Mỗi buổi sáng thức dậy, với mình, đều là một cuộc đấu tranh. Đấu tranh xem có nên ngủ thêm năm phút không, đấu tranh xem có nên cạo râu không, đấu tranh xem hôm nay có tỏ tình không, đấu tranh xem có nên bỏ nghề không, và đấu tranh xem liệu ngày hôm nay mình sẽ làm gì khi đối mặt với cuộc đời đầy khốc liệt này.

Vậy đấy, một chuỗi những đấu tranh trong cuộc sống của một thanh niên như biết bao thanh niên đầy niềm vui và những nỗi buồn. Hôm nay nghe ông anh kể chuyện mới động viên được một thằng em vùng lên chống lại sự áp đặt của gia đình, gạt phăng mọi kế hoạch và định hướng mà cha mẹ nó vẫn luôn lèo lái để lao vào đời ‘với đôi mắt tươi tắn, với tình yêu trong tim, với im lặng và hồn nhiên’ (*). Đâm nhớ chuyện ngày nào, mình cũng cãi lại cha mẹ, lần đầu tiên biết cất lên tiếng nói để giành lấy quyền lựa chọn hướng đi cho riêng mình. May thế nào, cá ăn nhạt mà vẫn nên hình hài con người.

Hồi dậy thì, bắt đầu biết mê gái, đọc truyện với xem phim, rồi thấy mình và biết bao bạn bè bị phụ huynh đe nẹt cấm không được yêu đương sớm, cứ hay tưởng tượng ra cảnh sau này có mối tình nào mà lâm vào cảnh bị cấm đoán, bị phá hoại chia rẽ, chắc chắn mình sẽ tung hê tất cả, mình sẽ phá tanh bành, sẽ đấu tranh để bảo vệ cho bằng được tình yêu. Nghĩ đến đấy thấy khí thế phừng phừng, niềm khát khao có người yêu lại bùng cháy dữ dội. Nhưng mãi đéo có người yêu. Đau.

Nhưng thôi, hôm nay mình không kể chuyện tình yêu của mình. Hôm nay, mình sẽ kể về một cuộc đấu tranh. Cuộc đấu tranh của cha và mẹ.

Chẳng là hồi ấy, bố mẹ mình là hai người ở cùng làng, người đầu này, người đầu kia. Bố mình xuất thân gia đình tầng lớp công nông, là nòng cốt, là hậu phương vững chắc của cách mạng. Mẹ mình xuất thân gia đình trí thức, tất nhiên cũng theo cách mạng nốt, nghe mẹ mình kể hồi cải cách ruộng đất, đấu tố kinh lắm, bà ngoại mình vốn con cháu giai cấp phong kiến triều đình Huế (cái này nói vắn tắt vậy thôi, không cần giải thích lằng nhằng), gia đình suýt thì ra bã với cách mạng, may mà có ông ngoại nhiệt tình đi theo lý tưởng cộng sản từ sớm, dân quê mình chắc cũng tình nghĩa, thế nên thoát nạn với cách mạng, chẳng được như ở quê ông anh mình, nghe bác trai kể bà anh bị hành hạ bắt ngồi lên đống gạch cao ngất ngưởng, chỉ chực ngã xuống. Cộng thêm tìm hiểu về cải cách ruộng đất, thấy cách mạng quả thật đã làm những chuyện kinh thiên động địa.

Ngày ấy, giai cấp công nông đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống lại các giai cấp khác, để vươn lên trở thành các ông, các bà đầy oai phong trong xã hội. Nhưng cũng có những thời điểm, sự phân biệt giai cấp không chỉ là đặc quyền của những người cộng sản.

