Lần gần nhất bạn cầm trên tay một cuốn truyện tranh Việt Nam là khi nào? Câu trả lời có thể là mới đây, có thể là đã lâu rồi, hoặc khả năng cao nhất là truyện tranh Việt Nam không nằm trong danh sách đọc của bạn. Tốt thôi, giống như phần lớn chúng ta không xem phim Việt Nam và không đọc văn học Việt Nam vậy. Nhưng (tất nhiên rồi), dòng chảy vẫn tiếp nối bất chấp việc nó có nhận được bao nhiêu cái nhìn đi chăng nữa. Truyện tranh Việt Nam, đứng dưới bóng người khổng lồ manga, sau hai huyền thoại đình đám Dũng Sĩ Hesman (1993) và Thần Đồng Đất Việt (2002), giờ đây đã dần tìm ra cho mình những tên tuổi tác giả và tác phẩm nổi bật. Đáng chú ý, bên cạnh đề tài hài hước gây cười vốn được đại bộ phận công chúng mến mộ, tiếp bước Thần Đồng Đất Việt, mảng đề tài khai thác bối cảnh lịch sử trong nước đã và đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các tác giả Việt Nam trong vòng mười năm trở lại đây. Từ Long Thần Tướng (2014) của Phong Dương Comics với câu chuyện xảy ra khi nhà Trần đứng trước hoạ xâm lược từ nhà Nguyên, và Cánh Hoa Trôi Giữa Hoàng Triều (2016) của Tuyết Tuyết kể về Lý Chiêu Hoàng, vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam, các tác phẩm này đã ghi dấu trong lòng những người, dẫu ít ỏi, dành tình cảm cho truyện tranh Việt Nam như những thử nghiệm tiên phong trong việc áp dụng các kỹ thuật sáng tác truyện tranh mang đậm hơi thở thời đại của thế giới một cách có chủ đích, bước ra khỏi chiếc giếng cạn của việc sao chép bắt chước ngây ngô từ manga như những gì từng xảy ra trong thập niên 2000. Cho tới sự xuất hiện của Chiêu Hoàng Kỷ (2022) của Lê Thị Ngọc Linh và Nguyễn Hoàng Dương, cùng Noãn (2023) thuộc tuyển tập Vạn Nhân Ký của bộ đôi tác giả Linh Thạch, là hai cái tên mới nổi bật nhất trong số các tác phẩm truyện tranh Việt Nam nói chung, và truyện tranh về đề tài lịch sử Việt Nam nói riêng. Dưới bàn tay đưa đẩy tình cờ của số phận và thời cuộc, cả Chiêu Hoàng Kỷ lẫn Noãn đều đã trải qua những thay đổi trong khâu biên tập gây tác động mạnh đến trải nghiệm của độc giả. Nó là gì và liệu đó có phải lý do lớn nhất, hay duy nhất, khiến hai bộ truyện này thu hút được sự quan tâm của cộng đồng yêu thích truyện tranh Việt Nam? Hay phía sau còn những điểm cần đi sâu phân tích, ngõ hầu có được cái nhìn sáng tỏ hơn, ít nhất là trong việc thưởng thức hai tác phẩm truyện tranh ra mắt hậu covid? Từ góc độ quan sát những biến động của truyện tranh Việt Nam, người viết sẽ đặt Chiêu Hoàng KỷNoãn lên một tương quan nhận định hòng có thể giải đáp câu hỏi trên.

Bài viết tiết lộ nội dung truyện, người đọc vui lòng cân nhắc trước khi tiếp tục.

Năm 2019, Noãn/Vạn Nhân Ký lần đầu lộ diện qua những bản phác thảo được tác giả tung lên mạng xã hội, và tới năm 2021 thì các trích đoạn hoàn thiện cũng xuất hiện dưới cùng cách thức. Cùng trong năm 2021, dự án Chiêu Hoàng Kỷ bắt đầu được quảng bá rộng rãi thông qua một vài trích đoạn và tạo hình các nhân vật chính. Cả hai tác phẩm đều lựa chọn lấy bối cảnh là những giai đoạn chứa đựng những biến động mang tính bước ngoặt của lịch sử Việt Nam, với Chiêu Hoàng Kỷ là sự tương đồng với Cánh Hoa Trôi Giữa Hoàng Triều khi lấy trọng tâm là nhân vật Lý Chiêu Hoàng trong cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần, còn Noãn là hành trình thăng trầm của nhân vật lấy cảm hứng từ cuộc xung đột giữa Gia Long Nguyễn Ánh và Tây Sơn Nguyễn Huệ. Phản ứng đón đợi đầy tích cực của độc giả cho thấy sự quan tâm và hứng thú của bạn đọc Việt Nam tới đề tài lịch sử, đặc biệt ở những nhân vật chưa được khai thác đa dạng trong văn hoá nghệ thuật, là rất lớn, hứa hẹn viễn cảnh khả quan trong các bước triển khai tiếp theo của hai bộ truyện.

