Năm nay mình đón Tết ở quê.
Bố mẹ mình đẻ mình ở Hà Nội, nuôi mình lớn lên ở Hà Nội. Cuộc sống của mình, kí ức của mình, do đó, cũng là Hà Nội. Từ bé đến lớn, mình về quê đón Tết vài lần, toàn là đi với bố mẹ. Nghe mẹ mình kể, lúc nhỏ nhà quê nghèo lắm, Tết bố buộc hai con gà vào xe, đèo bòng mẹ con mình về, mẹ cuốn mình trong cái chăn, mình ngủ như con chó con. Về đến quê, mình dậy tót đi chơi với đám trẻ con luôn, mặc kệ mẹ ngồi mệt vì ôm mình mỏi nhừ suốt cả chặng đường. Lúc ấy nhà mình chưa có thằng Tít em mình.
Lớn thêm một chút, hầu như Tết của nhà mình ở Hà Nội, chỉ về giỗ chạp dịp cuối năm cũ, đầu năm mới. Chuyện Tết quê, nếu hỏi mình thì mình tắc tị. Độ bảy, tám năm trước, ông ngoại yếu, cả nhà về quê ăn Tết với ông. Mình thẫn thờ chẳng biết làm gì cho qua mấy ngày Tết, thế là ôm về một balo truyện, nằm đọc miết mải giết thời gian. Thế là vẫn chẳng có mấy kí ức Tết quê, trừ những bữa ăn đông đúc cười nói rổn rảng vang nhà.
Rồi ông ngoại mất, ở quê chỉ còn bà nội. Mình với thằng Tít chia nhau mỗi năm lại một thằng theo bố về đón giao thừa với bà. Năm nay, tới lượt mình.
Chiều 30, mình theo bố ra thăm mộ. Quê mình các họ xây lăng xây mộ rất to, nhà nào nhiều suất đinh nhìn là biết ngay, trông bề thế nổi bật lên giữa một rừng bề thế. Mình nói xây như thế này là do thiếu hiểu biết đấy bố ạ, cứ đua nhau làm, chả có căn cứ cơ sở nào cả. Bố mình muốn sửa sang lại khu mộ lắm, mà chuyện đụng chạm tới mồ mả đâu có đơn giản, không sống ở quê, không phải chuyện gì tiếng nói cũng có trọng lượng. Chiều 30 khu lăng mộ rất đông người, con cháu ra hương khói cho ông bà cụ kị. Bố mình đi đường chào hỏi hết người này tới người khác, có người là bạn cũ đã mấy chục năm không gặp, mấy mái đầu bạc gật gù bắt tay nhau, kêu ừ tôi cũng không nhớ ra ngay ông là ai, nhưng tôi nhìn ông quen lắm, ngày nhỏ chơi với nhau mà giờ lâu quá rồi.. à, tôi nhớ rồi, nhớ ra ông là ai rồi..
Mình thắp hương cho các cụ, đến tận lúc này, gần ba chục tuổi đầu, mới bỗng nhiên nghe tiếng quê hương nhói lên trong lòng. Là đây chứ đâu, là gắn bó thịt da máu cốt, là tâm hồn tổ tiên, là ông bà họ hàng ngấm vào từng thớ đất, là những làn khói dài như tiếng thở qua bao nhiêu năm tháng. Đau.
Về qua nhà thắp hương lên ban thờ cho ông ngoại, đứng nhìn nhà cửa, kí ức lúc nhỏ lại dội về.
