Hồi đi học phổ thông, môn văn có bài ‘Hạnh phúc của một tang gia’, trích trong truyện Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Giống như rất nhiều bài trích dẫn tác phẩm văn học khác trong sách giáo khoa, người ta cố gắng tìm lấy một trường đoạn có vẻ như có đầu có đuôi nhất, tống vào trong sách, yêu cầu học sinh đọc và phải cảm thụ.

Mười mấy năm trôi qua, mình rất nhớ bài này, không phải vì mình đã đọc truyện Số đỏ từ trước, mà vì tiêu đề đoạn trích, đó chính là lối tư duy cái tên phải thể hiện được nội dung tác phẩm mà mình cho là rất ấu trĩ. Không khác gì việc đặt và dịch tên phim ở xứ này. Cái tên Số đỏ nó hay và đầy trừu tượng bao nhiêu, đọc lên không hiểu mô tê gì bao nhiêu, thì cái tên ‘Hạnh phúc của một tang gia’ đóng một cái đinh chát chúa vào mặt những đứa học sinh mười bảy tuổi bấy nhiêu.

Nhưng cũng chẳng sao, bọn học sinh vẫn học, phần lớn chúng chẳng quan tâm, giống như việc các giáo viên vẫn dạy, phần lớn họ chẳng quan tâm. Bức tranh về giáo dục cảm thụ văn học ở xứ mình là vậy. Giáo viên giả vờ rằng bọn học sinh sẽ cảm nhận được chính xác theo những gì mà họ nói, rằng những nội dung ấy thực sự rất hay ho. Học sinh giả vờ rằng chúng cảm nhận được chính xác theo những gì mà giáo viên nói, rằng những nội dung ấy thực sự rất hay ho. Giáo viên giả vờ hỏi các em có thấy sự sâu sắc và tài năng của tác giả không. Học sinh giả vờ trả lời em thấy tác giả thật sự rất sâu sắc và tài năng ạ.

Cũng có thể không có ai giả vờ, có thể mọi chuyện đều là thật. Họ tin rằng đó là giáo dục về cảm thụ văn học.

Hồi đấy, cô giáo dạy văn lớp mình hỏi, có ai đã đọc tác phẩm Số đỏ chưa, lớp mình lèo tèo hai, ba đứa giơ tay, mình ngồi bàn cuối cười hì hì nói chuyện riêng với Thái Thồn và Thạch Hùng, từ hồi nhận ra không được công khai dẩu mỏ lên chê những bài trong sách giáo khoa là chán, quãng độ lớp bảy thì phải, mình đoạn tuyệt luôn với việc giơ tay trong lớp. Cô giáo nhìn thấy cảnh ấy, chắc hẳn trong lòng cô ngán ngẩm thế hệ học trò này lắm. Nhưng cũng chẳng sao, cô vẫn dạy và bọn học sinh vẫn học, trong lý thuyết giáo dục các môn xã hội của xứ mình làm gì có tiêu chí nào nhắm tới việc hướng dẫn và khuyến khích bọn học sinh đọc sách. Cho chúng mày đọc lắm vào rồi chúng mày khôn lên rồi lại hay hỏi à??

Học hành hời hợt kiếm điểm cho qua ngày đoạn tháng, mấy năm sau, mình mò trên mạng, xem được phim Số đỏ làm năm 1990, năm 2013 lại có phim Trò đời chiếu trên tivi, xem xong thấy người cứ bực bực, đọc truyện thì hay mà xem phim cứ sao sao, thằng Tít em mình bảo, vấn đề lớn nhất của bọn làm phim ở Việt Nam là bọn nó lẽ ra phải làm phim nhưng lại cứ đi làm kịch, rồi nói đấy là phim. Nghe nó nói mình tỉnh cả người.

Xem phim (kịch), cứ đến đoạn đám tang cụ cố, mình lại nhớ về bài ‘Hạnh phúc của một tang gia’ trong sách năm nào, lần nào cũng hình dụng lại cảnh hồi đấy trong lớp ra làm sao, cái nhếch mép của mình, ánh mắt chuyên nghiệp hơi có chút muộn phiền của cô giáo, vẻ hăng say đứng dậy phát biểu xây dựng bài, nói lên tiếng lòng của toàn thể thành viên lớp của mấy đứa bạn. Đúng là hạnh phúc của một tiết học về văn chương.

Kể dông dài vậy, vì bà nội mình mới mất. Ông ngoại mất rồi, mẹ mất rồi, giờ bà nội mất, xen giữa là đám tang của những người họ hàng. Mình không còn là thằng thanh niên hai mươi tuổi, cũng không trải qua cú shock phải đối mặt với sự ra đi đột ngột, bà mất, mọi người đều đã chuẩn bị tinh thần. Người già, đến ngày đến giờ, họ phải ra đi thôi.