Không nằm ngoài mong đợi, bản thảo Chiêu Hoàng Kỷ đã hoàn thành và được thông báo sẽ xuất bản trong năm 2022. Một làn sóng hào hứng lan toả trong cộng đồng mến mộ truyện tranh Việt Nam. Sau sự khép lại của Cánh Hoa Trôi Giữa Hoàng Triều cùng năm, và những thất vọng đợi chờ bất tận của Long Thần Tướng kể từ tập 4 xuất bản năm 2019, người ta lại có cái để kỳ vọng ở một tác phẩm mà họ tin rằng sẽ đáng nhớ. Rất tiếc, điều đáng nhớ đầu tiên của Chiêu Hoàng Kỷ đã không đến từ chất lượng nội dung cũng như mỹ thuật, mà nó đến từ thông báo của ê-kíp sản xuất: thay đổi toàn bộ các tên riêng trong truyện. Nội dung có thể tóm tắt qua sơ đồ dưới đây:

(Sơ đồ lý giải tên gọi trong Chiêu Hoàng Kỷ tập 1. Nguồn: Chiêu Hoàng Kỷ – Empress Lý)

Vậy là mỗi khi nhân vật Mộc Thiên Hương xuất hiện, đầu óc bạn đọc sẽ phải mất thêm công đoạn dịch cái tên ấy trở về Lý Thiên Hinh, và nếu Đông Thử Đạo chường mặt ra, ta sẽ phải tự nhắc mình rằng đây là Trần Thủ Độ, người có hẳn một bộ phim mang tên ông ta được chiếu dài kỳ trên VTV tầm chục năm về trước.

(Lý giải tên nhân vật trong Chiêu Hoàng Kỷ tập 1. Nguồn: Chiêu Hoàng Kỷ – Empress Lý)

Sự kiện này đã khiến dư luận nổ ra tranh cãi lớn. Người cảm thông cười xoà, kẻ gay gắt phản đối. Lại một lần nữa, người ta phải đặt câu hỏi, đâu là ranh giới bất khả xâm phạm của công tác kiểm duyệt mang tính pháp lý và tính chính trị tồn tại ở mỗi quốc gia trong mỗi thời kỳ lịch sử; và đâu là gông cùm tự kiểm duyệt mà những người làm công tác xuất bản tự bó buộc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của họ?

Thêm nữa, đầu năm 2023, Noãn, tập đầu tiên trong tuyển tập Vạn Nhân Ký chính thức ra mắt. Với Noãn, cặp đôi tác giả sau quá trình làm việc cùng đội ngũ sản xuất và nhà xuất bản, đã đi đến lựa chọn biến câu truyện dã sử của mình trở thành một câu truyện hư cấu dựa trên dã sử. Khi đọc, ta phải hiểu đó không phải Nguyễn Phúc Ánh mà là Lý Phúc Anh, không phải Nguyễn Huệ mà là Lý Ân, đảo Phú Quốc mà Vietnam Airlines bán vé khứ hồi từ Hà Nội dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay với giá gần 10 triệu đồng chỉ có ở ngoài đời chứ trong truyện, hòn đảo tị nạn ấy mang tên Phúc Quốc. Khái niệm vũ trụ song song trong làng truyện tranh Việt Nam chưa bao giờ được sử dụng nhiều đến vậy. Giá mà việc vé máy bay giá cao ngất ngưởng cũng chỉ xảy ra ở trong truyện mà thôi.

