Ngày xưa, nhà mình ở khu tập thể Trung Tự, cái này nói nhiều rồi, theo những gì mình nghe bố mẹ mình kể lại thì độ ba năm, trong ba năm ấy, nhà mình có thêm thằng Tít, mình có mấy đứa bạn trẻ con bây giờ vẫn biết tin về nhau, và vài mẩu kí ức đọng lại trong lòng. Trong số ấy, có Trung Thu đầu đời.

Gọi là đầu đời vì đó là năm mình ba tuổi, sự nghiệp cãi giả ông bà già bắt đầu chắc khoảng tầm này. Như những đứa khác, mình chẳng biết Trung Thu là gì, mình nhớ hôm ấy đi học được cô phát cho cái bánh dẻo con cá, cảm thấy sung sướng không thể tả, cầm về nhà mân mê mãi mới ăn. Rồi đến tối mẹ mình bảo xuống sân phá cỗ đón rằm, cả khu tập thể nhà mình huyên náo tiếng trẻ con, mình được mẹ đưa xuống, gặp đám bạn hàng xóm có chị Bích, chị My, thằng Tuệ, và mấy đứa nữa, đứa nào cũng ăn vận bảnh bao như những thanh niên chơi. Mình được bố mẹ mua cho đèn ông sao, ở giữa cài cái nến vào, ánh sáng hắt ra qua làn giấy bóng trở thành xanh đỏ, mình đội đầu sư tử, tay cầm đèn ông sao ra chạy chơi với mấy đứa kia, đứa nào cũng có một cái đèn trong tay, đứa thì đèn ông sao như mình, đứa thì đèn ông sư trông như cái mũ của Đường Tăng trong phim Tây Du Ký, đẩy trên đường cái mũ Đường Tăng xoay vòng vòng, ánh nến cắm ở giữa cũng tỏa ra xanh đỏ như đèn ông sao, nhưng chuyển động theo cái mũ Đường Tăng, nom rất thú vị.

Một lũ trẻ con lớn có bé có, mình không nhớ là bao nhiêu đứa, chỉ biết là ầm ầm như có giặc, cười đùa tí toét hò nhau bày hết trò này đến trò khác với đầu sư tử và mấy cái đèn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại đầm đìa. Thỉnh thoảng cả bọn nghe lời người lớn lại ngẩng đầu lên ngóng xem ông Trăng đã đến chưa. Hôm ấy trời nhiều mây, đám trẻ con bọn mình cứ ngóng mãi, ngóng mãi..

Mãi tới muộn, khi mà mâm cỗ người lớn trong khu bày cho đã được phá sạch sẽ không còn gì, trời mới quang đi một tẹo, bọn mình hét ầm lên, a ông Trăng a ông Trăng, mấy đứa lớn hơn mình thì hét a chị Hằng a chị Hằng, chú Cuội nữa kìa, đâu chú Cuội đâu em không thấy. Mình chưa biết chú Cuội với chị Hằng là ai, nhưng chắc mẩm đó hẳn phải là những người liên quan đến ông Trăng. Mình đứng ngây ra, phải ngửa cổ hết cỡ để nhìn thấy ông Trăng, đèn ông sao bị gió thổi tắt, cũng chẳng buồn chạy ra nhờ mẹ thắp lại như mấy lần trước. Mình cứ đứng như vậy, mấy đứa bạn mình cũng đứng mê mải ngắm trăng, có đứa bất cẩn làm rơi đèn ông sao, đèn bắt lửa cháy bùng, nó khóc òa, mẹ nó phải chạy lại dỗ dành. Chỉ được một chốc, mây lại giăng kín trời, người lớn giục bọn mình về nhà đi ngủ, là trẻ con, thì không được đi ngủ muộn. Chốc lát ngắn ngủi với ánh trăng trong trẻo giữa trời đêm năm ấy, đã trở thành kỉ niệm tuổi thơ của mình.

Một thời gian sau, nhà mình chuyển đi nơi khác, mình thành trai làng ngụ cư ở làng Thành Công. Mình đi học mẫu giáo lớn, lại có thêm rất nhiều dấu ấn xảy ra trong khoảng thời gian này, bao giờ có dịp sẽ kể sau. Trung Thu năm nay ở trường mẫu giáo lớn không khác mấy so với ở trường cũ, mình vẫn được cô giáo phát cho cái bánh dẻo hình con cá, bánh không nhân và rất ngọt, nhưng ăn thấy ngon hơn bánh trung thu mẹ mua ở nhà, chả hiểu sao.

Ở khu mới, mình có đám bạn mới, bọn thằng Hưng, thằng Túp, thằng Hiếu, chị Hằng, toàn đứa sàn sàn tuổi nhau, bọn mình thành hội nghịch ngợm khắp ngõ. Mùa Trung Thu này, không có sân như ở khu tập thể, bọn mình vẫn tay đèn ông sao tay đèn ông sư, chạy khắp các nhà, nhà nào cũng có mâm ngũ quả cho trẻ con phá cỗ, chạy nhảy hò hét quanh ngõ nhà mình như thế, ngẩng đầu lên chẳng thấy ông Trăng đâu. Ngõ nhỏ, trẻ con lại càng nhỏ, mình bắt đầu hiểu ra không phải cứ Trung Thu là sẽ chắc chắn được nhìn thấy trăng tròn.

