Otaku (おたく/オタク) là thuật ngữ tiếng Nhật, dùng google translate cho ra kết quả trong tiếng Việt là ‘mọt sách’. Có vẻ công cụ dịch thuật chưa thực sự hiệu quả trong trường hợp này, từ ‘mọt sách’ trong tiếng Việt được hiểu đơn giản là những  người mê đọc sách, đọc nhiều sách và đôi lúc lơ đễnh với thực tế cuộc sống. Còn Otaku lại khác, đó là cả một văn hoá.

Theo Wikipedia người ta viết thì đại khái Otaku là kiểu người kì quái, quá say mê truyện tranh (manga), phim hoạt hình (anime) và trò chơi điện tử. Họ yêu thích những thứ này một cách thái quá, đến mức mà người ta có cảm giác họ chẳng còn làm gì khác ngoài đọc truyện tranh, xem hoạt hình và chơi điện tử. Trong những trường hợp thực sự nghiêm trọng, họ trở thành những người tuyệt giao với thế giới bên ngoài trong khoảng thời gian dài hơn sáu tháng, có khi cả hàng năm trời, chỉ giao tiếp (rất ít) với người nhà, họ đóng cửa ở trong phòng riêng, đọc truyện tranh, xem hoạt hình và chơi điện tử vì cảm thấy quá chán ghét việc tiếp xúc với xã hội. Những người này được gọi là Hikikomori (ひきこもり/引き籠り), được biết đến với ý nghĩa về thế hệ lạc lối (the lost generation).

Tuy vậy, ý nghĩa của thuật ngữ Otaku trong những năm gần đây đã trở nên ít tiêu cực hơn so với trong thập niên 80, 90 thế kỉ trước, dẫn tới việc nở rộ về số lượng những người tự nhận mình là Otaku.

Như vậy, theo một cách nào đó, mình cũng là một Otaku.

Tuổi thơ và thời niên thiếu của mình trôi qua ở thành thị, ngoài những trò chơi tuổi nhỏ mà có lần mình đã kể, thú vui đọc truyện tranh là một phần không thể thiếu trong những ngày dài tựa năm của một đứa trẻ.

Kỉ niệm đầu tiên là với hiệu sách Giảng Võ, nơi cha mẹ mua cho những cuốn truyện tranh đầu đời. Mình nhớ như in năm lớp một, sau khi đi học biết chữ một thời gian, mình được bố mua cho hai cuốn trên bìa có đề Đôrêmon – Mèo máy thông minh, Truyện tranh hiện đại Nhật Bản, tập ba và bốn. Vào thời điểm năm 1994 thì đó thực sự là một cái tát làm bừng tỉnh tư duy của tất cả trẻ con Việt Nam khi lần đầu được tiếp xúc với manga. Đó là sự khác biệt hoàn toàn so với truyện tranh Tàu quê quê như kiểu Bảy anh em hồ lô hay mấy bộ đại loại như vậy. Sau đó là những ngày tháng mình chìm đắm trong rất nhiều bộ truyện hay, ví dụ như Bảy viên ngọc rồng (Dragon Ball), Dấu ấn rồng thiêng (Dragon Quest), Subasa (Captain Tsubasa), Siêu quậy Teppi (I am Teppei), Đường dẫn tới khung thành (Kattobi Itto – bộ này ban đầu dịch tên nhân vật là Jin Đô, sai bét so với bản gốc, sau đó nhà xuất bản Kim Đồng có tái bản lại trung thành hơn với nguyên tác), Hoàng Phi Hồng (Ironfist Chinmi), Bác sĩ quái dị (Black Jack), Phượng hoàng lửa (Phoenix – bộ này khủng khiếp, bạn nào chưa đọc thì nên đọc, chưa chắc bạn đã đủ trình độ để cảm nhận hết những gì mà tác giả muốn truyền tải đâu). Kể ra thì nhiều vô kể, chắc phải viết thành nhiều bài, miểu tả dài dòng mới đủ để tâm sự với các bạn, vậy nên mình đã rất đồng cảm khi anh Dưa Leo làm clip nói về những bộ truyện tranh của tuổi thơ thế hệ bọn mình.

