Tiêu đề là câu nói của Jeffrey Eugenides, tác giả cuốn tiểu thuyết Middlesex đoạt giải Pulitzer năm 2002, trong bài phỏng vấn Nghệ thuật tiểu thuyết (The Art of Fiction) do James Gibbons thực hiện. Nguyên văn bản Việt ngữ như sau:

‘Tuy nhiên, tôi lên đại học mà chẳng biết gì nhiều. Cho đến những năm tuổi 20 tôi mới trở thành một người đọc nghiêm túc. Những năm giữa tuổi 20 và 30, tôi đọc ngấu đọc nghiến, đọc nhiều hơn bất cứ khoảng thời gian nào trong đời. Tôi chỉ đang cố bớt ngu đi một chút.(Chiêu Dương dịch).

———-

Ok anh em. Mình quyết định đoạn mở đầu trong bài năm ngoái sẽ trở thành khúc dạo đầu quen thuộc cho một ngày cuối tháng 12 hàng năm, khi mình ngồi xuống trong không gian yên ắng, và kể với các bạn về muôn màu buồn vui mà sách vở chữ nghĩa đã đem lại cho mình trong suốt một năm vừa qua.

Năm 2019 là một năm đáng nhớ. Mình đã kết thúc 15 năm vẽ vời và 10 năm thực hành nghề kiến trúc để dấn bước vào con đường lông bông đầy chim bay và bướm lượn với một tương lai mịt mờ phía trước, đó quả là một sự thay đổi mà nếu như hồi sinh viên có bạn nào nói với mình về viễn cảnh này, chắc thằng mình ngày ấy đầy say sưa và nhiệt huyết sẽ chửi cho ngu người. Trong những giờ phút của cuộc sống mới với những trải nghiệm tưởng chừng như miên man bất tận mà trước đó mình chưa bao giờ được thưởng thức, mình đôi lần cảm thấy niềm hăng say vui sống đang cuồn cuộn trong huyết quản, hệt như những gì đã từng xảy ra trong những ngày mười chín, đôi mươi. Ngu si là một đặc ân, mình luôn nhớ câu nói này, cũng vì vậy, mình đã dành trọn thời gian để thụ hưởng niềm đặc ân ấy bằng tất cả sự trân quý, bởi suy cho cùng, nếu như cuộc sống này cho chúng ta quyền được lựa chọn bất kể thế nào, đó đã là một may mắn không thể khước từ.

Một năm vừa rồi, ngoài những lúc chát với gái thì mình còn làm một việc nữa, đó là đọc. Mình chát hay đến chừng nào thì các bạn nữ có thể tìm cách tự cảm nhận, còn trong bộ môn đọc, mình cố gắng đọc nhiều hết cỡ có thể, mà vẫn giữ được chất lượng tinh tuyển trong khả năng chọn lọc của bản thân. Vậy rốt cuộc mình đã đọc được những gì, bây giờ mình sẽ bắt đầu ngay đây, phần dẫn chuyện như vậy đủ quá đáng lắm rồi.

  1. Tiểu thuyết

Đỉnh cao trong hạng mục tiểu thuyết mà mình đọc năm nay là cuốn Đời nhẹ khôn kham (Nesnesitelná lehkost bytí – 1984), tác phẩm nổi tiếng nhất của tiểu thuyết gia Milan Kundera. Ông này là người gốc Tiệp Khắc, một chứng nhân của xã hội cộng sản Tiệp Khắc, đặc biệt là sau sự kiện Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc năm 1968, tới năm 1975 thì ông ta qua Pháp sống. Milan Kundera là một người mang tinh thần đối đầu với xã hội toàn trị cộng sản, vậy nên trước khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu thì không nhiều tác phẩm của Milan Kundera được phổ biến ở quê nhà, bất chấp tầm vóc thiên tài của ông, vì lý do kiểm duyệt. Năm 1982, khi vừa được hoàn thành, tác phẩm lập tức bị cấm ở Tiệp Khắc, Milan Kundera bị gọi là ‘kẻ phản loạn không thể dung thứ’, cuốn sách chỉ được in lần đầu ở Pháp năm 1984. Khi mình nhắc tới cuốn Đời nhẹ khôn kham thì nhiều bạn sẽ nghĩ tới bản dịch của Trịnh Y Thư do Nhã Nam xuất bản năm 2018. Nhưng không, rất tiếc bản Nhã Nam 2018 đã làm hỏng bản dịch năm 2002 in tại Mỹ của chính dịch giả Trịnh Y Thư (dịch lại từ bản dịch tiếng Anh The Unbearable Lightness of Being của Michael Henry Heim năm 1984) bằng cách tẩy sạch toàn bộ những chữ ‘Cộng sản’ và những đoạn văn mà quyền lực kiểm duyệt cho rằng nhạy cảm, trái định hướng, để rồi thay vào đó bằng những đoạn diễn đạt chệch đi, làm sai lệch ý nghĩa văn bản. Mình đưa ra đây một vài đoạn (trên tổng số rất nhiều) do facebook Dinh-Nho Hào đã bỏ công đối chiếu:

Bản hải ngoại, trang 77: Người chủ bút mỉm cười: “Cô thấy không, thật dễ đoán cô là người xứ nào. Các quốc gia Cộng sản thường khắc khổ, nghiêm ngặt quá đáng.”

