Jonathan Safran Foer (1977-) là tiểu thuyết gia người Mỹ. Ông được biết đến qua tiểu thuyết đầu tay, Mọi thứ được soi tỏ (Everything is illuminated – 2002). Ông hiện giảng dạy sáng tác tại Đại học New York.

‘Giờ đây chúng mình không như thế, thật nhanh’ (Here we aren’t, so quickly) là truyện ngắn của Jonathan Safran Foer được đăng trong tuyển tập 20 under 40 (2010) của tạp chí The New Yorker.
Giờ đây chúng mình không như thế, thật nhanh
Anh đã không giỏi khắc hoạ chân dung. Phần lớn thời gian anh chỉ bông đùa thôi. Anh đã không quyết đoán dù trong phòng thay đồ hay ở bất kì đâu. Anh đã tới trễ vì anh mải tìm hoa. Anh thường lờ tịt đi mỗi khi mẹ anh gọi. Anh không làm được bánh mì nướng nếu không nghe radio. Anh không biết người ta khen thật hay khen đểu. Anh đã không mệt mỏi như anh nói.

Em không chịu nổi việc đồ nội thất không hoàn hảo. Em quá nhẹ để ôm hết túi khí. Em hầu như không mở nổi cái lọ nào. Em đã không chắc mình nên làm tóc ra sao, rồi thế là, trễ mất mười phút và đi xuống tới giữa thang, em vẫn soi bóng mình phản chiếu trong khung ảnh của một gia đình quá cố. Em không hề nổi giận, chỉ là bảo vệ phẩm giá của em thôi.
Anh không chạy nổi đường dài. Em đã thật tốt với em gái anh khi anh chẳng biết nên tốt với nó như thế nào. Anh cố chùi đi một vết bẩn; cuối cùng nó lại bẩn hơn. Em đã chỉ hỏi một câu đơn giản. Anh đã gần như luôn có mặt ở nhà, vậy nhưng anh lại không thực sự ở nhà. Em không biết phải làm thế nào với chồng sách hơn ba cuốn trên cái bàn đầu giường anh, hay mớ tiền lộn xộn trong đĩa tiền thừa, hoặc đồ nhựa nữa. Anh đã không sợ phải cô đơn; anh chỉ ghét nó thôi. Em đã ngưỡng mộ khi khu vườn của ai đó sinh sôi. Anh quá mệt với đống thức ăn.
Chúng mình đã tới Atacama. Chúng mình đã tới Sarajevo. Chúng mình đã tới hồ Tobey Pond hàng năm cho tới khi chúng mình không còn làm thế nữa. Chúng mình vượt qua lớp tuyết dày mười ba inch để tới dự một bài nói chuyện ở nhà triển lãm vũ trụ. Chúng mình cố gắng có những bữa tiệc tối. Chúng mình cố gắng không sở hữu gì cả. Chúng mình để lại dấu tay trong một khu vườn rêu ở Kyoto, phủ một cái khăn tắm lên và làm cho nhau sướng tại Jaffta. Chúng mình đã đối mặt với cha mẹ anh vào ngày lễ Tạ ơn và cha mẹ em trong những ngày còn lại, và làm sao mà chúng mình lại ở bên cha anh khi ông chìm dần vào trong chính thân xác ông nhỉ? Anh nằm xuống cạnh ông, nhìn bàn tay mình lần mò lông mày ông, nói, “Bỏ qua tất cả–” “Tất cả gì cơ?” ông hỏi, nên anh nói, “Không có gì,” hoặc chẳng gì cả.
Anh đã luôn làm hỏng hộ chiếu của anh trong khi giặt đồ. Em thì luôn ước lượng dở tệ. Em chẳng buồn coi những thói quen của anh là duyên dáng. Anh đã nhấn mạnh rằng đã quá muộn để thành thạo một nhạc cụ hoặc cái gì cũng thế. Em là người chẳng bao giờ kêu ca về mấy chỗ đau nhức.
Anh đã không biết cách giải thích chu kì của mặt trăng nếu thiếu giấy bút, mà kể cả có. Em không biết mấy cái e-mail đâu rồi. Anh không chúc mừng người phụ nữ nào cho tới khi cô ta nói hẳn ra là cô ta đang mang bầu. Em dành ra vài phút mỗi ngày để lặng lẽ hối hận vì sự lười biếng thậm chí còn chẳng hề tồn tại của bản thân. Lẽ ra anh nên tha thứ cho những lỗi lầm mà em không hề mắc phải.