Chuyện chẳng là, sau cuộc chấn động nông thôn, thời gian lặng lẽ trôi đi, ông ngoại mình khi đó là hiệu trưởng trường cấp hai xã, bà ngoại mình làm cán bộ gì đấy, thấy mẹ mình kể về sau bà làm mậu dịch, chẳng biết trong vai trò ấy bà ngoại mình có đáng ghét như các cô mậu dịch mà mình nghe người ta hay nói không. Kể ra thế để thấy nhà ông bà ngoại mình hồi ấy được đánh giá thuộc diện oách xà lách so với xã hội nông thôn miền Bắc nghèo rớt mồng tơi. Thế mà lâu lâu mình vẫn nghe dì với bác mình kể chuyện lúc còn nhỏ, thỉnh thoảng đêm hôm khuya khoắt gia đình phải lén lút lao động thêm, rồi lén lút giấu diếm tài sản, lén lút như ăn trộm chính của cải của mình. Mình đọc ‘Cái đêm hôm ấy đêm gì’, nghe người lớn kể, mình hiểu ngay. Nén tiếng thở dài.

Quay lại chuyện ông ngoại mình làm hiệu trưởng trường cấp hai xã. Hồi ấy bố mình là một thanh niên khét tiếng nghịch ngợm, tuy vậy nhưng học vẫn siêu (theo lời bố mình kể), không hiểu đen đủi thế nào mà năm ấy bố mình không đủ điểm lên lớp (mình nghe chuyện này từ lời bác mình với ánh mắt kinh ngạc). Thời ngày xưa xã hội chủ nghĩa chưa đổi mới, bệnh thành tích trong giáo dục chưa nặng như bây giờ, tạch là tạch. Nhưng đấy là ở những nơi gần trung ương, kỉ luật sắc bén thôi, đây là đang nói chuyện nông thôn, đầy tình làng nghĩa xóm, bà con làng nước sang có lời xin một tí, có thể được châm chước.

Bà nội mình sang nhà ông ngoại mình xin cho bố mình, khổ nỗi sang hơi muộn, lúc ấy chốt sổ rồi, ông ngoại mình cũng không làm thế nào được, đành nói bây giờ sổ lên hết rồi, thôi bác cho cháu nó về học lại một năm vậy. Bà nội mình ra về, lòng cảm thấy ấm ức lắm, nghĩ sao bèn quay lại, đứng trước cổng nói vọng vào mấy câu xả tức, các bạn chịu khó xem phim ngày xưa, hoặc đọc truyện Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, hay chuyện gì tả về văn hóa làng quê ngày ấy, thì có thể hình dung ra. Bà ngoại mình nghe thế, máu nóng dồn lên, suýt thì có biến, nhưng ông ngoại mình can kịp, kệ đi.

Hai gia đình không qua lại từ đó, huhu.

Nhưng trong cái rủi thực sự đã có cái may, bố mình nhờ học đúp mà sau đó tình cờ học cùng mẹ mình. Và họ đã đem lòng yêu nhau. Thật đúng là mình có số được sinh ra làm người.

Học chưa hết cấp ba thì bố mình đi bộ đội, thời ấy nó thế. Rồi thời gian lại lặng lẽ trôi đi. Những giây phút đương đầu với bom đạn của bọn Tàu xâm lược rồi cũng ở lại phía sau, bố mình trở về.

Lúc này thì mẹ mình đã là sinh viên đại học, mẹ mình học hẳn Ngoại Thương nhé, học giỏi vậy thảo nào về sau ép mình học như chó. Nghe dì mình kể, có hôm bố mình sang nhà chơi, nhà chẳng có ai, có mỗi dì ở nhà, bố mình cứ ngồi uống nước, nói chuyện dông dài nhạt thếch, mẹ mình đưa bà đi đâu có việc. Dì mình sốt ruột lắm, tự hỏi ơ hay cái ông này sao ở chơi lâu vậy, về đi cho người ta nấu cơm chứ, nhưng vì lịch sự nên không nói ra. Lúc sau mẹ mình về, mẹ mình vào nhà, thấy bố mình bèn nở nụ cười, ơ chào bạn Thịnh. Mình nghe đến đây thì phá ra cười há há, thanh niên hồi xưa yêu nhau hài phết.

