở cửa hàng ở ngõ Văn Chương được mười ba năm, còn từ ngày cầm kéo đến nay đã hai chục năm, thường trực ở cửa hàng là chị cùng một chị phụ việc, thỉnh thoảng có con gái chị bé tí ra ngồi chơi nói chuyện làm vui với mọi người.

Mình hỏi, chị giữ cửa hàng nhỏ thế này suốt mười ba năm ấy ạ, chị cắt giỏi thế sao không phát triển mở rộng. Chị Huyền bảo mở rộng ra rồi nhiều vấn đề lắm, phải quản lý, phải tuyển thêm người, rồi khéo mình chả làm nghề nữa, mà chị thì rất thích cắt. Chị nói thế mình hiểu ngay, đây là dạng tâm lý của những người đặc biệt yêu thích nghề nghiệp họ làm, tiền bạc chỉ là một trong nhiều yếu tố, chứ không ở vị trí tối thượng như phần lớn xã hội. So sánh nghe có vẻ khập khiễng nhưng thỉnh thoảng nếu xem những bộ phim tài liệu về các nghệ nhân Nhật Bản và những bộ phim tài liệu sặc mùi mặc cảm muốn giỏi hơn người Nhật về các nghệ nhân Hàn Quốc, sẽ thấy được tâm lý nghề nghiệp này hiện diện và toả sáng lấp lánh giữa thế gian.

Nghe chị Huyền nói thế, mình nghĩ, năm nay cũng là mười năm kể từ lúc mình có những trải nghiệm đầu tiên về công việc kiến trúc, suốt từ hồi sinh viên đến giờ, thoáng chốc mà đã một phần ba cuộc đời gắn bó. Nói như thằng Govin bạn mình là quá tốn giấy và tốn mực cho không biết bao nhiêu nét vẽ mà kể.

Chị Huyền Rồng hỏi, em cắt ngắn thôi hay thế nào, mình nói cho chị nghe, rồi thòng thêm, đấy là em mô tả đại khái thế theo ý hiểu của em, còn chị cứ tuỳ cơ sáng tác, em cũng làm dâu trăm họ nên em hiểu lắm, không can thiệp chuyên môn đâu. Chị Huyền phì cười, còn sau đó thì chị vĩnh viễn không bao giờ biết chị đã gây tội với đời đến đâu khi tiếp tay cho mình tán tỉnh và yêu đương trên khắp các nẻo đường quê hương.

Bây giờ thanh niên hay có câu nói đùa, tôi đi qua thanh xuân, tôi sẽ đến.. Hà Đông, ý nói đến chặng đường tuổi trẻ vụt trôi qua giống như đi từ trung tâm thành phố qua một quận của Hà Nội là đến thủ phủ của Hà Tây cũ thưở nào, nhanh đến bất ngờ. Chạm đến văn chương, đi qua và thưởng thức văn chương, cũng theo lối nói ấy, vớ vẩn.. ăn đòn. Ai nghĩ ra, công nhận giỏi.

Chuyện phố Khâm Thiên, chuyện ngõ Văn Chương, còn nhiều kỉ niệm với những nụ hôn vội vàng, những đêm khuya tĩnh lặng giữa lòng phố, những hẹn hò đưa đón, thôi, dịp khác hứng lên, sẽ hạ hồi phân giải. Ngày đầu năm, kể lể lấy đó làm khai bút mà thôi.

———-

ChuKim – 2018

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.