Bản Nhã Nam, trang 115: Người chủ bút mỉm cười: “Cô thấy không, thật dễ đoán cô là người xứ nào. Các quốc gia như xứ cô thường nghiêm ngặt.”

Bản hải ngoại, trang 100-101: Khi còn là sinh viên trường Mỹ thuật, cô không được phép vẽ như Picasso. Đó là thời kỳ cái gọi là hiện thực xã hội được quy định và nhà trường sản xuất toàn chân dung những chính khách Cộng sản. Sabina mong thực hiện được hành vi bội phản cha mình nhưng cô chưa toại nguyện: Chủ nghĩa Cộng sản là người cha khác, người cha khó khăn và kềm kẹp không kém, người cha cấm cô không được yêu thương (thời của đạo hạnh), và ngay cả Picasso cô cũng không được phép lại gần.

Bản Nhã Nam, trang 146: Mặc dù là sinh viên trường Mỹ thuật, nhưng cô không được phép vẽ như Picasso. Đó là thời kỳ cái gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa và trường Mỹ thuật sản xuất toàn chân dung những chính khách. Sabina mong được phản bội cha mình nhưng cô không toại nguyện: cô còn một người cha khác, người cha khó khăn và kềm kẹp không kém, người cha cấm cô không được yêu thương (thời của đạo hạnh), và ngay cả Picasso cô cũng không được phép lại gần.

Bản hải ngoại, trang 102: Vào thời điểm đó, cô tưởng thứ nhạc mọi rợ đó chỉ ngự trị ở thế giới Cộng sản.

Bản Nhã Nam, trang 149: Vào thời điểm đó, cô tưởng thứ nhạc mọi rợ đó chỉ ngự trị ở quê hương mình.

Bản hải ngoại, trang 105: Cả cô nữa. Cô đã phản kháng chế độ Cộng sản như thế nào? Hay cô chỉ biết vẽ vời lăng nhăng…”

Quy định người dân sống như thế nào, kiểm soát đời sống họ, là nguyên tắc và cũng là sinh hoạt xã hội không bao giờ ngưng nghỉ ở các quốc gia Cộng sản.

Bản Nhã Nam, trang 152: Cả cô nữa. Cô đã phản kháng chế độ như thế nào? Hay cô chỉ biết vẽ vời lăng nhăng…”

Quy định người dân sống như thế nào, kiểm soát đời sống họ, là nguyên tắc và cũng là sinh hoạt xã hội không bao giờ ngưng nghỉ ở một số quốc gia.

Bản hải ngoại, trang 184: Người nhận định các chế độ Cộng sản ở Trung Âu đơn thuần chỉ là những tổ chức ăn cướp, người đó không nhìn ra sự thật hết sức cơ bản: bọn cầm đầu các chế độ ăn cướp đó không phải là bọn cướp. Chúng là những kẻ tin tưởng nhiệt thành vào niềm tin chúng tìm ra con đường duy nhất đưa con người đến Thiên đàng. Chúng kiên quyết bênh vực con đường đó, kiên quyết đến nỗi không ngần ngại giết hại biết bao nhiêu mạng người. Dần dà về sau, khi Thiên đàng chỉ là ảo vọng, bọn người nhiệt tâm kia biến thành lũ sát nhân.

Đến lúc đó, mọi người đồng loạt lên án Cộng sản:

Bản Nhã Nam, trang 271: Người nhận định các chế độ maphia chính trị đơn thuần chỉ là những tổ chức ăn cướp, người đó không nhìn ra sự thật hết sức cơ bản: bọn cầm đầu các chế độ ăn cướp đó không phải là bọn cướp. Chúng là những kẻ tin tưởng nhiệt thành vào niềm tin chúng tìm ra con đường duy nhất đưa con người đến Thiên đàng. Chúng kiên quyết bênh vực con đường đó, kiên quyết đến nỗi không ngần ngại giết hại biết bao nhiêu mạng người. Dần dà về sau, khi Thiên đàng chỉ là ảo vọng, bọn người nhiệt tâm kia biến thành lũ sát nhân.

Đến lúc đó, mọi người đồng loạt lên án chính quyền:

Bản hải ngoại, trang 259: Lúc đầu sự nổi loạn ngấm ngầm trong Sabina chống lại chủ nghĩa Cộng sản mang tính cách thẩm mỹ nhiều hơn là đạo đức. Cô phẫn uất vì cái xấu xa của thế giới Cộng sản (lâu đài cổ bị biến thành chuồng bò) thì ít mà vì cái mặt nạ đẹp đẽ giả tạo nó cố đeo lên mặt thì nhiều – nói cách khác, có thể gọi đó là kitsch Cộng sản. Mô hình kitsch Cộng sản là ngày Quốc tế lao động mùng một tháng năm.

