Đây không phải cách đặt tên lách kiểm duyệt như kiểu ‘Chuyện ở nông trang’ dịch chệch đi từ ‘Trại súc vật’ (Animal farm) mà Nhã Nam đã làm trước kia.

Hôm nay, đọc bài ‘Những con chim ở trời Âu.’  của anh Người Buôn Gió, anh ấy nhắc tới lần đầu anh ấy đi nước ngoài, là đi sang Mã Lai, anh ấy ngạc nhiên vì ở Kuala Lumpur có quá nhiều cây cổ thụ và quá nhiều chim.

Khi đặt chân đến thủ đô của Mã Lai, điều đầu tiên tôi thấy kinh ngạc không phải vì quang cảnh, vì nó không khác với những gì tôi hình dung, tôi cũng không ngạc nhiên khi một vài người đứng ở cửa khách sạn đưa cho tôi tấm các để gọi gái.

Cái làm tôi ngạc nhiên là ở đó có quá nhiều cây cổ thụ và quá nhiều chim. Tôi nhìn thấy bọn chào mào, sáo, khướu, khuyên và cả hoạ mi, sơn ca nữa, chúng bay nhảy, hót véo von ầm ĩ ở ngay trên đường phố.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi về lũ chim này là ý nghĩ về một đống tiền đang nhởn nhơ trước mặt. Bởi tôi chơi với mấy người nuôi chim ở Hà Nội. Tôi ước lượng riêng cái số chim tôi thấy ở đoạn phố này của thủ đô Mã Lại cũng là cả một gia tài, nếu nó được đưa về Việt Nam bán cho những người chơi chim.

Làm sao mà các loại chim quý hiếm này có thể nhởn nhơ sống đàng hoàng ở nơi thành phố đông người như vậy.? Đến cả những khu rừng Việt Nam mà tôi đã đi cũng chẳng có được nhiều chim các loại như vậy. Câu hỏi ấy chỉ thoáng qua rồi vào quên lãng trong đầu tôi.’

Thốt nhiên thấy xúc động, không phải niềm xúc động đến từ lời văn của Người Buôn Gió, dẫu cho những câu chuyện của anh thường có sức thu hút rất đẹp với nhiều người.

Đó là niềm xúc động dội về từ kí ức những ngày mình sống ở Kuala Lumpur.

Trước giờ viết chuyện kể lể đủ thứ trên blog, mình hay nhắc tới khoảng thời gian xa nhà, chính là nói về những ngày sống ở Kuala Lumpur. Ra trường, mình ngơ ngác thế nào lại xin được việc làm bên ấy, phỏng vấn xong đôi bên ưng bụng, thế là đi. Đi theo kiểu có chuẩn bị có kế hoạch, chứ không phải kiểu xách ba lô lên và đi.

Kuala Lumpur không phải là thành phố ở miền đồng bằng như Hà Nội hay Sài Gòn, đường đi lối lại lên lên xuống xuống, quanh co uốn lượn, thỉnh thoảng chui vào hầm đi xuyên qua quả đồi là chuyện bình thường. Điều đặc biệt là ở chỗ tuy địa hình đồi núi lên xuống như vậy, nhưng họ làm quy hoạch rất có ý thức bảo vệ nguyên trạng tự nhiên, phần nào cần làm đường thì làm đường, phần nào vốn là chỗ cho cây cối mọc mà đường và vỉa hè không đi qua, thì cứ để nguyên như vậy. Đi đường ở đây, thi thoảng lại bắt gặp vài khu rừng nho nhỏ, diện tích độ vài chục cho đến vài trăm mét vuông, bên trong cây cối vẫn mọc bình thường, chim chóc như anh Người Buôn Gió kể, có cả khỉ và sóc, thỉnh thoảng chúng nó nổi máu nghịch, chạy ra giữa đường nhảy tưng tưng như trẻ con quậy phá, xe cộ dừng lại bóp còi pin pin một lúc chúng nó mới chịu nhường lối cho đi. Chẳng ai lấy làm phiền, họ cứ thản nhiên như không. Bố mẹ mình sang chơi, đi taxi gặp ngay một pha như vậy, tấm tắc khen, rồi bảo ở Việt Nam mà thế, nó san bằng cả cái mảng này thành bình địa rồi, nói gì đến chuyện khỉ dạn người thế kia.

