Hôm trước đi học, thầy giáo dạy chữ 笄 (đọc là ‘kê’), chữ này chính là ‘kê’ trong từ ‘cập kê’ (及笄). Thầy giải thích, kê này có nghĩa là cái trâm cài tóc, cập kê tức là đến tuổi cài trâm lên tóc. Ngày xưa con gái đều để tóc dài, thời đó có tục hễ con gái nhà nào đến độ mười lăm, mười sáu tuổi, có người đến xin đề cập chuyện hôn sự mà ưng bụng thì sẽ được cài trâm lên mái tóc huyền thướt tha. Mặc dù nhiều cô đã hăm mấy mà vẫn chưa có ma nào thèm rước thì vẫn chưa được cài trâm, tức là chưa đến tuổi cập kê, tuy nhiên phần đông xã hội coi khoảng mười mấy cho đến dưới hai mươi của con gái là tuổi thích hợp để lập gia đình. Thế nên có câu ‘đến tuổi cập kê’ là vậy, ý nói con gái thành niên, lớn rồi, lấy chồng đi kẻo ế già chế mẹ mày.
Hồi xưa chưa đi học, chưa biết, cũng không để ý tìm hiểu, cứ đinh ninh ‘kê’ này là con gà (雞). Có thằng bạn loay hoay mấy chuyện yêu đương tán tỉnh nhăng nhít, thỉnh thoảng lại gọi anh em đi kể mấy chuyện cù lần nó gây ra và nhờ anh em bày cho vài mưu đi gỡ điểm. Anh em sau khi bốc phét cho sướng mồm và vẽ ra những viễn cảnh trong đó ăn gái chẳng khác gì ăn kẹo, quay ra chửi thằng này thời đi học không biết yêu đương gì, bây giờ không có kinh nghiệm ứng xử với nữ giới. Mình vuốt râu, bảo, ông có biết ngày xưa các cụ có câu ‘đến tuổi cập kê’ không? Câu này ngó đơn giản vậy mà rất hay, rất đa nghĩa. Ông có biết không, ‘cập’ từ Hán Việt nghĩa là tới, ‘kê’ từ Hán Việt nghĩa là gà, cập kê kết hợp của tới và gà, tức là tới giờ gà lên chuồng động ổ, chẳng phải dân gian cũng có câu ‘địt nhau như gà’ mà các ông nói suốt ngày đấy sao, chính là để minh hoạ cho sự tiếp diễn của ‘đến tuổi cập kê’. Các cụ nói vậy là có ý ở tuổi ấy người ta đã bắt đầu yêu đương đánh chén được rồi. Thằng bạn hai mắt trợn ngược, đồng tử giãn ra, há cả mồm ra như muốn nuốt lấy từng lời của mình. Chưa hết, mình thủng thẳng, kho tàng văn hoá nước ta còn hay ở chỗ các cụ đã chế ra chữ Nôm, một loại chữ dựa trên chữ Hán nhưng chỉ có dân ta hiểu, dân Tàu nhìn vào khóc thét. Câu ‘đến tuổi cập kê’ ở đây mình có thể hiểu là ‘đến tuổi cặp kè’, hoàn toàn An Nam, hoàn toàn dân dã. Đấy, mình cười, ông thấy chưa, dù ở ngữ nghĩa nào thì cũng đều nói lên rằng hãy yêu đương đi khi thời gian gõ cửa, trên đời này làm cái gì cũng đều cần có kinh nghiệm hết, chú chưa học xong mẫu giáo mà bây giờ tấn công mấy em ở trình độ đại học thì chú phải gắng nghe lời bọn anh, đừng có sáng tác làm gì cho mất thời gian, nó đá cho thì lại mất công anh em đi nhậu.
Thằng bạn phục mình như bố, nó nhìn mình rạng rỡ như vừa được dắt tay bước qua đêm trường nô lệ. Tấm tắc khen anh nói hay thế, bài này em phải học thuộc để hôm nào đi dạy mấy thằng đệ em mới được. Mình phẩy tay, cái phẩy tay chẳng nói gì đầy khinh bỉ như của các cán bộ phường khi người dân đến làm thủ tục mà không chịu tinh ý lót tay. Đoạn mình đứng lên vươn vai bỏ đi, thằng bạn tất nhiên trả tiền cafe mà lòng đầy sung sướng.
Sau này đọc sách mới biết, mặc dù sai bét nhưng mình đã sử dụng các kĩ thuật của phương pháp luận khoa học để diễn giải vấn đề, đem đến một góc nhìn mới mẻ, hợp thời và thực sự đi vào lòng các thanh niên ít học. Tính mình hay thích bốc phét nên mình áp dụng phương pháp luận khoa học tương đối nhiều, cách duy nhất để bắt bài những kẻ trí trá bẻ cong khái niệm như mình chính là chúng ta phải tăng cường trau dồi vốn kiến thức về các lĩnh vực trong cuộc sống thông qua sách vở, internet và giao lưu với những người hiểu biết.
Nói vậy lại nghĩ chuyện ‘đến tuổi’, đúng là một quan niệm xã hội cực kì sai lầm, thay vì đến thời điểm sẵn sàng, thời điểm chín chắn, thời điểm đủ trưởng thành để nhìn nhận và ứng xử trong cuộc sống, thì tới tận ngày nay mà cả xã hội vẫn nhao lên cho rằng bọn con gái trên đất nước Việt Nam tất thảy sẽ tự nó trưởng thành ở độ tuổi hai tư, hai lăm, đã thế lại còn cái trò năm nay không cưới thì sang năm không được tuổi cưới, làm cho năm 2017 một lũ đàn ông có bồ sinh năm 91, 93 lâm nạn khốn đốn vì bị đòi cưới, không thì em sẽ bỏ anh. Thật là ấu trĩ!!
