Ngày giỗ mẹ sắp đến, cuộc sống vẫn tiếp tục, nhưng lòng người trong gia đình bị chia cắt.
Là đang nói đến chuyện cúng bái và đốt vàng mã.
Nhà có ông chú, làm nghề thầy cúng. Lúc còn nhỏ, đến chơi nhà chú, thấy có sách chữ nho, chú ngồi đọc, thấy cũng hay hay. Chú ăn chay, hay mặc quần áo nâu, đeo cái bị, trong nhét mấy quyển sách ấy. Tình cảm dành cho chú không đặc biệt, không xa cách, không gần gũi, nó cũng nhẹ nhàng trong sáng như mọi thứ tình cảm gia đình khác, của một thằng cháu không sống ở quê.
Ngày mẹ mất, có người nói, mẹ cháu mất vào giờ không tốt, nên làm cái lễ cúng để sau này anh em được khoẻ mạnh, làm ăn được tốt. Trả lời, cảm ơn ý tốt của cô chú, sau này cháu ốm yếu thì một là do thể trạng không ổn, hai là không chịu rèn luyện sức khoẻ, ba là do môi trường sống xuống cấp về vệ sinh, còn nghèo hèn thì một là do ngu dốt không biết cách làm ăn, hai là do lười biếng không có ý chí, tuyệt đối không liên quan gì đến sự mất mát này. Người ta nghe xong, gật đầu không nói nữa. Ông chú làm nghề thầy cúng lúc sau đến, nói, chú xem rồi, mẹ cháu mất vào giờ đẹp, giờ tốt, không vấn đề gì cả, không phải làm gì cả.
Lớn lên, đi học, rồi đi làm cái nghề liên quan sát rạt đến những chuyện cúng bái, phong thuỷ. Sống trong xã hội trọng âm phần, gặp mười người thì hết bảy, tám người hỏi, thế có biết về phong thuỷ không. Không, chỉ biết về vài nguyên tắc cơ bản thôi. Câu trả lời đại khái như vậy, lặp đi lặp lại hàng ngàn lần. Ơ thế trong trường không được dạy à. Không.
Nhìn ngó, va chạm, đủ thứ chuyện, như con đường trưởng thành trên hè phố. Tiếng thở khẽ giữa cuộc đời đảo điên.
Xã hội rất buồn cười, người ta tin cái thước Lỗ Ban nó có sức mạnh xoay chuyển càn khôn, xoay vào số đỏ au thì là tốt, xoay vào chỉ một ô màu đen thôi, thì khéo chết cả nhà. Thằng cu em ngồi uống bia, nó kể chuyện, mới đi làm, sếp giao cho thiết kế cái thiệp mừng năm mới để in tặng khách hàng. Tay mơ thôi, có phải dân thiết kế đâu, tức là sếp cũng chẳng quan trọng mẹ gì hình thức cái thiệp ra làm sao, mày cứ lên mạng học theo mẫu sẵn mà làm, có tên mình là được. Lúc in thử, sếp lôi trong hộc bàn ra cái thước Lỗ Ban, kéo kéo ướm ướm, rồi bảo, mày làm vầy thì chết cả công ty.
Xã hội rất buồn cười, ngày xưa có dạo cùng bạn mở quán cafe, một cách hào hứng và bốc đồng. Vẽ vời rồi sửa sang chán chê, thích thú lắm. Mẹ bạn bảo, nhờ người đi xem rồi, anh em chúng mày được tuổi, để tên anh em chúng mày làm chủ quán, cô nhờ người cúng nhập trạch, chọn ngày chọn giờ rồi. Hôm ấy, ông thầy cúng đến, cúng bằng văn Nôm, khác với ông chú trong nhà, ngồi nghe thấy cũng là lạ. Lúc sau xong việc, ông thầy rổn rảng nói cười, yên tâm yên tâm, cứ thế mà làm ăn. Hỏi chuyện, ông thầy kể, tôi về hưu rồi, từ ngày về hưu mới có thời gian mà đi giúp cho mọi người thế này đấy. Vâng, thế trước thầy công tác ở đâu ạ? Tôi làm trưởng công an phường X cậu ạ.
