Hôm nay nghe tin chú Phụng qua đời. Bần thần mất một lúc lâu. Rất lâu, trên suốt quãng đường về nhà sau cơn mưa.

Quán Phụng ở phố Nguyễn Khuyến, chỉ mở cửa từ tầm chiều tối tới mười một giờ khuya là nghỉ. Quán nhỏ, độ hơn chục mét vuông, bàn ghế gỗ cái nào cái nấy nho nhỏ xinh xinh thấp lè tè, sơn vec-ni nâu sẫm, cả quán kê được chừng năm bộ như vậy, tuỳ vào lúc khách đông hay vắng mà nhân viên thu xếp. Những khách thanh niên như mình hay thích ngồi ngoài cửa, cứ đến là gọi mấy cậu em kê cho cái bàn ngồi ở vỉa hè cho thoáng.

Phố Nguyễn Khuyến kẹt giữa khu ga Trần Quý Cáp và Văn Miếu, cả phố dài nhưng chật chội, riêng đoạn qua quán Phụng chỉ vài chục mét dài thì vỉa hè thoáng rộng, ít người qua lại hơn hẳn phần còn lại. Con phố mới chẳng ra mới, cũ không thành cũ, thường ngày kinh doanh đủ thứ, nổi tiếng nhất là dao mài, loại dao bản vuông đặc biệt bây giờ vẫn nhiều người ưa dùng phần nhiều vì thói quen, có thời còn rộ lên chuyện các thanh niên giang hồ trâu ngựa hay mua mã tấu ở đây. Từ khi mình bắt đầu đi làm thì còn biết người ta bán sơn, bột màu, và đủ thứ hoá phẩm trên phố này, nhưng khi ngày đã tàn, mọi hoạt động kinh doanh chỉ còn là hình ảnh những người già bàn nước chè, những cô hàng ăn mở muộn, và chú Phụng với đám khách rượu của chú.

Quán Phụng sạch, rất sạch, nhân viên có lúc toàn mấy thằng trẻ măng, chắc là sinh viên, có lúc lại là ông chú nào đó, nhưng họ đều có hình dáng khiêm nhường, gọn gàng của người hiền lành biết chuyện đời cần nhiều nhẫn nại. Lắm lúc anh em nói đùa với nhau, đến đây uống rượu, nhìn nhân viên mà cứ có cảm giác bọn nó vừa mới tắm xong, khéo còn thơm tho hơn cả mình. Trong quán thắp vài ngọn đèn, ánh sáng lờ mờ đủ làm sáng không gian, sáng khuôn mặt người đối diện, và giữ lại chút bóng tối buộc người ta phải dùng ánh mắt và biểu cảm khuôn mặt để soi rọi lòng nhau. Trên tường treo vài bức tranh chân dung, kí tên Cẩm, có lẽ của Hoàng Hồng Cẩm, hoặc một hoạ sĩ nào cùng tên, cùng phong cách, mình bật cười mỗi lần ngước lên và suy nghĩ này hiện ra trong đầu.

Chú Phụng lúc nào cũng ngồi thu lu trên chiếc sập gỗ con con, trông chú gầy, tóc bạc trắng, đeo kính lão, chú ngồi đó, dáng vẻ thâm trầm nhưng uyên bác. Từ lúc mình bắt đầu biết đến quán chú, đã thấy chú ngồi như vậy, không thay đổi tư thế, không phát ra một âm thanh nào, kể cả tiếng thở, ngày này qua ngày nọ, chú Phụng cứ ngồi đó, như một bức tượng tạc vào không gian lặng lẽ mà chú tạo nên. Bên cạnh chú là cái bể cá xanh mướt, cá con li ti bơi lượn lờ, cũng chậm rãi như đang thưởng thức cuộc sống bên cạnh ông chủ. Cảnh giới tiên phong đạo cốt đến mức mình có cảm giác nhân viên trong quán muốn nói chuyện với chú chắc sẽ phải khoanh tay, cúi mình thưa bẩm cụ như trong nhà các cụ ngày xưa, không khác chút nào.

Chú Phụng ngồi xem phim.