Bản Nhã Nam, trang 378: Lúc đầu sự nổi loạn ngấm ngầm trong Sabina mang tính cách thẩm mỹ nhiều hơn là đạo đức. Cô phẫn uất vì cái xấu xa của thế giới đó (lâu đài cổ bị biến thành chuồng bò) thì ít mà vì cái mặt nạ đẹp đẽ giả tạo nó cố đeo lên mặt thì nhiều – nói cách khác, có thể gọi đó là kitsch. Mô hình kitsch là ngày Quốc tế lao động mùng một tháng năm.

Bản hải ngoại, trang 268: Cam bốt trước đó ít lâu đã trải qua những biến cố kinh khủng, hết bị bọn Mỹ bỏ bom rồi đến nội chiến, một cuộc chém giết lên đến cực độ giữa phe phái Cộng sản nội bộ làm tiêu hao một phần năm dân số quốc gia nhỏ bé đó, rồi cuối cùng còn bị quốc gia láng giềng Việt Nam sang xâm chiếm, Việt Nam lúc đó là nước chư hầu của Nga không hơn không kém. Cam bốt đang bị nạn đói hoành hành, và dân chúng trong nước khổ sở kêu gào sự trợ giúp y tế từ bên ngoài. Một tổ chức y học quốc tế nhiều lần xin phép vào cứu giúp nhưng Việt Nam nhất định chối từ. Có người đưa ra ý kiến tổ chức một cuộc diễn hành gồm những thành phần trí thức Tây phương tăm tiếng tham dự, đi bộ đến biên giới Cam bốt và biết đâu nhờ biến cố to lớn diễn ra trước mắt thế giới các bác sĩ ngoại quốc sẽ được phép vào cứu trợ dân trong nước.

Bản Nhã Nam, trang 395: Campuchia trước đó ít lâu đã trải qua những biến cố kinh khủng, hết bị bọn Mỹ bỏ bom rồi đến nội chiến, một cuộc chém giết lên đến cực độ giữa phe phái nội bộ làm tiêu hao một phần năm dân số quốc gia nhỏ bé đó. Campuchia đang bị nạn đói hoành hành, và dân chúng trong nước đang chết vì thuốc men. Một ủy ban y khoa quốc tế nhiều lần xin phép vào cứu trợ nhưng chính quyền khi ấy nhất định chối từ. Có người đưa ra ý kiến tổ chức một cuộc diễn hành kêu gọi các thành phần trí thức Tây phương tăm tiếng tham dự, họ sẽ đi bộ đến biên thùy Campuchia tạo thành một biến cố lớn trước mắt thế giới để áp lực chính quyền trong nước cho phép các bác sĩ nước ngoài vào cứu dân.

Sẽ là ngây ngô đến tội nghiệp nếu cho rằng việc chỉnh sửa này không gây ảnh hưởng (lớn) tới tổng thể tiểu thuyết của Milan Kundera. Bối cảnh của tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham là xã hội Tiệp Khắc dưới chế độ cộng sản, với những diễn biến sau Mùa xuân Praha 1968, khi mà Liên Xô và các thành viên Khối hiệp ước Warszawa đưa xe tăng vào chiếm đóng Tiệp Khắc cho tới năm 1990, tức giai đoạn cuối cùng của chế độ cộng sản ở Liên Xô và Trung-Đông Âu.

Chắc hẳn nhiều người sẽ nói rằng đó là một sự thật hiển nhiên phải chấp nhận, vì đây là Việt Nam mà, muốn được in thì phải thế thôi, còn hơn là không có gì mà đọc. Điều đó mình không phủ nhận, nhưng kể cả khi việc tẩy xoá chỉnh sửa này được thừa nhận công khai từ phía những người tham gia xuất bản thì nó vẫn hoàn toàn không làm thay đổi thực tế mà mình đã nói ở trên. Bản Nhã Nam 2018 là một ví dụ cho thấy chúng ta, chính chúng ta chứ không phải ai khác, đã hèn nhát thoả hiệp với cái xấu cái ác, đã cam chịu dung dưỡng cho sự khốn nạn của kiểm duyệt văn hoá thông tin trong đời sống hàng ngày như thế nào. Mình tôn trọng công sức cũng như ý tưởng (có thể nói là) tốt của Nhã Nam khi đưa tác phẩm này đến với bạn đọc Việt ngữ, nên mình đã ngạc nhiên và tò mò khi biết tin cuốn Đời nhẹ khôn kham này được xuất bản ở Việt Nam. Tuy vậy, sau khi biết về câu chuyện kiểm duyệt (hoặc né kiểm duyệt) ở trên thì mình đã rất thất vọng và tự đặt cho bản thân những câu hỏi về chuyện làm văn hoá ở đất nước mình, chẳng lẽ chúng ta cứ sống như vậy mãi, cho đến bao giờ đây, đời người hữu hạn như vậy, chẳng lẽ chúng ta cứ mặc nhiên mà chấp nhận hay sao..?

