Bạn thân mến, hôm nay, chúng ta sẽ nói về chủ đề thời gian.
Nghe kinh không!! Lâu lâu đụng tới phạm trù siêu hình học tí không mọi người lại tưởng tôi chỉ suốt ngày chửi bậy với tán gái là nhanh.
Thời gian, ngó vậy chứ vừa ngắn lại vừa dài. Hồi nhỏ cha mẹ mua cho tôi truyện Kính Vạn Hoa của Nguyễn Nhật Ánh, bản in ra lò lần đầu tiên năm 1995, trong tập 4 Ông thầy nóng tính, có đoạn thằng Tiểu Long bị cô giáo vật lý gọi lên bảng đưa ví dụ về tính giãn nở của vật chất do nhiệt độ, nó đáp: thời gian. Cô giáo và đám bạn trố mắt, thằng Tiểu Long thủng thẳng trả lời ‘Thưa cô, bởi vì những ngày hè nóng nực thường dài ra, còn những ngày mùa đông lạnh lẽo thường thun ngắn lại ạ!’. Đọc đến đoạn này thì tâm hồn non nớt của tôi ở tuổi lên tám bùng nổ dữ dội, lần đầu tiên tôi biết trên đời có một thứ hay ho tên gọi là văn chương, và trong văn chương có miêu tả thời gian theo cách thú vị quá chừng. Sau này lớn lên, bộ sưu tập đủ bộ Kính Vạn Hoa in lần đầu tiên ấy thất lạc sạch, người này người kia mượn, em này em kia mượn, lần cuối tôi nhớ mình đem sang nhà cho em gái cô người yêu cũ mượn. Thời gian sau chia tay, buồn đời bỏ nhà ra đi, chẳng đoái hoài đòi lại, giờ lâu rồi, chẳng biết chị em họ còn giữ không.
Hồi nhỏ ấy, xem tivi thấy nhắc đến sự kiện Y2K năm 2000 và Nghìn năm Thăng Long năm 2010, tôi hỏi mẹ, mẹ ơi bao giờ thì đến mấy năm kia, mẹ bảo bao giờ Tũn mười hai tuổi, rồi hai mươi hai tuổi thì là đến. Với một đứa trẻ tám tuổi thì đó thực sự là những con số kinh hoàng, cảm giác tôi có sống mãi, lớn mãi, thì cũng không thể đạt được sự lớn như vậy.
Vậy mà quay đi quay lại, đã thấy mình thức đón giao thừa năm 2000 ở nhà bác cùng mấy ông anh họ, sáng hôm sau còn được xem trực tiếp người Mỹ đón giao thừa ở quảng trường Thời đại, có quả cầu pha lê tung giấy màu rất đẹp. Rồi năm 2010, tếch đít té khỏi Hà Nội, trốn được cấm đường, trốn đông người, trốn cảnh xả rác, buồn cười trốn cả cảnh người ta biến bờ Hồ thành một cái vũ trường xập xình đèn đóm xanh đỏ.
Ngoảnh lại, vẫn thấy ánh mắt ngày ấy mẹ vừa nấu cơm vừa quay ra trả lời, vẫn câu nói ấy vang vọng bên tai. Tôi thường không khỏi thán phục khi nghĩ về tuổi thơ luôn biết cách lưu giữ những khoảnh khắc bất thường mà dù cho sau này đời người có trải qua bao nhiêu biến cố, chúng vẫn ở yên một góc khuất sâu thẳm trong lòng, chỉ đợi mỗi khi có cơ hội, những kí ức ấy sẽ trở về, vẹn nguyên và trong trẻo. Đường trần bởi vậy mà khi dài khi ngắn, lòng người cũng theo đó mà hoang hoải một đôi lần nhớ nhớ quên quên. Hệt như cách mà cuộc đời vả cho ta mấy cái vào mặt ngay khi ta không ngờ tới nhất, sau đó thì ta trưởng thành.
Đến khi lớn lên, cảm nhận về thời gian trở nên khác hẳn ngày nhỏ, tôi đồ rằng là do biết yêu và biết đi làm kiếm tiền mà thành ra như vậy.
Nếu có ai hỏi tôi, rằng tôi thích ngày nào nhất trong tuần, tôi sẽ nói tôi thích ngày thứ tư. Nếu như ai đó ấy lại tiếp tục hỏi, rằng vậy còn thời điểm nào thường khiến tôi hứng thú nhất, tôi sẽ nói tôi luôn rất say sưa những bữa trưa ngày thứ tư.