Lúc đầu không ai để ý, nhưng về sau khi họ đã yêu nhau thật sự thì mọi chuyện bắt đầu trở nên rắc rối. Gia đình vốn có xích mích, bố mình thì lúc ấy lại là anh bộ đội quân hàm thì tương đối nhưng trình độ học vấn thì làng nhàng, học còn chưa hết cấp ba.

Ông bà ngoại bắt đầu khùng lên, cấm mẹ mình yêu. Ôi chao hình dung ra phải nói là nước mắt mẹ mình chảy thành sông. Đặc biệt là bà mình và bác mình, hai người phụ nữ có tính cách rất điển hình cho phụ nữ xứ Bắc Kì. Về sau bác mình kể, có lần mẹ mình ngồi đó, bà ngoại rút dép, quật vào người mẹ mình, vừa mắng vừa hổn hển, mày.. mày.. mày mà yêu nó.. tao tự tử. Nói đoạn bà phi xuống bếp, lúc sau phi lên nhà, một tay cầm con dao, một tay cầm cuộn dây thừng, quát, tao tự tử cho mày xem, rồi bà đi vào phòng trong. Mẹ mình mặt cắt không còn hột máu, khều dì mình, kìa vào xem đi, không mẹ tự tử bây giờ. Dì mình kể, lúc ấy dì bảo không, chị dốt thế, ai lại tự tử mà lại nói ra thế bao giờ, nhưng dì vẫn hé mắt nhìn vào, thấy.. bà đang đứng nhìn ra.

Tình yêu bị ngăn cấm phải nói là ác liệt. Mình cũng chẳng hiểu sao mẹ mình lại yêu bố mình, vừa con nhà bị nhà mình ghét, lại còn học ít hơn. Đã thế lại còn phân biệt giai cấp, nhà mình là nhà trí thức, nhà nó là nhà nông dân, bà mình với bác mình kì thị thế. Suy nghĩ một hồi thì mình chợt hiểu, chắc chắn là bố mình đã tán tỉnh mẹ mình với vũ khí là vẻ đẹp trai trời phú. Thảo nào mà sau này mình lớn lên, kết hợp bộ gene ưu việt ấy với nét u sầu độc đáo trong tính cách, mình tán gái chẳng khác nào cơn cuồng phong quật đổ không biết bao nhiêu gốc cây ở Hà Nội mà kể.

Nhưng không thể cứ thế mà cắm mặt đòi cưới nhau được, gia đình hai bên thì căng thẳng, bố mình thì học hành chưa xứng với mẹ mình. Mẹ mình ngay lập tức có chiến lược, học xong đại học, mẹ mình xin đi Liên Xô làm phiên dịch, đi tận bốn năm trời. Trong thời gian ấy, bố mình sẽ thi nốt cấp ba và học đại học, thanh niên sẽ dồn toàn tâm toàn trí để thể hiện bản thân. Hai người bọn họ thề non hẹn biển và lên đường. Ngày xưa ở quê nhà nào có con đi Tây là hãnh diện lắm, bố mình động viên người yêu đi Tây bốn năm, kể cũng liều, nhưng chắc vì tự tin ở vẻ đẹp trai trời phú nên vẫy tay chào em cứ đi đi.

Thời gian mẹ mình ở Liên Xô, vừa làm việc chính, vừa làm thêm, vừa bỏ qua mọi lời tán tỉnh, ngày đêm nhớ bố mình, và gia đình. Viết thư về liên tục, và tất nhiên, cảm thấy đi nước ngoài chán kinh người, hồi ấy nói ra chả ai tin, bây giờ thanh niên đi du học với đi sống ở nước ngoài nhiều rồi, đâm ra kể thì người ta mới hiểu.

