Nói về quy hoạch và xây dựng, nước Việt Nam mình có hai thứ đặc sản về nhà ở, đó là nhà tập thể và nhà lô phố. Mô hình nhà tập thể theo kiểu Xô Viết là thứ được du nhập trong thời kỳ bắt đầu hoà nhịp với phe xã hội chủ nghĩa để tiến lên thế giới đại đồng. Nhà tập thể ngó vậy chứ bên cạnh những bất cập trong diện tích, tính riêng tư, sự lạc hậu, thì vẫn có những điểm rất hay của nó, ví dụ như nói về tỉ lệ không gian công cộng so với diện tích ở và mật độ cây xanh thì phải nói là ăn đứt mô hình chúng cư ở các đô thị bây giờ. Nhà lô phố cũng là một đặc sản thú vị, bây giờ lên tầng cao nhìn xuống, hoặc lâu lâu trên mạng có mấy kiểu ảnh chụp những góc mà phép vẽ phối cảnh gọi là ‘góc mắt chim’ (bird eyes view), thấy nhà cửa lố nha lố nhố, xếp như hộp diêm, đường đi lối lại loạn xà ngầu, nghĩ dại chứ nó có độ ám ảnh nhất định đến mức không muốn nghĩ tiếp luôn.

Từ nhỏ đến lớn, tôi đã trải nghiệm đủ cả hai đặc sản này. Lúc nhỏ, nhà tôi ở khu tập thể Trung Tự, những ý thức đầu tiên của tôi hình thành ở đây, sâu đậm tới mức đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in rất nhiều chuyện, ai hay đọc blog tôi thì biết, dạo trước tôi hay kể lắm chứ không như bây giờ, vì kể mãi thì chuyện cũng vơi, ký ức chứ có phải nồi cơm Thạch Sanh đâu mà còn mãi được. Quãng thời gian ấy cũng không quá dài, cho tới khi tôi gần năm tuổi thì gia đình tôi chuyển về làng Thành Công, và tôi được ở nhà lô (ở thành) phố, nhưng mà là nhà trong ngõ, như phần lớn mọi gia đình ở các đô thị nước mình.

Tôi còn nhớ, đó là một ngày mùa đông, tôi ngủ dậy thấy nhà cửa sạch sẽ trống trơn, tôi theo chân bố mẹ xuống sân khu tập thể, thấy có xe xích lô ràng buộc đủ thứ đồ đạc, rồi bố tôi lấy xe máy chở mẹ tôi bế thằng em lúc ấy còn bé tí ngồi sau, tôi ngồi đằng trước, cả nhà cùng chuyến xích lô lên đường. Lúc ấy, tôi có biết đâu, đó là chuyến bỏ đi đầu tiên của đời mình. Sang nhà mới, tôi đi tất chạy trên sàn gạch bông, nhà bên này rộng hơn căn hộ tập thể, lại có cầu thang trong nhà, trước đó thì tôi chỉ biết cầu thang chung ở ngoài hành lang, chứ trong nhà mà lại có cầu thang, đối với tôi lúc ấy thì đó quả là một điều rất mới mẻ lạ lẫm, đã thế cầu thang dẫn lên tầng trên và tầng trên vẫn là nhà tôi, niềm vui thích này hoá ra cũng là điểm chung của bạn bè tôi khi chuyển từ nhà tập thể sang nhà lô phố. Khách quan mà nói, lúc ấy không phải tôi chưa từng nhìn thấy thang trong nhà, nhưng nhà ông trẻ tôi và nhà bác tôi hồi ấy bố mẹ đưa tôi tới chơi đều là thang gỗ dốc gần như dựng đứng, đúng nghĩa phải trèo lên, là lên gác xép gác lửng, chứ không thênh thang bước những bước cảnh vẻ lên tầng như cầu thang xây kiên cố như ở khu tập thể, và như nhà mới của tôi. Tôi khoái lắm, cứ chạy ra chạy vào, thỉnh thoảng tôi chạy vào bếp hỏi mẹ tôi đang nấu cơm, mẹ ơi, đây là nhà ai hả mẹ? Mẹ tôi cười trả lời, nhà mình con ạ. Tôi cười sướng, rồi lại chạy ra chạy vào, chạy lên chạy xuống, thỉnh thoảng lại chạy vào bếp hỏi mẹ, mẹ ơi, đây là nhà ai hả mẹ? Mẹ tôi lại cười trả lời, nhà mình con ạ. Hai mẹ con cứ vừa cười vừa người hỏi người trả lời như vậy không biết bao nhiêu lần. Sau này lớn lên đi làm, xây nhà xây cửa cho người ta, tôi mới biết, lúc đó là giáp Tết, các gia đình Việt Nam đều muốn về nhà mới đón Tết, niềm hạnh phúc hân hoan được đón Tết trong căn nhà mới, nó mới thật là ngọt ngào biết bao.

