Nhà mình mỗi lần gia đình tụ tập, mọi người lại có thú vui nhắc lại rồi bình phẩm những chuyện đành hanh của mình hồi còn bé. Tất nhiên là để trêu mình.
Hồi nhỏ mình rất quái đản. Theo lời bố mẹ mình và các cô dì chú bác anh chị em họ lớn tuổi hơn mình thì mình là một thành phần ‘chưa từng có’. Bây giờ kể ra như thế nghe có vẻ không khiêm tốn lắm, nhưng suốt mấy chục năm nghe đi nghe lại những chuyện ấy, lần nào mình cũng có cảm giác bàng hoàng còn mọi người thì luôn tỏ ra đầy hào hứng và lắc đầu lè lưỡi. Họ kể những chuyện ấy cho các em rồi đến các cháu mình, lần nào cũng kể, kể đi kể lại mà không biết chán.
Đọc trong sách báo thấy người ta đưa thông tin rằng trẻ con thường phải từ bốn tuổi mới bắt đầu có khả năng lưu được những chuyện đã xảy ra thành ký ức, còn trước đó thì chúng nó sẽ dần dần quên tiệt đi mất, sau này chỉ há mồm nghe người lớn kể. Chẳng biết họ nói vậy có đúng không, cứ tạm coi là tin tưởng được, thì mình vẫn cho rằng số lượng người nhớ nhưng không bao giờ kể hoặc lên mạng vung vít suốt ngày như mình, cũng không phải ít ỏi gì. Mình chẳng nói điêu, tình cờ thế nào mà những mẩu chuyện vụn vặt cứ chợt loé lên và lưu lại rất lâu trong tâm trí non nớt của mình, sớm nhất là vào khoảng khi mình hơn hai tuổi, sau này lớn lên mình hỏi lại mẹ mình thì mẹ mình kể thêm cho mình biết tình tiết trước sau, mẹ mình lúc ấy đã rất ngạc nhiên vì thấy mình nhắc lại những kỉ niệm mà bà cho rằng mình chẳng tài nào nhớ nổi.
Một đôi lần mình nói chuyện với bạn đọc blog mình, có bạn bảo thích đọc khi mình viết về gia đình, về những chuyện nghịch ngợm thời thơ ấu bé tí bé teo, mình đồ rằng cảm giác ấy cũng gần gũi như những lúc mình và bọn bạn ngồi kể cho nhau nghe về hành trình lớn khôn đầy vui nhộn.
Mình tự thấy mình nhớ được khá nhiều chuyện so với những người xung quanh, nhiều bạn nói với mình em chẳng nhớ gì cả, đọc anh viết em thấy anh kể chân thật cứ như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Mình cười, thật ra đó cũng là do tiểu xảo câu chữ mà khiến bạn nghĩ vậy, bạn thấy yêu thích thì mình coi là lời khen dành cho mình, mình rất vui, chứ thời thơ ấu của bất kì người nào chẳng là một thước phim quay chậm, khi tỏ khi mờ, khi lung linh huyền diệu, khi trầm lặng bâng khuâng, phải vậy không?
Thỉnh thoảng, trong những buổi tụ tập gia đình như thế, mình cũng góp mồm à cháu nhớ chuyện đấy, hồi ấy như này như này, cháu nhớ mà. Cô dì chú bác mình ai cũng khen thằng này nhớ giỏi nhỉ, hồi đấy nó bé tí mà bây giờ nó vẫn kể vanh vách, mình nghe thế thì khoái lắm, lại vung vít thêm đủ thứ với cả nhà. Ấy vậy mà vẫn có rất nhiều chuyện kì khôi, những trò ương bướng ngỗ nghịch của thằng Tũn ngày ấy, mình nghe cứ như mọi người đang kể về một đứa bé nào chứ không phải mình. Có vài người họ hàng, họ chứng kiến hồi mình lộng hành tai quái khi còn nhỏ, lớn lên, bẵng đi vài năm rồi một ngày đẹp trời họ gặp lại mình và tỏ ra ngỡ ngàng vì thằng oắt con láo toét năm nào giờ bỗng trở thành một chú thiếu niên bặt thiệp, thậm chí có đôi phần lạnh lùng ít nói dù vẻ điển trai khôi ngô thưở ấy vẫn hiện rõ trên từng đường nét khuôn mặt.
Ngỡ ngàng xong họ lại ngồi cùng nhau buôn chuyện về mình với mẹ mình. Trăm lần như một, không có buổi gặp gỡ nào với bà Hằng mà thiếu đi tiết mục nói xấu thằng Tũn hồi bé. Nói thật là mình phải công nhận cuộc sống của họ khá nhàm chán vì ít đề tài trao đổi, ngoài chuyện về những người họ hàng chung mà thằng Tũn có tính ‘rốn của vũ trụ’ nhất thì không có gì khác mà nói. Lần nào gặp nhau cũng nói y những chuyện như vậy mà cứ cười hơ hơ, đúng là gia đình!!
Cười rồi mình lại nghĩ, ừ nhỉ, thời thơ ấu, quãng đời mà rốt cuộc sau bao nhiêu biến cố, sau bao nhiêu chống chếnh buồn vui, sau những hạnh phúc hay buồn thương của kiếp người, ai ai cũng đều khôn nguôi hồi tưởng, ai ai cũng nhớ về nó bằng tất cả hoài niệm dịu ngọt hay đắng cay, dẫu cho đã đi qua khắp nẻo đường đời, rồi một ngày bình tâm, lại muốn quay về làm đứa trẻ năm nào, với ánh mắt trong trẻo ngước bầu trời hôm nay có gì để tò mò khám phá.