Nhớ ngày còn mài mông đi học phổ thông, hàng tuần anh em có thú vui bàn luận sôi nổi về những diễn biến mới của truyện và phim, mỗi buổi sáng khi tới lớp, thường trực trên môi là câu hỏi đọc tập mới Sôn Gô Ku chưa, đọc tập mới Jin Đô chưa, rồi cười hihi haha với nhau. Đứa nào chưa đọc thì nghe mà thòm thèm, nước dãi chảy đầy mồm, mà có phải đứa nào cũng được cha mẹ mua truyện cho mà đọc đâu, những màn năn nỉ mượn nhau diễn ra thường xuyên, nhưng không bao giờ mình quên cảm giác hồi cấp một, trong giờ nghỉ, một lũ năm bảy thằng bâu quanh một thằng có truyện, cả lũ đọc chung nhau, vừa đọc vừa bình luận, thỉnh thoảng một thằng giục đọc nhanh lên, lúc sau một thằng lại kêu từ từ đừng lật vội tớ chưa đọc xong. Có lần mình đi từ nhà vệ sinh ra, thấy cảnh mấy thằng bạn đang ngồi bệt dưới hành lang, trên lan can vắt vẻo vài ông thò cổ nhòm xuống, bên ngoài là hàng cây xanh mướt toả bóng mát, những tia nắng đan qua kẽ lá xuống đầu đám trẻ con, vài giọt sáng lấp lánh trên trang truyện Bảy viên ngọc rồng mà cả lũ đang im lặng theo dõi. Đó là năm mình tám tuổi, hình ảnh ấy chưa lúc nào phai nhạt trong lòng, mình xếp vào loại kí ức bất chợt hằn sâu.

Bọn con gái lại thích truyện tranh theo một kiểu sến xẩm rất khắm, năm lớp bốn, bọn mình đứa nào cũng thích truyện Đường dẫn đến khung thành, lớp mình có mấy đứa con gái, chúng nó lậm truyện này tới mức hoá thân luôn, mỗi đứa nhận mình là một nhân vật, rồi có một quyển sổ chúng nó viết vào đó những tâm sự thường ngày, nhưng bám sát theo các sự kiện và tính cách nhân vật trong truyện. Bọn nó giữ quyển sổ đấy như vàng, hay đóng kịch cười cợt với nhau, do ngồi gần nên mình hay chứng kiến cảnh ấy và cảm thấy rất ngứa mắt. Đen cho bọn này, sau một thời gian tỏ ra hoà đồng, mình tình cờ mượn được quyển sổ và mở ra xem, nét chữ con gái với những hình vẽ trang trí công tua đường diềm mộng mơ, lời lẽ thì lố lăng ngớ ngẩn đến mức bây giờ nghĩ lại cũng không thể cảm thông nổi với những cô bé mười tuổi. Mình phá lên cười hô hố và đem kể với mấy thằng bạn. Sau vụ đấy thì mấy con bạn cạch mặt mình luôn, nhìn thấy mình là như muốn xé xác luôn cho hả nỗi hận. Đời run rủi thế nào mà lên cấp hai, chúng nó vẫn học cùng lớp với mình, thật éo le.

Sau này mình biết ngoài dòng truyện dành cho con trai vốn được cả con gái yêu thích (shounen manga), còn có dòng truyện tranh cho con gái (shoujo manga) vốn chỉ có bọn con gái là thích, hoạ hoằn lắm mới có bộ shoujo nào đó đặc biệt xuất sắc và được bọn con trai vô tình đánh giá cao. Mấy đứa con gái bạn mình đọc shoujo thường thể hiện sự dằn vặt, dày vò, căm ghét và vẫn theo dõi nhiệt tình nhân vật nữ chính, đúng kiểu phụ nữ sinh ra là để hiểu nhau và ghét nhau. Mình thì khinh bỉ ra mặt, coi mấy thứ dặt dẹo đó không phải là truyện tranh, hồi đấy bọn con gái chưa biết thích những chàng trai mạnh mẽ và thẳng thắn nên chúng nó rất ghét mình.

Đến khi lên cấp ba, thời kì bùng nổ tâm hồn của tuổi dậy thì, mình rất thích những bộ truyện thể thao kết hợp tán gái của Adachi Mitsuru, Hiệp béo cũng khoái, hồi đấy nó cũng thích cả truyện Tàu Phong Vân như mình nên chịu khó mua, mình sang nhà nó chơi hay khuân một đống về đọc rồi mãi mới chịu đem trả. Đáng tiếc là hồi đấy dù đọc truyện thì chăm nhưng lại không học theo truyện mà tập tành thể thao để có thêm lợi thế cho bộ môn tán gái, mãi sau này mình mới hiểu ra, đến khi áp dụng và đạt được những kết quả tích cực mới thấy tuổi trẻ thật quá bồng bột và ngu si.