Về cuốn tiểu thuyết (cũng như bản dịch 2002 này) thì phải nói rằng nó đem đến cho mình cảm giác áp đảo ở tính triết lý và vẻ đẹp đến nghẹt thở của văn chương về sự tồn tại của kiếp người, Milan Kundera khiến mình choáng váng còn dịch giả Trịnh Y Thư quả là đã thực hiện một bản dịch trác tuyệt có một không hai mà sẽ khó ai có thể thay thế được (trong tương lai gần), mặc dù đó là bản dịch từ bản tiếng Anh chứ không phải nguyên tác tiếng Tiệp. Mặt khác, điểm tốt mà mình dành lời khen cho bản Nhã Nam 2018 là việc bìa sách được thiết kế rất đẹp, có nét trang nhã và pha chút ẩn dụ.Đến đây định kết rồi nhưng ngứa miệng lại phải mở ngoặc, sở dĩ Nhã Nam giật được lời khen này của mình là vì đến bây giờ, khi đã già khú đế 90 tuổi, Milan Kundera vẫn là một tay vô cùng khắc nghiệt, kiểm soát từng cái bìa của bất kì bản in chính thức nào, anh ta gật thì mới được, còn không thì làm lại bao giờ anh ta ưng thì thôi, hoặc chúng mày nghỉ mẹ luôn đi khỏi in ấn gì sất. Đâm ra mình rất nghi ngờ sự thiếu trung thực của Nhã Nam khi làm bản 2018, vì chắc chắn trong quá trình làm việc giữa người làm công tác xuất bản và tác giả, nếu biết về sự tẩy sửa tác phẩm của mình, anh già Kundera sẽ không đời nào chấp nhận cho in. Đáng tiếc, tiếng Việt không phải thứ ngôn ngữ phổ quát và đất nước ta cũng không có vị trí nổi bật trong thế giới văn chương nên có vẻ như đã không nhận được sự quan tâm đủ nhiều. May hay không may?

29572445_1755638324497287_6982818137542598782_n.jpg
Ảnh: internet.

Cuốn thứ hai mà mình muốn nhắc tới là Brave new world (1932) của nhà văn Aldous Huxley. Quãng độ năm 2008 mình nghe Sheryl Crow hát bài Run baby run trong album Tuesday Night Music Club (1993) có đoạn mở đầu thế này:

She was bon in November 1963

The day Aldous Huxley died

And her mama believed

That everyone could be free

Lúc ấy mình cũng chịu khó lên mạng tìm hiểu xem Aldous Huxley là ai mà được nhắc tới trong bài hát theo lối đầy tính biểu tượng như vậy. Cuộc đời có ngờ đâu, mười một năm sau mình mới đọc Brave new world, tác phẩm phản địa đàng (dystopia) đỉnh cao của nhà văn xuất thân trong gia tộc Huxley nổi tiếng. Cuốn sách này mô tả một xã hội toàn trị mà trong đó loài người đã đạt tới trạng thái ổn định nhờ đánh mất hoàn toàn khao khát sống, chính xác hơn là loại bỏ. Cùng với những hình ảnh về chủ nghĩa toàn trị tập trung kế hoạch hoá đã khiến nó trở thành một trong những cuốn sách bị cấm đoán nhiều nhất trong lịch sử văn học, Aldoux Huxley còn đem tới những suy tư vặn xoắn mãnh liệt về những giá trị đạo đức, tự do, truyền thống và cả đả phá định kiến. Đã có nhiều bài viết phân tích và giới thiệu về cuốn sách này, do vậy thiết nghĩ mình không cần nói quá nhiều, giữ đúng tinh thần giới thiệu, không kể lể kẻo các bạn chửi mình tiết lộ nội dung.

IMG_8151.jpg

Mình mua được bản gốc tiếng Anh in rất đẹp, các bạn xem ảnh thì thấy, vậy nên khi cầm bản Thế giới mới tươi đẹp do Hiếu Tân dịch, mình phì cười vì độ phình ra về kích thước của bản Việt ngữ so với cuốn sách nhỏ nhắn nằm gọn trong lòng bản tay của mình, một phần vì cuốn của mình in chữ bé tí. Mình chưa đọc kĩ bản dịch, cũng chưa có ý định đọc trong tương lai gần, mình mua vì thấy thích sưu tập vậy thôi. Nhân tiện, vì đã nhắc tới khái niệm phản địa đàng thì mình cũng giới thiệu các bạn đọc cuốn Utopia (1516) của tác giả Thomas More, cuốn này ở thời điểm ra đời gây chấn động tới nỗi, về sau tên của nó trở thành tên của một dòng nghệ thuật hư cấu: utopia – thế giới địa đàng. Dịch giả Trịnh Lữ chuyển ngữ cuốn này rất hay, khi xuất bản có tên là Utopia – Địa đàng trần gian (2014). Mình đọc xong hai cuốn về địa đàng (utopia) và phản địa đàng (dystopia) này thì mọi ranh giới về địa đàng và phản địa đàng đã lập tức mờ nhoè, trong utopia có dystopia, và trong dystopia có utopia, hai khái niệm này tồn tại song song và trộn lẫn vào nhau, mặc dù vậy, về bản chất nó chỉ là hai cái tên, hai thiên hướng tình cảm cho cùng một hình thái xã hội, vậy nên không quá ngạc nhiên khi chúng ta vẫn thường nhắc tới thiên đường xã hội chủ nghĩa thân yêu.