(Các nhân vật Lý Phúc Anh, Lý Sơn, Lý Hành, Lý Ân trong truyện Noãn)

Hai sản phẩm, một lựa chọn, và một trải nghiệm đọc không thể tệ hơn dành cho độc giả. Với những manh nha thuở đầu, cả tác giả và bạn đọc đều đã khắc ghi hình dung về Lý Chiêu Hoàng, và Nguyễn Phúc Ánh, cùng những cái tên trong lịch sử gắn liền với các nhân vật trên, để từ đó thưởng thức nội dung sáng tác nằm ngoài chính sử. Đâu đó trong những cuộc tranh luận trên mạng, có ý kiến từ phía công chúng cho rằng phải nghiêm cấm các hoạt động xuyên tạc, bịa đặt, tẩy trắng, v.v.. Đó cũng là một cách nghĩ. Nhưng để tránh rơi vào trạng thái tiêu chuẩn kép, chúng ta đồng thời nên nhìn sang bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất ở trên toàn cõi Á Đông: Tam Quốc Diễn Nghĩa, và không quên định nghĩa về dã sử: những câu chuyện mượn sự kiện và nhân vật lịch sử do dân gian sáng tác, lưu truyền, thường mang yếu tố hư cấu nằm ngoài chính sử. Chắc chắn một điều rằng khi đọc tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, ta thấy nó hay là bởi thấy tên người Hán nổi tiếng thứ nhì là Lưu Bị (sau người Hán nổi tiếng nhất là Lưu Bang trong tiểu thuyết Hán Sở Tranh Hùng), thay vì một ông Lương Vỹ lạ hoắc nào đó, hay Gia Cát Lượng trong truyện được lấy nguyên mẫu từ vị Gia Cát Lượng lừng danh ngoài đời, chứ không phải một thiên tài Hà Thủ Ô trên trời rơi xuống do tác giả La Quán Trung bịa ra. Nói rộng ra, có lẽ không cần nói rộng ra.

Rất may, dẫu cho câu chuyện về kiểm duyệt và tự kiểm duyệt còn rất nhiều điều cần bàn, và chúng ta sẽ cần thêm rất nhiều thời gian và nỗ lực để chứng kiến những đổi thay tích cực, điểm sáng đã xảy đến khi cuối cùng đội ngũ sản xuất Chiêu Hoàng Kỷ đã trả lại tên cho các nhân vật. Dẫn đến việc tập 1 ban đầu, nay được biết đến với tên gọi “bản biên tập” mang đầy tính sưu tầm, và các tập nguyên trạng được in sau này được người viết gọi đùa là “bản phục hồi nhân phẩm.”

Đặt sang một bên vấn đề về trải nghiệm của người đọc khi thưởng thức tên riêng trong các tác phẩm truyện tranh dã sử, khi đi sâu vào phân tích chất lượng nghệ thuật của Chiêu Hoàng KỷNoãn, sự đánh giá về hai bộ truyện lại rẽ theo hai hướng hoàn toàn khác nhau.

Chiêu Hoàng Kỷ

Chiêu Hoàng Kỷ, tính đến thời điểm người viết thực hiện bài viết này đã ra đến tập 2, và tập 3 đang trong quá trình hoàn thiện sẽ sớm xuất bản trong năm 2023, và theo thông tin mà người viết có được, kế hoạch triển khai các tập tiếp theo cho tới khi trọn bộ hoàn tất đã được lên phương án sẵn sàng. Một nỗ lực rất đáng ghi nhận của bộ đôi tác giả Lê Thị Ngọc Linh (1988) và Nguyễn Hoàng Dương (1991) cùng toàn bộ ê-kip giữa một loạt các sản phẩm sớm nở tối tàn trên thị trường truyện tranh Việt Nam. Mở ngoặc, rất mong Long Thần Tướng của Phong Dương Comics vượt qua được tiếng tăm không lấy gì làm tốt đẹp này, đóng ngoặc.

