Người thầy và người giáo viên là hai người khác nhau.

Câu này quá chính xác. Hôm nay là ngày 20/11, ngày lễ xã hội chủ nghĩa dành được nhiều tình cảm nhất của mọi người, mình nhớ tới những người thầy từng dạy và dỗ mình, nhân tiện nhớ cả tới vài giáo viên đã đi ngang qua cuộc đời.

Kể nghe, kí ức đầu tiên là hồi mình đi học mẫu giáo, độ bốn, năm tuổi gì đấy. Đi học thì tất nhiên vui, đến giờ chơi cả lũ trẻ con chạy nhảy hò hét nghịch ngợm như ong vỡ tổ, mình tất nhiên không ngoại lệ, chơi mệt xong khát khô cổ, ra bình nước rót uống ừng ực xong ngửa cổ kêu à à như bợm nhậu ngoài đường. Sau giờ ăn thì đến giờ ngủ trưa, hồi đấy lớp mình có ba cô giáo phụ trách, hai cô rất hiền, còn một cô thì khó tính, hay đe nẹt bọn mình, mặt cô thường ở trạng thái cau có như chó ăn ớt, nụ cười mà nở trên môi cô thì không khác nào một sự kiện lớn. Lâu quá rồi mình không nhớ tên cô khó tính là gì, nhưng bọn mình rất sợ cô, cô mà nghiêm mặt lại là không đứa nào dám ho he gì, ở nhà mình cũng không đến nỗi sợ bố mẹ mình như sợ cô.

Uống nhiều nước, buổi trưa lại ăn cơm có nước canh rau, thỉnh thoảng đang nằm ngủ thì mình buồn đái. Lẽ ra cứ ngóc cổ dậy nói một câu với cô giáo đang ngồi gần đấy mà đi giải quyết, nhưng lúc ấy mình chỉ là đứa trẻ con năm tuổi với trái tim như thắt lại vì sợ hãi khi nhớ tới câu nói đầy quyền lực, giờ ngủ trưa ai mà không trật tự ngủ thì chết với tôi, của cô giáo kính mến. Mình sợ tới mức đéo dám đi đái, và chỉ còn hai trường hợp xảy ra, một là mình nhịn thành công cho tới giờ dậy, nếu may mắn, hai là mình sẽ tè dầm mẹ luôn, giống như lẽ thường rằng bầu trời chỉ có ngày có trăng và ngày không trăng vậy.

Cay đắng và tủi hổ, mình, đứa trẻ năm tuổi với tâm hồn non nớt, đã đem lòng ghét cô, ghét vãi đái và sợ cũng vãi đái luôn. Bây giờ lớn từng này, nghĩ lại, mình đéo hiểu tại sao cô phải làm cho trẻ con cảm thấy sợ đến thế, mà đoan chắc rằng những đứa trẻ như mình, và những cô giáo như cô không phải hiếm hoi gì dưới gầm trời xứ sở này. Năm ấy chắc cô còn ít tuổi hơn mình bây giờ, thế mà mình ám ảnh đến già mẹ luôn, bây giờ nghe nhắc đến cô giáo mầm non là mình chạy mất dép, không bao giờ la cà tán tỉnh bướm ong.

Sau đó mình lên lớp một, cô giáo chủ nhiệm lớp mình là cô Nguyệt, cô Nguyệt rất trẻ, rất xinh, rất hiền và rất yêu quý bọn mình, mình nhớ mẹ mình kể năm ấy cô Nguyệt mới vừa ra trường, lớp 1E bọn mình là lứa học sinh đầu tiên cô dạy. Không biết có phải vì thế mà cô Hường chủ nhiệm lớp 1C thường xuyên sang chuyện trò với cô Nguyệt để dìu dắt hay chăng. Cô Hường không như cô Nguyệt, cô Nguyệt thì có thể mình còn phải nghĩ một lúc để hình dung lại khuôn mật cô, chứ cô Hường thì không, mình nhớ như in hình dáng của cô. Cô Hường béo, già (già hơn cô Nguyệt), mặt cô lấm tấm mụn hoặc tàn nhang gì đó, cô để tóc ngắn, dáng đi bệ vệ, cô có vẻ ngoài dữ tợn, đi lại rất hiên ngang kiêu dũng. Cô Hường cũng na ná như cô giáo khó tính ở lớp mẫu giáo của mình, cô thường gằn giọng, trừng mắt, quát tháo, tạo ra một mãnh lực khủng khiếp để trấn áp đám nhóc con nghịch ngợm bọn mình. Có thể đó cũng là một phương pháp sư phạm, nhưng mình đéo quan tâm, mình ghét cái kiểu ấy vãi l., và tất nhiên bọn mình sợ cô Hường vãi l. luôn.