Năm lớp mười một, mười hai, thi cử đến đít mình vẫn học hành kiểu tài tử, tối nào cũng ăn xong cơm là ngồi vào bàn, lôi quyển truyện tranh dày cộp ra đọc, có hôm tận mấy quyển, đọc chán thì buồn ngủ, mình ngồi ngay trên ghế chợp mắt dăm phút rồi mới dậy học đến khuya, cha mẹ thấy mình chong đèn thì yên tâm lắm. Có hôm thằng Hiệp đi học thêm về qua nhờ mình làm thơ cho nó đem đi tán gái, mẹ mình mở cửa cho nó lên thẳng phòng, nó bắt quả tang mình đang ngủ, lúc ấy nó mà không kiềm chế được, cười be be cái mồm lên thì làm mình lộ hết thói quen thanh nhã thường ngày.

Giai đoạn cuối cấp ba và đại học, mình đọc truyện tranh theo kiểu dành cho người lớn, những bộ như Death Note, Monster khiến cái nhìn dành cho các tác giả truyện tranh Nhật được nâng lên một tầm cao mới, họ thực sự đạt tới đẳng cấp văn chương chứ không chỉ đơn thuần là hoạ sĩ.

Học đại học, mình và thằng Quang Ớt rất hợp nhau khoản truyện tranh. Nếu mình mà nhận là Otaku số hai của trường kiến trúc, thì thằng Quang Ớt chính là số một. Nó mê truyện tranh đến độ cũng hoá thân luôn, nhìn nó người ta liên tưởng ngay đến việc nó từ trang truyện bước ra đến với đời sống thật. Tóc tai để bù xù xoăn lọn, khi dựng đứng, khi bồng bềnh, nhìn y như nhân vật chính trong truyện Ám hành ngự sử (Blade of the Phantom Master, một bộ khá hay của Hàn Quốc), nó đi giày bóng rổ do mê bộ Slam Dunk, dáng đi lại đứng ngồi đều học theo những tư thế nổi bật trong truyện và phim hoạt hình. Anh em thấy quái dị vãi l., nhưng nó chả buồn quan tâm. Quang Ớt còn bị ám ảnh bởi góc vẽ chân dung từ phía sau, chỉ nhìn thấy một phần tư khuôn mặt với cái mũi nhọn hoắt, đã trở thành kinh điển trong truyện tranh Nhật, nó suốt ngày vẽ những nhân vật nó thích theo góc ấy, vẽ hết thằng này đến thằng nọ, trong đủ các bộ, hết vẽ tay nó còn mở paint trên máy tính ra vẽ rồi gửi khoe mình.

Mình và Quang Ớt có hiểu biết về truyện tranh, thỉnh thoảng có thêm thằng Hiếu cũng học cùng lớp đại học tham gia bình luận, anh em ngồi dưới căng tin trao đổi sôi nổi, đồ án mà được hăng say bằng một nửa thế thôi chắc giờ này cuộc đời bọn mình khác lắm rồi. Thằng Ớt chỉ thua mình ở điểm nó hoàn toàn không có kiến thức về truyện tranh phương Tây, nó không phân biệt được DC và Marvel khác nhau thế nào, mình thì hồi bé đọc rất nhiều Người Nhện với Người Dơi nên sau này vẫn giữ nhịp nghiên cứu, thỉnh thoảng lại phải giải thích cho Ớt để nó đi bốc phét loè gái. Thằng Sơn Vy nhìn rồi nói, cuộc sống của mày bị ảnh hưởng nặng bởi nhạc rock, còn thằng Ớt thì bị ảnh hưởng nặng bởi truyện tranh.

Sau này ra trường, đến khi đi làm xa nhà, mình hoàn toàn chuyển sang đọc truyện tranh trên mạng. Thôi thì có rất nhiều các trang web dịch truyện, đủ các thể loại Tây Tàu Nhật Hàn, nhiều nhất vẫn là shounen. Các bộ truyện do những bạn yêu thích truyện tranh tập hợp thành các nhóm chuyển ngữ sang tiếng Việt, họ dịch từ nhiều nguồn, chất lượng nhất là từ bản gốc (tiếng Nhật), không thì từ bản tiếng Anh. Công việc này đòi hỏi sự yêu thích và cần nhiều thời gian, lòng kiên trì và tinh thần làm việc nhóm để đảm bảo cả về nội dung lẫn hình thức cho các bạn đọc khó tính như mình thưởng thức.