Truyện bắt đầu ở thời điểm chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần, khi nữ đế Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh và lui về làm Chiêu Thánh Hoàng Hậu. Tác giả xây dựng câu chuyện khi địa vị hoàng hậu của Lý Thiên Hinh lung lay dữ dội. Những mưu mô toan tính nhằm bảo vệ quyền lợi và sự tôn nghiêm của bản thân của nhân vật nữ nhi độc đáo bậc nhất trong lịch sử Việt Nam; những tranh đấu quyền lực chính trị cả ở bề nổi lẫn phía hậu cung của buổi đầu triều đại nhà Trần giữa những khuôn mặt nổi bật như hoàng đế Trần Thái Tông, thượng phụ Trần Thủ Độ, Hưng Nhân đại vương Phùng Tá Chu; các mâu thuẫn hậu cung giữa mẹ con Trần Nhị Nương, v.v.. xoay quanh mối tình chớm nở giữa Lê Tần, người về sau trở thành một danh tướng nhà Trần, và Lý Thiên Hinh. Trong tập 1, tác giả đã điểm qua bối cảnh, xây dựng thế giới (một vũ trụ hư cấu trong ‘vô lượng vũ trụ’, chữ dùng trong truyện) và giới thiệu nhân vật. Hệ thống nhân vật chính phụ nhiều tầng bậc xuất hiện lần lượt trong mạch truyện từ khi Lý Thiên Hinh nhường ngôi trước sức ép của triền thần, gia tộc họ Lý bị truy sát phải vượt biển thoát thân, Lê Tần ra đời trong niềm kỳ vọng của người bác Phùng Tá Chu, đối trọng quyền lực, đồng thời là cựu tình địch, với Trần Thủ Độ trong triều đình. Và cuộc gặp tình cờ trong cung đã thay đổi vĩnh viễn số phận của thiếu niên Lê Tần, khi Lý Thiên Hinh ra tay cứu cậu ta một mạng. Sang đến tập 2, vẫn với khối lượng 200 trang, tác giả bắt đầu phát triển mâu thuẫn của câu chuyện khi Trần Nhị Nương ép con mình là Thuận Thiên Công Chúa Lý Oanh đang bụng mang dạ chửa đứa con của Hoài Vương Trần Liễu vào cung làm hoàng hậu thay thế cho Chiêu Thánh Lý Thiên Hinh, dẫn tới cơn chính biến khi Trần Liễu dấy binh vì hận việc bị Trần Cảnh em mình cậy làm vua mà cướp vợ. Vai trò và trí tuệ của nhân vật chính Lê Tần trong sự tình từ đây mới bắt đầu được đẩy lên cao, thu hút tình cảm và sự đón đợi của người đọc cho những diễn biến trong các tập sau.

Nhịp truyện ổn định, đi nhanh ở những phần mang tính thiết lập bối cảnh, đi chậm khi xây dựng tình tiết, tạo cảm giác thoải mái khi đọc, không sa vào vết xe đổ tốc độ ào ào tham lam thường thấy ở các tác phẩm truyện tranh Việt Nam. Tác giả cũng đan cài những tình tiết hóm hỉnh duyên dáng, làm dịu đi không khí căng thẳng mà không sa đà trở thành những màn chọc cười rỗng tuếch. Điều thú vị khi theo dõi hai tập đầu của Chiêu Hoàng Kỷ là biến chuyển trong phương pháp thể hiện. Hoạ sĩ khởi sự bằng phong cách vẽ gần với lối thể hiện webtoon, chú trọng vào tiền cảnh và buông lơi hậu cảnh qua các khung hình phần lớn là theo bố cục ngang, với những (cảnh có thể coi là) đại cảnh xuất hiện theo chiều dọc trang truyện.

(Một cảnh trong Chiêu Hoàng Kỷ tập 1)
(Một cảnh trong Chiêu Hoàng Kỷ tập 1)
(Một cảnh trong Chiêu Hoàng Kỷ tập 1)

Sang tập hai, với những thay đổi trong khối lượng truyền tải, tác giả, cụ thể ở đây là hoạ sĩ, đã dần chuyển tiếp trong lối thể hiện từ bố cục khung tranh khi dàn ngang như webtoon, khi phân nhỏ thành những khung nhỏ liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một trang truyện của truyện tranh truyền thống, kéo theo thay đổi về mật độ nét, tiêu cự góc máy và bố trí thoại. Điều này khiến người viết, vốn có phần thiên vị cho truyện tranh truyền thống cảm thấy có thêm nhiều thiện cảm. Đâu đó những đôi mắt khắt khe sẽ chưa thực sự ưng ý khi việc xử lý phân bổ kịch bản khi truyện còn những lỗi chuyển cảnh, lỗi bố trí cảnh chính cảnh phụ, nhưng tựu chung nét vẽ tạo hình khoẻ khoắn chân phương gợi nhớ tới Samurai Jack lừng danh một thời và tư duy hình ảnh chịu ảnh hưởng từ webtoon của hoạ sĩ Nguyễn Hoàng Dương, cùng nội dung hài hoà đậm tính drama mâu thuẫn gia đình pha trộn giữa tranh giành quyền lực chính trị, cung đấu và tình yêu ngang trái của kịch bản do Lê Thị Ngọc Linh cầm bút (không phải ‘chấp bút’ và càng không phải ‘chắp bút’, ‘chắp bút’ đơn giản là sai chính tả) đã khiến Chiêu Hoàng Kỷ trở thành bộ truyện rất đáng theo dõi, hứa hẹn đem tới không chỉ nội dung lôi cuốn mà còn là các bước phát triển ở nghệ thuật thể hiện trong hành trình tiếp sau.

