photo

“sự điên rồ của người đời làm cho họ tin rằng họ cần san bằng tất cả dĩ vãng đế xây dựng tương lai”..

Tương lai là gì trong mắt em?

Cách đây 5 năm, khi ấy tôi 20 tuổi, học đại học năm thứ 3, sống với rất nhiều hoài bão ước mơ, và một mớ triết lý nhân sinh đầy trong trẻo. Thế giới quan lúc ấy của tôi, điều mà bây giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn không khỏi suýt xoa tiếc nhớ, rất hung hăng nhưng tiết chế. Tôi nhìn mọi vật với đôi mắt khốc liệt của chàng trai 20t chưa hề va vấp, một mặt tươi tắn như thứ nắng nhạt buổi sáng mà tôi vẫn thường khoan khoái hít hà như hồi còn đạp xe đi học cấp 3, mặt còn lại u ám và xam xám tai tái, như một buổi chiều mùa đông, nhưng xốn xang và rất đáng yêu. Ngày ấy thật đẹp, say sưa với những thứ được đọc, được nghe, được làm, được chìm trong cuộc tình mới chớm nở, tôi chẳng tiếc gì bản thân mà định rằng, năm 25 tuổi, có lẽ mình sẽ viết cuốn sách đầu đời. Tôi vốn khoái viết, thậm chí cũng từng đôi lần nhận được những nhận xét tích cực, lấy đó làm hăng hái lắm. Những câu thơ đầu tiên, tôi viết khi học lớp 7, khoảng năm 2002, về tình yêu hẳn hoi nhé, không có cái mùi “nào ai đã một lần nhận đó là thơ” như bây giờ, nhưng đầy thú tính, thống thiết, và sẵn sàng nhỏ hết đến giọt máu cuối cùng cho tình yêu vĩ đại. Cứ như thế, tôi tự mình nuôi dưỡng thói quen, cho mình, cho một vài người đọc, và một vài người không bao giờ được đọc. “Viết lách, chắc chắn rồi, việc ấy rất vui, và ám ảnh không kém những việc mình đã từng làm, mình sẽ viết không quá dài, không quá ngắn, nhưng đủ dài để khiến người ta thở phào khi gấp sách, đủ ngắn để người ta thòm thèm tiếc nuối mà mong chờ tác phẩm tiếp theo (!!)”. Một dự tính không tồi.

Đến giờ, mỗi lần hì hụi cho ra được cái gì, tôi đều ngẩn ngơ nhớ tới mong muốn năm ấy, thở dài một vài hơi, và đành tạm gác viễn cảnh đẹp đẽ ấy sang một bên, chưa biết ngày nào mới thực hiện. Đó là một điều day dứt trong đời.

Lại vòng về quá khứ thêm 5 năm nữa, tức là năm  tôi 15 tuổi. Không như những bậc tiền bối lớn lên trong thời kì đất nước chìm trong đạn bom và được hun đúc thành những trái tim đẹp như những điều đẹp nhất, cũng không như những bậc tiền bối lớn lên trong cảnh khó khăn, trong cơn hỗn mang của thời kì cả dân tộc oằn mình trước cảnh mưu sinh trên những giấc mơ và trở thành những chứng nhân của nét đáng yêu không bao giờ trở lại, tôi thuộc về thế hệ mà tôi gọi là “thế hệ internet”. Không như đám trẻ bây giờ xoành xoạch các loại máy tính điện thoại từ quá sớm, chúng tôi khi ấy chỉ thực sự bắt đầu chìm trong thế giới của công nghệ phương Tây sau khi đã có một tuổi thơ khác hơn với những bộ phim thiếu nhi phương Tây lúc 6h chiều trên kênh VTV3 và phim cổ trang Tàu lúc 9h tối trên kênh Hà Nội. Chúng tôi tiếp cận với internet khi đã đủ hình hài và đủ đôi phần tính cách. Năm ấy, 15 tuổi, thời kì hoàng kim và tươi sáng của tuổi vị thành niên, tôi tìm ra chân lý đầu tiên trong đời mình: nhạc rock. Không khó khăn như các anh lớn, không dễ dàng như thanh niên nhỏ tuổi hơn bây giờ, khi đó chúng tôi thường để dành chút tiền quà sáng, sau giờ học đạp xe lên các hiệu bán đĩa có tiếng ở khu vực phố cổ Hà Nội, mua những chiếc đĩa với chất lượng không lấy gì làm cao, và vội vàng lao về nhà để nghe ngay, để hôm sau kể cho đứa bạn, và nghe nó nói: “nghe xong cho tao mượn nhé”, đó là kí ức mà tôi lưu giữ như hiện thân của một thời xì ra đầy khói. Với niềm thích thú ấy, tôi tập đàn guitar, nghêu ngao hát những bài tình ca tán gái trăng tròn. Tôi đã dành kha khá thời gian của mình cho việc tìm hiểu âm nhạc và đàn đóm, với một chút mong muốn nhỏ nhoi, rằng đến một ngày nào đó, mình cũng sẽ đứng ở một nơi, có thể rộng lớn, có thể bé xinh, và để lại nỗi nhớ về kiếp cầm ca cho một vài cô gái xinh xinh.

