Hôm nay, Hà Nội nóng. Cái oi bức đầu hè khiến không khí trở nên ngột ngạt. Nóng đột ngột tăng mạnh chỉ sau một đêm, nóng đến tàn khốc. Mình đi xuyên qua thành phố ba lần, đếm được tổng cộng chi hết ba mươi nghìn tiền uống trà đá. Xin thêm đá ba lần.
Ngồi uống cốc nước dưới tán cây, vô tình đọc được bài báo mạng, tiêu đề là ‘Thủ tướng chỉ đạo nâng cấp nhà vệ sinh trường học chưa đạt chuẩn’ (*). Bật cười. Chuyện năm nào chợt hiện về sau bóng lá.
Mình từ nhỏ tới lớn đi học tổng cộng đúng hai mươi năm. Ba tuổi đi học mẫu giáo, tham gia đầy đủ mẫu giáo bé, mẫu giáo nhỡ và mẫu giáo lớn. Lúc mẫu giáo bé và mẫu giáo nhỡ mình còn nhỏ quá, không có nhiều kí ức về nhà vệ sinh, chỉ nhớ mang máng có sàn xi măng, chân tường ốp gạch men màu trắng. Có lần mình đi ị xong tần ngần ngắm nhìn cục cứt rồi lấy tay chọc chọc vào thử, đưa lên mũi ngửi thấy thối quá bèn bôi vào gạch men cho sạch. Vết cứt vàng ươm nổi bật trên nền gạch, hôm sau cô giáo lại đưa mình vào ị, mình vẫn nhìn thấy vết cứt đấy. Cô giáo thì không.
Sau đó nhà mình chuyển từ Trung Tự sang Thành Công và mình, cậu bé năm tuổi khôi ngô với ánh mắt buồn thăm thẳm đã vụt sáng trở thành một ngôi sao mới nổi ở trường mẫu giáo Hoa Sen với đủ các loại sự kiện chỉ vỏn vẹn trong hơn nửa năm học cuối của thời kì mầm non chất chơi. Nhưng thôi chuyện ca ngợi bản thân để bao giờ vừa đi đường vừa kể sau. Bây giờ ngồi kể chuyện nhà vệ sinh đã.
Đến lúc này mình đã năm tuổi, gần đi học lớp một, mình đã nhận thức và ghi nhớ được khá nhiều điều. Mình nhớ như in, lớp mình là lớp A5, từ cổng phụ của trường Hoa Sen, rẽ trái chừng sáu, bảy bước là tới cửa lớp. Từ cửa lớp đi xuyên qua gian phòng chính nơi mình và bọn bạn lăn lê chơi đùa và thi đua học tập là tới phòng để balo của bọn mình ở phía tay phải, từ phòng để balo ấy, có một cửa, mình gọi đó là cửa vào nhà vệ sinh.
Mình rất ghét cánh cửa và cái nhà vệ sinh ấy, thỉnh thoảng mấy thằng bạn mình buổi sáng đến lớp, chưa tới giờ tập trung nghe cô giáo răn dạy, chúng nó cứ thích cất balo xong là đứng ngay đấy chào hỏi nhau, cung cách hân hoan như thể hôm nay là một ngày tốt lành và nơi đó là một nơi thật đẹp. Mình chả thấy đẹp mẹ gì, cửa sơn màu xanh, bong tróc, nhìn tầm thường như bao cánh cửa khác, nó rất hẹp, hẹp hơn các cửa ra vào phòng nọ phòng kia mà mình từng biết khá nhiều, hẹp đủ để một thằng nhóc năm tuổi nhận ra thì các bạn hãy hiểu là nó thực sự hẹp. Bước vào bên trong là không giăn tăm tối, ẩm ướt. Sàn xi măng lúc nào cũng có vài vũng nước lõng bõng, lúc nào vào mình cũng thấy như vậy, chưa bao giờ thấy sàn nhà khô ráo lấy một lần. Tường sơn xanh, cũng bong tróc nham nhở y hệt như cửa vào, chân tường rêu mọc đen xì. Điều khiến mình ghét nhất là mấy ô cửa sổ lấy sáng trên cao, chúng rất bé, mờ mịt, bẩn thỉu, không sáng choang như ở trường cũ của mình, thường trực là thứ ánh sáng xanh xao yếu ớt chỉ vừa đủ để nhận ra đâu là lối đi, đâu là chỗ đứng chỗ ngồi. Mình rất sợ phải bước vào không gian tối tăm, ướt át và đặc biệt là hôi hám ấy, lần nào buồn ị mình cũng phải thở dài thườn thượt tưởng chừng như cực chẳng đã mới đành thất thểu ra bảo cô ơi cô, cháu buồn ị.