Trung Thu như thế, cứ tưởng như mình sẽ thích Trung Thu mãi mãi, thích không bao giờ cho hết thích. Thế mà, chỉ mấy năm sau, đi học cấp một, tới lớp ba, mình đã chẳng còn ham thích gì Trung Thu nữa.

Hồi ấy, chỗ nhà mình bỗng nhiên có đội đánh trống mặc áo xanh đỏ, đầu đội mũ sư tử to đùng, to hơn mũ sư tử cũ của mình rất nhiều, đánh trống ầm ỹ, không phải trống tùng dinh dinh tùng tùng tùng dinh dinh đáng yêu, mà chính xác là đánh trống ầm ầm. Hội ấy cũng lớn, chẳng có đứa nào bé con như bọn mình. Chúng nó đi qua ngõ mấy lượt, ồn ào hết cả lên, mình không thích chút nào. Mãi về sau lớn lên mình mới biết, hội ấy có liên quan gì đấy đến phong trào sinh hoạt đoàn đội ở phường. Thảo nào mình thấy lạ hoắc. Từ đấy, mình chẳng thò mặt ra vào dịp Trung Thu nữa, cũng tuyệt không tham gia khi có lời rủ rê kêu gọi.

Đọc sách thấy bảo đời người sẽ trải qua nhiều bước ngoặt thay đổi tâm sinh lý một cách hết sức tự nhiên, có lẽ hồi ấy mình quay ngoắt lưng lại với ngày rằm tháng tám cũng là một sự thay đổi như vậy. Thậm chí có lúc còn thấy bản thân quá gay gắt ghét bỏ, nhiều năm sau, khi đã lớn lên một chút, mình mới hiểu là mình không thích mấy việc mang tính đoàn thể. Sau đó, sự ghét bỏ trong lòng dịu dần, mình lại cảm thấy niềm háo hức bé nhỏ nảy nở trong lòng mỗi dịp Trung Thu. Tiếc rằng, con người thay đổi thì cuộc sống cũng thay đổi.

Bây giờ thanh niên không chuộng bánh trung thu kiểu truyền thống như ngày xưa. Ngày xưa, miếng bánh trung thu mỗi năm chỉ một dịp, người ta cho vào cả xá xíu, miếng mỡ, miếng lạp xưởng, hạt sen.. Bây giờ vật chất chẳng đến nỗi thiếu thốn nghèo khó như xưa, thanh niên chẳng đứa nào mê bánh ấy, chỉ ăn bánh vị đậu xanh, trà xanh, mochi mocha các kiểu, mang đầy hơi thở thời đại. Người lớn thuộc thế hệ trước, ăn miếng bánh truyền thống, họ vẫn thấy ngon, thấy bùi ngùi hiện ra trước mắt cả một thời đã lùi lại phía sau. Thanh niên, cắn một miếng, mười đứa thì hết bảy, tám đứa nhíu mày. Rồi cười trừ.

Hôm nay rộ lên tin hiệu bánh trung thu Bảo Phương ở Hà Nội bị đình chỉ vì làm bánh bẩn. Mọi năm, nhà này đắt hàng kinh khủng, người ta xếp hàng dài dằng dặc, mà mỗi người chỉ được mua hai hộp, không hơn. Mua được bánh ở nhà này là quý lắm, bao giờ cũng một hộp đem về cho gia đình ăn, một hộp đem đi biếu, mà phải quý lắm mới biếu. Giờ thì tẽn tò hết cả, lại thành câu chuyện cười đầy ngán ngẩm cho xã hội mình, sự quý mến, lòng trân trọng, thậm chí cả sự nịnh bợ, hóa ra lại thành trò đùa cho việc hại nhau. Đến buồn.

Mình đi ra phố Hàng Mã xem người ta mua bán đồ Trung Thu, đồ chơi Trung Quốc tràn ngập, cái này người ta nói mãi rồi, mình thấy có cả đồ chơi Việt Nam, nhưng nhìn cũng không khác gì đồ chơi Trung Quốc, cứ làng nhàng tà tà vậy thôi. Vẫn có đèn ông sao, to nhỏ đủ các kích cỡ, nhưng không thấy đèn ông sư, đèn cù thì càng không, chắc cầu kì mất công quá, mà trẻ con bây giờ cũng không được truyền cho niềm yêu thích, nên chúng nó chẳng chơi những món ấy nữa.

Thấy mọi người vẫn mua bán đổi chác tấp nập lắm, mình nghĩ, ừ cuộc sống của người lớn dẫu có vất vả khốn nạn thế nào, ai thì cũng đều muốn bọn trẻ con được vui vẻ thoải mái. Mấy hôm nữa là Trung Thu, chắc sẽ thu xếp làm gì đấy cho bọn trẻ con, thờ ơ với ai thì thờ ơ, nhắm mắt ngậm miệng với điều gì thì nhắm thì ngậm. Với trẻ con, sao nỡ được. Mình vốn không thích người ta ghép từ ‘Tết’ vào bất kì dịp nào trong năm, Tết là Tết, vậy thôi, nhưng Tết Thiếu Nhi thì mình thấy hay, thấy được.

Ngước mắt nhìn lên, thấy đèn ông sao cỡ lớn bây giờ người ta còn dán cả ảnh lãnh tụ, chợt nhớ lại chuyện Trung Thu đầu đời, đứa bạn hàng xóm làm cháy đèn, thấy.. quá đà.

12009791_10153637793210917_4734809284687393020_n