Xã hội rất buồn cười, có dạo ngồi ở một văn phòng, hai đội chung nhau một địa chỉ. Công việc thì cứ bận rộn vậy, sức ép cũng như những cái nghề kiếm tiền khác thôi, cơm áo gạo tiền thì có bao giờ là nhàn hạ. Đội bên kia gặp trục trặc, không được xuôi chèo mát mái. Bực quá, suy nghĩ mãi rồi tổ chức mời thầy cúng về xem phong thuỷ, phát hiện ra ngồi không đúng chỗ, vận khí nó không phất lên được, các cậu ngồi thế bảo sao mà không thông. Sắp lại chỗ ngồi, sếp ngồi ngay lối ra, nhân viên ngồi trong. Thầy cúng đến cúng bái xin xỏ, xong việc ngồi hút thuốc, cười hề hề bảo cứ yên tâm, đảm bảo ba tháng nữa là phất, không phất thì cứ đến tìm tôi. Ngứa miệng lại hỏi, trước thầy làm việc gì ạ? Ngày xưa tôi là lái xe. Mấy tháng sau, sập, tan nghé xẻ đàn.
Xã hội rất buồn cười, có dạo đi làm nhà cho người ta, vẽ vời rồi thi công cũng có thể coi là cẩn thận. Một ngày, chủ nhà dẫn về một ông sư, bảo ông này rất giỏi rất nổi tiếng về phong thuỷ, người giàu với quan chức hay nhờ ông này xem lắm. Hỏi, ơ tưởng trước chú có người xem phong thuỷ rồi mà, làm theo phương án đấy rồi mà? Đáp, nhưng mà ông này giỏi hơn, chú phải mời mãi mới được đấy. Ông sư đi vào công trường, ngó nghiêng dăm ba phút, trèo lên tầng trên, ngó nghiêng dăm ba phút. Mở sổ ra tra cứu, rồi bảo, anh để cái thang này ở đây, thì làm ăn hỏng cả, mà còn có cơ gặp hoạ, chết cả nhà. Chủ nhà xanh mặt. Lại ngứa miệng, hỏi, bây giờ thế đất và phương án làm như vậy rồi, có cách nào khắc phục không thầy. Ông sư bảo, là tôi nói vậy, nghe hay không thì tuỳ các anh. Chủ nhà ở nước ngoài nhiều năm, rất thích văn hoá kiến trúc phương Tây, cuối cùng nằng nặc đòi đổi phương án.
Xã hội rất buồn cười, cũng lại chuyện đi làm nghề, nhiều chủ nhà trẻ tuổi, thế hệ con cháu của chủ nhà vừa kể ở trên, đi nước ngoài du học, bằng cấp cao vời vợi. Người thì đòi quay đầu giường con về phía phòng vệ sinh, vì ngủ hướng ấy học mới giỏi. Người thì đòi đứng dí sát vào tường để nấu bếp, vì sợ bếp để dịch ra bốn chục phân thì thẳng cửa vào phòng ngủ con, bếp nóng, sau này lớn lên nó ốm yếu dặt dẹo. Bếp từ. Toàn là các chị em phụ nữ. Vừa cười khổ vừa thuyết phục mỏi mồm mới nghe. Cũng may mà còn chịu lắng nghe.
Xã hội không buồn cười chút nào, bao nhiêu lâu nay, chuyện nguồn gốc tục đốt vàng mã, nhiều người nói mãi rồi, báo đài, trên mạng, dưới phố, không phải là không có ai tìm cách giải đáp bí ẩn đằng sau cái tục đốt giấy cho người chết. Gần như chẳng ai nghe, ai đốt cứ đốt, đốt hăng, đốt mạnh, đốt nhiều cho nó tốt. Dưới quê, nói chuyện đừng đốt nữa, đàn ông thì gật gù, không ông nào thiết tha gì, các bà đàn bà thì nhăn mặt, cau có. Lời qua tiếng lại, mọi người ngại va chạm, rồi đâu lại hoàn đó. Có đám giỗ, thói quen của người ta là đến thắp hương thì mang theo tập giấy tiền. Đốt cho người quá cố.
