Bé đến giờ sống được ngót nghét ba chục năm, mình tự hỏi bản thân nhiều câu lắm.

Hồi nhỏ nhỏ, đi học, quãng độ lớp bốn gì đó, một hôm cô giáo dạy nước mình là nước xã hội chủ nghĩa, nước Mỹ là nước tư bản chủ nghĩa. Hả nói gì khó hiểu quá vậy, trẻ con lớp bốn tức là chín tuổi, chín tuổi biết mẹ gì về chủ nghĩa mà cô nói toàn từ kinh hồn. Mình với đám bạn ngồi dưới mặt đần thối. Đã vậy cô giáo hoàn toàn không giải thích gì hết, cứ nói xơi xơi vậy thôi, rồi bắt về nhà học thuộc để mấy hôm nữa làm bài kiểm tra.

Về nhà mình hỏi ông già, bố ơi nước mình là nước xã hội chủ nghĩa, nước Mỹ là nước tư bản chủ nghĩa, thế xã hội chủ nghĩa với tư bản chủ nghĩa là sao? Bố mình gãi cằm rồi bảo, xã hội chủ nghĩa tức là mọi người đều như nhau. Mắt mình sáng rực, tức là công bằng hả bố? Bố mình gật, ừ.

Đến đây mở ngoặc kể chuyện tí, hồi bé chẳng hiểu sao mình rất khoái ý tưởng về công bằng, bình đẳng. Lúc ấy hiểu rất nôm na, tức là mọi người đều được đối xử tốt. Còn bất công là một điều rất đáng ghét, và mình ghét nó theo một cách rất tự nhiên và bản năng. Giờ nghĩ lại mới thấy hiểu rằng phần đa bản chất trẻ con đều trong sáng thiện lương như vậy.

Nghe bố mình nói thế, mình gật đầu, vậy được rồi, nước mình công bằng thì được.

Trong đầu lúc ấy chợt lóe lên câu hỏi, ơ vậy nước Mỹ không công bằng, thế không được rồi, thế tại sao người ta không làm cho nó công bằng hơn đi?

Tiếc rằng chín tuổi, nhỏ quá, không đủ kiên nhẫn suy nghĩ tìm câu trả lời, bố mẹ lại bận đủ việc, câu hỏi rơi tõm lại phía sau. Nhiều năm qua rồi, bây giờ lớn lên, hiểu rằng công bằng là một trong những khái niệm gây tranh cãi nhất của con người, thấy việc phải giáo dục cho bọn trẻ con sao cho đúng để chúng nó không rơi vào vòng nhận thức lệch lạc do giáo dục nhà trường xứ mình mang lại, quả là chuyện vô cùng quan trọng.

 

Lớn thêm một chút, học hành xong xuôi rồi đi làm, gặp qua không ít người. Đợt đi xa nhà, có ông anh tên L., con người tính cách rất sảng khoái dễ chịu, theo kiểu anh em chơi được, một hôm hai anh em lang thang ngoài đường, thấy có con xe xịn phóng vù qua. Anh L. tặc lưỡi, biết bao giờ mình mới có tiền mua được cái xe như thế nhỉ. Mình quay ra bảo em có câu trả lời cho câu hỏi của anh đấy, đơn giản là không bao giờ. Một khi anh đã hỏi như thế, tức là tâm lý mình nó đã thúc thủ chịu thua rồi, ý chí mình nó đã khuất phục trước cái viễn cảnh mua được con xe xịn rồi, và mình sẽ cứ tà tà và chẳng cố gắng mẹ gì hết vì cái mục tiêu cao xa ấy cả. Nhìn những điều cao xa rồi đặt câu hỏi theo kiểu ấy, tức là mình đã tự đặt cho mình cái ngưỡng là sẽ không bao giờ vượt qua được rồi, và cái ngưỡng ấy thấp tè thôi à.