Cô giáo sẽ dẫn mình vào căn phòng ám ảnh ấy, để mình ngồi đó, trước khi bỏ đi, cô nói bao giờ xong thì nhớ gọi cô vào rửa đít cho. Mình ngồi một mình trong không gian ma quái, vừa ị vừa sợ tái cả mặt, mũi khịt khịt ngửi mùi khai thối đã trường tồn trăm năm cùng lịch sử. Lúc sau, mình thều thào, cô ơi cô cháu ị xong rồi, không có tiếng trả lời, mình đành vận sức, cô ơi cô cháu ị xong rồi. Cô giáo bay vào, dùng chân, vâng dùng chân, chính xác là mu bàn chân rửa đít cho mình, tay cô vung vung gáo nước. Bây giờ lớn rồi, mình hiểu, rửa như cô thì trẻ con nó sạch thế nào được, vậy mà mẹ mình không bao giờ to tiếng với mình hay với cô giáo mình về chuyện ấy. Lạ thật.
Mình sợ và ghét đi ị ở trường đến nỗi, mình tìm mọi cách né tránh, mình nhớ mình chỉ ị ở trường vài lần, cùng lắm là đếm sang đến bàn tay thứ hai, có lần căng thẳng quá mình còn ị đùn luôn vì chưa kịp kết thúc sự phân vân. Ê chề nhục nhã rất lâu sau đó cho đến khi bọn bạn đã quên đi..
Sau đó mình ra trường và bắt đầu sự nghiệp đèn sách mười hai năm phổ thông khốc liệt.
Cấp một mình học trường Kim Đồng, cấp hai học trường Giảng Võ, lên cấp ba thì học trường Lương Thế Vinh. Toàn mấy trường có tiếng học khá, nghe oách lắm, rất tiếc chính xác là những đứa học giỏi hơn mình có tiếng, chúng đem lại tiếng tăm cho trường, chứ mình thì không. Không chỉ giống nhau ở khoản học khá, những ngôi trường mình từng mài mông nghịch ngợm còn có chung một đặc điểm: nhà vệ sinh.
Nhà vệ sinh cực bẩn, bẩn kinh tởm bẩn. Đéo thể hiểu nổi tại sao giữa lòng thủ đô mà tình trạng nước dội vệ sinh lại khan hiếm đến vậy. Luôn luôn, trong suốt mười hai năm đèn sách, luôn luôn là mùi xú uế mọi rợ xộc thẳng vào mũi bọn học sinh mỗi lần bước chân đến gần cửa nhà vệ sinh. Có vòi nước rửa tay, nhưng nước thường không đủ để dội rửa sau khi đi vệ sinh, cung cách tiền sử cũng đã quá lỗi thời đối với những năm chín mươi, hai nghìn, khi mà nhà nhà ở thành thị đều đã có bồn cầu tráng men.
Nhắc đến lại thấy lợm giọng, những khoang có cửa để đi đại tiện thật sự là một đại thảm hoạ, một trò hề khốn nạn giữa thế giới văn minh. Những cánh cửa khi thì bằng gỗ, khi thì là nhựa, ọp ẹp, bệ rạc, mở ra, tràn ngập cứt trong hố xí xổm tồi tàn, u tối.
Không có nước.
Không có bất kì một giọt nước nào, hay bất kì dấu hiệu nhỏ nhoi nào của một cái cần gạt, một cái nút vặn, hay một cái thổ tả nào đó có thể làm nguồn nước hiện ra dội trôi những cục cứt đang nằm la liệt. Chỉ có cái vòi nước bên ngoài gần lối vào, quanh năm, nó không có nước hoặc chỉ rỉ ra vài giọt đủ để rửa tay nếu đứa học sinh có khả năng nhịn thở đủ lâu. Một cái vòi thứ hai, nếu may mắn có tồn tại, sẽ được xả vào một cái lu nước xinh xinh, nếu có nước, tất nhiên nó cũng thường xuyên khô queo.
Kể đến đây lại nhớ chuyện hồi học lớp mười một. Lớp mình có thằng Tiến Anh rất nghịch, một thằng tên là Duyệt lại rất hiền. Hôm ấy đang học thì thằng Duyệt đứng lên xin phép đi ra ngoài, mặt mày nhăn nhó, tay nó vò vò tờ giấy nháp. Anh em nhìn theo, biết ngay thằng này sắp đi.. vũ trụ. Một đặc điểm nữa là nhà vệ sinh các trường không bao giờ có giấy vệ sinh, vòi xịt là thứ gì xa xỉ vô cùng, nằm mơ à?? Bọn học sinh, mà chắc là học sinh nam thôi, thường phải vò giấy vở cho mềm ra để dùng sau khi hành sự. Anh em biết thằng Duyệt đi nặng, thì biết vậy thôi. Nhưng thằng Tiến Anh không để hiểu biết trở nên vô nghĩa, nó biến thông tin thành hành động. Chờ thêm năm phút, nó cũng đứng dậy xin phép ra ngoài, hai phút sau nó quay lại, cười cười nhìn lướt qua mặt bọn mình.