Xã hội không buồn cười chút nào, thanh niên có cái nghề mới, gọi là nghề hầu đồng. Cô đồng bóng cậu trở thành một cái nghề danh giá, phải có căn, có vận số mới làm được. Làm rồi, thì tài lộc đổ vào, làm rồi, thì phát lợi phát danh cho thiên hạ. Thanh niên hứng thú, thanh niên đam mê, thanh niên coi đó là việc tốt làm đẹp cho đời. Thanh niên không có hiểu biết đủ sâu về lịch sử, không có cái nhìn chiêm nghiệm về văn hoá dân gian. Thanh niên không ham thích khoa học. Truyền thông tôn vinh, nâng lên hàng di sản.
Xã hội không buồn cười chút nào, ngày xưa, để xem phong thuỷ, phải mời thầy phong thuỷ về nhà, nghiên cứu, ăn ở trong nhà, xem xét đủ kiểu chán chê, mới ra phương án. Bây giờ, đến nói dăm câu, uống chén nước trà, mà phải mời lắm mới bỏ từng ấy thời gian, rồi về. Chưa được nhìn thấy bản vẽ phong thuỷ có khoa học, có lý có tình bao giờ, chưa được làm việc với trí thức nghiên cứu thực sự về bộ môn này của Á Đông bao giờ, chưa được làm việc với người biết lắng nghe, biết bàn luận, biết tìm phương án bao giờ, rặt đi nghe lời đám lưu manh vô học, ngồi lên đầu lên cổ. Hoá ra, chuyện trên cổ gắn cục phân là có thật.
Xã hội không buồn cười chút nào, ngày vào chùa làm lễ cầu siêu bốn mươi chín ngày cho mẹ, trong chùa có cái bàn thờ, thờ bức ảnh chân dung phổ biến nhất cả nước. Hai nhà làm cùng một ngày, một nhà đặt lễ lên bàn thờ ấy, một nhà toan định đặt nhưng tự cản nhau lại. Nhà kia hỏi, ơ thế không cúng b. à. Không, không có nhu cầu. Chùa đạo Phật nhưng trong chùa có xây lò đốt vàng mã, khá lớn, đặt ở góc sân. Đốt phừng phừng, sức nóng toả ra rát mặt. Trong lúc tụng kinh, có mấy người mặt hoa da phấn mặc áo nâu vào ngồi chắp tay cùng, ừ thì kệ họ. Tụng kinh xong, lục đục định ra về, họ bảo ở lại dự lễ đưa đò. Ngơ ngác không hiểu gì, thấy nhà kia ngồi cả lại, cũng tò mò ngồi theo. Mấy người kia múa hát những điệu hát cổ quái, ánh đèn chập chờn leo lét. Họ đưa con thuyền giấy ra, bảo góp lễ đi, hỏi góp bao nhiêu, trả lời góp càng nhiều thì càng tốt. Trong nhà có người rút ví. Khùng lên, kéo tất cả mọi người đứng dậy, gằn giọng, mọi người đi ra ngoài ngay, không tham gia mấy cái thứ này. Định tìm sư trụ trì hỏi cho ra nhẽ, tại sao lại dung dưỡng những thứ này ở chốn thờ Phật. Mọi người can, sợ to chuyện.