Anh L. nghệt ra, mình được đà nói tiếp, muốn mua được xe xịn, thì anh phải đặt câu hỏi là bây giờ làm gì để kiếm được tiền mua nó nhỉ, và bước đầu tiên là lo nâng cấp bản thân đi thì mới kiếm nhiều tiền hơn được. Hỏi thế thì mới cho thấy mình thực sự mong muốn chứ, hỏi như anh, nghe chán bỏ mẹ, dạng câu hỏi cảm thán ý nói tôi đéo bao giờ làm được điều ấy.

Lúc ấy mình cũng không hiểu tại sao mình tự dưng lại thốt ra được một tràng dài ngoằng như vậy. Ông anh nghe thì cười trừ cho qua chuyện.

Về sau, càng lúc càng gặp nhiều người tự hỏi những câu như thế. Tiêu biểu nhất cho dạng câu hỏi của những kẻ thất bại, tiếng Tây gọi là looser, chính là khi người ta gặp hai lĩnh vực, thứ nhất là một thứ rất đắt tiền, thứ hai là khi nói về chế độ ở xứ này.

Có ông anh khác, gặp mình thì hay chẹp miệng, biết bao giờ nước mình mới có tự do dân chủ nhỉ, chắc đến hết đời mình cũng chưa có, mà chắc phải hết đời con đời cháu mình thì may ra.

Mình cười, tuần sau có chuyện gì xảy ra, anh còn không thể nói trước được, thế mà cứ đụng chuyện này là lại chắc chắc với lại đoán đoán trước cả vài đời người, hay nhỉ.

Y như rằng, sang tuần thanh niên này đột ngột bị người yêu bỏ, đang hạnh phúc thì rơi cái bịch, đau khổ gần chết, rủ anh em đi uống rượu, khóc huhu như thằng trẻ con. Mình bảo, thấy chưa, em đã bảo rồi, cứ thích nói trước tương lai cơ, thế nên yên tâm, đéo sao đâu, tìm em khác mà yêu, cuộc đời luôn cho ta cơ hội, có đủ dũng cảm mà nắm bắt hay không thôi. Thôi, uống đi.

Hôm đấy say phết, nhưng trò đoán trước tương lai theo cái lối cam chịu u ám thì sau đấy ông anh cạch hẳn, còn mình thì nhớ mãi không quên chuyện này, hehe.

 

Lại lan man chuyện tự hỏi, từ dạo dậy thì đến giờ, đi ra đường thấy gái xinh nhiều không đếm xuể, anh em vì thế có niềm vui ra đường soi gái, cũng gọi là một cái thú ở đời. Thưởng thức thú vui cho đã, rồi mình đặt câu hỏi, gái xinh nó sống ở đâu? Tại sao hàng xóm nhà mình không hề có gái xinh, tại sao hàng xóm của tất cả các anh em bạn bè mình đều không hề có gái xinh? Tại sao cứ phải đi đến những nơi khác thì mới có gái xinh? Vậy chúng nó sống ở đâu?

Hehe, đây cũng là một dạng câu hỏi thất bại, nói như cách thằng Quang Ớt bạn mình thì đmẹ chúng ta đang đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi sai. Cái này rất quan trọng, cách đặt câu hỏi và cách nhận ra ngụy biện trong tranh luận là điều rất quan trọng trong giao tiếp. Quan trọng, nhưng không khó. Các anh em chịu khó đọc nhiều sách, chịu khó tư duy suy nghĩ, thế nào cũng sẽ tìm ra con đường sáng để khai phá bản thân. Bây giờ thời buổi internet rồi, trước khi hỏi bất kì ai thì hãy nên tự tìm câu trả lời cho mình trước đã, khi có đủ kiến thức rồi, tự khắc việc đặt câu hỏi nào cho đúng sẽ tự bật ra, và việc tranh luận sẽ cứ thế mà rành mạch và sáng trong như tự nhiên phải thế.

Thôi, tối thứ hai đầu tuần, khởi động múa mồm tí cho vui, chúc các bạn sáng suốt trong những lần trăn trở tự hỏi bản thân, nha.

———-

ChuKim – 2016

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.