1.jpg

Nhân tiện (lắm nhân tiện thế), rất vui vì bốn cuốn tiểu thuyết được nhiều người đánh giá là nổi bật nhất trong dòng văn học phản địa đàng đều đã được dịch ở Việt Nam, mời các bạn xem ảnh phía dưới. Có cuốn thì mua ngoài hiệu sách hoặc trên mạng theo cách thông thường, có cuốn thì mua ngoài hiệu sách hoặc trên mạng theo cách lắt léo hơn một tí, nếu có dịp gặp nhau ngoài đời, mình sẽ kể cho các bạn trải nghiệm mua sách ở nước mình, khéo có thể nâng lên thành hình thức trải nghiệm du lịch mua sách cũng được vậy.

4.jpg

  1. Truyện ngắn

Tập truyện ngắn đầu tiên mình muốn nhắc tới chính là tuyển tập 20 under 40 (2010) của tạp chí The New Yorker, biên tập bởi Deborah Treisman.

Cuốn sách này bao gồm 20 truyện ngắn của 20 tác giả dưới 40 tuổi (tính đến năm 2010) mà mỗi người trong số họ thực sự là những ngôi sao tại thời điểm của mình. Ban đầu mình đọc bản online của tạp chí The New Yorker, sau đó khoái quá bèn mua luôn bản cứng, và thực sự thì mình hơi thất vọng khi bìa sau của ấn phẩm này có đề dòng chữ ‘The future of American fiction’ – ‘Tương lai của văn chương hư cấu Mỹ’. Đúng là một cú nổ long trời lở đất. Tất nhiên nó không làm ảnh hưởng gì tới chất lượng của các truyện ngắn, cũng không biến 20 ngôi sao kia thành 20 mặt trời chói lọi hay trở nên 20 hòn sỏi bất tài vô danh, nhưng sự khiêm nhường ý nhị trong hoàn cảnh này có lẽ sẽ chiếm được cảm tình của mình nhiều hơn. Một điều nữa là biên tập viên nổi tiếng Deborah Treisman đã chọn 10 nhà văn nam, 10 nhà văn nữ, đều chằn chặn như hai đội bóng, mình lại phì cười, thấy mọi khái niệm và mọi cái tên đều rất tương đối và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố hơn so với mình hình dung ban đầu rất nhiều.

Mời mọi người đọc tuyển tập trên do mình dịch ở đây.

IMG_0786.jpg

Tiếp theo là tập truyện ngắn Những mối tình nực cười (1968) cũng của Milan Kundera. Ông này quả nhiên cũng đã góp phần làm cho năm 2019 của mình thêm phần đặc biệt, vì mình ít khi đọc liên tục vài đầu sách của cùng một tác giả trong thời gian ngắn như vậy. Cuốn này in ở Việt Nam năm 2009, do dịch giả Cao Việt Dũng dịch, cũng nhấn mạnh luôn rằng tất cả các tác phẩm của Milan Kundera ở Việt Nam đều được xuất bản bởi Nhã Nam. Sau những gì mình biết về cuốn Đời nhẹ khôn khamđã nói ở trên, cũng như những thông tin về dịch giả Cao Việt Dũng một thời gây tranh cãi trong giới sách vở nước nhà, mình đã cố gắng giữ tinh thần khách quan, cái hay cái tốt thì nhận xét là hay là tốt, cái dở cái xấu thì nhận xét là dở là xấu, không để định kiến lấn át và trở thành rào cản trong con người. Nói vậy là bởi lời khen của mình dành cho tập truyện ngắn này là không cần phải ngâm ngợi, nó bật ra tự nhiên như tiếng thở tình ái trong những buổi chiều mênh mông nỗi nhớ vậy. Những câu chuyện về tình yêu, hay tình không yêu, hiện ra đầy duyên dáng và hóm hỉnh, vừa thông minh lắt léo với những khoảnh khắc lãng mạn tình không yêu, lại vừa trần trụi cay đắng khi tình yêu hiện diện, không khác nào những cái tát khiến ta khi tỉnh khi mê. Cuốn này đến với mình theo cách rất đáng yêu, tất nhiên là sau 10 năm thì việc mình mua được là điều không thể, mình cũng không có nhiều tiền để mua sách cũ, vốn có giá rất cao, người ta bán theo kiểu sách để chơi, để sưu tập. Mình được một bạn đọc blog này vì quý mến mà đem tặng, mình cảm động không để đâu cho hết, thấy như có dòng suối mát chảy qua tâm hồn. Hi vọng chuyện này sẽ lặp lại nhiều lần hơn, bởi nhiều con người và dưới nhiều hình thức.

IMG_0784.jpg

  1. Nghiên cứu

Nhiều lúc mình cũng hơi băn khoăn không biết mình để tên thể loại sách như vậy có đúng không, tức là đúng về mặt học thuật. Nhưng rồi mình lại sử dụng cái lý về sự không làm thay đổi bản chất của vấn đề dẫu cho chúng ta có gọi nó bằng cái tên nào đi chăng nữa.