Nghĩ lại, tôi nhớ cả ngày đầu tiên tôi đến làng Thành Công, lúc ấy bố tôi mua đất của bác Hiền, sau này nhà tôi và nhà bác Hiền là hàng xóm sát vách của nhau, hôm ấy bố mẹ đưa tôi đến nhà bác Hiền, chính xác là bố tôi đưa mẹ tôi tới xem đất, bế cả tôi đi theo, họ còn ra chỉ trỏ vào mảnh đất mới xây chút móng sơ sài. Trời tối om, ngõ không đèn. Chẳng hiểu sao chuyện này tôi cũng nhớ, chưa từng nhắc lại với cả bố tôi lẫn bác Hiền, chắc vì chẳng có tình tiết nào hay ho.

Thế rồi anh em tôi lớn lên ở đây, trong làng Thành Công một thời nổi tiếng nhiều nghiện ngập, giang hồ. Thoáng chốc mà đã hai mươi bảy năm trôi qua.

Giờ tôi ở một nơi khác, không xa nhưng cũng không gần, không là mãi mãi nhưng cũng chẳng hẹn ngày trở lại, lần này về làm đám giỗ đoạn tang mẹ tôi. Về nhà, thấy nhà cửa đổi khác so với lúc xưa, đồ đạc kê bài đã khác, ấy là mới chỉ so với từ sau khi mẹ tôi mất đi, còn so với khi mẹ tôi còn sống, tôi cứ có cảm giác như mọi chuyện đã trôi xa khỏi cuộc sống của tôi lắm rồi, trôi vào miền cổ tích mà tôi chỉ còn có thể vĩnh viễn hoài thương mong nhớ.

Bố tôi sắp chuyển nhà, em tôi cũng sẽ không còn ở đây nữa. Thế là căn nhà này sẽ chẳng còn ai trong gia đình tôi.

Nhớ chuyện ngày xưa, sau khi sống ở đây một thời gian, căn nhà được cấp sổ đỏ, tức là chứng nhận quyền sử dụng đất, theo quy cách của pháp luật chế độ nước mình, với bố mẹ tôi thì đó là một việc đáng mừng, tức là từ đây gia đình tôi có hộ khẩu Hà Nội, cũng theo quy cách của pháp luật chế độ nước mình. Bố mẹ tôi làm cơm mời khách khứa đến nhà, nhân một dịp vui. Hồi ấy tôi học cấp một, ngồi nghe lỏm bố nói chuyện trong bữa cơm, sau này tôi kể lại, bố tôi gật gù, ừ mày còn nhớ cơ à. Lúc mới chuyển về đây, bố tôi xây tạm căn nhà hai tầng, dự tính vài năm sau người ta làm đường thì mới tính tiếp chuyện dài hơi. Chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy đường xá đâu, làng Thành Công vẫn vậy, chỉ ngày một vắng bóng nghiện hút và côn đồ như khắp các khu dân cư cộm cán trong thành phố này. Thế là năm tôi học lớp bốn, bố tôi cực chẳng đã cải tạo chồng thêm tầng để tăng diện tích sử dụng cho phù hợp với hai thằng con đang ngày một lớn, bắt đầu hình thành nhu cầu về sự riêng tư. Bây giờ, bố tôi đã về hưu, đầu đầy tóc bạc, vẫn quát tôi suốt ngày, có cháu gọi bằng ông, con đường mới vẫn chưa thấy đâu, lúc nào cũng thấy sắp rồi, sắp rồi. Tôi cười, nói, bố chuyển đi mà ở chỗ khác cho sướng, tầm này rồi thì thi gan thêm chứ việc gì phải khổ, nhà này bây giờ mà sửa thì tốn tiền tốn sức, lại chẳng đáng. Đó là một trong những điều hiếm hoi mà ông nghe tôi.

Đồ đạc cũ, cái thì cho người này người kia, cái thì để lại, cái thì mang qua chỗ ở mới. Tôi bày đặt làm sang ra vẻ cao quý, chỉ chú tâm tới thùng sách, đống quần áo còn dùng được, và kỷ vật của mẹ tôi để lại. Hôm nay dì chú tôi tới, bể cá nhà tôi kiểu cũ, chân gỗ chạm trổ rồng phượng, bố tôi cho dì chú về thay bể cá nhà dì chú to quá khổ, bộ bàn ghế phòng khách cũng đổi cho dì chú, lấy bộ bàn ghế của dì chú, vì bộ nhà tôi gỗ tốt, như thế đỡ phí hơn, ba người nói chuyện với nhau như vậy. Tôi nhìn bộ bàn ghế, vui miệng kể ngày xưa lúc sửa xong nhà, bố tôi mua bộ bàn ghế gỗ, nhưng ban đầu bộ ấy mới tinh, màu còn đương bóng đỏ, bố tôi không thích, nên gạ đổi cho ông chú bán hàng, lấy bộ của nhà ông ta dùng đã vài năm, nước gỗ đã ngả tối đi, nhìn sang và cổ kính hơn. Bố tôi còn chẳng nhớ chuyện này, thế mà tôi nhớ, dì tôi cười bảo, thằng Tũn nhớ giỏi thật.

