Lúc nhỏ, mình suýt bị lạc hai lần. Là cảm giác bị lạc thật sự, lạc mất khỏi vòng tay che chở của gia đình, đột nhiên đứa trẻ là mình ngày ấy rơi hẫng vào sự xa lạ của hết thảy cảnh vật xung quanh, dù chỉ mới đó thôi, mọi thứ hẵng còn bình yên lắm thay.
Lần đầu tiên là khi mình còn ở nhà tập thể, lúc này bố mẹ mình đã đẻ thằng Tít em mình. Một hôm, bố mình lấy xe chở cả nhà đi chơi phố, có lúc bố mình dừng lại bên vỉa hè để mẹ mình vào cửa hàng bách hoá mua ít đồ. Tất nhiên là mẹ mình bế theo thằng Tít, lúc ấy mới mấy tháng tuổi, còn mình thì chạy theo chứ không đời nào chịu an phận ngồi im trên xe với bố mình. Hồi ấy các cửa hàng bách hoá không như cửa hàng tiện dụng hay siêu thị bây giờ, nhưng với trẻ con như mình thì đó vẫn là một thế giới long lanh đầy hấp dẫn. Mình đứng ịn mũi vào tủ kính xem hết cái này tới cái kia, thỉnh thoảng ngước lên hỏi mẹ ơi có mua cái này không ạ, mẹ mình bảo không, đi thôi con. Mình không biết mẹ mình cần mua gì, mình cứ đi theo chơi như vậy, loanh quanh trong cửa hàng bách hoá, cho tới một lúc, mình quay sang định hỏi mẹ điều gì mà chỉ ngay sau đó thôi đã hoàn toàn bị xoá sạch khỏi trí nhớ của mình. Vì mình không thấy mẹ trước mắt.
Cơn hoảng loạn ập tới, mình xoay một vòng, nhớn nhác nhìn quanh, vẫn không thấy mẹ mình và thằng em đâu. Nỗi sợ hãi dâng lên trong lòng, mình bước luôn ra khỏi cửa, vừa đi vừa khóc, gọi mẹ ơi mẹ ơi. Từng bước đi cảm giác như rất dài, dài tới nỗi mình không biết bao giờ thì kết thúc, thời gian bị cảm xúc vặn một cú mãnh liệt, bây giờ mình vẫn nhớ như in ánh đèn tuýp trắng ngày ấy ở cửa hàng bách hoá, ánh đèn đường cũng trắng nhợt nhạt, xanh xao và lạnh lẽo. Mình đang vừa đi vừa khóc thì có tiếng gọi Tũn ơi, mình giật bắn, ngẩng lên thấy bố mình đang đỗ xe bên vỉa hè, mình chạy vội lại chỗ bố mình, vẫn khóc nức nở, bố mình hỏi sao lại khóc thế này, mẹ đâu? Mình vừa quệt nước mắt vừa nói con bị lạc mẹ. Đúng lúc ấy thì mẹ mình cũng bế thằng em mình chạy ra, mặt mày hớt hải, bố mình thấy thế quát luôn, trông con thế à, có mỗi tí mà cũng để lạc nó à? Mẹ mình tiu nghỉu, giải thích, vừa mới quay đi quay lại thì nó chạy đi đâu mất.
Năm phút sau, mình được đi ăn kem, mình đã quên phắt cảm giác kích động vừa gặp phải, chỉ sau này, mình không biết chính xác là vài tháng, hay vài năm sau, kí ức về buổi tối hôm ấy dần dần trở lại, rõ nét và sâu sắc, khung cảnh Hà Nội thời kì hậu bao cấp những năm đầu thập kỉ 90, cung cách nhà nước của các cửa hàng bách hoá, dáng vẻ của mỗi con người mà sau này thi thoảng mình lại thấy trong những bức ảnh người ta đăng trên mạng, mọi thứ hằn lại trong trí nhớ của mình, ở lỳ đó, có lẽ mãi mãi không bao giờ bay biến.