Lúc này đã là chàng trai học lớp một với diện mạo tuấn tú, khôi ngô, phong thái của mình cũng đĩnh đạc tự tin hơn rất nhiều, tất nhiên rồi, thời gian làm con người ta trưởng thành hơn, và mình đã bước từ phòng học mẫu giáo lên phòng học lớp một với tất cả niềm háo hức trải nghiệm mà một người đàn ông có thể có. Một lần, lại là buồn đái, nhưng là trong giờ học, mình đã khẳng khái đứng dậy nói con xin phép cô cho con đi vệ sinh, đối với mình đấy thực sự là một chuyển biến vĩ đại, cảm giác như ngày mai Việt Nam có dân chủ đến nơi rồi, thật không thể tin nổi trời ơi..

Mình ra khỏi lớp, lòng ngập tràn sung sướng mê say, mình rảo bước chạy trên hành lang đầy nắng và gió, từng bước chân tung tăng cùng đàn chim bay và bầy bướm lượn, tiếng muôn thú reo ca như hoà vào cùng lời hát của mình, mình đánh võng lắc lư trên hành lang để tận hưởng bằng tất cả các giác quan cái cảm giác hạnh phúc ấy, khi mình sắp được đi đái, người ta chả đã nói rồi đấy thôi, thật không gì thoải mái bằng ỉa đái kịp thời.

Nhưng hỡi ôi, niềm vui ngắn chẳng tày gang, mình lượn từ hành lang ra cầu thang, khi đang vẽ một đường cua cực gắt thì cô Hường bỗng từ dưới đất chui lên. Pha độn thổ xuất hiện bất ngờ của cô Hường làm mình không phản ứng kịp, mình đâm rầm vào cô Hường. Mình ngã bật ra đằng sau, khi lồm cồm bò dậy, ngẩng đầu nhìn lên thấy cô Hường đứng đó sừng sững. Cô Hường véo tai mình xách lên đau điếng, cô nói gằn từng chữ, mày ơi mày, mày đi đâu mà vội vội vàng vàng thế hả mày, mày không mở mắt ra mà nhìn thấy tao à?

Lưỡi mình líu lại, lắp bắp, dạ.. con đi.. vệ sinh ạ. Nỗi sợ hãi bao trùm lấy mình. Sau đó cô Hường thả cho mình đi, niềm vui đi đái bay biến hết sạch, chỉ còn lại tâm trạng nặng nề bao trùm trên từng cú vẩy lên tường nhà vệ sinh hôi thối tanh mù mà thôi.

Đmẹ, kể lại chuyện này mà thấy căm phẫn nổi lên trong lòng. Đó chỉ là một đứa trẻ con thôi mà, nó chạy không để ý đâm vào, thì nhắc nó cẩn thận một câu, cùng là một nội dung, sao phải dùng ngôn từ mạnh mẽ đến vậy. Mình chắc chắn cô Hường là loại giáo viên hạng bét, hành xử lỗ mãng với đứa trẻ con lớp một như thế, không thể là người khẩu xà tâm phật được. Bây giờ khi dùng ngôn từ của một người lớn, mình diễn đặt theo cách này, còn khi ấy, bọn trẻ con lớp một chúng mình rỉ tai nhau: cô Hường ác lắm..

Thời gian thấm thoát trôi đi, bẵng đi vài năm êm đềm dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thân yêu, mình lên cấp hai và đụng phải người giáo viên mình ghét nhất trong suốt đời đi học, mà phải dùng ba chữ sau đây mới lột tả được hết tâm tư: bà chủ nhiệm.

Mình kể đến đây, chắc một nửa số bạn đọc blog sẽ ồ lên đồng cảm. Mình biết thừa, mình có phải chỉ giao du với mỗi đám bạn học cùng lớp cùng trường cùng thế hệ thôi đâu, hehe.