(Một cảnh trong Chiêu Hoàng Kỷ tập 2)
(Một cảnh trong Chiêu Hoàng Kỷ tập 2)
(Một cảnh trong Chiêu Hoàng Kỷ tập 2)

Noãn

Trái với Chiêu Hoàng Kỷ, Noãn, tập đầu tiên thuộc tuyển tập Vạn Nhân Ký dự kiến gồm bảy tập, được bộ đôi tác giả Linh (1995) Thạch (1988) lựa chọn đi theo lối thể hiện thuần truyện tranh truyền thống. Rất dễ nhận thấy, tác giả đã dày công nghiên cứu tư liệu lịch sử từ nhiều nguồn đa dạng, từ đó tái hiện lại qua  vẽ vùng đất phương Nam sống động và tỉ mỉ. Từ phục trang, phụ kiện trang sức, dụng cụ, vũ khí cho đến khung cảnh nhà cửa, thiên nhiên cây cỏ đều hiện lên chuẩn mực qua các góc máy có tính điện ảnh. Đặc biệt, các chi tiết mang tính kỹ thuật như bục đặt đại bác, cách sử dụng súng hoả mai đã gợi nhớ đến trình độ hiểu biết thấu đáo mà ta thường bắt gặp ở các bộ truyện tranh trên thế giới. Bút pháp chịu ảnh hưởng từ manga khi mô tả bối cảnh Việt Nam (ở một vũ trụ song song giả tưởng) với tầng tầng lớp lớp cảnh vật con người đã chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc. Tuy vậy, có một điểm đáng tiếc khi hoạ sĩ Linh thể hiện đại cảnh chiến đấu giữa quân Lý và quân Yên. Thủ pháp dàn ngang phối cảnh trục đo, triệt tiêu điểm tụ là một dụng ý tốt, nhưng nó đã không phát huy tác dụng khi khiến cảnh chiến trường khói lửa bắn giết ở vùng biển rộng lớn trở thành một cuộc bắn nhau trong vũng vịnh nhỏ không có độ động mà cũng chẳng có độ tĩnh.

(Một cảnh trong Noãn)
(Một cảnh trong Noãn)

Và đó là tất cả những gì xứng đáng được nhìn nhận tích cực ở Noãn. Toàn bộ tập truyện hơn 300 trang cho thấy sự yếu kém trong triển khai kịch bản. Khoảng 70 trang đầu được tác giả dành ra để xây dựng bối cảnh câu chuyện, với liên tục những cảnh flash loé lên rồi vụt tắt giới thiệu thân phận và hành trình lưu lạc của vị chúa Lý Phúc Anh. Các cảnh này được lấy cảm hứng từ những tư liệu lịch sử, truyện dân gian truyền miệng để tổng hợp vào tác phẩm. Nhưng việc trình bày trong 70 trang truyện nhằm mô tả những khó khăn từ lúc ở ngôi cao cho tới lúc sa cơ thất thế phải vượt qua bao gian nan thử thách của Lý Phúc Anh như vậy cho thấy sự tham lam nhồi nhét. Nó vừa quá nhanh khiến tính dẫn dắt của nhịp truyện hết sức lỏng lẻo, mới vừa trang trước Lý Phúc Anh còn cao cao tại thượng, vài trang sau Lý Phúc Anh đã chạy chân đất né tên lội bùn vượt sông cưỡi trâu trốn cá sấu, các mẩu thông tin không đủ để tập hợp thành thế giới logic mà một câu chuyện cần có; nó lại vừa quá chậm khi tác giả ưa chuộng sử dụng lối diễn đạt với một loạt những câu cảm thán ai oán của cả người đời lẫn bản thân Lý Phúc Anh suốt 70 trang truyện chỉ với một nội dung duy nhất: người đời kỳ vọng vào Anh nhưng Anh thì đau khổ với sự kỳ vọng này.