Lần thứ hai là lúc mình lớn thêm một chút, đã đi học lớp một, mùa hè năm ấy mình theo ông ngoại về Hải Phòng chơi nhà bác mình. Cho tới giờ, người đi tàu hoả cùng mình nhiều nhất chính là ông ngoại mình. Đi tàu hoả với ông ngoại rất khác với mẹ, nếu đi cùng mẹ mình thì mẹ mình sẽ tranh thủ dạy mình đủ thứ, đại khái như tiếng anh hello how are you I’m fine thank you and you, hoặc một bài thơ nào đó trong sách giáo khoa của năm học tới mà mẹ mình nghiên cứu trước để chuẩn bị cho tương lai làm tiến sĩ của thằng con; còn ông ngoại mình thì khác, ông mình là nhà giáo của mái trường xã hội chủ nghĩa thân yêu, nhưng ông ngoại không dạy mình theo kiểu của mẹ, ông ngoại sẽ kể cho mình nghe chuyện cổ tích, chuyện tây du ký, chuyện bao công xử án, thậm chí ông ngoại mình còn dạy mình nói bậy, ông ngoại chính là người đầu tiên chỉ cho mình biết ngoài từ ‘chim’ thì người ta còn những từ ngữ đầy sức mạnh khác để gọi cái tạo vật hệ trọng ấy. Kể đến đây thì thôi tặc lưỡi kể luôn, chẳng là hồi bé mình thường nằm ngủ với ông, ông ngoại mình hay dạy mình về từ đồng nghĩa bằng cách hỏi mình mỗi sự vật, hoặc mỗi nhân vật trong phim có bao nhiêu tên, mình rất thích xem phim Tây Du Ký, thế là ông ngoại mình hỏi, đố Tũn, Tôn Ngộ Không có bao nhiêu tên. Mình kể ra một loạt, Tôn Ngộ Không này, Tề Thiên Đại Thánh này, Hành Giả này, Lão Tôn này, Ngộ Không này, Bật Mã Ôn này, Mỹ Hầu Vương này, mình khoái lắm. Sau đó ông mình hỏi thêm mấy nhân vật khác, mình xem thuộc như cháo nên kể vanh vách. Kể tên nhân vật chán, ông mình hỏi, thế đố Tũn, cái chim có mấy tên. Câu hỏi này thực sự khó, trí não của đứa bé mấy tuổi đầu vốn được bao bọc trong môi trường phố thị làm mình chỉ nghĩ ra mỗi ‘cu’ là tịt, ông ngoại mình mỉm cười như một ông tiên, sau đó dạy mình ‘buồi’, ‘dái’, ‘cặc’, mình nghe tới đâu choáng váng tới đó, ngay lập tức nhớ như in, trước khi ngủ trưa, ông ngoại mình dặn, đừng kể với bố mẹ nhé.
Quay lại chuyện chính, lần ấy mình ở Hải Phòng chơi chán, đến hẹn, ông ngoại đưa mình lên Hà Nội. Chuyến tàu hôm ấy rất đặc biệt, mình nhớ, trước hôm lên đường, ông ngoại dẫn mình đi hiệu sách, mua mấy cuốn truyện rất thú vị, hẹn lên Hà Nội sẽ đọc cùng mình. Tàu từ Hải Phòng lên Hà Nội không bao xa, nhưng với một đứa trẻ con, phải ngồi im hai tiếng đồng hồ là điều gì đó quá sức chịu đựng, mình chán quá bèn nói ông ngoại lấy truyện ra đọc. Tàu rung bần bật, lại ồn ào, sau vài chữ thì ông ngoại mình mỏi mắt không đọc nổi, mình cũng đâm ra buồn ngủ, rồi thiếp đi. Đến khi tỉnh dậy thì đã tới nơi, mình đeo balo theo ông xuống tàu. Khi ấy đã tối trời, ánh đèn từ góc xa hắt tới, chẳng hiểu sao mình cảm thấy có điều gì đó lặng lẽ và man mác chảy qua trong lòng khi chứng kiến mọi người túa ra từ các toa tàu, rồi tất tả dời đi, như một đàn kiến vỡ tổ trên sân ga. Mình lững thững bước đi, miên man theo dòng suy nghĩ, mất một lúc, mình mới sực nhớ, nhìn quanh, lại chẳng thấy ông ngoại đâu, mà lúc ấy thì đông người qua lại. Mình cuống cả lên, nhưng lần này mình không oà khóc, mình đã lớn hơn thời điểm trước, đã có kinh nghiệm rồi. Mình vội chạy lên phía trước, gọi ông ơi ông ơi. Rồi mình thấy ông ngoại mình, đầu đội mũ phớt, mặc áo măng tô màu be, tay xách cặp da