Mình từ nhỏ không ở với bà nội mình nhiều, không thân thiết gắn bó với bà như với ông ngoại. Lớn lên, biết nghĩ ngợi chút chút sự đời, tình cảm gia đình cứ thế nảy nở tự nhiên, nhưng cũng chẳng tài nào gần gũi hơn với bà được. Hai bà cháu ở hai thế giới, lúc trước như thế, bây giờ như thế.

Trong đám tang bà nội, những kí ức với bà lần lượt hiện lên trước mắt, giống hệt như khi ở đám tang ông ngoại và đám tang mẹ, theo một cách tự nhiên không màng lý giải. Từ chuyện lúc nhỏ về quê nghỉ hè, ra chợ ghé chơi hàng thạch của bà, tới chuyện chứng kiến bà lom khom đi bộ qua cây cầu mới ngoài bờ sông. Kí ức như những thước phim lộn xộn chạy băng băng mà không theo thứ tự thời gian. Mấy hôm trước, bà yếu đi, mình viết Chuyện về kí ức, tới khi bà mất, lẩn thẩn đọc lại, nghĩ ngợi rồi lại viết.

‘Xưa, bà gánh thạch ra chợ, nuôi cha, nuôi cô chú.. hôm nay bà gánh tuổi thơ, gánh tuổi trẻ, gánh một phần cuộc đời của chúng tôi đi đâu..?’

Rồi thế nào, mình lại nhớ tới ‘Hạnh phúc của một tang gia’. Nhìn quanh, thấy mọi người lo việc này việc kia, người ta đọc những lời phát biểu quen thuộc trong mọi đám tang, người mất lúc nào cũng có tất tần tật những đức tính tốt đẹp, lúc nào cũng là một công dân tuyệt vời, là niềm xót thương vô hạn, là mất mát quá đỗi lớn lao.

Mình nghĩ, ừ nhỉ, không nói thế, chứ chẳng lẽ bây giờ trong đám tang lại lôi tính xấu với những màn hằn ghét nhau ra kể. Trong nỗi buồn đau, trong sự sẻ chia, người ta bỗng chốc bỏ qua bao nhiêu chuyện không hay, cùng nhau làm nốt những nghi lễ tiễn biệt cuối cùng cho một kiếp người.

Mình đọc trong sách, có câu nói đại ý, sau này tôi sẽ đi lang thang trên những con đường, để khi tôi chết, sẽ không ai có thể đến dự đám tang của tôi. Bao nhiêu năm cuộc đời, rồi chạm tới hình hài của sự tĩnh lặng đích thực như vậy, tâm hồn ấy mới thật cô liêu đơn độc làm sao.

Sau lễ viếng của họ máu là tới phần làm lễ của nhà chùa. Đến đây thì sinh chuyện.

Mình không sống ở quê, không rõ cụ thể sự tình. Nhưng nhìn các sư thầy và những đệ tử tục gia đi cùng họ, thoáng có chút không thiện cảm, cái này là cảm xúc bất chợt, không giải thích nổi tại sao. Người nhà mình ngồi trước bàn thờ, có các cụ bà mặc áo vàng ngồi cùng, tụng kinh niệm Phật. Nhà Phật không ép uổng ai, đám thanh niên bọn mình đứng dậy lui về sau và đi ra phía ngoài rót nước tiếp khách, người nào muốn ở lại nghe kinh Phật thì ngồi, mỗi người mỗi việc.

Kỳ biến xảy ra khi mấy anh em đang ở phía sau, sau khi tụng kinh, bỗng nhiên sư thầy cùng các đệ tử tục gia bèn chuyển sang hát. Lời bài hát không có gì đáng nói, quanh đi quẩn lại nam mô a di đà phật và những câu vần vè nói về cõi niết bàn, việc về với Phật, kết thúc mọi khổ đau nhân sinh. Phần nhạc nền mới gây bất ngờ. Nhạc nền chính là bài hát trong tập Tây Lương Nữ Quốc trong phim Tây Du Ký bản 1986. Bài này quá quen thuộc, là một trong những bài hát hay nhất trong phim, mình ít nghe nhạc Tàu nên bài nào mình thích thì mình rất nhớ. Mình trợn mắt quay ra nhìn mấy thằng em và mấy ông chú, kêu ơ đây là nhạc Tây Du Ký mà. Đáp lại mình là khuôn mặt ngơ ngác của toàn bộ đám còn lại. Bên trong, nhà chùa vẫn đang hát rất to, không biết thì thôi, biết rồi bỗng nhiên mình cảm thấy không khí trở nên ma mị quái đản vô cùng.