Thứ tư là một ngày rất đặc biệt, xét theo hệ tiêu chuẩn làm việc lý tưởng 40 giờ/tuần, thì thứ tư là ngày mà mới vừa thứ ba còn thấy tuần làm việc sao quá dài, qua đến thứ năm đã lại thấy như sắp sửa kết thúc đến nơi, nó đem đến cảm giác lửng lơ của sự chuyển giao giữa sớm và muộn, giữa khởi đầu và kết thúc, giữa cái hữu hạn của sức người và cái vô hạn của vòng quay cuộc sống. Dầu cho trong những tháng năm tuổi trẻ đang ào ào qua đi, không ít lần tôi rơi vào sự hối thúc của những cuối tuần triền miên công việc, những xúc cảm bé nhỏ của ngày thứ tư vẫn không khỏi khiến tôi sực nhớ ra mà tận hưởng niềm vui đón chờ mỗi dịp cuối tuần vui chơi xả láng.
Nhớ ngày ấy xa nhà, cuộc sống thường trực là công việc và nỗi nhớ thương quê hương của một thằng giang hồ nửa mùa, tôi thường nở một nụ cười bất chợt vào mỗi bữa trưa ngày thứ tư hàng tuần (vừa rồi là một câu đầy mâu thuẫn). Có lần đi ăn cùng, ông sếp hỏi, này mày đang nghĩ mà mà nhìn xa xa rồi cười một mình thế, tôi ngượng nghịu, à mấy vấn đề riêng tư. Chẳng lẽ lại bảo tôi cảm thấy vui vì nửa tuần làm việc với ông đã chính thức trôi qua. Đến chiều, ông sếp gọi ra hỏi, này thứ bảy này mày đi làm được không, nhiều việc quá. Hồi ấy trẻ măng, non nớt và vụng dại, tôi gật đầu như một cái máy, ô kê no problem. Thật đúng là cười người chớ vội cười lâu..
Khi ý thức và trải qua giây phút của sự chuyển giao, người ta thường nghĩ, sắp tới mình sẽ làm gì. Mình sẽ làm gì nhỉ? Tôi hình dung ra cuối tuần phía trước, nếu không bận bịu việc văn phòng, tối thứ sáu tôi sẽ đi ra quán pub tên là Sky bar uống bia một chặp với thằng Govin, với anh Anthony, thỉnh thoảng có cả Javen tham gia. Nhưng đó không hẳn là một cuộc nhậu, mấy thanh niên không đến từ những nước ảnh hưởng bởi văn hóa Tàu thì không biết nhậu là gì, chúng tôi thường chỉ làm vài vại, nói chuyện bông phèng, xem qua loa chút thể thao và bình phẩm, rồi đường ai nấy đi, họa hoằn lắm mới rủ nhau ăn tối. Tôi sẽ xuống siêu thị mua hoa quả và bánh kẹo, một chút cồn, nếu thích, và sau đó tận hưởng kì nghỉ cuối tuần một mình, thi thoảng, tôi xách mông lên và đi, tất nhiên đi gần thôi vì tôi khá là kém khoản chu du thiên hạ dài ngày.
Sau này, khi gần trở về, có một lần tôi cởi trần đứng trước gương lâu hơn mọi ngày và ngay lập tức nhận ra vấn đề của bản thân, bụng tôi đã quá to do uống nhiều bia với thằng Govin còn ngực tôi thì quá lép do chẳng chịu vận động gì, thường ngày sơ mi tươm tất nhìn không ra, chứ cởi bỏ y phục thì hình dáng thành ra rất kì khôi. Thốt nhiên tôi nghĩ, đéo ổn rồi. Và phần sau của câu chuyện thì đã kể quá nhiều, các bạn rảnh có thể mò mẫm đọc blog để thấy tôi đã trở thành một con thú ra sao, hehe.
Quay lại chủ đề sự chuyển giao của mỗi lịch sử, bây giờ mỗi khi nhớ lại những ngày tháng bình dị trong sự tĩnh mịch của nỗi cô đơn, tôi hiểu mình đã đi qua một quãng đổi thay mà có lẽ bất kì ai rồi cũng đều trải qua trong đời. Hình hài của sự tĩnh lặng không phải lúc nào cũng cần đến buông bỏ như lời Phật dạy, lắm khi, chúng ta có thể kiếm tìm nó với niềm khát khao chạm tới chân trời của những miền suy tưởng.
Tôi không thích Khổng Tử, ông này nếu nhìn nhận theo lối hiện đại khách quan, là một gã trí thức Á Đông khá lưu manh, mang trong mình những ảnh hưởng rất xấu đã góp phần kiềm hãm một vùng rộng lớn của thế giới suốt nhiều ngàn năm. Tuy vậy, tôi cũng chẳng thể chối từ việc nhìn nhận đôi điều trong những lời ông ta nói là có giá trị nhất định. Bài này nhắc tới ông ta, ý là vì tôi sắp nói về ‘thập hữu ngũ nhi chí vu học; tam thập nhi lập; tứ thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri thiên mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tòng tâm sử dụng, bất du cửu’.
