Đề bài: hãy kể một việc tốt em đã làm.

Bài làm:

Hôm nay em đi học. Em đi từ nhà ra ngõ hết hai trăm bước. Em đi năm mươi bước trên đường qua cửa hàng bán đồ. Em đi tiếp chín mươi bảy bước qua chợ bán rau. Em rẽ trái ba nghìn bước đến ngã tư. Em chờ đèn đỏ hai mươi giây rồi em qua đường. Em đi tiếp mười bước ngang qua ngõ nhà bà em. Em đi qua hồ gần nhà bà em hết một trăm hai tám bước. Đến trường, em không gặp cụ già, em nhỏ nào để dắt qua đường hết. Em không có việc gì để làm, đó là việc tốt của em. (*)

Đó là bài văn của cháu Phan nhà mình. Mình đọc xong mà bị nấc cục mất một lúc. Cháu Phan đích thực là một nhân vật ngự trị trên đỉnh cao gia đình.

Cháu gọi mình bằng cậu. Năm nay cháu học lớp bốn. Mình từ nhỏ đã vốn tính hài, trong nhà ngoài ngõ người nào cũng bảo mình kể chuyện nghe buồn cười. Lớn lên đúng y như vậy, anh em bạn bè chơi với mình ai ai cũng khoái vì mình hài, bọn con gái thì khỏi nói, chỉ cần có cơ hội ngồi xuống uống miếng nước rồi thủng thẳng mở miệng ra ba hoa là y như rằng mình gieo sầu cho bao chàng trai trái tim tan nát, hihi. Mình viết blog có những chuyện mình kể rất nghiêm túc và chân thành, vậy mà nhiều bạn vào comment bảo mình viết buồn cười thế, xong các bạn gõ hình mặt cười ngặt nghẽo làm mình lắm phen cũng phải công nhận về sự hài hước bẩm sinh của bản thân.

Vậy mà từ ngày cháu Phan ra đời cách đây ngót nghét chín năm, lớp sóng sau chồm lên và mình đã bị hạ bệ không thương tiếc. Càng lớn, cháu càng hài.

Mẹ cháu kể, hồi cháu Phan đi học lớp một, cháu đã có những hành động khiến tất cả ngỡ ngàng. Đơn cử như những ngày đầu mới vào học, không khí trường lớp thơm mùi chữ nghĩa cùng lời dặn dò hết sức cẩn thận của các bậc phụ huynh trẻ tuổi khiến đám nhóc con vừa háo hức lại vừa hồi hộp, tất thảy đám tiểu quỷ đều ngồi im nghe cô giáo giảng bài. Từng giờ học cứ thế trôi qua, cứ ngỡ như sự nghiệp mài mông trên ghế nhà trường của các học sinh nhí sẽ mãi mãi diễn ra yên ả như vậy, đùng một cái, giữa một tiết học nọ, khi cô giáo đang say sưa bú mớm từng lời trên bục giảng, cháu Phan đứng phắt dậy, bỏ ra ngoài lớp, vẻ mặt cháu tươi tắn, ánh mắt cháu lấp lánh yêu đời. Cô giáo thấy thế vội hốt hoảng chaỵ theo, hỏi, Phan, con đi đâu đấy, đang trong giờ học cơ mà. Cháu Phan nhìn cô giáo và nói:

‘Học chán quá. Phan đi chơi đây.’

Nói rồi cháu Phan thản nhiên quay lưng bỏ đi, hướng về phía sân trường đầy nắng.

Câu nói của cháu Phan không khác nào cái tát giáng thẳng vào mặt cô giáo, người đại diện ưu tú của giáo dục nước nhà. Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ, các cụ đã có câu đúc kết như vậy rồi, thật cấm có sai. Cô giáo lặng người đi mất mấy giây, tất nhiên phần còn lại của câu chuyện thì chính nghĩa đã không thuộc về cháu Phan. Các bạn phải hiểu rằng mình đang kể chuyện xảy ra dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thân yêu, với nền giáo dục xã hội chủ nghĩa luôn nhắc đi nhắc lại rằng bạo lực cách mạng là con đường đúng đắn, là con đường duy nhất dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thì hoàn toàn không có cái chuyện chính nghĩa tất thắng đâu các bạn, mà là bạo lực tất thắng mới đúng, bạo lực thắng rồi thì bạo lực vỗ ngực tự xưng mình là chính nghĩa và bắt người ta phải biết ơn vậy thôi. Cháu Phan ở độ tuổi lên sáu thì lấy đâu ra bạo lực, nên chính nghĩa đã thuộc về cô giáo cháu, chỉ còn lại ánh mắt ngơ ngác của cháu Phan. Về nhà mọi người hỏi, thế dạo này học còn chán không Phan, cháu Phan gật đầu:

‘Chán lắm ạ.’