Theo phản xạ nóng nảy, mình đứng bật dậy, định lao vào làm cho ra nhẽ. Trong đầu quay cuồng nhớ lại chuyện hôm làm lễ bốn chín ngày cho mẹ mình ở chùa. Mình bước tới gần bàn thờ, mặt cau lại, nhà chùa vẫn đang i ỉ hát nàm mô a dí í a đà phật. Quay qua nhìn bố, nhìn các chú, các cô, các ông bà, mọi người đang cúi gằm mặt, bố với chú nước mắt rơm rớm. Mình chùn chân, lòng dịu lại, nỗi đau mất mẹ lại ùa về. Mình thôi, nhìn họ hát, hát to, mình quay lưng bỏ ra ngoài.

Đến tối muộn, ở quê mình có tục thanh niên phải thức trông áo quan, mọi người quây quần ăn cháo uống rượu. Mình khơi chuyện, hỏi hôm nay bố với các cô biết chùa hát nhạc Tây Du Ký không? Mọi người ngớ ra, ơ thế à? Mình lôi điện thoại bật luôn bài hát trong tập Tây Lương Nữ Quốc. Họ hàng nhà mình chưng hửng, ơ sao lại thế nhỉ, mình bảo, thì cháu đang hỏi mọi người đây, trước đây ở quê chỉ có đọc kinh thôi, sao bây giờ lại có thêm màn hát hò này, không thấy lố bịch dị hợm hay sao? Người lớn nghe mình nói thế thì mặt ngắn cả lại, nhưng không bắt bẻ được gì. Có cậu em họ mình làm lái xe, kể chuyện bảo ở các tỉnh khác người ta làm như thế từ lâu rồi anh, mới du nhập về quê mình dạo gần đây thôi, em cũng lần đầu chứng kiến ở quê mình như thế này đấy, chứ ở tỉnh khác em thấy nhiều rồi. Một ông em khác bảo, chắc người ta cũng muốn có những cái đổi mới trong nghi lễ, nhưng mà đổi mới như thế này thì (chẹp miệng) không đổi mới cho rồi.

Một bà cô mình bảo, ừ nhưng mà phim Tây Du Ký cũng là về đạo Phật thì thôi cũng được. Mình cười hệch, được gì mà được hả cô, bài này tên gốc là Tình Nhi Nữ, được chỗ nào? Đây là đám tang bà nội cháu đấy. Thằng em họ mình lắc đầu, nói, như thế này người nhà ở quê vốn tính cái gì cũng qua loa đại khái thì kệ, chứ khách ở xa về viếng bà thì người ta đánh giá cho. Một ông chú quay sang bảo, tại bọn mày biết, với lại bọn mày để ý săm soi khó tính thì mới thấy thế, chứ ai người ta đánh giá làm gì. Mình lại cười hệch, nói, chú hay nhỉ, các ông ở quê là chúa hay sợ bị người ta đánh giá, sợ bị người ta nói này nói nọ, thế mà bây giờ gặp chuyện thì lại đánh giá thấp sự soi mói của người đời thế?

Mình nói xong câu ấy thì tất cả chìm vào im lặng mất vài giây trước khi chuyển qua nói chuyện khác.

Ở quê là vậy, nói gì làm gì chứ nói đụng tới chính quyền, tới đảng, tới sư tới chùa, là người ta rất sợ rất ngại. Chuyện chướng tai gai mắt, chuyện kì khôi xảy ra ngay trong việc của nhà mình, vậy mà cứ tìm cách né tránh. Mình liếc nhìn từng người, không hiểu sợi dây liên kết máu mủ ruột rà có giúp họ hiểu mình đang nghĩ gì không.

Rồi ăn uống với nhau, kể lại chuyện bà ngày xưa thế này thế kia, chuyện thành viên trong gia đình, chuyện cuộc sống bây giờ, bỗng nhiên cảm nhận thấy không khí ấm áp của một đại gia đình, nối lại được những ngắt quãng đứt gãy tạm thời của mối quan hệ huyết thống do xô bồ ngược xuôi mà nên. Mình với mấy ông chú, mấy thằng em cụng ly, bàn chuyện ngày mai đưa bà đi nốt, chuyện những ngày sau còn làm gì, chuyện sau này phải nhớ qua lại thường xuyên để gần nhau hơn, bây giờ bà mất rồi mà, còn ai giữ chúng mày lại được, phải tự giữ nhau thôi. Những dịp giỗ chạp cũng chẳng bao giờ mọi người từ khắp nơi tề tựu về đông đủ như dịp tang hiếu, đời là vậy, mình nghĩ bụng.

Ừ nhỉ, ‘Hạnh phúc của một tang gia’.

———-

ChuKim – 2018

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.