Xã hội không buồn cười chút nào, đạo Thiên chúa có nghi thức kết hôn ở nhà thờ, được Chúa tạo mối liên kết cho hai con người. Xem cho lắm phim, đi cho lắm Tây, có cầu thì có cung, đạo Phật bây giờ bèn đẻ ra lễ hằng thuận, cũng na ná thế. Không biết có phải do hiểu biết về Phật giáo ngu dốt không, mà thấy ngán ngẩm. Lại nữa, ngày xưa ấn đền Trần là do vua Trần ban cho tướng lĩnh đi đánh giặc xâm lược, thế nên mới diễn ra vào lúc đêm hôm mờ sáng. Bây giờ bày ra, in phát như phát tờ rơi quảng cáo, dân đen xúm đông xúm đỏ, chen chúc, bỏ tiền ra mua. Chả hiểu đi đánh giặc nào, chắc không phải giặc Tàu đang chiếm biển Đông rồi.
Kể chuyện một lúc, thấy xã hội vừa cười vừa khóc, tiếng khóc cười xen lẫn vào nhau, tiếng khóc cười vang vọng và ám ảnh.
Thôi, hết những ngày này, rồi lại chứng kiến cả thôi, đốt vàng mã, cúng giải hạn, cầu tài cầu lộc, phóng sinh, thôi thôi thì thì, thì thì thôi thôi, đủ cả.
Đôi lời tâm sự lúc đêm khuya.
———-
ChuKim – 2018
ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.
– natchukim.cogaihu@gmail.com –
PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.
Chào anh !
Một người bạn của anh có nhờ em đọc bài và giải quyết những thắc mắc cho anh .Hy vong bài viết của em dưới đây sẽ giải quyết môt phần nào đó những thứ anh đang trăn trở. Em là người có niềm tin vào tôn giáo,tri thức ,khoa hoc phương đông ,và hơn cả là một con người có niềm tin vào luân lý.
Bài viết dưới đây sẽ chia làm 2 phần chính :
1/tín ngưỡng và những quan niệm sai lầm
2/niềm tin vào các bộ môn khoa học phương Đông
từ đây anh sẽ có hướng suy nghĩ về những điều anh đang phải trải qua .
1/tín ngưỡng và những quan niệm sai lầm
Xin đươc bắt đầu phần này bằng đoạn thơ :
Một lòng thờ mẹ kính cha .
Cho tròn(trọn) chữ hiếu mới là đạo con
Đây là câu thơ kinh điển Mà người Việt Nam dùng để nói về đao lý làm người.Ở một đất nước mà khí hậu lẫn địa hình không ưu ái cho con người thì người mẹ luôn có vai trò quan trọng về tinh thần còn người cha có sức khỏe sẽ gánh vác trọng trách về của cải vật chất. Mọi người thường cho rằng hai thứ này luôn đi song song ,kỳ thưc không phải chúng ta không sống để giàu có sung túc,giàu có chỉ là một phương tiện để lý giải cuôc đời mình. Khi anh nghèo khó mà trở nên giàu có tất nhiên anh sẽ rất vui vì mình sẽ thấy đươc một chân trời mới và trả lời đươc nhiều câu hỏi hơn.Quay trở lại nói về người mẹ .Người mẹ luôn chủ về tình cảm vì thế tôn thờ tình cảm anh sẽ là người luôn chiếm đươc trái tim của người khác .Đó là chuyện trong nội cuộc gia đình.đó là bài hoc cơ bản.Tiếp đến tín ngưỡng sẽ cho anh những bài hoc lớn hơn ,tình cảm ,lòng bao dung theo nghĩa rộng như cách thu phục lòng người và cách an ủi những linh hồn mà mình không hề quen biết. Đó là khi trí tuệ của đã vượt ra khỏi nóc nhà Anh sẽ cần biết đến người mẹ của những người mẹ để tìm đươc một chân trời mới về tình yêu và tính nhân văn. Khi anh cầu trí tuê cũng vây, trong phạm vi nhỏ là gia đình hàng xóm ,rộng hơn là các bâc thánh nhân, trên nữa là các bâc sáng thế. Khi các đấng tối cao chấp nhận ban cho anh một phần nào đó trí tuê của họ thì khi đó anh sẽ có được suy nghĩ của bậc thánh nhân ,đó là thứ duy nhất ho có thể cho ta. Vì thế đi lễ đền chùa để mưu cầu vật chất mãi mãi là điều nhảm nhí.