Lại một lần khác, trong lớp có tiết dự giờ. Mình đồ rằng phần lớn bạn đọc blog mình đều đã từng đi học ở xứ sở An Nam ta, trăm phần trăm các bạn đều từng trải qua những tiết dự giờ mà ở đó định nghĩa về sự lố bịch đã được đẩy lên đến một tầm cao mới. Có ông anh mình kể chuyện, hồi bé tham gia tiết dự giờ, cô giáo cho các em học sinh chuẩn bị trước rất kĩ, cô hỏi câu nào thì sẽ có bao nhiêu bạn giơ tay xung phong, trong đó sẽ có một bạn đã học thuộc lòng câu trả lời được cô giáo chọn đứng lên phát biểu xây dựng bài. Màn kịch được tập dượt rất kĩ càng. Người diễn biết thừa người xem biết mình diễn, người xem biết thừa người diễn biết mình biết người diễn đang diễn. Thế mới hay, đúng y tích chất của một vở kịch. Giờ G điểm, các cán bộ đứng đầy cuối lớp và hành lang, trong lớp cô giáo mặc áo dài trang điểm loè loẹt như con công, nụ cười giả lả tươi tắn trên môi, các em học sinh ngồi ngoan dị thường. Đúng như kịch bản đã luyệt tập, từng động tác đưa ra rất nhuần nhuyễn, ăn khớp dưới cái nhìn săm soi của các cán bộ ở ‘trên’ về. Đến lượt ông anh mình được gọi lên phát biểu, khổ, chú bé bảy tuổi lần đầu được đứng dưới ánh đèn của sân khấu cuộc đời vĩ đại, thế nào lại quên béng mất câu trả lời đã tụng như cháo cả tuần nay. Im lặng đến ngột ngạt, mặt ông anh cắt không còn giọt máu, cô giáo tươi cười hỏi thế còn bạn nào biết không, rồi vẫy tay ra hiệu cho thằng học sinh trời đánh ngồi xuống. Phía cuối lớp, một vài ánh mắt nham hiểm loé sáng. Sau vụ ấy, ông anh mình kể bị ăn mắng xối xả, mẹ phải đèo ông anh đến tận nhà cô giáo để xin lỗi. Chú bé bảy tuổi không bao giờ có thể hiểu nổi mình đã mắc lỗi gì mà tày đình đến vậy.

Ba mươi năm sau, cung cách của mái trường xã hội chủ nghĩa thân yêu vẫn đéo khác gì. Cháu Phan được tham dự tiết dự giờ. Nhờ tư chất thông minh, tính cách vui vẻ hoạt bát, cháu Phan được giao cho một chân đứng lên phát biểu xây dựng bài. Giống như hàng chục năm qua, cháu cũng được dượt đi dượt lại đến phát chán cùng các bạn trong lớp. Tiết dự giờ đến, các cán bộ đứng đầy cuối lớp và hành lang, trong lớp cô giáo mặc áo dài trang điểm loè loẹt như con công, nụ cười giả lả tươi tắn trên môi, các em học sinh ngồi ngoan dị thường. Đúng như kịch bản đã luyệt tập, từng động tác đưa ra rất nhuần nhuyễn, ăn khớp dưới cái nhìn săm soi của các cán bộ ở ‘trên’ về. Đến lượt cháu Phan, cháu đứng lên, trả lời rất to, dõng dạc, từng câu chữ cháu phun ra như châu như ngọc, đúng y như đáp án cô giáo muốn nghe. Nhưng chỉ như thế thôi thì kể ra làm cái mẹ gì, được nửa chừng câu trả lời, cháu Phan ngồi phịch xuống trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Cô giáo rất bình tĩnh, cô nhắc, Phan trả lời tiếp đi con. Phan ngước lên nhìn cô, vẫn dõng dạc, nụ cười tươi sáng trên môi:

‘Phan trả lời thế thôi, thế là đủ rồi.’