Ấy là mình đang nói tới cuốn Súng, Vi trùng và Thép (Guns, Germs and Steel – 1997) của (lại) một thiên tài Do Thái khác: Jared Diamond.

IMG_0783.jpg

Cuốn sách này lấy ý tưởng bắt nguồn từ một câu hỏi đơn giản, tại sao lại là chỗ này mà không phải là chỗ kia, tại sao lại là người này mà không phải người kia. Từ đó Jared Diamond đi sâu vào cả quá trình lịch sử loài người, cũng như phân tích một loạt yếu tố, đưa ra hàng loạt ví dụ để chạm tới tận cùng mấu chốt của vấn đề, nhiều lúc mình cảm thấy mệt mỏi khi cùng một kết luận mà ông giáo sư này đảo qua đảo lại không biết chán, cho tới cùng kì tận thế thì thôi, nhưng đó cũng là khi mình nhận ra một thái độ làm khoa học cực kì đúng đắn mà chúng ta cần phải học hỏi cho tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Quả là một cuốn sách nặng kí đúng nghĩa, may mà mình có cái giá đỡ sách nên việc đọc không mấy vất vả về mặt thể chất, còn về tinh thần thì mình luôn có sự thích thú với những tác phẩm nghiên cứu kiểu như vậy, nhất là sau khi đọc cuốn Loài tinh tinh thứ ba (The Third Chimpanzee – 1991) của cùng tác giả.

Một cuốn sách nữa không thể không nhắc tới, là cuốn Về cái tinh thần trong nghệ thuật (1912) của hoạ sĩ Wassily Kandinsky, một đại bàng đỉnh cao của thế giới nghệ thuật, người gây ra ảnh hưởng sâu sắc tới các thế hệ hội hoạ, đồ hoạ và kiến trúc về sau. Lúc còn là sinh viên học kiến trúc, mình đã không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được tiếp cận với các tranh bố cục của Kandinsky và những tư tưởng và sản phẩm của trường Bauhaus lẫy lừng mà ông là một trong những nhân vật nổi bật. Về cái tinh thần trong nghệ thuật là một cuốn sách khó đọc, vừa đọc vừa phải kết hợp tra cứu, kiểm tra chéo và thực hành liên tưởng, bên cạnh đó còn có những đoạn viết khó hiểu, có thể do văn bản gốc, có thể do bản dịch, hoặc có thể do trí tuệ của người đọc chưa đủ sâu sắc. Nhưng việc đọc một cuốn sách vượt trên tầm của bản thân và bám theo nó để leo lên, cũng giống như việc luyện tập thể thao vậy, nếu thay vì tập nặng để phát triển cơ thể mà lại chỉ muốn tập vừa sức cho đỡ mệt thì tốt nhất về nhà ngủ là vừa sức nhất chứ khỏi phải tập làm gì cho mất thời gian. Muốn thưởng thức được nghệ thuật, muốn biết cách xem tranh, muốn biết cách nghe nhạc thì bên cạnh việc xem thật nhiều, nghe thật nhiều, chúng ta còn có thêm một công cụ nữa, đó là những cuốn sách lý thuyết giúp chúng ta khai mở về nhận thức và tư duy trừu tượng.

IMG_0782.jpg

  1. Truyện tranh

Ngày nào cũng đọc truyện tranh như mình mà lại bỏ qua không nói về truyện tranh thì đó là một thiếu sót. Mình biết nhiều người chỉ đọc truyện chữ, lại có nhiều người chỉ đọc truyện tranh, có những người như mình đọc cả hai, và có những người chả đọc cái mẹ gì bao giờ. Mình cũng nhận ra là nhiều khi sự đọc nó oái oăm thú vị vô cùng, người này có thể ngại đọc truyện chữ bao nhiêu thì người kia cũng có thể ngại đọc truyện tranh nhiều y như vậy, không bên nào kém bên nào, haha.

Năm nay mình đã làm được việc mà mình trì hoãn suốt nhiều năm, đó là khởi sự đọc One Piece từ chương 1 cho tới chương mới nhất 965. Đúng là một hành trình lê thê, có những mô típ lặp lại trong lối kể chuyện, có những tình tiết nhạt và thừa, nhưng nhìn nhận về tổng thể thì One Piece quả xứng đáng là một tượng đài manga chiến đấu đương đại trong suốt 22 năm qua. Những trường đoạn mô tả cảm xúc mãnh liệt thực sự là thế mạnh của One Piece, kết hợp với lối vẽ cuồng nhiệt, trí tưởng tượng phong phú và mạch truyện trường thiên tiểu thuyết của Eiichiro Oda, mình chẳng cần suy nghĩ chút nào khi chọn ngay bộ này cho mục truyện tranh. Hơi nhàm chán vì quá áp đảo những rất thuyết phục.