‘Tại sao một con sư tử phải trở thành trẻ thơ? Vì trẻ thơ là sự hồn nhiên và sự quên lãng, là một sự bắt đầu mới, là một trò chơi, là một bánh xe tự xoay chuyển, là một hành động đầu tiên, là một tiếng chấp nhận thiêng liêng’.
– Nietzsche – Zarathustra đã nói như thế –
Có lẽ, những minh triết giản đơn với nhận thức thanh khiết nhất về tất cả những triết lý đạo nghĩa của cuộc sống đã là dòng sông bất tận chảy qua tâm hồn chúng ta ngay từ những ngày mới bắt đầu ngắm nhìn cuộc sống, chẳng qua là chúng ta đã quên mất đó thôi, là chúng ta đã bỏ lỡ khỏi chính mình đó thôi.
Vì quên mất, vì bỏ lỡ mất, nên cần có những người già, những người lớn, những mẹ cha, những cô bác, những người anh người chị kể lại, nhắc lại, trêu chọc, đay nghiến trong suốt quãng đời của kẻ lang thang tìm kiếm hình hài thơ bé trong tâm hồn của chính mình dưới lốt áo trưởng thành.
Mình nghĩ về mẹ, về ông ngoại, về các ông bà, các chú bác trong nhà đã qua đời. Hoá ra, họ rời bỏ cuộc sống này, mang theo không chỉ kí ức của họ, không chỉ những câu chuyện về riêng họ, mà họ còn mang theo cả một phần kí ức của mình, những câu chuyện về mình, về thằng Tũn tính nết kì dị được cưng chiều hết mực thưở ấy. Đó là kí ức của mình. Dưới cái nắng tháng bảy một chiều Hà Nội, mình ba mươi tuổi và bỗng chợt oà khóc, nhận ra mình đã vĩnh viễn mất đi kí ức của mình, mất đi một phần đời mà mình không cách gì tìm lại, mất đi những câu chuyện mà mình không biết có từng tồn tại trong trí nhớ của ai hay không. Có kỉ niệm nào mẹ chưa từng kể cho mình hay không, có trò vui nào ông ngoại chưa từng nhắc lại với mình hay không? Có điều gì về mình mà họ đã lỡ quên đi, và mang theo trong cái nắm tay, cái liếc mắt cuối cùng với mình hay không?
Hồi bà Phấn, là em dâu của ông nội mình, mất, lúc ấy mình học cấp hai, thằng Tít học cấp một. Bọn mình về quê đám tang bà. Mình vai anh lớn, đứng đầu đám cháu chắt trong nhà. Có lúc ngồi với mấy đứa em, thằng Nam em họ mình ôm bà nội mình, hồi đấy nó bé, cũng học cấp một, nó bảo bà ai chết thì chết, bà mình không chết là được. Mọi người nghe thấy, ồ ra cười, khen nó còn bé mà tình cảm yêu bà rất hồn hậu. Thằng Nam lúc ấy học lớp ba. Hôm vừa rồi mấy anh em đi ăn với nhau, mình bảo nhanh nhỉ, mới ngày nào còn bé lít nhít, bây giờ anh em đã lớn đùng cả rồi.
Mình nói câu ấy, khi bà nội trở yếu.
Người già, như cây đèn gần đến lúc cạn dầu. Mọi người chẳng ai nói với ai điều gì to tát, chỉ lẳng lặng mỗi người một tay một chân lo việc chăm sóc bà.
Ra khỏi cửa văn phòng, mình ngước lên, thấy người ta đang trèo hái sấu trên đường Trần Phú. Ghé lại hỏi, sấu Hà Nội ở đường Trần Phú ngon nổi tiếng, năm nào cũng có đội quân hái sấu leo trèo đung đưa khắp các thân cây, hái xuống bán tại chỗ. Mọi năm mình chỉ ngồi quán trà đá, xem người ta rồi bình phẩm dăm câu. Giờ nghĩ sao, hứng lên mua luôn năm cân.
Hồi mẹ còn sống, mình sống trong thế giới của các loại hoa quả ngâm, hoa quả dầm, ăn uống phởn phơ suốt mấy chục năm, có những lúc, cuộc sống có nghĩa là nước mơ, nước dâu hay cái chết!! Bây giờ không còn mẹ, mình lọ mọ lên mạng đọc công thức rồi xem youtube chán chê, hôm sau bắt tay vào làm, từ chiều tối tới lúc có trận bóng worldcup khi giờ muộn thì xong. Nhìn mấy lọ sấu tự tay ngâm, mơ hồ cảm nhận được những kí ức mà một mai, khi mình lại ngồi đó, trong những câu chuyện vui vẻ kể cho nhau nghe. Về tuổi thơ không thuộc về mình.
———-
ChuKim – 2018
ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.
– natchukim.cogaihu@gmail.com –
PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.
xin phép anh cho em được trích dẫn một đoạn “Hoá ra, họ rời bỏ cuộc sống này, mang theo không chỉ kí ức của họ…” vào bài viết của em nhé :)
LikeLike
Được bạn ạ. Bạn dẫn nguồn đầy đủ nhé.
LikeLike
vâng anh
LikeLike