Ngày mình còn bé, bé lắm, chắc lúc ấy chỉ tầm ba tuổi, chả hiểu sao mình nhớ được nhiều chuyện phết, nhớ thật chứ không phải chỉ nghe người lớn kể lại. Mình nhớ hồi ấy theo mẹ về quê, ở nhà ông ngoại. Ông ngoại hay bế mình cho trèo lên bồ thóc chơi, mình chơi một hồi thì mình mẩy đỏ ran lên, mẹ mình về bảo ông lần sau không cho mình nghịch thế nữa, thế là cái bồ thóc trở thành một trong những khao khát tuổi thơ của mình. Mình nhìn ông ngoại cho gà ăn, miệng kêu bập bập, lũ gà đang rải rác ngoài vườn, nghe thấy hiệu lệnh bèn te tái chạy về mổ lấy mổ để nắm thóc ông mình vãi ra. Mình xem thấy khoái lắm, xin ông mai ông để cháu cho gà ăn nhé. Hôm sau mình bắt chước ông ngoại, hai tay giữ chặt nắm thóc, miệng kêu bập bập gọi gà. Bọn gà chạy ào ào về, mình tung nắm thóc lên, thóc rơi xuống sân nghe rào rào, gà mổ điên loạn luôn. Mình cười thích chí, nhảy từ bậc thềm xuống sân, vung tay đá chân hò hét đuổi hết đám gà đi, rồi cặm cụi nhặt lại từng hạt thóc, từng hạt một, không sót hạt nào. Rồi mình lại lên bậc thềm, hai tay giữ chặm nắm thóc, miệng kêu bập bập gọi gà. Cứ làm đi làm lại như thế, một nắm thóc ông ngoại cho cũng đủ cho mình lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Đến giờ, mình vẫn không lúc nào cảm thấy trò đó hết hay.
Đầu ngõ nhà ông ngoại có cây nhãn, lúc nhỏ, dì mình hay trèo lên hái cho mình ăn, lúc ấy với mình, cây nhãn là cây cao nhất trên đời, cao lắm, cao tới mức có lẽ cả đời mình sẽ không bao giờ trèo lên nổi. Thế mà dì mình trèo lên được, dì giỏi thật. Đầu ngõ có cả quán nước của chú Âu, chú Âu già rồi, mình nhớ trông chú lúc nào cũng hơi nhăn nheo, nên mình nghĩ chú là người già nhất ở quê. Thỉnh thoảng ông ngoại cho mình với hai anh họ mình ít tiền mua kẹo ở quán chú Âu, mình rất thích. Sau lưng quán chú Âu, cạnh cây nhãn là cái ao, cái ao kỉ niệm của mình. Hai ông anh họ sinh đôi của mình hồi ấy rất nghịch, có thể nói là kinh khủng khiếp. Mấy anh em hay xin ông cho tắm ao, chỉ có hai anh mình là nghịch nước mạnh, bơi lội tung tăng như cá, mình lúc ấy bé quá chỉ ngồi ở mép đá rửa chân vầy vầy. Anh Công đứng cạnh trông mình, lặn xuống nước rồi lại trồi lên, mình với cổ nhìn theo, chúi người thế nào mà ngã tòm xuống ao. Mình ngửa mặt lên nhìn làn nước, mắt vẫn trợn lên thao láo, anh Công vội kéo mình lên, mình òa khóc nức nở. Làn nước trắng xóa của bầu trời am ám năm ấy, mình vẫn nhớ như in.
Còn cả chuyện bác mình dẫn đi chợ. Bà nội mình hồi ấy bán thạch ở chợ, gánh thạch của bà nội nuôi bố mình với các cô chú mình lớn lên bằng người. Hôm ấy mùa hè, trời nắng lắm, bà nội lấy thạch cho mình ăn. Về nhà mọi người hỏi ra chợ chơi với bà có vui không, mình tỉnh bơ trả lời, bà nội ăn thạch bỏm bà bỏm bẻm như con lợn. Chuyện này bác mình năm nào cũng kể lại ít nhất một lần, lần nào cũng cười ra nước mắt.
Thế mà, đã hơn hai chục năm trôi qua. Ông ngoại mất, tối hôm ấy mình bật khóc trên điện thoại với một người con gái.
Ông ngoại mình ngày xưa là thầy giáo. Hồi bé, thấy ông ngoại thích văn thơ, mình nghĩ chắc ông là thầy giáo dạy văn. Lớn thêm một chút, biết hóng hơn thì mình phát hiện ra ông là thầy giáo dạy sử. Phát hiện này cộng với nền giáo dục chuyên ban thi cử làm mình dạo ấy cũng đôi chút thất vọng, vì hồi ấy mình thấy giáo viên sử không oai bằng giáo viên văn, đến giờ mới thấy hồi ấy mình chả biết cái mẹ gì, chả giáo viên nào là oai cả. Theo lời các anh chị mình kể thì ông ngoại là một tay tổ tôm có số má. Mấy món phỏm phiếc ông không thèm đoái hoài, nhưng hễ ngồi xuống chiếu tổ tôm là hóa rồng liền. Thời nhà bác Hà mình ở Hải Phòng, ông ngoại ở cùng một chặp, và ông vặt sạch các cụ gần nhà, cho các cháu vào quán bia nhậu mệt nghỉ. Mình nghe chị mình kể thế thì ghen tị lắm. Lúc mình đến tuổi đi học, ông ở nhà mình, dạy mình học, đưa đón mình tới lớp thay bố mẹ mình bận đi làm. Nhớ có hôm trời nắng chang chang, ông ngoại đi xe đạp đón mình ở trường về, đi được nửa đường thì ông dừng xe, bảo ông mệt quá ông cháu mình xuống đi bộ một đoạn nhé. Mình trèo xuống khỏi yên rồi lững thững đi bộ với ông. Về nhà, ông kể cho mẹ mình, bảo Tũn hôm nay ngoan, thấy ông mệt không bắt ông đèo.