Hễ gặp chuyện khẩn cấp là em kém kinh khủng. Em lại rất giỏi về vở “Vườn cherry”(1). Anh thường chẳng bao giờ phàn nàn, vì anh ghét phải đối đầu, và bởi mọi thứ thường thường khá ổn với anh. Em đã không thể chạm tới đại dương mỗi khi đêm về. Anh đã mất dấu giọng nói của anh ở đâu giữa máy điện thoại của anh và của em. Em chẳng bao giờ đứng cạnh cửa sổ trong các bữa tiệc, nhưng em vẫn luôn ở gần phía cửa sổ. Anh phát điên lên vì những lời nói tử tế. Anh chỉ không xem bản tin dưới tầng hầm thôi. Em đã nỗ lực phi thường để khiến mọi thứ trông thật dễ dàng. Anh thì rất dở trong việc ghi nhận nỗ lực của mọi người. Em không có tài làm vườn, nhưng em không hài lòng với cảm giác không hài lòng ấy. Anh đã luôn thấy chỉ cần một cái áo đẹp, hoặc một cái gì đó mà anh chẳng bao giờ có. Em bị tổn thương quá nhiều bởi những điều đã xảy ra từ lâu lắm nên bây giờ làm gì cũng thấy khó khăn. Anh đã luôn loay hoay để hai tay khỏi lóng ngóng. Em thì lúc nào mà chả mê mẩn những món quà bất ngờ. Phần lớn là anh chỉ đùa thôi.
Anh không thường xuyên bất an, chỉ hay nghĩ về ngày tận thế. Em thì cứ hết tìm từ rồi lại tra đến khoá(2). Anh không sợ yên tĩnh; anh chỉ ghét nó thôi. Nên tay anh toàn để tay trong túi quần, lần sờ cái điện thoại mà anh chẳng bao giờ trả lời. Em không hà tiện hay khéo dùng dụng cụ, đơn giản chẳng làm được gì khi vắng mặt anh. Anh chưa bao giờ thờ ơ với lũ nhóc con của người lạ, mà bực bội bởi mình cứ không ngớt lạc quan. Em đã chẳng hề ngạc nhiên khi mà, đêm hôm qua ấy ở Norfolk, anh lái xe đưa em tới hồ Tobey Pond, nắm tay đưa em đi xuống con dốc có hàng cây mâm xôi và băng qua mấy cái ván mục để tới chỗ những chòm sao soi bóng trên mặt nước. Sẻ chia hạnh phúc cho nhau lại làm niềm hạnh phúc của em giảm đi. Anh đã không khiêu vũ ở đám cưới chúng mình, còn em thì không phát biểu. Chẳng chút nào trong anh cảm thấy hồi hộp buổi sáng hôm ấy cả.
Khi em thét lên chẳng vào mặt ai, anh hát cho em nghe. Khi em cuối cùng cũng chìm vào giấc ngủ, người y tá đưa thằng bé đi tắm, và rồi, vẫn say ngủ, em vươn tay ra.
Thằng bé ngủ không đến nỗi tệ. Anh đã không công nhận với ai rằng anh không có khả năng ở bên cạnh nó hay bất kì người nào. Em đã không bị choáng ngợp nhưng thực sự kiệt sức. Anh không sợ lăn đè vào con khi anh ngủ, nhưng nhiều đêm anh thức giấc biết chắc rằng thằng bé đang nằm yên trên sàn. Anh khoái phá hỏng mọi thứ. Em yêu những đôi tất tí hin. Em đã không bị trầm cảm, nhưng em chẳng hạnh phúc. Anh không bào chữa gì cho mình về nỗi bất hạnh của em; anh chỉ ghét nó thôi. Thằng bé chỉ vui vẻ khi có ai ôm ấp nó. Anh thích dùng búa đóng đồ đạc lên tường. Em ghét khi thiếu hụt đời sống nội tâm. Anh đã thầm tự hỏi hay thằng bé bị điếc. Anh ghét nỗi khao khát gặm nhấm trong lòng ngay cả khi anh đã có tất cả. Chúng mình đã học cách hiểu cho sự mù quáng của nhau. Anh Google những câu hỏi mà anh không thể hỏi bác sĩ hay hỏi em.