10687.jpg

Bên cạnh đó, mình đọc bộ Người cô đơn (tên tiếng Anh: The Climber) của Shin-Ichi Sakamoto. Đây là bộ truyện tranh đầy nỗi buồn và sự cô đơn, tác giả dẫn dắt người đọc tiến vào thế giới cô độc của nhân vật chính qua sự im lặng và những ý nghĩ vang lên trong đầu anh ta, nỗi cô đơn bi tráng ấy trôi miên man qua lòng mình trong những ngày lặng lẽ một mình ở đảo. Nhân vật chính lên núi, còn mình thì xuống biển. Nghe cứ như định mệnh, nhưng không, mình chỉ đang giới thiệu một bộ truyện tranh rất hay mà thôi. Bộ này vẽ theo lối hiện thực, sử dụng nhiều những khung hình không thoại gợi nhớ tới những bậc thầy manga, đúng là một điểm sáng giữa những bộ manga chiến đấu mà mình ngày đêm mê mải.

the-climber-cover.jpg

Cuối cùng, mình nhắc tới một bộ nữa đã khiến mình rơi vào trạng thái lửng lơ nửa yêu thích nửa bực bội, phần yêu thích dành cho tác giả, phần bực bội dành cho những người chuyển ngữ ở Việt Nam. Nó đây:

68755016_10157477621340917_3720046044659056640_o.jpg

AJIN là chữ phiên âm latinh thể hiện cách đọc trong tiếng Nhật của tên truyện 亜人. Hai chữ 亜人này phiên âm Hán Việt là Á NHÂN, có nghĩa ‘kẻ nửa người’ (nửa gì-đó không-phải-người).

Bản tiếng Anh của truyện này có tên là DEMI HUMAN, mang cùng ý nghĩa như Á NHÂN.

 Trong bản dịch tiếng Việt, có những câu thoại đại để như sau: ‘Anh ta là một ajin.’

Thật ra rất đơn giản, hoàn toàn có thể dịch dễ hiểuhơn: ‘Anh ta là một á nhân (He is a demi human).’

Nhưng không, ở đây người ta mắc một căn bệnh gọi là bệnh ‘nghiện danh từ riêng’. Trường hợp này khác với ‘manga’ (漫画- mạn hoạ) là từ được dùng để nhấn mạnh phong cách truyện tranh Nhật Bản khác biệt với truyện tranh Hong Kong hay Hàn Quốc (dùng cùng chữ 漫画nhưng cách đọc khác), hay ‘Naruto’ (ナルト) là tên riêng của nhân vật, cần phân biệt rõ ràng. Á NHÂN hoàn toàn không phải một sáng tạo vĩ đại đặc sắc chỉ duy mình bộ truyện này có, nó không phải là một ý tưởng mới, cái hay của bộ truyện này nằm ở việc xây dựng tình tiết kịch bản thông minh, kịch tính, nét vẽ đậm chất shōnen manga (少年漫画- truyện tranh Nhật Bản dành cho đọc giả nam giới). Vì vậy, lựa chọn của những người làm sách khi giữ chữ phiên âm AJIN thay vì dịch trực tiếp thành Á NHÂN chỉ thể hiện sự ấu trĩ máy móc, thiếu đi nhạy cảm và trưởng thành trong ngôn ngữ.

Có khác nào nếu như trong bản dịch tiếng Anh của tiểu thuyết ‘Nỗi buồn chiến tranh’ (Bảo Ninh) mà người ta giữ nguyên chữ ‘người lính’ thay vì dịch thành ‘soldier’ (lấy ví dụ như vậy): he is a người lính.

Đáng tiếc cho bộ truyện thú vị và sản phẩm ra lò xứng đáng nhận lời khen về mặt hoàn thiện.

  1. Triết

Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia (Dying for ideas: The dangerous lives of the philosophers – 2015) của Costica Bradatan do Trần Ngọc Hiếu chuyển ngữ là cuốn sách đạt chuẩn đi-vào-lòng-người, cụ thể là lòng mình.

WhatsApp Image 2019-10-14 at 20.30.24.jpeg

Đây cũng là một cuốn sách khó, ít nhất là với mình, nhưng (nhắc lại) phàm ở đời nếu chỉ vui thích với những thứ dễ và vừa sức, thì tốt nhất là đắp chăn ngủ và sống một cuộc sống an phận thủ thường, như thế là vừa sức nhất, không cần nhọc công làm gì cho mệt. Ban đầu mình đi xem sách, thấy mình lúi húi tìm, cô Hoa ở phố Đinh Lễ bảo, có cuốn này hay này, mình cầm lên, nhìn bìa thấy cũng đẹp, lại có tên Trần Ngọc Hiếu dịch, mình bèn hỏi, hay hả cô, cô Hoa bĩu môi, ui giời ơi cái thằng này. Thế là mua. Đem về lần lữa mãi, rồi những ngày một mình ở đảo đắm đuối trong ngắm nhìn tâm hồn giữa sự cô đơn, mình mới đem ra đọc.