Trên phòng anh em tôi kê bàn máy tính bây giờ, còn để cái tủ ly từ thời ở nhà tập thể, bố tôi kể, đây là cái tủ trang trí phòng khách đầu tiên mà tao mua trong đời, lúc trước bày đủ thứ, từ rượu Tây cho tới búp bê Nga, các loại tranh ảnh bưu thiếp, về sau nó được bê sang phòng khác, tôi dùng để cất sách truyện, một thời gian sau nữa, nó chỉ còn nằm đó, chẳng có gì đáng kể bên trong, nó nằm đó, đúng nghĩa là một cái tủ kỷ niệm, câu chuyện về cái tủ ly, bây giờ chỉ còn thuần tuý tự thân về cái tủ ly mà thôi. Viết đến đây, tôi quay lại nhìn, không biết rồi đến bao giờ thì câu chuyện ấy sẽ kết thúc?

Trước, đọc sách xem phim, lâu lâu lại có cảnh những nơi chốn gắn bó với mạch truyện, đến một lúc nào đó, người ta bỏ đi, để lại phía sau, có khi, là cả cuộc đời. Đó là nói chuyện sách vở phim ảnh, ngoài đời thì thực tế hơn chút, cuộc sống vẫn tiếp diễn, vẫn dài ngắn đôi lúc chẳng phân biệt nổi. Tôi đi quanh nhà như khi còn là đứa bé lúc xưa, đi ra đi vào, đi lên đi xuống, đi vào bếp, lại tần ngấn nhớ bóng mẹ năm nào. Nhà cửa vắng người, kỷ niệm ùa về như dòng sông tưới tắm cho tâm hồn những khúc ca ngây dại.

Tôi nhớ năm xưa, khi nằm soài trên sàn nhà tầng hai, nhẩn nha giữa buổi trưa hè, một bên là gói bánh nhãn bà nội ở quê mang lên cho, một bên là chồng truyện tranh tôi đi qua ngõ làng, vượt qua những anh thanh niên đứng vạch quần chích bẹn, vượt qua những chị gái bán hoa ngáp ngủ lúc muộn mằn, đi trên phố Thành Công, qua chợ, qua khối nhà tập thể vừa lạ vừa quen, đi qua những người mà nhiều năm về sau tôi mới dần dần quen biết, để tới hàng thuê truyện đã quen. Giờ thì chú chủ hàng thuê truyện ấy đi đâu chẳng biết, tôi cũng chẳng còn nằm đọc sách trên sàn nhà như thưở nhỏ. Truyện tranh trong nhà giờ toàn là của em tôi. Tôi cất thú vui ấy vào một góc, một mình mình biết, một mình mình hay. Giàn hoa giấy của nhà hàng xóm đối diện vắt qua ban công nhà tôi, leo lên khung sắt, lúc ấy rất mát mẻ tươi xanh, nhưng lại che bớt ánh sáng hắt lên trang truyện, làm tôi cứ hay trèo lên ngắt cành cho bõ tức tuổi nhỏ. Vài năm sau, cây hoa giấy chết dần.

Tôi nhớ năm xưa, bố mẹ và em tôi đi du lịch, tôi lúc ấy mới lớn, nằng nặc đòi ở nhà không đi, ở tuổi ấy, tôi thích được ở một mình, tôi không tìm thấy niềm vui sướng đi chơi cùng gia đình. Những ngày ấy, tôi ôm đàn ca hát nghêu ngao, tôi tự nấu ăn từng bữa, lêu lổng rong chơi chẳng coi ai ra gì. Ngày ấy tôi có biết đâu, lần cuối cùng cả nhà cùng đi chơi xa đã xảy ra từ trước đó lâu lắm rồi. Bây giờ thì tôi, thằng em tôi, cha tôi, ba người đàn ông chúng tôi chẳng tài nào hình dung nổi chuyến đi chơi nào cùng nhau. Có chăng, chúng tôi chỉ nghĩ tới bữa ăn chung, bữa nhậu cùng. Mà hoạ hoằn hiếm hoi lắm mới xảy ra, ba người chúng tôi, cứ như sống ở ba thế giới.