Cô giáo chết lặng, tiếng cười đâu đó bật ra thành tiếng rúc rích. Cái hay là ở chỗ, tuy nền giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thân yêu không hề thay đổi gì sau chừng ấy năm, các bậc phụ huynh và giáo viên lại có rất nhiều biến chuyển. Tất nhiên là không phải tất cả, bằng chứng là câu chuyện về những hiệu trưởng, giáo viên thỉnh thoảng xuất hiện trên báo làm dân chửi đến mức chỉ thiếu nước bọt thôi là đủ cho bọn nhân cách thấp kém chết chìm. Cô giáo cháu Phan sau tiết dự giờ đã kể lại chuyện này cho mẹ cháu, họ rất vui vẻ chứ không hề căng thẳng.

Cháu đi học với tính cách tuyệt vời như thế, đâm ra những người phụ nữ quanh cháu rất lo lắng. Cũng không có gì đáng nhạc nhiên, phụ nữ thường không hiểu được giấc mơ của đàn ông. Một lần đến trường cháu Phan, mẹ cháu vào lớp, gặp bạn Chi Mai ngồi cạnh, mẹ cháu hỏi, thế Chi Mai ngồi cạnh bạn Phan thấy bạn ở lớp thế nào. Cô bé sáu tuổi trả lời:

‘Bạn Phan cũng ngoan, nhưng cháu còn phải dạy bảo nhiều.’

Đọc đến đây sẽ thấy bọn con gái thật đáng sợ!! Nhưng cô bé Chi Mai xinh xắn này là người bạn duy nhất không chê cháu Phan ngốc, Chi Mai luôn bảo vệ Phan. Mô típ của những tính cách đặc biệt và tình yêu thưở thiếu thời đã xuất hiện trong hành trình của ông cháu mình như vậy đấy. Mẹ cháu Phan kể, hồi cháu Phan cuối lớp ba, chuẩn bị chuyển trường, tình cảm bạn Chi Mai dành cho cháu càng ngày càng đặc biệt. Bạn Chi Mai là con lai, học lớp ba mà bạn đã cao lớn hơn hẳn các bạn bằng tuổi, nhìn như thiếu nữ yểu điệu, có lần mẹ cháu Phan đến đón, thấy cháu Phan đang đứng ở cổng trường cùng bạn Chi Mai, bạn Chi Mai mua hai cái xúc xích, cho Phan một cái, bọn khác lân la xin xỏ, bị bạn Chi Mai đá đít hết.

Mẹ cháu Phan về nhà kể lại trong bữa ăn tụ tập đông đủ, mọi người bò ra cười, mình trong lòng phục lăn cháu Phan. Cháu Phan đòi bật hoạt hình xem, các cậu không cho vì cháu bật tivi rất to, bắt phải xem bản tin thể thao. Cháu Phan cau mặt:

‘Phan buồn quá!’

Các cậu lại cười thêm một phen nữa. Cháu Phan tỏ ra rất tức. Đó là khi cháu buồn.

Ở nhà cháu Phan cũng có những biểu cảm phải nói là tuyệt vời. Một hôm mẹ cháu phát hiện ra một chiếc răng của cháu bị lung lay, mẹ cháu bảo Phan đi đánh răng, rồi lấy chỉ buộc vào chiếc răng đang lung lay, cháu Phan chưa kịp hiểu gì thì mẹ cháu kéo phựt một phát. Phan khóc ré lên nghe rất thảm thiết. Mẹ cháu vội vứt cái răng đi, lấy bông rịt vào miệng đang chảy máu của cháu, phải dỗ dành cháu Phan rất lâu. Cháu Phan ngậm bông nằm trong chăn một lúc rồi ngủ thiếp đi một trận khoảng mười lăm phút, xong lúc sau tiếng tivi ầm ầm làm cháu giật mình tỉnh dậy, nói:

‘Mình còn sống!’

Chuyện này chị gái cháu Phan viết trên facebook, cháu Thuỷ Du cũng là một cháu mình rất yêu mến, lần khác sẽ kể chuyện về cháu Thuỷ Du.