2/ Niềm tin vào các bộ môn khoa học phương Đông
sở dĩ em viết phần tín ngưỡng lên trên bởi vì khoa học phương Đông cũng là một bộ môn phân tầng đòi hỏi ở con người ta cần có một đạo hạnh cũng như một trí tuệ toàn diện .Đó là những con người có căn cơ và được thần thánh nâng đỡ .Vì vậy để găp được các bậc tài trí như vậy thì còn khó hơn cả việc anh trúng vietlot .Anh có cơ duyên găp đươc những người đó đã khó và khi họ nhìn con người anh và giúp anh thì còn khó hơn.Trong bộ môn địa lý (mấy thầy thường gọi là phong thủy để đươc người phàm cho là cao siêu) nó cũng có những đao lý nhất định ,để nhìn được những đạo lý thì con người không con cách nào khác là phải tu tập.Một khi chuyên tâm nghiên cứu rồi thì phải gạt bỏ tất cả những ham muốn vật chất và tư duy chủ quan để nhận đươc một trí tuê sáng suốt. Một cái cây có phần gốc rễ tốt thì anh chặt kiểu gì thì nó vẫn phát triển và cho hoa trái bình thường.Học thuât cũng vậy nếu có một cái gốc vững chắc và một tư duy đúng thì anh là việc gì cũng đúng.Cách chọn một ông thầy địa lý cũng vậy .một người thầy có đạo hạnh luôn đặt vấn đề vật chất làm thứ yếu .Cái họ cần là khẳng định bản lĩnh của mình và giá trị của hoc thuật để tri ân những người dạy bảo họ. Vẫn có câu vàng thì ít mà sỏi đá thì nhiều vì vậy việc anh gặp phải những ông thầy thương mại là chuyện hết sức bình thường,ho đánh bóng bản thân bằng vật chất thay vì tri thức. Vậy nên khi mời 1 thầy địa lý anh cũng cần có một trình độ để xem xét về con người cũng kiến thức của người thầy đó.Cảm thấy người đó mặt mũi vô phúc ,đừng nhờ .Cảm thấy người đó ăn nói ngu dốt, đừng nhờ .Chữ thầy cao quý lắm anh ạ ! Người thầy chân chính luôn cho anh nhiều hơn những thứ anh cần và nhận về không đáng là bao.
Chúc anh sớm tìm được câu trả lời cho mình !
LikeLiked by 1 person
Chào bạn, rất cảm ơn bạn đã dành thời gian và sự quan tâm đến blog của mình. Mình đã đọc comment của bạn và mình có suy nghĩ rằng có vẻ như bạn chưa thực sự hiểu ý mình muốn nói trong bài viết. Mình hoàn toàn không có thắc mắc gì, cũng như mình cũng không có vấn đề gì với khoa học phương Đông, mình đưa ra những hiện tượng trong xã hội, thái độ và hành vi của con người trước những vấn đề như vậy và một phần suy nghĩ của mình trong đó. Ngoài ra, mình không hề nhận xét, áp đặt cũng như không phủ nhận, không có bất kì thắc mắc gì để cần phải giải đáp.
Một lần nữa, rất cảm ơn bạn đã dành thời gian và sự quan tâm, thông qua comment của bạn, mình hiểu rằng bạn là người có tâm huyết, hi vọng trong tương lai mình tiếp tục nhận được sự quan tâm của bạn.
LikeLiked by 3 people
Đoạn cuối phần comment reply làm cho mình buồn cười quá, không có ý gì đâu, chỉ là đang chán phát ốm lên đc thì kiếm đc thứ làm mình bật cười :))
LikeLike
🤣🤣🤣
LikeLike
chukim cần tìm hiểu ý này: Chào anh !
Một người bạn của anh có nhờ em đọc bài và giải quyết những thắc mắc cho anh…
LikeLiked by 1 person
=)) tâm sự chung của nhiều bạn đọc comment này
LikeLiked by 2 people