Việc đọc truyện từ những nguồn không do các nhà xuất bản chính thống khiến mình nhận ra thế giới truyện tranh là mênh mông vô tận, không ai có thể biết hết và không ai có thể đọc hết, người ta cần kiến thức sâu rộng và sự từng trải để tôi luyện khả năng chọn lọc những tác phẩm đủ hay theo thẩm mỹ của riêng mình.

Bên cạnh những bộ truyện được các nhóm thực hiện một cách nghiêm túc và tâm huyết, không tránh khỏi nhiều trường hợp các bạn sinh viên do tuổi đời non trẻ và không phải là những người có chất văn học nên dịch thuật rất vớ vẩn, họ sử dụng những câu nói thời thượng, những thuật ngữ tiếng lóng tuổi teen thực sự không phù hợp và làm cho câu chuyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nhóm dịch này nhiều khi họ không ý thức được việc truyền tải nội dung dịch thuật khi nào thì cần nghiêm túc, khi nào thì cần hài hước, do thiếu khả năng cảm thụ và cũng muốn tỏ ra mình là người vui nhộn nên họ làm mọi thứ đôi lúc trở nên nhố nhăng, phá vỡ tinh thần câu chuyện và nhận được những bình luận kiểu như ‘dịch như l.’, ‘đồ vô học’, thay vì những lời cảm ơn chân thành từ bạn đọc. Rất tiếc cho các trường hợp này, cá nhân mình đã từng bỏ luôn vài bộ khi đang theo dõi nửa chừng vì bị nhóm dịch làm cho mất hứng.

Một chi tiết nữa cũng khiến mình buồn cười, đó là rất nhiều bộ truyện được các nhóm dịch giữ tên phiên âm tiếng Nhật, ví dụ như Shokuryou Jinrui, Saijou no Meii, Tensei Shitara Suraimuda, Boku no ushiro ni majo ga iru, v.v.. Thực sự thì mình thấy việc làm này rất đần, nói ra có thể làm các bạn mích lòng, nhưng đó là sự thật. Mình hiểu các nhóm dịch rất tôn trọng nguyên tác, họ muốn giữ tên nguyên gốc, nhưng khổ nỗi tên phiên âm thì các bạn giữ làm gì, đâu phải ai cũng biết tiếng Nhật, nhất là đó lại không phải tên riêng của nhân vật chính theo kiểu Naruto, mà lại là những cái tên dài thoòng rất khó nhớ. Mình đã từng vào đọc thử một vài bộ như vậy, nhưng đến ngày hôm sau thì mình không nhớ nổi mình đã đọc truyện gì, việc tìm lại tên là điều bất khả. Trừ những truyện rất nổi tiếng và độ hay vượt trội như Attack on Titan hay Demi Human, các bạn để tên phiên âm là Shingeki no Koyjin và Ajin, mình có thể miễn cưỡng ghi nhớ để theo dõi. Nói chung, chưa bàn tới việc chất lượng văn học trong câu chữ, việc dịch thuật các thuật ngữ của bản gốc là rất quan trọng, đôi khi các bạn không nên nghĩ rằng dùng tiếng Việt là làm cho bản dịch mất hay, các thuật ngữ được giữ tiếng Anh hay tiếng Nhật cũng góp phần làm cho chất lượng truyện do các bạn thực hiện trở nên hay hơn. Mình nói ví dụ như truyện Ajin, thật ra Ajin là phiên âm tiếng Nhật của từ Á Nhân, tác giả viết hoàn toàn bằng Hán tự, Tây nó dịch thành Demi Human, thì có gì đâu mà trong truyện các bạn phải giữ lại từ phiên âm Ajin và làm như người Nhật coi đó là một tên riêng. Tư duy này khá ấu trĩ, mình hi vọng có bạn nào làm dịch truyện đọc được thì ghi nhận và phản hồi, chúng ta có thể trao đổi kĩ hơn.

Mình nói như vậy là vì ngày xưa mình đã rất khoái khi phát hiện ra thằng Tít em mình dịch truyện 20th century boys, tên của nhân vật phản diện bọn nó dịch là ‘bạn’, đọc rất lôi cuốn và có độ ám ảnh, về sau dự án của bọn này thực hiện chậm quá, bị nhóm khác vượt lên trên do các trang web cập nhật theo nhóm, nhóm khác lại để tiếng Anh là ‘friend’, nghe vừa khiên cưỡng vừa thiếu độ mạnh dạn. Cái này là do các bạn không trau dồi văn học nên sinh ra tâm lý ngại dùng tiếng Việt khi gặp trường hợp khó. Mình không vì tự hào em mình mà nói thế, cái này mình và Quang Ớt đã trao đổi khá nhiều, bọn mình đều có chung nhận định. Điều mình mong mỏi nhất là các bạn nâng cao được trình độ, người được lợi chính là mình. Không có các bạn, những buổi tối xa nhà của mình đã buồn biết mấy.