Khu nhà mình ở nằm trên một ngọn núi, gần Trung tâm Khoa học Quốc gia Mã Lai, từ hiên nhà nhìn lên, thấy cả một khu rừng trên núi. Cuối tuần mình hay đi lang thang trong khu, cây cối và nhà cửa cứ xen nhau, trên đầu bọn khỉ chuyền cành kêu khọt khẹt, mình ngửa cổ lên nhìn, thấy một con đang dừng lại nhìn mình chăm chăm, mình cũng bắt chước kêu khẹt khẹt vẫy tay gọi nó xuống. Hai thằng cứ một thằng dưới một thằng trên nhìn nhau một lúc, rồi nó nhe răng tung người chạy mất.

Người ta làm một lối đi trải nhựa men theo sườn núi, dẫn tít lên đỉnh, nhưng người dân ở đây cũng ít đi lên, chẳng hiểu tại sao, chắc họ sợ có rắn rết gì đấy, chỉ mấy thanh niên hay chạy bộ leo núi là thường xuyên qua lại. Hồi ấy mình chưa thích thể thao, chỉ đi vào độ dăm chục mét rồi thấy chán lại quay ra. Giờ nghĩ lại thấy tiếc hùi hụi.

Lối vào rừng, bên ngoài có biển chỉ dẫn một số nguyên tắc an toàn, ví dụ như không cho khỉ ăn.
Lối vào rừng, bên ngoài có biển chỉ dẫn một số quy tắc an toàn, ví dụ như không cho khỉ ăn.

 

Một thời gian sau, mình không ở nhà trên núi ấy nữa, chuyển sang ở chung cư. Khu chung cư mình ở đối diện là đền thờ của người Ấn, họ thờ cúng rất thường xuyên, có con bò chắc do đền thờ nuôi, đi lang thang quanh quẩn, người Ấn họ tôn thờ thần bò nên con bò được mọi người tôn trọng. Mình nhìn lại thấy nhớ hồi bé về quê, lần đầu nhìn thấy con bò, cứ thắc mắc sao không có sừng để đấu bò tót.

Con bò tất nhiên là.. con bò, người đi lễ bằng xe máy dựng trên vỉa hè trước cổng, nó đi qua đi lại, lè lưỡi liếm tay ga, mình thấy thế cũng bất giác lè lưỡi theo, vì tởm. Được cái con bò rất sạch sẽ, không hôi hám chút nào, cũng chẳng nhìn thấy phân bò vương vãi trên đường, thế nên chẳng có lý do gì để ghét nó.

Mình kể cho con Hoàng Anh nghe, nó cứ cười bảo anh như ở quê ấy nhỉ. Mình thì nghĩ về câu nói của thầy mình ngày xưa, ‘một con bò, khi được dắt qua phía bên kia biên giới, khi quay trở lại, nó vẫn chỉ là một con bò mà thôi’.

Ngay phía sau lưng đền thờ Ấn Độ là chùa đạo Phật Sri Lanka. Mình không tìm hiểu kĩ nên không biết Phật giáo Sri Lanka có khác nhiều so với Phật giáo Việt Nam không, nhưng thi thoảng gặp các sư thầy, cảm giác thân thương như hồi nhỏ ông ngoại hay dẫn vào chùa chơi với chú tiểu, còn ông ngoại ngồi nói chuyện với sư cụ trụ trì.

Gần nhà có quán ăn bình dân, cuối tuần mình hay ôm máy tính ra ngồi cắm rễ, dùng ké wifi và ăn uống linh tinh, lúc thì xem bóng đá, lúc thì đọc hết cái này tới cái khác. Lần nào cũng đi qua đền thờ Ấn Độ và chùa đạo Phật Sri Lanka, bạn mình bảo mày hay đi đêm hôm một mình, lại đi bộ, nhớ cẩn thận, nghe thế mình cũng hơi sợ, nhưng rồi nghĩ đi qua chỗ thờ phụng tôn nghiêm, là nơi an lành nhất rồi, có gì nữa mà phải sợ. Rồi mình lẳng lặng mua một con dao bấm nhét trong túi xách cho yên tâm.

Một lần, mình nhớ như in đó là tối thứ sáu, như mọi khi, mình lại ôm đồ ra quán ngồi chơi, đi ngang qua trước cổng chùa, bỗng sững lại thấy trên vỉa hè có một con chó nằm im ngay đơ. Thấy nó không cục cựa gì, mình lại gần thì thấy nó đã chết từ lúc nào, miệng vẫn còn rỉ máu. Nhìn dưới đường có vết máu, có lẽ nó chạy qua đường bị xe đâm, ở đây đường tốt nên họ lái xe nhanh, không loại trừ trường hợp chó mèo khỉ sóc chạy băng qua bất ngờ nên họ không dừng kịp.