Cuốn này đem tới nhận định về ý tưởng của cái chết trên nhiều lĩnh vực, từ triết học (tất nhiên), khoa học, lịch sử, những cuộc cách mạng long trời lở đất, những pha tử vì đạo làm cả thế giới rùng mình (Việt Nam có được nhắc tên), cho tới hội hoạ, điện ảnh, vốn đòi hỏi kiến thức sâu rộng và khả năng phê bình phân tích ở trình độ cao. Mình đọc tới đâu lấy bút ra gạch chân ghi chú tới đó, đoan chắc đây là cuốn sách cần phải đọc lại nhiều lần. Nó đồng thời cũng mở ra cho mình một lượng thông tin về các tác gia, tác phẩm cần biết nếu muốn trau dồi thêm năng lực thưởng thức của bản thân. Bản dịch được dịch giả Trần Ngọc Hiếu, vốn là một người nổi tiếng về kiến thức văn chương ở Hà Nội, thực hiện rất tốt, mình đọc những đoạn hay, tra cứu lại mà phục lăn vì chuyển ngữ đầy tinh tế và hiện đại. Nói chung, năm nay ngoài cuốn này thì mình không đọc thêm cuốn triết học nào, cho nên thực sự mình đã rất may mắn.

6. Tạp chí

Tạp chí văn học bằng tiếng Việt mà mình ưng bụng nhất đến giờ vẫn là ZZZReview, chưa có gì thay đổi. Năm ngoái mình đã nhắc tới rồi, giờ không nhắc lại lời giới thiệu nữa. Trong các số đã ra năm nay, mình ưng nhất là số 5- Hành trình về phương Đông, một số phải bật ngón tay cái lên mà khen hay.

Zzz Review so 5 file nhe-1.jpg

Số này tất nhiên như tiêu đề (phản ánh nội dung), nói về văn học phương Đông. Mình trước giờ vốn không phải người say đắm văn học Á Đông, nhưng sau khi đọc số này, mình đã bắt gặp những chuyển biến thật dịu dàng trong tình cảm dành cho nền văn hoá của vùng địa lý mà mình đã sinh ra và lớn lên. Mình đã dành nhiều mối quan tâm hơn cho văn học Á Đông nói chung và văn học Việt Nam nói riêng, điều mà suy cho cùng, cũng giống như việc hướng về căn tính bản địa luôn ẩn sâu đầy bản năng trong lòng mỗi người. Chữ ‘về’ vì vậy vốn đã hợp lý, lại càng thêm phần tình cảm. Chưa kể, số 5 này đã xuất hiện trong những ngày tháng mà sự cô đơn lặng lẽ tràn ngập trong cuộc sống của mình, dù cho mình đã lựa chọn sự cô đơn ấy bằng tâm thế hoàn toàn chủ động, vẫn thật bất ngờ và ngọt ngào biết bao khi mình bắt gặp những cảm xúc hồn nhiên và tươi tắn trong những bài viết về văn học Á Đông, ôm ấp và xoa dịu nỗi buồn trong lòng mình theo cách mà mình không bao giờ có thể hiểu được tại sao. Cá nhân mà nói, mình rất có cảm tình với tiểu luận Một thế kỷ văn học Hong Kong, tiểu luận này vừa đem tới cái nhìn tổng thể về văn học xứ Cảng Thơm, vừa thể hiện được niềm say mê và tình yêu thiết tha cho những giá trị văn hoá của một trong những mảnh đất đặc biệt nhất trên thế giới. Nếu nói số 5 đã đem tới cho mình mối duyên đẹp đẽ mang đậm tính định mệnh như trong điện ảnh, thì cũng chẳng ngoa chút nào.

Tổng kết

Năm vừa rồi mình cũng gọi là chịu khó đọc sách, tất nhiên, cả đọc trên mạng, cũng đủ các thể loại trong điều kiện cho phép, ngoài ra mình còn chịu khó tập thể thao (và yêu đương nữa), thấy cuộc sống cũng không đến nỗi vô nghĩa. Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều cuốn mình dự định đọc mà chưa đọc, có những cuốn đọc nửa chừng rồi bỏ dở vì năng lực tiếp thu còn hạn chế, thời gian quả thật luôn là một thứ đáng sợ mỗi khi chúng ta ngoảnh đầu nhìn lại, và giờ này mình lại ngồi đây, nghĩ xem năm tới sẽ làm gì để nâng cấp trình độ bản thân. Song le, năm vừa rồi mình ít đọc văn học Việt Nam, và số lượng ít ỏi đó cũng không để lại ấn tượng gì, nếu không muốn nói là làm mình thất vọng, mong rằng năm tới mọi sự sẽ khá khẩm hơn, ý rằng đọc nhiều hơn và cũng sẽ gặp nhiều cuốn chất lượng hơn.

Lâu lâu mình lại tưởng tượng ra viễn cảnh sau này có một căn phòng toàn sách, đọc chán rồi mình sẽ đóng cái xe chở sách đi bán dạo, vừa bán sách vừa tán gái, phiêu bạt trên khắp các nẻo đường quê hương. Đó là mơ mộng vậy, chứ thật ra bận như mình, tán gái không thôi đã hết cả cuộc đời, thời gian đâu mà bán bán mua mua.

Hẹn gặp lại các bạn trong năm tới bớt ngu hơn.

———-

ChuKim – 2019

ChuKim là bút danh của một người viếttự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.