Chín năm trước, mình học năm hai trường kiến trúc, khi ấy người gầy đét, tóc tai bù xù khi thì dài xoè ra, khi thì dựng đứng nhọn hoắt, hay mặc áo rách đi học. Vô tình lại trùng với suy nghĩ của xã hội về mấy thằng học trường mình. Sau này, mình với Quang Ớt rút ra kết luận, sinh viên kiến trúc có hai loại, loại thứ nhất là loại tạo ra định kiến cho xã hội, loại thứ hai là loại bị tác động bởi định kiến của xã hội. Điều này được khẳng định khi thằng Tiến Anh bạn mình học Bách Khoa sang trường mình chơi, nó bảo bọn trường mày trừ vài thằng như mày ra, còn lại nhìn đéo khác gì trường tao. Cười hô hố.

Hồi ấy, mình đang loanh quanh với một em học lớp mười hai. Nghĩ lại thấy bản thân thật mất dạy, đem cái mác học kiến trúc đi tán tỉnh con gái nhà người ta, gây ảnh hưởng tới học hành trước kì thi đại học căng thẳng, rối loạn tâm tư tình cảm lẽ ra đã được trải qua những ngày sáng trong, rực rỡ. Giờ lớn từng này mới hiểu ra những gia đình có con gái cần phải đề phòng hạng mất dạy như thế biết bao.

Loanh quanh cũng một dạo rồi cũng chẳng đi đến đâu, nhớ hôm nói chuyện dứt khoát kết thúc, đó là ngày mùng tám Tết, lại rơi đúng vào valentine, chán đời đi cắt tóc luôn, bảo ông anh cắt cho em nguyên kiểu này nhưng ngắn lên, thật ngắn vào. Lúc sau đứng dậy thấy như có đống cứt trên đầu. Mình rút ra kết luận là kiểu đầu hồi ấy chỉ có thể đẹp khi để tóc dài. Đến tối mình ôm nỗi buồn chia xa và mái tóc như cứt, xách thêm cái đàn, mình lên tàu đi Sapa với thầy giáo và bạn bè lớp vẽ.

Nói đến đây phải kể chuyện Quang Ớt (lại thằng Quang Ớt), nó cũng đi học lớp vẽ với mình, cũng đăng kí đi Sapa, trước Tết anh em đi họp đội, giơ tay phát biểu ý kiến kinh người, còn phê bình người này người kia không cho bồ đi theo là có lối sống vội, sống gấp. Nhưng đùng cái đến hôm mùng bốn Tết anh em đi chúc Tết thầy và thu tiền đi lại ăn ở, Quang Ớt lại cáo bận không đi. Anh em nguyền rủa tơi bời.

Mình qua nhà nó mượn cái balô đem đi chơi. Thấy tóc chú có dấu hiệu của việc bị cắt hỏng, lấy làm lạ bèn hỏi tại sao. Thằng này hồi học đại học có tuyệt chiêu tự cắt tóc, đứng trước gương mân mê cái kéo tự xử lý, tóc tai thành lọn đẹp ác liệt, nổi tiếng cả trường kiến trúc thời ấy. Mình có đợt thấy khoái quá cũng chạy sang nhà nhờ nó cắt, nó phục vụ mình như ngoài salon, cũng có mảnh vải che, cắt xong nó lấy chổi quét dọn sạch tươm, chỉ không có màn gội đầu mát xa thư giãn như ở quán trá hình. Mình không dám hỏi sợ nó gật đầu thì bỏ mẹ.

Chú Ớt tài hoa thế nên thấy tóc nó xấu mình rất thắc mắc, hỏi mãi thì nó ậm ừ bảo trước Tết ra hàng cắt cho xịn mà thất bại quá, giờ tóc xấu chán chả muốn đi đâu. Mình bảo đmẹ điên à, đi đi chứ, nhìn tóc tao này, thiếu nước tao chặt đầu đi cho rồi, đi chơi thì vẫn đi chứ. Nhưng lòng Ớt đã quyết, mình không sao lay chuyển được, nghĩ sẽ không ai làm được, thế là mình về đi chơi, kệ thằng hâm.

Sau này có dịp, một lần mình nói chuyện với em Trang em họ Ớt, mới phát hiện ra nguyên do thực sự của câu chuyện. Hoá ra đợt ấy ông già Quang Ớt đạt đến đỉnh điểm của sự ngứa mắt với mái tóc dài loà xoà chỉa ra tứ phía như bước ra từ trong truyện tranh Nhật của thằng con. Ông già bắt nó xử lý tóc tai cho vừa ý, tất nhiên với cá tính kiêu ngạo của một thanh niên yêu manga thì Ớt đã biến mái tóc của nó trở nên còn đẹp hơn để sẵn sàng đón một cái Tết ý nghĩa tuổi hai mươi.