Hôm trước, ngồi với một ông em, nó kể, hôm trước em ngồi nói chuyện với người yêu em, em bảo nó là ba năm nữa em sẽ lấy vợ, tức là lấy nó đấy anh, em nói rất vui vẻ, thế là tự nhiên nó xầm xì, giận dỗi em anh ạ. Hồi trước nó thỉnh thoảng lại bóng gió theo kiểu sang năm cưới, em tưởng nó đùa, ai ngờ em nói ra suy nghĩ thật của em, thế là thành căng thẳng. Mình nhìn ông em mà buồn cười, bảo thôi mày về vắt tay lên trán mà suy nghĩ đi, xem nặng nhẹ thực sự ra sao, rồi tính tiếp, chứ cái cảnh ấy của mày có phải là cá biệt đâu mà tỏ ra sững sờ. May mà mày còn chưa bị bắt phải cầu hôn đấy, ngu thế mà nhiều thằng vẫn làm mới là đáng ngạc nhiên.
Nhớ hồi xưa, mình nghe không biết bao nhiêu câu chuyện về quyết tâm lấy chồng của bọn con gái, cười đau cả bụng, mình viết hẳn ‘Khao khát quyền lực, khao khát tiền bạc danh vọng, khao khát trả thủ, khao khát cống hiến, khao khát sống.. trên đời có rất nhiều khao khát, nhưng chắc chắn không khao khát nào có thể sánh nổi với khát khao lấy chồng của phụ nữ.’. Anh em vào hưởng ứng nhiệt tình, nụ cười chan đầy nước mắt xót xa cho phận người. Còn bọn bạn của cô người yêu hồi đấy đọc được thì xỉa xói mình tơi bời, hehe.
Nhưng nói vậy chứ cũng không thể phủ nhận vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy đàn ông. Có lần mình đi taxi, anh lái xe hỏi chuyện, hỏi mình có vợ con gì chưa, mình bảo chưa, xong anh ngậm ngùi, tớ thì có rồi. Mình hỏi thế chắc vất vả lắm anh nhỉ, anh bảo ừ, phụ nữ họ chả bao giờ thấy đủ cả, họ không ngừng đòi hỏi, không ngừng kêu ca, không ngừng làm phiền, mệt lắm. Mình định hỏi thế sao anh không bỏ phắt đi cho rồi, mà nghĩ bụng nếu bỏ được thì cuộc sống của loài người bây giờ khác lắm rồi chứ chẳng như thế này.
Hồi xưa, khá xưa rồi, mình thất tình, tức là bị đá, cô người yêu cũ vẫn chơi với mình, đưa cho mình mượn cuốn ’69’. Đây là tiểu thuyết nói về câu chuyện của một cậu học sinh ở Nhật vào năm 1969. Cậu này thực hiện biết bao nhiêu phi vụ kinh thiên động địa, tất cả đều chỉ nhằm mục đích lấy le tán tỉnh gái gú. Mình đọc đến đâu phát sốt phát rét đến đấy. Đến đoạn đám anh em lúc đêm hôm đột nhập vào trường, ‘Trên cửa sổ phòng giáo viên tôi viết: Những con chó đua của cấu trúc quyền lực’ thì mình chịu hết nổi, cả tâm hồn cảm thấy bùng nổ dữ dội, cả một nhân cách đã trỗi dậy trong lòng mình. Đọc tiếp đến đoạn thanh niên vào phòng hiệu trưởng và ỉa lên bàn của hiệu trưởng thì mình đã quá yêu thích tác giả Ruy Murakami đến mức đem rêu rao quảng bá cuốn này khắp nơi cho các anh em cùng đọc. Sau này tuy mình không đọc thêm cuốn nào của Ryu Murakami nhưng nghe loáng thoáng đâu ai đó nói tay này là anh em với Haruki Murakami, hồi ấy mình tuổi trẻ bồng bột, lại thiếu thói quen kiểm tra chéo nên tin sái cổ. Lại đem đi rêu rao khắp nơi, không ngờ Haruki viết truyện như người ta sáng tác nhạc jazz mà có ông em nhí nhố thế. Về sau khôn lớn hơn, ăn phốt nhiều nên mình tự chột dạ mà kiểm tra lại, hoá ra sai bét. Em nhầm.
Thạch Hùng cười bảo tao biết là không phải nhưng kệ mày cho mày tưởng thế. Thằng này đúng kiểu trí thức Bắc Kỳ trong thời đại rực rỡ này, biết nhưng không nói, âm thầm im ỉm giữ cho riêng mình nó, và kệ mẹ mình sai cho mình chết.
Kể chuyện lan man như thế, dạo này mình cứ nghĩ vẩn vơ về cái sự nhầm lẫn ở đời. Có cái nhầm chẳng hại gì, thậm chí còn vui. Có cái nhầm, bỏ cả cuộc đời ra cũng chẳng sửa chữa được. Có cái nhầm, vội vã sửa chữa rồi sau đó nhận ra bản thân đã thêm một lần nhầm lẫn. Có cái nhầm, mang theo cả nỗi buồn sâu thẳm cứ mãi mãi day dứt trong lòng.
Thôi, buồn lắm, chợt nhớ tới câu nói năm ấy của cô bạn.
‘.. biết đâu, đó chỉ là một cơn say nắng dài hơi..’
Cậu học chữ Hán,là học chữ Hán Nôm hay Trung văn hiện đại?
LikeLike
Mình học Hán Nôm.
LikeLike
Cậu học ở trường ĐH hay học ở đâu?
LikeLike
Mình học thêm ở ngoài.
LikeLike