Bố mình ở nhà lo dùi mài kinh sử, rất xúc động ở chỗ là thanh niên lại được ông ngoại mình thương, thế mới tài, dì mình kể có lần dì giặt quần áo cho ông ngoại, thấy có ít tiền với địa chỉ nơi bố mình ôn thi, dì cầm lên hỏi ông ngoại, ông ngoại bảo cấm không được nói với bà ngoại. Về sau bố mình hết lòng hết dạ chăm sóc ông. Có câu chuyện thường hay kể, một lần, khi đã là sinh viên trường Tài chính, lúc ấy đi sơ tán, bố mình bắt tàu về Hà Nội đưa ông ngoại mình đi có việc (họ chưa phải bố vợ và con rể), hôm sau bố mình lộn lại trường, chỉ kịp đọc qua một câu trước khi vào thi vấn đáp, run rủi sao bốc trúng câu vừa đọc, thế là qua ngon ơ, lập nên thành tích không thi lại lần nào, tự hào cả đời. Thằng em mình nghe xong cười bảo thật ra do mê gái, chẳng qua ăn rùa.

Tất nhiên, một chàng trai với tâm hồn bộ đội như bố mình thì không thể suốt ngày ngồi viết thư cho người yêu như mẹ mình được, thế là thỉnh thoảng lại nhận được bài sớ giận dỗi của mẹ mình từ Liên Xô gửi về. Mình có thể hình dung ra tâm trạng của bố mình lúc ấy, chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán và thầm cảm thông cho ông già.

Thời gian lại lặng lẽ trôi đi, bốn năm trôi qua, mẹ mình trở về. Chỉ còn lại rào cản giữa những người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ văn minh lúa nước. Nghe kể thì lúc ấy ông nội mình đi công tác xa về, gọi bố mình ra, hỏi mày có quyết tâm cưới nó không, thì bố xuống xin lỗi người ta. Bố mình khóc, bảo thế thì bố để cho con nghĩ, vì con thương bố lắm. Thời ấy, ở nông thôn người ta nặng nề lắm, haizzz..

Chưa kịp nghĩ cho chín, ông nội lại đi công tác, và ông mất.

Sau đó, bố mình cũng còn may, cụ nội của mình (tức bà nội của bố mình) lại là chỗ quen biết với bà ngoại mình. Cụ mình biết chuyện, qua gặp nói chuyện, xin làm hòa và xin cho bố mẹ mình được qua lại yêu đương, hai gia đình cũng dần dần nhẹ nhàng với nhau. Bà nội mình có thêm một ông thông gia là hiệu trưởng, bên cạnh ông thông gia trước đó là bố vợ của chú ruột mình là hiệu trưởng trường cấp một, bà trở thành một người rất oách trong làng.

Thế là, trải qua từng ấy khó khăn, cuối cùng thì hai thanh niên đã được cưới nhau. Những chuyện này, bây giờ khi mẹ đã không còn, mình mới biết. Vừa nghe bác nghe dì kể, mình vừa đọc trong cuốn nhật kí ố vàng tìm được dưới đáy tủ áo của mẹ. Từng dòng chữ quen thuộc hiện ra trước mắt, những năm tháng ấy, bố mẹ mình còn ít tuổi hơn mình bây giờ, họ cũng đã trải qua bao khoảnh khắc tuổi trẻ hệt như mình, hệt như tất cả mọi người.

‘Mặt trời nhỏ bé, niềm tin yêu bé bỏng của mẹ, mẹ mong từng ngày con được ra đời, từ nay, mẹ đã có một niềm tin, niềm tin yêu cả cuộc đời.’

Những dòng chữ mẹ viết khi mình là bào thai năm tháng tuổi, đọc đến đây, không cầm được nước mắt..

 


(*) Ý của Osho trong ‘Trưởng thành, trách nhiệm là chính mình’

Chuyện yêu đương 1

Chuyện yêu đương 2

Chuyện yêu đương 3

Chuyện yêu đương 4

Chuyện yêu đương 5

Chuyện yêu đương 6

Chuyện yêu đương 7

Chuyện yêu đương 9

———-

ChuKim – 2017

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.