Thêm độ dăm phút thì hết giờ, Duyệt vẫn chưa vào, thầy giáo cũng không lấy gì làm mặn mà. Thầy ra khỏi lớp, thằng Tiến Anh bật dậy, ê bọn mày, theo tao ra đây cho xem cái này hay lắm. Hội xóm nhà lá bọn mình ngồi cuối lớp rần rần đứng dậy đi ra theo nó. Nó dẫn bọn mình vào nhà vệ sinh cách lớp một khoảng sân nhỏ chừng mười bước chân. Thằng Tiến Anh cười ngoác đến mang tai, tao nhốt thằng Duyệt trong này rồi, nói đoạn nó chỉ tay vào khoang đi nặng đang chốt ngoài. Vầng, bạn không đọc nhầm đâu: chốt-ngoài. Phải nói là đỉnh cao của sáng tạo, khoang đi nặng, một không gian cần tối ưu hoá sự riêng tư, ở trường mình có chốt ngoài. Bình thường bọn mình không ai để ý, nhưng thằng Tiến Anh bạn mình có tư chất của một thằng bạn mất dạy, nó đã nhốt thằng Duyệt ở trong.
Thằng Duyệt ngồi trong, nghe tiếng bọn mình phá ra cười ầm ỹ bên ngoài, chợt nhận ra nó đang mắc kẹt với đống cứt của chính nó và của rất nhiều kẻ đi trước. Bị kéo khỏi cơn rặn, nó bị đẩy vào cơn khổ nạn gấp trăm lần. Thằng Duyệt đập cửa, kêu địt mẹ thằng Tiến Anh, mở cửa cho tao. Nó gào lên. Anh em nghe, lại phá ra cười, cười ngặt nghẽo, bá vai bá cổ nhau mà cười, có ông suýt trượt trân ngã vào vũng nước đái. Thằng Tiến Anh nhơn nhơn hét vọng vào, á à chửi à, chửi thì cứ ngồi đấy nhé. Không gian rộn ràng tiếng cười của bọn mình. Thằng Duyệt vẫn đập cửa, mở cửa cho tao, lần này nó đã không chửi nữa. Rầm, rầm. Nó vẫn đập cửa. Anh em vừa lau nước mắt vừa xì nước mũi, bôi lên áo nhau, vừa tiếp tục theo dõi màn đấu trí. Thằng Tiến Anh cười hơ hơ, này, Duyệt, mày phải nói thế nào chứ nhỉ? Thằng Duyệt gào lên mở cửa cho tao, rầm, rầm. Chẳng ích gì. Thằng Tiến Anh vẫn không hề lay chuyển. Không gian trở nên im ắng, được vài giây thì giọng thằng Duyệt lại vang lên, lần này nó rên rỉ, Tiến Anh, thôi mở cửa cho tao đi, Tiến Anh ơi.. Tiến Anh ơi… Thằng Tiến Anh cười, bảo nhưng mày phải hứa không được đánh tao cơ. Đến đây thì không có tiếng trả lời. Thằng Thao Đông hồi ấy vẫn đang là lớp trưởng, thấy vậy bèn bảo, thôi, trêu nó thế đủ rồi, mở cửa cho nó đi, không nó chết ngạt trong đấy bây giờ. Nói đoạn nó tự bước tới giải thoát cho thằng Duyệt.
Thằng Duyệt béo lùn, tất nhiên không đánh lại thằng Tiến Anh giỏi thể thao, nó chỉ cay cú buông ra vài lời chửi rủa vô nghĩa. Anh em sau đó nhớ chuyện này đến già.
Mình kể đến đây, bạn đừng vội trách bọn học sinh lười, không chịu ra múc nước vào dội. Bạn nói thế, thì bạn ngu xuẩn cổ vũ cho thứ lạc hậu bần tiện, bạn không đáng để mình trả lời ở đây. Nực cười, chúng đi học, cha mẹ đóng đủ thứ tiền, bao giờ cũng có tiền vệ sinh, chúng chẳng nợ ai điều gì, và chúng không được cung cấp đủ những yếu tố để có một môi trường học tập đủ vệ sinh. Chúng đéo thể giữ vệ sinh nổi, khi mà chúng chưa bao giờ được trải nghiệm nhà vệ sinh trường học sạch sẽ. Đơn giản là đéo thể.
Nhà trường tất nhiên có vài người lao công, và phận sự của họ, bọn học sinh nghĩ, có lẽ không bao gồm cái nhà vệ sinh của chúng.
Thật ô uế.
