Đề bài: Phân tích vẻ đẹp của người lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân.

                So sánh với nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” để thấy rõ quan niệm vẻ đẹp (ở phương diện văn hóa – tài hoa) của Nguyễn Tuân trước và sau CMT8 có sự thống nhất và đổi khác như thế nào.

Bài làm:

Trăm năm trong cõi người ta

Có người nghệ sĩ tên là Nguyễn Tuân

Vào nam ra bắc xa gần

Ai ai cũng biết một phần về ông

Trên đài văn học mênh mông

Nổi lên như một con rồng tài năng

Tính tình phóng khoáng thênh thang

Đi nhiều hiểu rộng nên càng viết hay

Tình cờ lại đúng hôm nay

Thi thử đại học trúng ngay “Sông Đà”

Chẳng phải nịnh nọt ba hoa

Một tác phẩm lớn ngợi ca con người

Tấm lòng phẩm chất sáng ngời,

Nguyễn Tuân lột tả tuyệt vời về ông(lái đò)

*

* *

Một người dày dạn gió sương

Ngoại hình lộ rõ những đường guốc gân

Lái đò đã quá nhiều năm,

Thế nên dấu tích nó hằn lên ông

Kinh nghiệm xuôi ngược con sông

Bấy lâu tích luỹ trong lòng bàn tay

Một cuộc vượt thác dưới đây

Nguyễn Tuân đã viết thế này mới ghê

Những ai yếu đuối ngô nghê

Đọc xong không khéo lại về tập bơi:

Con thác sừng sững giữa trời

Dữ dội quá mức, thôi rồi hiểm nguy!

Bày trận theo thế “hồi quy”,

Lớp sau lớp trước không gì chịu thua

Đá hòn đá tảng bủa xua

Sắp xếp trên dưới đánh lừa người xem

Rình mò đợi lúc nhá nhem

Bổ ra nuốt chửng không thèm xót thương

Cũng may ông lái ngoan cường

Bình tĩnh quan sát tìm đường thoát thân

Thế rồi chẳng chút phân vân

Lao vào giữa trận muôn phần quyết tâm

Con thác thật quá là thâm

Hò reo chứ chẳng âm thầm cho ông

Ầm ầm tiếng nước tiếng sông

Như đàn trâu mộng lồng lên điên cuồng!

Thiên nhiên tan tác chim muông

Nổi cơn thịnh nộ cường hoành lên theo

Ông lái giữ chắc mái chèo

Hai chân thủ thế,vèo vèo lao đi

Tả xung như chẳng có gì

Hữu đột giữa đám nô tì to gan

Võ nghệ siêu đẳng siêu phàm

Binh thư rành rọt lấy làm phần hơn

Đòn thế như được bôi trơn

Tung ra đánh đỡ , đá hòn cũng đau

Gặp phải cao thủ thâm sâu

Trận đá bày bố cúi đầu chịu thua

Bao nhiêu cạm bẫy ngày xưa

Bây giờ vẫn thế sao lừa nổi ông!

Trải qua mmột cuộc tấn công

Vượt qua cái chết như không mới tài!

Ông lái cũng chả phải ai

Không tên không tuổi đóng vai anh hùng

Những người lao động kiên trung

Chính là họ đấy , họ cùng chúng ta

Xây dựng đất nước phồn hoa

Ngày càng giàu mạnh như là ước mơ

Tài hoa nghệ sĩ mộng mơ

Phong cách tác giả bất ngờ hiện ra

Đã nhiều thay đổi trải qua

Trước sau cách mạng là nhiều khác nhau

Nói về nhân vật Huấn Cao

Rõ ngay khác biệt,ra sao?Thế này:

Ông Huấn chữ tốt, văn hay

Tài thêm cả võ ,người ngay bất phàm

Nhìn dân sống khổ không cam

Đứng lên khởi nghĩa giúp dân cứu đời

Thế nhưng khó chống ý trời

Bị triều đình bắt , tử tù là ông

Hiên ngang phẩm chất chí tôn

Giữ lòng trong sạch không thèm van xin

Mãi mãi vững trãi niềm tin

Khiến ông ca ngục quyết xin chữ ngưới

Cuối cùng ông Huấn cũng cười

Trổ tài viết chữ cho ngưòi có tâm

Ông Huấn là bậc cao nhân

Một tư cách lớn muôn phần bề trên

Về sau cách mạng đi lên

Nguyễn Tuân cũng đã viết thêm rất nhiều

Toả ra tấm lòng mến yêu

Con người lao động , những điều mến thương

Hiểu biết sâu rộng bốn phương

Hào sảng phóng khoáng tỏ tường năm châu

* *

*

Nguyễn Tuân tài lớn thâm sâu

Thật đáng học hỏi về sau có ngày….

 

 

Hôm ấy là ngày 1/4/2006, cuối tờ giấy nháp mình viết “nhân ngày giỗ bác Trịnh”, mấy năm trôi qua, bây giờ biết thêm về những năm tháng đi ‘học tập cải tạo’ của ông Trịnh Công Sơn sau ngày ‘Sài Gòn thay đổi’, và biết cả thêm về khoảng thời gian đi ‘lao động cải tạo’ sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm của ông Nguyễn Tuân, mà nhân ấy ông viết “Người lái đò sông Đà”, chẳng lẽ ngày hôm nay lại bảo là mình thấy vui.?

———-

ChuKim – 2006

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.