Họ khuyến khích chúng mình mua bảo hiểm. Chúng mình làm tình để đạt cực khoái. Em thích việc bọc vải. Anh đã tới phòng gym chỉ để có chỗ mà đi, rồi nhìn vào gương mỗi khi vô tình thấy điều gì anh không ưa. Em đã ghét cái giường của chúng mình. Thằng bé có thể tự đứng lên, nhưng không biết cách ngồi xuống. Họ phạt chúng mình vì rác của nhà hàng xóm. Chúng mình không thể đợi tới lúc khởi đầu và cả khi kết thúc những chuyến đi nghỉ. Anh đã không biết xem bản vẽ thiết kế và chẳng hình dung nổi cái bếp cải tạo thế nào, nên anh đứng ngoài việc ấy. Họ tới trước cửa khi chúng mình đang dùng bữa, nhưng anh đã nói chuyện với họ và cho họ.
Anh đếm ngược vài giây tới khi thằng bé thiu ngủ, và rồi lại đếm ngược vài giây khi thằng bé chuẩn bị thức dậy. Chúng mình dạo bước lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại tới những hàng quán quen thường khi. Ông bà nói thằng bé trông giống họ. Anh luôn xem trailer phim trên máy tính của mình. Em thì lúc nào cũng lau chùi. Anh đã luôn nghe tiếng cười của cha anh và chẳng bao giờ nhớ nổi khuôn mặt ông. Em làm trái tim mọi người tan vỡ cho tới khi em bỗng dưng không thể làm thế được nữa. Thằng bé thình lình vẽ, thình lình nói, thình lình viết, thình lình lý luận. Một buổi tối nọ anh không giúp được nó giải bài tập toán. Thằng bé lập gia đình.
Chúng mình đã tới London xem kịch. Chúng mình đã cố gắng dành thời gian để chẳng làm gì mà chỉ đọc thôi, nhưng rồi chúng mình chẳng làm gì mà chỉ ngủ. Chúng mình không bao giờ đề cập tới điều ấy, vì chúng mình còn chẳng biết nó là sao. Anh đã không làm gì ngoài việc tìm kiếm em trong suốt hai mươi bảy năm. Anh còn chẳng biết nguyên lý của dòng điện. Chúng mình đã cố gắng tránh mặt nhau càng lâu càng tốt. Anh không tự biện minh về cảm giác buồn chán trong em, nhưng nào anh có hạnh phúc gì cho cam. Anh rất vui khi những người làm việc cho anh chân thành quý mến anh. Chúng mình vẫn thường kê lại đồ nội thất và chẳng bao giờ nhìn vào mắt nhau. Anh ghét việc mình không thể tới thăm một thành phố nước ngoài nào mà không mường tượng về bất động sản. Rồi cha em qua đời. Anh vẫn thường cầm sách mà không đọc. Em chẳng lúc nào là không ở trong vườn nhà ai đó. Hai bà mẹ của chúng ta thì thèm khát được nói chuyện phiếm.
Vào một thời điểm nhất định em bị thuyết phục rằng mình đã luôn đọc báo cũ từ ngày hôm qua. Vào một thời điểm nhất định anh ngừng dằn vặt vì không được cảm thông, và trở nên quá phụ thuộc vào máy G.P.S. trên xe anh. Em không thể chấp nhận nổi một chút thạch trong hộp bơ lạc. Anh không thể chấp nhận nổi những tiếng cười ồn ào vô cớ. Vào một thời điểm nhất định anh có thể nhìn chằm chằm mà chẳng cần lý do hay lời xin lỗi. Chẳng hài hước lắm sao nếu Chúa hiện thân và trình bày về chính Người, có nhất thiết là phần lớn mọi người trên đời sẽ bị thất vọng hay không nhỉ? Vào một thời điểm nhất định em đã ngừng bôi kem chống nắng.
Làm sao anh có thể giải thích cách anh đã hờ hững với thảm hoạ hạt nhân nhưng lại sợ chết khiếp một cú ngã nhẹ? Em đã không thể chấp nhận nổi những kẻ không thể chấp nhận nổi lũ trẻ con trên máy bay. Anh thì không thể chấp nhận nổi cái bọn cứ luôn nhấn mạnh rằng một ly cà phê sau bữa trưa sẽ làm chúng nó mất ngủ cả đêm. Vào một thời điểm nhất định anh có thể nghe thấy âm thanh từ đầu gối mình và cảm thấy khỏi cần sửa lỗi ngữ pháp của người khác nữa. Làm sao anh có thể giải thích vì đâu những thành phố ngoại quốc trở nên quan trọng nhường ấy với anh? Vào một thời điểm nhất định em ngừng dằn vặt với những tham vọng của bản thân, mà vào một thời điểm nhất định em đã bỏ cuộc. Anh đã không thể chấp nhận nổi mấy tay ảo thuật gia cứ làm những trò mà người thực sự có phép thuật sẽ chẳng bao giờ làm.