Người lái xe chắc đã bế xác con chó đặt lên vỉa hè. Mình đứng nhìn một lúc, chùa thì đóng cửa từ sớm. Rồi mình bỏ đi.

Tối hôm ấy, mình ngồi rất lâu.

Tới lúc mình về nhà, đi qua lối cũ, vẫn thấy xác con chó ở yên như lúc đầu. Mình tiếp tục bỏ đi.

Qua ngày thứ bảy, tối đến, mình lại đi ra quán ăn. Không biết xác con chó người ta đã dọn đi chưa, theo lịch thì xe rác đã phải đi qua rồi. Vậy mà nó vẫn ở đó. Và mình lại bỏ đi.

Tới lúc mình về nhà, đi qua lối cũ, vẫn thấy xác con chó ở yên như lúc đầu. Mình tiếp tục bỏ đi.

Cả ngày chủ nhật ở nhà, đến chiều thì mưa to, tự nhiên thấy nóng ruột, không biết con chó giờ này người ta đã đem nó đi chưa, hay vẫn để yên như vậy. Tội nó, rồi còn chuyện vệ sinh thì sao? Mình kể cho con Sazzy, nó nhăn mặt tỏ ra sợ, rồi bảo không sao đâu, yên tâm.

Mình chẳng thấy yên tâm chút nào, nhưng tối hôm đó, vỉa hè đã sạch bong như trước. Và mỗi lần đi qua đoạn đường ấy, mình lại nghĩ về chuyện đã thờ ơ bỏ qua một việc tốt nên làm, chỉ biết chờ đợi một điều mà mình cũng không biết liệu có xảy đến hay không.

Hôm nay, đọc bài của anh Người Buôn Gió, rồi vẩn vơ nghĩ lại chuyện cũ lúc ở Kuala Lumpur. Nghĩ cả về lúc người ta ồ ạt chặt cây, ồ ạt lên kế hoạch thay cây ở nước mình, nghĩ về lúc cá chết hàng loạt, về lúc phát hiện môi trường bị hủy hoại bởi bàn tay con người ở khắp nơi từ Bắc vào Nam, về những kẻ mà người ta gọi là ‘bút máu’ đang trơ trẽn ráo hoảnh rêu rao rằng ô nhiễm không chết, ô nhiễm không sao cả. Vẫn được cả ngàn người đọc rồi ‘like’, trong đó có mấy người mình quen.

Rồi câu chuyện anh chàng Jean Valjean ăn trộm bánh mì phải đi tù trong tiểu thuyết của Victor Hugo từ thế kỉ XIX, bây giờ giữa năm 2016, đã tái hiện ở Việt Nam dưới hình hài hai thằng trẻ con tuổi vị thành niên, vì đói quá mà làm bậy. Chỉ đáng giá 45000 đồng, 2 đôla Mỹ, mà người ta truy tố hình sự, mở phiên tòa tuyên phạt án tù cho chúng nó, nào là chủ mưu, nào là tòng phạm, nào là gây nguy hiểm cho xã hội, nào là phải răn đe. Đọc báo, người ta kể một thằng bé nghe tuyên án xong, quay lại nhìn mẹ và òa khóc. Thấy như có giọt nước mắt khô khốc trong lòng.

Còn đám quan chức gây thiệt hại cả núi tiền xương máu dân lành, thì được tha bổng, miễn truy tố vì có nhân thân tốt. Thứ chủ nghĩa lý lịch đáng nguyền rủa cho tới tận thời kỉ mà cả nhân loại đang tiến tới những điều tốt ngày càng tốt đẹp, vẫn đang lộng hành và nghiền nát đạo đức con người trên xứ sở này.

Còn ngoài kia, người ta vẫn rất nhanh nhẹn và hùng hổ trong việc buông lời mỉa mai, khinh miệt, ca tụng và cổ xúy bạo lực khi nói về hai cậu thanh niên bị cảnh sát giao thông đạp đổ xe khi bỏ chạy, cú ngã có thể gây nguy hiểm tính mạng bị người ta hò reo đáng đời. Bất chấp pháp luật, bất chấp văn minh, bất chấp sự thiện lương để hướng tới văn minh nhân bản.

‘Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con khác.’ (*)

Nhưng rồi ai biết, ngày mai sẽ có những chuyện buồn hơn..

 


(*) Trích ‘Trại súc vật’ – George Orwell.

———-

ChuKim – 2016

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.