đen, mình thở phào, vội chạy tới nắm tay ông. Tìm được ông ngoại rồi, mình lại lững thững đi tiếp, nhưng ông ngoại thì đứng lại không bước, mình thấy lạ bèn ngước lên nhìn, ơ ông này lạ hoắc, chỉ mặc giống thôi, chứ không phải ông ngoại mình. Ông ấy nhìn mình cười hiền, cháu nhầm ông hả. Mình ngây ra chưa kịp hiểu chuyện gì thì ông ngoại mình từ phía sau chạy lên, gọi Tũn ơi, sao tự nhiên chạy biến lên thế, ông đây cơ mà. Hoá ra ông ngoại đi sau mà mình không biết, hai ông già nhìn nhau cười xã giao, rồi đường ai nấy đi. Sau này, mình nghĩ lại, cảm giác sợ sệt khi ấy, là khi mình đối diện với một biển người đang vội vã tiến bước, tiếng người huyên náo, ánh đèn chất chứa nỗi niềm trên sân ga, và một người xa lạ mà mình cứ ngỡ là ông ngoại mình, đó là cảm giác hụt hẫng liên tiếp tràn ngập trong tâm hồn đứa trẻ là mình. Mình chẳng bao giờ quên sự hoang mang ngày ấy, và cả nỗi buồn da diết mà ánh đèn trên sân ga soi chiếu tâm hồn mình.
Sau này lớn lên, yêu đương, hay không phải yêu đương, mỗi khi chuyện tới hồi kết thúc, mình thường không kiềm được, nói với người ta, này, đừng lạc mất nhau trong đời, được không? Chẳng phải là bài vở gì, những giây phút ấy, lòng người đang tan nát, còn hơi sức đâu mà chiến thuật đấu trí này nọ. Nhưng mình vẫn thường nói vậy, vì mình có nỗi sợ, đến một lúc nào đó, mình sẽ lại trở thành đứa trẻ ngày ấy, lạc lõng, xa lạ, không còn những thân quen thường nhật, không còn nhau, không còn kỉ niệm về nhau, là lạc mất nhau hoàn toàn. Là lạc mất nhau giữa hàng triệu con người.
Người ta cũng thường gật đầu với mình, anh đừng lo, em vẫn luôn ở đây.
Mình thở phào, và chấp nhận sự thật như một lẽ mà mình không cách nào xoay chuyển được nữa. Rồi đôi lần, đi trên phố, giữa dòng đời xuôi ngược, thoáng thấy một cái bóng quen quen, có những lúc mình không sao kìm nén được tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực, hơi thở gấp gáp dù chẳng có gì mỏi mệt, những lần ấy, mình tìm mọi cách vượt lên tới gần, chỉ để nhìn một cái, nhìn thấy đó không phải là người mà mình từng gắn bó, nhìn thấy đó chỉ là một sự nhầm lẫn trong cuộc sống này. Biết vậy rồi, lại thấy yên tâm, thấy mình thở phào, thấy mình vẫn lơ lửng trong nỗi cô đơn lạc lõng. Thật lạ.
Hôm nay kể chuyện như vậy, vì hôm trước, đi bộ trong công viên, bỗng thoáng thấy trước mắt là hình dáng của mẹ. Cô đó mặc cái áo giống với cái áo mẹ mình từng mặc lúc xưa, tóc cũng buộc loăn xoăn như vậy, cũng đôi giày bệt ấy, cũng dáng đi nhang nhác như mẹ. Tim mình ngừng đập mất một nhịp.
Nhưng lần này mình không rảo bước lên phía trước, mình chỉ chậm rãi đi sau cô đó một quãng. Và mình trở lại là đứa trẻ lạc mẹ năm nào, dù không sợ hãi, chỉ có nỗi buồn bỗng chốc chuếnh choáng như trong cơn mê thèm nghe tiếng mẹ.
———-
ChuKim – 2019
ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.
– natchukim.cogaihu@gmail.com –
PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.
Câu chuyện đang rất vui vẻ, đến đoạn kết là buồn thật buồn. Mình mất mẹ từ nhỏ, chưa từng đi lạc, chỉ có đôi lần chết hụt làm tim mẹ tan nát, mình nghĩ thế, vì mẹ mình từng nghĩ sẽ chôn mình ở đâu. Vậy mà mẹ đi trước mình, dù lúc nào cũng nói mẹ có làm sao mẹ thương nga nhất
LikeLiked by 2 people