Ông già Ớt thấy nói không được, cáu lên đã ra tay thế thiên hành đạo, hay còn gọi là trấn áp theo thuật ngữ của ngành an ninh. Chú Ớt rơi nước mắt. Ấm ức cho sự vô lý của quan điểm áp đặt, thương cho bản thân vẫn là một thanh niên lương thiện dù cái góc con người có ra sao đi chăng nữa. Ngày hôm ấy, Quang Ớt, một chàng trai mà trái tim trong suốt hai mươi năm đã bị sự thô bạo của cuộc sống dày vò, lần đầu tiên đã biết thế nào là bị cuộc sống dày vò.

Chắc nó buồn lắm nên mới chả còn thiết tha gì đi chơi. Đến bây giờ mình vẫn chưa kể cho Quang Ớt nghe là mình đã biết chuyện, lúc nghe em Trang kể, mình cười hô hố. Mãi chưa có lúc nào nhớ ra để khoe với Ớt là tao đã hiểu mày hơn nhiều rồi, hãy yên tâm tao sẽ lên tiếng đóng góp cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Cái balô năm ấy, mình cầm của Quang Ớt đến tận giờ, chưa một lần trả lại.

Ban đầu chú Ớt mua nhân dịp đỗ đại học, định bụng đầu đời sinh viên sẽ phải đi tập quân sự xa nhà một tháng thì khai trương. Nhưng do lần đầu có món đồ ưng ý nên xót của, lại để dành không dùng vội, xách tạm cái balô bộ đội cũ mèm mượn của chú hàng xóm lên đường nhập ngũ. Đến khi đi học thì có mấy khi ở cảnh sách sách vở vở, nó cứ để mãi ở nhà, thật đúng là định mệnh đã tạo nên cảnh tự nhiên được dùng đồ mới cho mình, y như Lưu Bị vớ được Khổng Minh mà định cả giang sơn. Mấy năm đầu, thỉnh thoảng nó đòi, mình cứ ừ ừ, rồi quên khuấy, cũng chẳng dùng gì, học hành bết bát đến trường toàn đi tay không, có mấy tờ đồ án cầm theo là cùng. Bẵng đi, sau này Quang Ớt cũng không đòi nữa, thỉnh thoảng nó nhắc lại việc mình vẫn cầm balô của nó như một kỉ niệm đẹp của thời thanh niên sôi nổi.

Sau chuyến Sapa về, mình lại thích một em khác, cũng lớp mười hai, thế mới oái oăm. Nói chung hồi ấy chứng nào tật nấy, chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề. Bọn bạn mình thì tầm tuổi hai mươi toàn thích mấy em bằng tuổi, nhìn mình bằng ánh mắt kính nể, chúng nó cứ xuýt xoa trẻ thế trẻ thế, nói chung là rất kém.

Mối tình lần này đi xa hơn lần trước, nhưng rồi vẫn xa nhau. Đợt ấy nhớ tới hồi Quang Ớt thất tình rủ mình đi tâm sự, mình cũng rủ nó để tìm sự thấu hiểu. Thẫn thờ nói xong càng buồn thêm, thằng Ớt  phân tích cặn kẽ nỗi buồn tới mức mình có cảm giác như trên đời không thể tồn tại thêm một cảm xúc nào khác ngoài buồn.

Rồi Ớt có chuyến xuất ngoại đầu đời sang Tân Gia Ba, đi về nó còn tặng mình cái áo. Phải nói là xúc động, lần nào tình cảm đổ vỡ cũng nhận được vật chất của thằng bạn. Trong lòng cũng thấy nguôi ngoai hơn phần nào.

Nom vậy chứ cuối cùng Quang Ớt rất thảo tính, ít nhất là với mình, nó rất hay có quà cho mình. Mà thực sự thì mình hay được bạn bè thảo tính, haha. Chỉ có mình vô tâm hay quên, có lần chuẩn bị quà tặng bạn trước khi bạn bỏ xứ ra đi tìm đường cứu lấy bản thân, cuối cùng bận quá quên đưa cho bạn, đành hẹn Ớt lần tới gặp nhau. Thật chán hết sức.

Hôm nay mình có balô mới, nhìn lại cái balô của Quang Ớt đã theo mình suốt chín năm qua bao nhiêu chuyến đi, qua bao ngày mưa nắng chưa một lần được giặt, đựng trong đó cả tâm hồn và một trời hoài niệm những năm tháng đẹp đẽ say sưa của tuổi trẻ, bất giác chạnh lòng nghĩ, bọn mình bây giờ đã không còn mặc áo rách đến trường, không còn những mái tóc loà xoà bồng bềnh đi đến đâu mọi người dạt ra đến đó, không tha lôi nhau đi kể lể mỗi khi có chuyện gì buồn bực.

Kéo khoá lần cuối rồi cất đi, hẳn sẽ không bao giờ đem trả.

FullSizeRender.jpg

 


Chuyện vặt ngày xưa (2)

Chuyện vặt ngày xưa (3)

Chuyện vặt ngày xưa (4)

———-

ChuKim – 2017

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.