(Một cảnh trong Noãn)

Sau đó độc giả sẽ tiến vào phần tiếp theo ở đảo Phúc Quốc chính là để nhận ra mình sẽ phải chịu đựng tâm trạng duy nhất của Lý Phúc Anh từ đầu tới cuối truyện. Đây cũng là điểm yếu trong việc xây dựng nhân vật của Noãn. Không ai có diễn biến nội tâm, không ai có thay đổi nhận thức, cũng không có mâu thuẫn hay đấu tranh tâm lý nào diễn ra. Nhân vật Lý Phúc Anh khác với những nhân vật khác ở chỗ anh ta trình bày chỉ một trạng thái cảm xúc xuyên suốt thời lượng dài hơi, còn các nhân vật khác trong truyện biểu đạt chỉ một trạng thái cảm xúc với đất diễn ít ỏi. Lý Ân kẻ cừu thù cũng nhàn nhạt hời hợt hệt như ba cận thần mặt sẹo, đầu trọc và đầu đinh của chúa Anh. Đỉnh điểm là cuộc giằng co giữa Lý Phúc Anh và cận thần Lê Phúc Điển khiến chúng ta có đôi chút hy vọng, rồi sau đó rơi vào thất vọng khi vũ khí lý lẽ của Lê Phúc Điển là những câu cảm thán cũ mèm hết sức đơn giản đã có từ phần mở đầu về thân phận của Lý Phúc Anh đã chiến thắng và không cho vị chúa một chút cơ hội nào đem đến bất ngờ cho người đọc. Thất bại trong việc xây dựng được nhân vật, cốt truyện của Noãn cũng theo đó mà lỏng lẻo thiếu thuyết phục. Câu chuyện cụt lủn không đầu không đuôi và đặc biệt mỗi tập Vạn Nhân Ký sẽ đứng độc lập không liên quan tới nhau khiến người ta tự hỏi mình vừa đọc cái gì? 

Một điều nữa không thể không nhắc đến là việc cài cắm nội dung Nam Binh Thần Khí vào Noãn là một điểm trừ nghiêm trọng đã khiến cho cuốn truyện tranh 300 trang vốn đã gặp rất nhiều vấn đề trong phương pháp kể chuyện lại phải ôm đồm thêm một phần nội dung thừa thãi vô duyên, nếu không muốn nói là có phần ngớ ngẩn. Nhân vật thanh kiếm được nhân cách hoá nhưng chẳng những không quan sát mà cũng không hề đóng vai trò gì trên hành trình của chủ nhân Lý Phúc Anh. Những đoạn kết nối giữa kiếm và người đều khiên cưỡng kệch cỡm, cộng thêm ngoại truyện thảm hoạ đã khiến cho bao nhiêu công sức thể hiện mỹ thuật chau chuốt nhằm chiếm lấy thiện cảm của độc giả bỗng chốc như đổ sông đổ bể.

Kết

Hai bộ truyện tranh Việt Nam theo đuổi hai con đường khác nhau đã xuất hiện ở cùng một thời điểm. Một cho thấy triển vọng sáng sủa có thể gặt hái thành công và trở thành tác phẩm tạo được dấu ấn tiếp theo của truyện tranh Việt Nam, một trở thành nỗi thất vọng não nề sau khi gấp lại trang cuối. Nhưng (lại nhưng), tham vọng dài tập như Chiêu Hoàng Kỷ sẽ là một thử thách không nhỏ từng khiến không ít tác giả giữa đường đứt gánh, còn dạng tuyển tập từng truyện lẻ không liên quan tới nhau như Noãn sẽ đem đến lợi thế cho tác giả về giảm tải sức ép tiến độ và cơ hội sửa sai ở những tập tiếp theo. Cá nhân người viết sẽ tiếp tục theo dõi bước tiến của hai bộ đôi tác giả đang cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, nhăm nhe chém cá kình ở biển Đông (trong vô lượng vũ trụ hư cấu này).

———-

ChuKim – 2023

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Trong khả năng của mình, mong bạn chia sẻ những bài viết của anh, như một sự khích lệ. Nếu có thể tài trợ/ủng hộ bằng vật chất, vui lòng ấn vào đây. Xin cảm ơn.

– natchukim@cogaihu.com –

Tái bút: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.