Dạo gần đây, Quang Ớt giới thiệu cho mình bộ Bakuman, bộ này từng được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2013 dưới tên Bakuman – Giấc mơ hoạ sĩ truyện tranh. Bộ này có cùng tác giả với bộ truyện lừng danh Death Note và được hai tác giả Tsugumi Ohba, Takeshi Obata thực hiện ngay sau Death Note, tuyệt tác đã đưa họ lên tầm thế giới.

Bộ này có lẽ chính là tự truyện về con đường vươn lên đỉnh cao của hai tác giả, nói về hai thanh niên thử sức ở lĩnh vực truyện tranh và đã miệt mài lao động như thế nào. Như những câu chuyện về nghề nghiệp khác, nó nói với người đọc rằng không gì có thể thay thế được nỗ lực bền bỉ cộng với lòng quyết tâm vô hạn. Điều đặc biệt là con đường đi tới thành công, đôi khi bắt đầu bởi sự tình cờ rất vớ vẩn, như cách mà hai nhân vật chính đã chọn trở thành tác giả truyện tranh (mangaka).

Trong truyện này xuất hiện đủ các loại nhân vật, từ loại tài năng rèn luyện như hai nhân vật chính Mashiro và Takagi, loại thiên tài bùng nổ như Eiji, loại cool ngầu như Fukuda, loại hãnh tiến như Iwase, loại thiên tài không cần nỗ lực như Hiramaru, và đặc biệt là các biên tập viên truyện tranh. Trước đây mình không hình dung ra vai trò của các biên tập viên là gì, nhờ đọc bộ Bakuman này mà mình hiểu tại sao các nhà xuất bản lại có biên tập viên. Mình quen một chị là biên tập viên, mình kể bây giờ em mới hiểu, chị nhún vai bảo, biên tập viên ở Việt Nam đa phần là dốt, toàn đi soát lỗi chính tả với lỗi soạn thảo văn bản, thế mà nhiều người còn làm không xong, chứ có biết biên tập thực sự là thế nào đâu. Mình nghe chị nói, bán tín bán nghi.

Quay trở lại với Bakuman, mình say sưa theo dõi hành trình lao động và trui rèn bản thân của các nhân vật, lại có cả truyện tình cảm trai gái rất thú vị, đúng theo kiểu yêu đương trong sáng của đám mọt sách Otaku, haha. Mình và thằng Quang Ớt rất thích nhân vật Hiramaru, đây là chàng trai ở cùng độ tuổi với mình, một con người đã làm việc đủ nhiều để hiểu rõ giá trị của sự nghỉ ngơi chứ không mải mê cắm đầu vào làm việc không biết điểm dừng như các thanh niên trẻ trung nhiệt huyết. Đọc đến những đoạn thanh niên Hiramaru này chây ỳ lười biếng, cảm thấy vô cùng đồng cảm, ngoại trừ việc nó là thiên tài còn mình thì không.

Đây là bộ truyện đã xuất hiện rất đúng thời điểm trong cuộc sống của mình. Bỏ qua vài lỗi khá khó chịu về dịch thuật cũng xuất hiện như rất nhiều bộ truyện dịch trên mạng, những ngày mệt mỏi và chán nản, mình lặng lẽ đọc và cảm nhận ý chí quyết tâm theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp, sự say mê đến rồ dại của đám nhân vật khi trong lòng tràn ngập đam mê và cả niềm vui lẫn nỗi buồn qua từng trang giấy. Ai bảo truyện tranh đục khoét tâm hồn, mình chỉ muốn cười vào mặt họ, tiếc cho họ quá thiển cận để tiếp nhận cả một nền văn hoá.

Đọc xong Bakuman, mình nghĩ nhiều về những điều mình đang làm, muốn làm, và sẽ làm trong quãng đời phía trước. Thật tốt khi có những thằng bạn như Quang Ớt, nó xuất hiện một cách tình cờ trong cuộc sống, có mặt một cách bất chợt trong những thời điểm khó khăn rất cô đơn, và kiên nhẫn luận đàm thâu đêm suốt sáng với mình về đủ thứ chuyện ái ố giữa trần gian.

Biết đâu, đó là tình bạn của những Otaku.

———-

ChuKim – 2017

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.