Cô giáo chủ nhiệm ấy rất ghét mình, chuyện mình đến trường, kỉ luật linh tinh bị quở phạt, mình không có vấn đề gì, ở đâu có lệ đấy, mình hiểu điều đó. Nhưng đến cuối năm lớp tám thì sinh chuyện. Bọn mình đang học văn một cô giáo mà bọn mình rất yêu thích, cô dạy rất hay, thì chẳng hiểu sao một ngày đẹp trời cô giáo chủ nhiệm đến thông báo, sang năm lớp mình có cô văn khác nhé. Lúc ấy chuẩn bị lên năm cuối cấp quan trọng, bọn mình không muốn có sự thay đổi như vậy, đại đa số lớp mình muốn tiếp tục học cô văn cũ. Họp nhau lại bàn bạc, bọn mình quyết định viết một lá đơn bày tỏ nguyện vọng. Mình vẫn nhớ ngày hôm ấy, tập trung ở nhà cái Trang, mình và vài đứa ngồi viết viết soạn soạn, đến khi yên tâm về nội dung thì chuyền tay nhau kí. Đang kí dở thì đùng một cái, bà chủ nhiệm xuất hiện, đuổi hết tất cả về, bọn bạn sợ chạy như ong vỡ tổ, sau đó cái Trang bị bắt phải chìa lá đơn ra và bị tịch thu.

Có nội gián. Mình hiểu ngay vấn đề. Và một vấn đề còn nghiêm trọng hơn, đó là chuyện đổi cô giáo dạy văn không đơn thuần là đổi giáo viên thông thường.

Sau đó là một chuỗi những sự kiện tranh cãi, dàn xếp, khóc lóc, hứa hẹn mà mình chán chả buồn kể ra, chỉ biết mình được liệt vào thành phần chống đối, dụ dỗ, cầm đầu. Điều đáng buồn là kết thúc mùa hè đáng nhớ ấy, bọn mình vẫn không được tiếp tục học cô văn cũ, mà phải học cô văn mới, người sau này rất quý mến mình, cô gọi mình là họa sĩ dù hồi ấy tóc chỉ hơi dài hơn nội quy một chút.

Buổi tập trung đầu tiên của năm học mới, ban phụ huynh đến, bác trưởng ban, tức mẹ thằng bạn học cùng mình từ hồi mẫu giáo, đứng trên bục, bác nói vừa rồi có một vài chuyện xảy ra khiến cho không khí có phần căng thẳng, nhưng cuối cùng mọi người đã đi đến được sự thống nhất, mong các con không để mất tập trung vào việc học vì đây là năm cuối cấp rất quan trọng. Cô giáo chủ nhiệm lúc ấy chả hiểu sao đã già đầu hai thứ tóc rồi, mà bỗng từ cuối lớp đi phăm phăm lên bục, nói nào, bây giờ xem ai còn muốn chống đối thì cứ thử xem nào. Giọng nói đầy đe doạ, bất chấp ánh mắt ngỡ ngàng của bác trưởng ban phụ huynh.

Mình ngồi đó, ngả người ra lưng ghế, lắc đầu cười ngán ngẩm. Giây phút ấy, mình biết cuộc sống của mình sẽ không hề yên ả chút nào.

Đúng như mình nghĩ, buổi học đầu tiên diễn ra, mình bị chuyển chỗ ra ngồi một mình một bàn ngay trước bàn giáo viên. Mình bình thản chấp nhận trong sự ái ngại của bạn bè. Ba tuần đầu tiên của năm học mới, các thầy cô cả cũ và mới liên tục gọi mình lên bảng trả bài đầu giờ, hoặc gọi mình đứng dậy trả lời câu hỏi. Làm gì có cái sự trùng hợp đáng yêu như thế, hihi.

Cũng may, mình năm ấy mười bốn tuổi, chả hiền lành mẹ gì, đã chuẩn bị rất ngon và điểm hệ số một sau đó toàn chín, mười và điềm nhiên sống khoẻ cả học kì. Riêng cô văn mới không gọi mình kiểm tra miệng, sau này mình học hành không đến nỗi tệ nên cô nhìn mình với con mắt thiện cảm không dấu diếm. Các thầy cô hoặc là được rỉ tai về thành phần cá biệt, hoặc là tò mò về thằng bé tóc tai loà xoà ngồi một mình một bàn trước bàn giáo viên, nhưng chả sao, đó là chuyện bình thường.