Đúng như sự đời, những người hài hước lại thường có tâm hồn nhạy cảm. Cháu Phan trong mắt mọi người là chàng trai không bao giờ buồn, không bao giờ ghét ai, cháu quan sát vạn vật với cái nhìn trong sáng, cháu luôn hạnh phúc với những gì cháu có, một cách đáng ngưỡng mộ. Mình không biết cháu có bao giờ buồn thật không, ở độ tuổi lên tám thì nỗi buồn của cháu hẳn phải rất khác với nỗi buồn của mình bây giờ. Thỉnh thoảng mình nhìn cháu Phan và nhớ lại những khi mình đăm chiêu suy nghĩ hồi bằng tuổi cháu, thấy rất mong được chứng kiến cháu sau này lớn lên đi tán gái thế nào.

Hôm qua cả nhà về quê giỗ ông ngoại mình, tức là cụ của cháu Phan. Ngày nghỉ, mẹ cháu bảo về quê có biển đấy, cháu Phan rất hào hứng, cháu đinh ninh đây là một chuyến du lịch như những lần được ba mẹ cháu tha lôi đi cùng. Cháu mặc nguyên bộ màu xanh từ đầu tới chân, các dì các cậu nhìn thấy thì cười ồ lên, mấy con dì không biết thưởng thức độ bỉ của một chàng trai cứ trêu cháu nhìn như con ếch, mình thì khen cháu Phan quá đỉnh. Sau này mấy con dì đấy thế nào cũng yêu phải mấy thằng có tính bỉ thì mới sáng mắt ra.

Về đến quê, cháu Phan đi cùng mọi người ra lăng thắp hương, cháu không thấy biển đâu, cháu kêu:

‘Quê gì mà chán thế.’

Mẹ cháu đá đá vào mông cháu, bảo cái thằng này, cứ làm như đi resort năm sao không bằng, đây là quê mà. Đi đường, mẹ cháu Phan chỉ cho cháu đây là chỗ ngày xưa bà ngoại sinh ra mẹ, kia là trường cụ xin cho mẹ đi học lớp một. Lúc mọi người chuẩn bị cỗ bàn, mẹ Phan dẫn cháu ra chợ, chỉ cho cháu chỗ này, chỗ kia, kể cho cháu kỉ niệm ngày nhỏ mẹ cháu về quê, kỉ niệm với cụ. Cháu Phan nghe rồi nói:

‘Phan cũng muốn có quá khứ.’

Cả chuyến đi ăn giỗ, cháu Phan rất ngoan, ăn uống xong xuôi, nhờ sự sốt ruột của cháu mà đám con cái cháu chắt quê miền biển mới rục rịch ra biển chơi. Cháu Phan rất vui, cháu tung tăng trên bãi biển và là người duy nhất trong đoàn bị ướt tất ướt giày do sóng đánh chạy không kịp. Cháu còn dỗi vì ba mẹ chụp ảnh ôm ấp nhau mà không cho cháu chen mặt vào, các bà, các dì rủ cháu chụp ảnh thì cháu trưng ra bộ mặt bí xị hiếm hoi, phải một lúc sau, khi được chụp ảnh cùng ba mẹ và chị gái, cháu mới lại toe toét như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

26238674_1927904767222866_496200977_o

Cháu Phan nhìn con dã tràng xe cát, lấy làm thích thú lắm, giống như tất cả những thằng con trai ở tuổi ấy, cháu lấy chân bịt đi hết lỗ cát nãy đến lỗ cát khác trên bãi biển. Mình hỏi cháu, Phan này, cậu đố Phan biết có bao nhiêu con dã tràng, bao nhiêu cái lỗ trên bãi biển. Cháu Phan quay ra hỏi ba ơi, có bao nhiêu con trên bãi biển. Ba cháu bảo, ba tỷ. Cháu Phan quay ra nhìn mình cười rạng rỡ, ba tỷ ạ. Mình trề môi, người ta đố mà cháu lại đi hỏi thì nói làm gì.

Trên đường về, cháu Phan ngồi cạnh mình, cháu chống cằm, lặng lẽ nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Cháu ngồi như thế rất lâu. Rất lâu.

 

*Chú thích: bài văn bị thất lạc do nhà trường thu mất vở, cậu của cháu phóng tác theo lời kể của mẹ và bà ngoại cháu.

———-

ChuKim – 2018

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.