Tôi nhớ năm xưa, ngày mẹ vào viện, phải làm phẫu thuật, rồi phải ở viện điều trị dài ngày. Bố bận việc, hai anh em ở nhà tự chăm nhau, có gói chả mực người ta cho, hai anh em ăn dền dứ ngày này qua ngày nọ, đến hết thì thôi, lúc ấy mới bắt đầu mò mẫm nấu thêm món khác. Nhà cửa bừa bộn bẩn thỉu, đến sát hôm mẹ về, mới hè nhau lau dọn từ trên xuống dưới, sợ mẹ về mẹ chửi, chứ không sợ bẩn sợ bừa.

Tôi nhớ năm xưa, những buổi chiều lang thang tụ bạ, ngồi uống bia với mấy ông anh, lúc về nhà, mẹ tôi chạy ra báo, đỗ đại học rồi con ơi, mặt tôi tỉnh bơ, vậy hả mẹ. Rồi tôi vào phòng, đóng cửa bật máy tính, tự lên tra điểm, rồi ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch một mình. Cười chán, tôi lại làm mặt tỉnh bơ, ra ngoài ngồi chờ tới giờ ăn tối. Mãi cho tới khi tôi tốt nghiệp đại học, ngày tôi bảo vệ đồ án tốt nghiệp thành công, cả nhà lại ra ngoài ăn bữa cơm với nhau, mặt tôi vẫn cứ tỉnh bơ như thế. Ngày tôi nói với bố tôi, rằng đã đến lúc tôi lại nghe theo tiếng gọi trong tim mình thêm lần nữa, bố tôi bình thản chấp nhận. Còn mẹ tôi, mẹ tôi có lo âu cho tôi không, tôi không bao giờ biết.

Tôi nhớ năm xưa, những lần ôm nỗi buồn tình ái, người gầy quắt đi như cái xác ve, đi lại loanh quanh trong nhà như hồn ma bóng quế, bố mẹ tôi chẳng hỏi, tôi chẳng nói chẳng rằng. Lao đầu vào việc này việc kia, những giọt nước mắt và những tiếng thở dài thưở đầu đời thơ ngây, tôi cứ nhớ mãi không quên. Cho tới mãi tận sau này, những nỗi buồn tình ái vẫn đến với tôi, thậm chí cả những nỗi buồn chưa tình ái cũng đến với tôi, tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế cũ, vẫn làm những việc như xưa, thêm những cuốn sách mới, những đêm bỏ nhà đi uống rượu, chỉ khác xưa là tôi đã thấy mình lớn lên, hay già đi. Còn tình yêu, nó cứ mãi như lần đầu, dầu trăm lần hay bao nhiêu lần đi chăng nữa.

Tôi đi quanh nhà, nhìn những bức tường cũ, nước sơn phun sần mà hai mươi mốt năm trước cha tôi lấy làm tự hào vì chẳng mấy ai có, giờ đã chẳng còn là điều gì đặc sắc, nước sơn cũ ngả màu thời gian, những vết ố bong tróc xuất hiện như rất nhiều căn nhà lô phố khác. Những bức tường cũ, những bức tường mới, tôi thuộc thời gian xây, thời gian sửa từng chi tiết trong nhà, điều mà bố tôi có lẽ cũng không ngờ tới. Nhìn từng căn phòng mình từng khi ngồi, khi ngủ. Nhớ chuyện cũ, nghĩ chuyện sau này, hồi tưởng lại từng có lần nói, ở quê là nhà cũ của bố mẹ cháu, cháu về thăm quê, là thăm kỷ niệm đôi lần khi còn nhỏ, thăm tuổi thơ của bố mẹ cháu, còn nhà cháu là ở đây.

Nhà tôi là ở đây.

Và tôi nhớ, cái ngày sau ngày Giáng sinh ba năm trước, một buổi trưa thứ hai đầu tuần, tôi nhận được điện thoại của bố, tôi vội về vì mẹ ốm. Tôi chạy lên nhà, rồi chạy ra đầu ngõ đón xe cấp cứu. Tôi nhớ mẹ tôi nằm trên sàn nhà, tôi ngồi phía trên đầu, hai tay bóp quả bóng hô hấp chụp trên miệng mẹ tôi, tôi cứ bóp mãi cho đến lúc hai tay cứng đờ vì mỏi vẫn không dám dừng, tôi nhìn người bác sĩ và y tá ấy thao tác, bất giác, một giọt nước mắt lăn dài trên má.

Lúc ấy, tôi có biết đâu, chính là khi câu chuyện về căn nhà cũ ở làng Thành Công của gia đình tôi đi đến hồi kết thúc.

———-

ChuKim – 2019

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.