Chuyện không bình thường thì vẫn ở phía trước, lần lượt hai học kì, mình thường xuyên bị gọi lên bảng trả bài môn toán, môn của bà chủ nhiệm. Nếu là giải toán thì đơn giản, tự tin sức học của mình thì mấy bài kiểu sách giáo khoa như thế không thành vấn đề, nhưng oái oăm là ở chỗ mình bị bắt đọc thuộc lòng mấy đoạn đóng khung trong sách giáo khoa. Mẹ kiếp một lối giáo dục phản lại sự tiến bộ của loài người. Mình không đến nỗi tệ khi vẫn nói được ý chính, đọc được công thức, nhưng bị bắt bẻ sai từ này, sai từ kia, săm soi tra từng câu dò từng chữ như bọn hủ nho, và trừ điểm chát chúa mẹ luôn. Tất nhiên, tí điểm bọ mình chả tiếc, mình cười nhạt về chỗ. Và không tất nhiên chút nào, điều nằm ngoài dự đoán của mình là chuyện ấy lặp lại bốn lần ở bốn giờ toán liên tiếp. Điểm mình kém dần: tám, bảy, sáu, năm.

Cuối kỳ điểm trung bình môn toán kém hẳn đi. Thây kệ, mình đã không xin xỏ lên gỡ điểm như đám bạn vẫn thường.

Sau này mình còn nghe mấy đứa bạn mình kể, bố mẹ chúng nó ngày 20/11 đến nhà cô chủ nhiệm, được nhắc nhở không nên cho con cái chơi với mấy đứa cá biệt trong lớp, toàn bọn mất dạy không giáo dục nổi. Có mình trong đám mất dạy không giáo dục nổi ấy, mình (lại) cười khảy, nói, loại giáo viên như thế là cái loại giáo viên gì. Mười bốn tuổi, mình thực sự có lẽ đã hiểu một phần về cuộc sống.

Lên đại học thì khỏi nói, trường kiến trúc bây giờ không biết ra sao chứ thời mình đi học thì nổi tiếng về sự bê bối tiền, điểm. Bọn mình, đám sinh viên vắt mũi chưa sạch thường xuyên phải đi tiền giáo viên. Nói nghe mà phát nhục. Đi tiền để được chấm đúng điểm bài làm, đi tiền để được nhẹ nhàng cho qua môn phụ, đi tiền để được tích điểm danh, v.v.. đủ các loại đi tiền. Hồi đầu chưa đi làm thêm, mỗi lần ngửa tay xin tiền cha mẹ để nhét vào phong bì cùng bọn bạn, mình thấy nhục, nhục không để đâu cho hết nhục, cha mẹ mình thì nhăn mặt, chẹp miệng, cái bọn giảng viên đại học đúng thật là..

Những năm về sau, mình tiếp tục đi học và tiếp tục chứng kiến không ít giáo viên khiến mình, xin lỗi, thường ném cho họ cái nhìn khinh bỉ. Có thể lúc ấy mình trẻ người non dạ, mình chưa biết chuyện đời, mình quá khắt khe khi đánh giá những người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho mình. Nhưng chẳng phải những người làm nghề dạy học ấy, đối tượng mà họ giao tiếp nhiều nhất là đám học sinh bọn mình hay sao, chẳng phải họ đang làm việc mà họ tin rằng là tốt đó sao. Nỡ nào khắc nghiệt với lũ choai choai chỉ đáng tuổi con cháu ở nhà.

Cũng may, nhờ gặp nhiều giáo viên như thế, mình mới hiểu trên đời còn có những hiện thân rất tuyệt vời của tấm lòng nhân hậu, của tình cảm nồng ấm chân thành, của sự dìu dắt dạy bảo với không gì hơn ngoài sự mong muốn học trò tiến bộ giỏi giang nên người. Hiện thân ấy, gọi là người thầy.

Những người thầy mà chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ quên.

———-

ChuKim – 2017

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.