Trong những mốc ở trên, tôi sắp đạt tới ‘tam thập nhi lập’, là một mốc quan trọng, nghĩa là đã ở cái tuổi con người đã có thể xác định vị trí của mình trong xã hội. Rộng ra là có thể bắt đầu xây dựng viễn kiến về những điều mình muốn làm trong nửa đời tiếp theo.
Nửa đời tiếp theo, có nghĩa là tôi đã sống gần nửa cuộc đời, mới vừa kể về chuyện ngày bé mong đến năm mười hai tuổi, giờ thấy thời gian trôi, nhanh quả như một sát na.
Gần nửa cuộc đời, và chúng ta đang có gì trong tay, một thế hệ buồn hay một thế hệ kiến tạo nên số mệnh của bản thân. Có lẽ, hãy đôi lần mỉm cười trong bữa trưa những ngày thứ tư, và suy tưởng.
———-
ChuKim – 2017
ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.
– natchukim.cogaihu@gmail.com –
PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.
Bài này hay quá anh ~
Mà ko hiểu sao em đọc vài dòng, lại phải dừng, nhìn quanh nhìn quẩn, lại đọc tiếp, vài dòng, lại dừng, lại nhìn quẩn nhìn quanh. He he ~
LikeLike
Cảm ơn em. Nghe có vẻ như phù hợp cho việc thư giãn của em nhỉ :))
LikeLike
cảm ơn anh vì đã mang đến cho em một thứ cảm thức về thời gian rất đẹp.
em luôn cho rằng khi đã vượt qua khỏi cái mốc mười tám tuổi, thời gian của con người ta sẽ bắt lao đi rất nhanh, như trượt xuống dốc đá, vèo vèo mười chín, vèo vèo hai mươi, vèo vèo ba mươi, vèo vèo năm mươi sáu mươi, vèo vèo chết. đôi khi cảm thấy quá bất lực vì mình chưa kịp làm gì mà mọi thứ đã trôi sạch rồi. càng ngày càng cách xa chính mình trong quá khứ, nhiều lần trở lại, thấy tất cả đã mất tăm.
hmm, có lẽ em đại diện cho một thế hệ buồn anh nhỉ.
chắc em cần mỉm cười nhiều hơn vào những trưa thứ tư này :)
LikeLike
Đời người nói trôi qua nhanh thì trôi qua nhanh, mà bảo dài thì cũng dài vô cùng. Nếu em nghĩ mình là đại diện cho một thế hệ buồn, vậy đừng buồn nữa :)
LikeLike
Vui mà sống hết mình thôi bạn ạ. Rồi xem có tứ thập nhi bất hoặc không. :v.
LikeLike
giá như a viết tiểu thuyết, giọng văn của a rất tuyệt.
LikeLike
Cảm ơn em, em quá lời rồi, anh còn phải cố gắng rất nhiều.
LikeLike
Dạo trước a viết về gái hay thế, gần đây chắc ko có nàng thơ nào nữa à a? Ko bị gái bỏ nữa rồi a nhỉ.
Hôm nay đọc tới cái ký ức Y2K. 2000 a được 10 tuổi thì a hơn e 3t. E ko ở HN, hồi bé tý e ở quê, cái Y2K kia e vẫn nhớ bờ tường quanh làng, quanh trường học, quanh hợp tác xã trẻ con vác bình vôi viết chữ Y2K chi chít lên. E hồi bé nhát cáy, chúng nó cứ bảo sắp Y2K đấy chết mày, chả biết Y2K là gì mà sợ xoắn đít chạy về ôm bà khóc, hỏi bà Y2K là gì, bà cũng ko biết 😆
Hôm nay đọc được chợt thấy mình vẫn chả biết Y2K là gì? Cũng ko còn nhát xít bọ hung đít nữa. Và nhớ bà quá, mai gọi cho bà thôi.
Chả hiểu sao e lại viết ra.
LikeLike
Đâu có, anh lúc nào cũng yêu đương như một bản năng sinh tồn vậy mà, haha. Lúc nào cũng nói chuyện chim hoa cá gái, làm thằng đàn ông như vậy chán lắm em. Có lúc này lúc kia, mình cũng có suy nghĩ về những chuyện diễn ra xung quanh mình và muốn chia sẻ. Cảm ơn em vì đã đọc blog và kể lại kỉ niệm của em nha, anh rất trân trọng.
LikeLike
Ui em cũng có 1 chuỗi các Thứ Tư huyền thoại ông a ạ haa.
LikeLike