Ngày sang cát ông, mình lại nghĩ tới hình ảnh bốc mộ bà ngoại lúc mình ba tuổi. Bác mình, mẹ mình, dì mình gào khóc tang thương. Mình theo chân người lớn ra đồng, nhún chân ngó xuống dưới mộ, thoáng nhìn thấy phần xương sọ hiện ra sau lớp đất, mình giật mình sợ chết điếng, bước lùi về sau hai bước. Nhớ rõ mồn một tới tận bây giờ. Rồi sang cát cho ông, lớn rồi chẳng sợ như lúc nhỏ, chỉ thấy kỉ niệm đập phập phồng trong lồng ngực.
Bà nội bây giờ cũng đã nghỉ chợ lâu lắm rồi, bà mình ở một mình cạnh nhà chú họ mình dưới quê. Bố mình với chú mình muốn đón bà lên, mà bà chẳng chịu, người già nhớ quê lắm, nhớ lắm, mới đi vài hôm đã rậm rịch nhớ quê rồi, bác mình bảo thế. Mình về đón giao thừa với bà, ngồi ăn uống cười nói hà hà với anh em chú cháu trong nhà. Bữa tất niên, mình với ông em họ quất nguyên một chai rượu ngâm, nói chuyện anh anh em em, ông ông tôi tôi, lúc nhỏ lúc lớn, rất vui. Tết nhất năm nào cũng nghe bố mình kể lại chuyện mẹ mình 30 Tết đau đẻ thằng Tít hồi mình bốn tuổi, nghe mãi không chán, năm nay mình chêm thêm câu con nhớ như in hôm ấy bố ạ. Ông em họ được vợ đưa về, ngất thẳng cẳng, mình cũng đứ đừ, mở mắt ra đã thấy ba giờ sáng, mấy anh em gọi chúc Tết mình chả nghe nổi máy. Sáng mùng một đi chúc Tết với bố, vẫn còn hơi biêng. Năm nay đón giao thừa theo cách không ngờ, kể cũng thành kỉ niệm đáng nhớ, hihi.
Bà nội già, đi trên cầu bắc qua sông trước nhà, bà phải cúi thấp xuống đi cho vững, mình đỡ tay, thấy bà yếu đi nhiều. Bà bảo bình thường ở nhà cũng buồn, mà không dứt ra mà đi được, chỉ thích đến Tết nhìn con cháu về ngồi ăn uống nói cười, chứ bà có ăn được là bao.
Cái ao kỉ niệm bên nhà ông ngoại cũng không còn nữa, người lớn lấp đi từ lâu rồi. Cây nhãn vẫn còn đó, nhưng thiếu hơi người chăm nom, chẳng đậu nổi quả. Cây nhãn chẳng còn là cái cây cao nhất trên đời, nhìn bé nhỏ gầy gò đến tội nghiệp. Chú Âu mất lâu rồi, quán nước bị đập bỏ. Nhà cửa hiu quạnh, chỉ dịp lễ Tết giỗ chạp mới có người. Khoảng sân năm nào mình bắt chước ông ngoại bập bập gọi gà, giờ rêu phong xanh rì, con em họ kém mình hai lăm tuổi chạy quanh sân, thỉnh thoảng cúi xuống nhổ cỏ ở kẽ gạch, rồi chạy lại nhét vào tay mình.
Những năm tháng thơ ấu nhòa đi trước mắt, hai dòng nước chực trào ra, rồi lại nuốt vào trong. Ôi, quê nhà..