Chúng mình đã sống rất ổn. Anh vẫn yêu thích các kỳ Olympic. Chuyện càng nhỏ, anh càng để cho sự đồng ý của em trở nên quan trọng với anh hơn. Người ta cứ tiếp tục làm ra những thứ mới mẻ mà thậm chí chúng ta còn chẳng thực sự cần khi chúng ta thấy cần. Anh đã cần sự đồng ý của em hơn mọi thứ trên đời. Em gái anh đã chết tại một nhà hàng. Mẹ anh thuyết phục bất cứ ai chịu lắng nghe rằng con bé vốn rất ổn. Người ta đã thay đổi bộ lọc của chúng ta. Em đã muốn được thấy ánh sáng cực bắc. Anh muốn học một tử ngữ. Em ở trong vườn, không trồng cây, nhưng cứ đứng đó. Em thả xuống hai nắm đất.
Và giờ đây chúng mình không như thế, thật nhanh: anh không phải hai mươi sáu tuổi còn em không phải sáu mươi tuổi. Anh không phải bốn mươi lăm hay tám mươi ba tuổi, không bị những người đi về phía biển xốc bổng lên vai họ. Anh sẽ không học đánh cờ, và em sẽ không mất trinh. Em sẽ không xếp đá cuội trên bia mộ; anh sẽ yên ổn trong vòng tay người mẹ đang an nghỉ của mình. Hà cớ gì em đã không trao trinh tiết của em cho anh nhỉ? Tại sao chúng mình không đi qua ngã tư đường sớm hơn chỉ một phần ngàn giây, và bỏ mạng thay vì cười sằng sặc? Mọi chuyện khác đã xảy ra–tại sao lại không phải là những điều có thể?
Anh đã thôi mơ mộng. Em không còn vô cảm. Anh không thích bản tin thời sự nữa, nhưng vốn dĩ anh có bao giờ thích bản tin thời sự đâu. Thêm nữa, dường như anh có thể dùng thuận cả hai tay. Lẽ ra anh đã chẳng cần cố gắng đến thế. Em bây giờ trông mới là chính em. Anh đã quá chậm chạp để thay đổi, nhưng anh vẫn thay đổi. Anh có thể đã là một tay vợt tennis bẩm sinh, như những gì mà cha anh vẫn thường nhắc đi nhắc lại.
Anh đã thay đổi và đã thay đổi, rồi ngày qua ngày anh sẽ vẫn cứ thay đổi. Anh không thất vọng, chỉ im lặng thôi. Không phải là không chịu suy nghĩ, là bất cẩn đấy thôi. Không phải là cố tình mơ hồ, mà là đang cố gắng nói theo một cách khác đi. Anh càng nhớ được nhiều, anh càng cảm thấy xa xôi. Chúng mình đi được nửa đời thật là nhanh. Sau tất cả mà như thể không có gì. Anh chưa bao giờ thực sự ở đây. Thật xấu hổ vì đã chẳng dễ dàng gì. Lãng phí gì cơ? Đúng là một trò đùa. Nhưng thôi nào. Không giải thích hay hàn gắn gì cả. Hãy bên anh ở một nơi nào đó: trên ghế quán bar này, ở rìa vách đá, trên ghế của chiếc xe đi mượn, ở mũi thuyền này, trên những chiếc gối sao-cũng-được của cái trường kỉ sờn rách trong căn nhà một tầng cũ nát cần được sửa chữa nơi mà chúng ta đã nheo mắt nhìn hàng giờ qua cửa sổ trước khi cảm xúc ập đến: “Chúng mình sẽ làm gì với căn nhà thế này đây?”
(1) ND: vở kịch “The Cherry Orchard” của kịch tác gia người Nga, Anton Chekhov.
(2) ND: tác giả chơi chữ, nguyên văn “You were always copying keys and looking up words.”
Copyright © 2010 by Jonathan Safran Foer.
ThKh chuyển ngữ không có sự đồng ý của tác giả.
———-
ThKh – 2019
ThKh là một bút danh khác của ChuKim, một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.
– natchukim.cogaihu@gmail.com –
PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.
Ở bên cạnh nhau còn làm họ buồn hơn ở một mình. Thật khổ!
LikeLike