Niềm thiết tha ấy càng lúc càng trở nên tuyệt vọng, khi tôi càng ngày càng nhận ra mình chẳng có đủ tài cán trong lĩnh vực này như mình mong muốn. Khi nhìn thầy, nhìn bạn ôm đàn và điều khiển đôi tay của họ, tôi thấy mình hệt như một gã quê mùa mải loay hoay hòa nhập với cuộc sống thị thành, nhưng mãi mà vẫn lạc lõng làm sao. Thế rồi tôi quyết định rẽ ngang, đặt đàn qua một bên, dành thời gian cho việc học hành hơn, và cả yêu đương nữa. 5, 6 năm cho sự say sưa, quá ít, nhưng cũng đủ để trở thành một trong những quyết định buồn bã nhất, tiếc nuối nhất, nhưng không day dứt.

Hiện tại thì tôi là chàng trai 25t, hai tay trống trơn, chỉ có nhằng nhịt đường chỉ, và lúc nào cũng có màu hồng hơn tay người khác. Hàng ngày tôi vẫn sống trong thế giới nửa tỉnh nửa mê. Nửa tỉnh tôi dành chỗ cho suy nghĩ của mình, về chân giá trị mà những điều mắt thấy tai nghe không hẳn đã là sự thật, những điều mắt không thấy tai không nghe lại cũng không hẳn đã là những điều đúng đắn. Nửa mê thì cuộc đời lĩnh hết, nên đêm nào tôi cũng nằm mơ trong mơ, như phim vậy. Tôi vốn không ưa cái hội những anh những chị cứ hay nhắc đến nghề nghiệp trước mặt thiên hạ, đao to búa lớn về sự yêu nghề là tôi chúa ghét, thấy cứ khôi hài không chứa chấp nổi. Thế mà lần này tôi phá lệ, bông phèng vài câu về chuyện công việc, cứ coi như tự vả vào mặt mình vậy, mặt đau, tay cũng đau, nhưng AQ được. Trước tôi không bận tâm lắm chuyện người ta giàu nghèo ra sao, chuyện đắt xắt ra miếng hay chuyện rẻ mà tốt, chuyện xoay chuyển quan niệm cuộc đời. Giờ tôi vẫn thế, vẫn không bận tâm, nhưng nhận thấy ranh giới giữa “phú quý sinh lễ nghĩa” và “trưởng giả học làm sang” thật chả khác nào ranh giới giữa thiện và ác, giữa những cuộc chiến ý thức hệ dai dẳng mãi trong lòng dân tộc. Một vài chủ đầu tư, cả của cá nhân tôi, và cả khách hàng của nơi tôi làm việc hiện thời, có những sở thích “nó phải như này, như kia” mà theo không chỉ ý kiến của riêng tôi, thì họ cũng không hiểu họ nói cái gì. Chuyện ấy rất bình thường và diễn ra trong mọi ngành nghề, khía cạnh của cuộc sống. Tôi chỉ thắc mắc, sự giàu có không thể là kết quả của ngu dốt, nhưng lại hoàn toàn có thể là nguyên nhân của sự dốt nát ngu đần, vậy vai trò kiến tạo và định hình đã rơi mất đi đâu? ở khâu nào?, mà lại khiến sự không-ngu-dốt trở thành đầu mối cho dốt-nát-nông-cạn???

Thật cay đắng khi nhìn lại, chúng ta đang sống trong những xã hội Tây phương hóa, nhưng đó có phải sự Tây phương hóa toàn diện, khiêm tốn và cầu thị hay không? Khi mà ở đất nước tôi, và cả đất nước mà tôi đang sinh sống, người ta dường như lãng quên, hay không biết, hay vờ như không biết, rằng tiền, chẳng qua cũng chỉ là một phần của cuộc sống, hoàn toàn không phải lý do tối thượng, mà họ vẫn thường đưa ra, “vì mưu sinh”, thật cay đắng. Vẫn luôn có nhiều người sống cho những điều thật đẹp, và chết cho những điều thật đẹp. Để thay đổi một điều gì, quả thực rất khó, nhưng có ai làm điều gì dễ dàng bao giờ đâu, những điều dễ dàng ấy, người ta bao giờ chẳng có lý do, để ngụy biện.

Cho đến ngày mà tôi nhìn lại những điều hôm nay tôi viết đây, trong 5, hay 10 năm nữa chẳng hạn, theo đúng như những mốc tuổi tác có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người, chắc tôi cũng nghĩ y như những gì hôm nay tôi nghĩ khi nhớ về 5, 10 năm trước, khi ấy, có vắt óc ra tôi cũng không tài nào hình dung được mục đích của mình ngày hôm nay. Cho đến ngày ấy, hiện giờ tôi là chàng trai 25t, thích nhạc rock, khoái viết lách, ưa nói những chuyện đất hỡi trời ơi, và luôn yêu những cô gái “lưng mềm như ngọn lửa – mông tròn như trứng chim – và những cặp đùi, nói theo kiểu trường ca Tây Nguyên – nếu gió thổi tung váy sẽ sáng chói như tia chớp…”.

Và nhân dịp sắp tròn 25t, cột mốc nửa vời nhất của đời người, con người rất hay “nhân dịp” và không có duyên lắm với những món quà sinh nhật như tôi chỉ muốn kể với các bạn rằng tôi khoái cặp kính tròn như của con mèo đang đeo ấy lắm, size nhỏ thôi, vì mặt tôi không đủ to để đeo cỡ bự, size như của mèo chắc là vừa. Đó chính là bí mật cuối cùng mà tôi muốn kể với các bạn ngày hôm nay.

 

Tạm biệt.