Người ta sẽ viện ra đủ thứ lý do, nào là cơ sở vật chất hạn chế, điều kiện còn nhiều khó khăn, nào là học sinh ý thức còn kém nên chỉ đáng như thế thôi, nào là làm sao phục vụ tốt cho bằng đấy đứa học sinh được.
Mình cũng từng nghĩ vậy, hồi còn đi học. Lần cuối cùng mình giữ suy nghĩ ấy, là trước khi mình bước vào nhà vệ sinh của thầy cô. Trường nào cũng có nhà vệ sinh dành riêng cho thầy cô giáo, lại một điểm chung. Cái này thì cũng hợp lý, tránh những chuyện thầy cô người lớn động lòng tà đạo với bọn học sinh con nít ranh.
Hôm ấy, mình đến trường sớm, một buổi trưa nắng nóng cuối năm học, cũng như tầm này. Ăn cơm xong là phi lên trường để gặp mấy thằng bạn nên mình chưa kịp giải quyết nỗi buồn. Nhà vệ sinh khoá cửa. Cả bốn tầng nhà đều khoá cửa. Khốn nạn. Sau đó mình mới biết, họ chỉ mở khoá phòng vệ sinh nửa tiếng trước giờ vào học. Họ không cho những đứa học sinh buổi sáng đến trường học nghề rồi vạ vật ở lại do nhà xa được dùng nhà vệ sinh. Ôi chao, sao mà cay đắng thế.
Mình mót quá không chịu được, sực nhớ ra có lần mang tài liệu cho cô giáo lên phòng giáo viên, đi ngang qua cái cửa phòng vệ sinh dành cho các thầy cô. Mình đánh liều ù chạy tới đó. Buổi trưa, ngó vào thấy một vài thầy cô đang rầm rì nói chuyện hoặc thiu thiu ngủ, mình mở cửa phòng vệ sinh. Ôi chao, sao mà sáng thế, sao mà thơm tho sạch sẽ thế, sao mà bóng bẩy thế này. Mình như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh nào đó, cảm giác y như sau này đi nước ngoài, vào khu vệ sinh của trung tâm thương mại xịn, thơm sạch còn hơn ở nhà mình. Giải quyết xong, mình vặn vòi nước rửa tay, thật sự choáng váng, nước chảy mạnh, êm ái, mát lạnh. Mình cứ đinh ninh ở trường không bao giờ có nước..
Năm ấy, mình học lớp bảy. Mình chưa ý thức được rành mạch vấn đề, mình chỉ mơ hồ cảm nhận được nỗi băn khoăn, sự uất ức dâng lên trong lòng. Tại sao thầy cô giáo thì được dùng nhà vệ sinh như thế này, còn bọn học sinh lại phải dùng nhà vệ sinh như thế kia? Thế hoá ra thầy cô giáo là người còn bọn học sinh không khác gì chó lợn à?
Mình thấy nhục. Nhục thực sự. Nhục vì cảm giác bị coi thường, bị khinh rẻ. Đó là thứ cảm giác bị trấn áp, bị xâm chiếm mà đến bây giờ mình mới cắt nghĩa được. Một nền giáo dục, một xã hội với những phân tầng giai cấp quá rõ rệt. Trời ơi.
Cũng may, pha tình cờ lọt vào động tiên ấy đã tác động không nhỏ đến mình. Mình bừng tỉnh, sau đó chẳng bao giờ mình còn ngại ngần trước hình bóng vĩ đại của các thầy cô giáo. Có thể có chuyện đúng, có thể có chuyện sai. Nhưng giờ này, ngồi viết những dòng này, mình thấy một nỗi ê chề cay đắng trên từng đầu ngón tay. Bọn mình đã từng vui vẻ đùa bỡn trong xú uế, bọn mình đã cam chịu bao nhiêu năm ròng rã, bọn mình, và cả cha mẹ bọn mình, đã chẳng làm gì, chẳng nói gì để thay đổi, để tạo ra điều tốt đẹp hơn.
Hôm nay, đọc được bản tin ấy, cười. Phì cười vì kỉ niệm thời đi học, cười buồn cho một bộ máy, một hệ thống ù lì, chậm chạp, một chuyện con con mà đến tận bây giờ người ta vẫn còn nhắc đến. Than ôi, từ ngày không còn phải bước vào nhà vệ sinh không bao giờ xả nước nổi của trường kiến trúc cách đây bảy năm, đến giờ mình đã ba mươi tuổi, mình vẫn thấy ông thủ tướng nghiêng đầu lắng nghe dân, nghiêng đầu lo cho việc nhà vệ sinh chưa đật chuẩn của lũ học sinh.
Sống trong bãi cứt lâu ngày, mùi thối cũng bất chợt thấy bớt thối hơn. Đau.
———-
———-
ChuKim – 2018
ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.
– natchukim.cogaihu@gmail.com –
PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.