Chú có cái Ipad, lúc nào cũng để mở, chú xem phim triền miên, một lần mình đứng lên tò mò ngó vào, thấy chú đang xem Tam Quốc, bản 2010. Chú không đeo tai nghe, chỉ đọc phụ đề, có lẽ chú không muốn bộ phim làm chú phân tâm khỏi hoạt động của quán, chú vẫn âm thầm để ý mọi người, mình tin như vậy. Trước khi Ipad ra đời, và trước khi chú Phụng sở hữu một cái để xem phim, mình không biết chú ngồi làm gì, có trong hình dáng thu lu cúi xuống màn hình máy tính bảng đặt trên sập ngồi không, mình không biết. Mình cũng không muốn biết.

Đồ ăn quán Phụng rất ít lựa chọn, loanh quanh vài món, có nem chua nướng, nem tai, chả nhái, lạp xưởng nướng, gần như lần nào ra bọn mình cũng gọi đủ từng ấy món, ăn mãi từ bữa này qua bữa nọ, thấy sạch, ngon thì cũng.. vừa vừa.

Thỉnh thoảng đói bụng, thằng Hiệp béo hay gạ anh em sang đường gọi bát phở hay bát gầu trần, thằng Nam hoặc Tuấn sex chạy đi mua rồi tự bưng về, ngồi xuống làu bàu chửi quán phở tinh tướng không chịu cho người bê giúp sang đây. Cũng có hôm Hiệp béo ngó thấy phía ngõ gần có bán bánh cuốn, nó lại thòm thèm chạy ra làm một đĩa rồi quay lại uống cho ấm bụng. Mình chẳng bao giờ ăn thêm đồ ở ngoài khi ngồi quán Phụng, nhưng đôi lần bắt gặp khách đến chỉ gọi rượu uống, trên tay là gói xôi, cái bánh mì, có khi cả suất cơm bình dân.

Người ta đến đây để uống rượu sâm.

Chú Phụng bán rượu sâm, loại rượu chú tự ngâm hay nhập ở đâu về mình không biết, anh Hoàng bạn mình kể bố anh là bạn chú Phụng, anh kể đồ chú ấy bán thì sạch sẽ vệ sinh, cứ yên tâm dùng. Mình tin.

IMG_4056

Rượu sâm quán Phụng ngon, luôn được ướp lạnh đến đóng đá bên ngoài, cất trong những chai whisky Teacher con con chừng dưới 400 mil. Mãi về sau mình mới biết đến rượu whisy Teacher, thấy khoái quán Phụng thêm vài bậc, những chi tiết nhỏ nhưng thể hiện sự tỉ mỉ tinh tế của người chủ đến mức tài hoa. Uống vào cảm giác vừa nóng trong khoang họng, vừa có vị thanh lạnh lan ra khắp người. Mùa hè uống rượu sâm, ngồi nghe gió thoảng qua phố, nói dăm câu chuyện nghề nghiệp, chuyện thế gian, ấy là một cái thú ở đời. Rượu vừa phải, không nặng nhưng không quá nhẹ, đủ để đẩy đưa câu chuyện, cũng không phải loại rượu để uống đến say, mình là khách quen mấy năm trời, mới chỉ duy nhất một lần thấy chống chếnh, chuyện ấy lát nữa kể sau.

Trong hội nhậu bạn mình, có mỗi mình gọi quán này là quán Phụng, tất thảy anh em đều gọi là quán rượu sâm Nguyễn Khuyến, ngoài cửa treo tấm biển đề chữ P sơn màu đỏ. Chỉ có vậy. Không có anh Hoàng nói, mình chẳng biết P là tên chú Phụng.

Mình ngồi đây với anh em không biết bao nhiêu lần mà kể, nói đủ thứ chuyện trên đời. Nhớ có lần mình với Hiệp béo ngồi chửi Tuấn sex, cái tội có tình cảm với con nhà người ta, mà cứ lừng khừng, không dám thổ lộ, làm người ta bỏ đi mất, Tuấn sex bị anh em nhiếc mắng đến cả thái độ sống, sự đàng hoàng, lòng nhân ái, nó rớm cả nước mắt. Có lần mình ngồi với ông anh trong nghề kiến trúc, nghe kể chuyện các shi-fu phong thuỷ trong Sài Gòn, các shi-fu quyền uy ngút trời, nói gì hội đồng quản trị cũng tin răm rắp, các ban bệ phía dưới nhất nhất phải cụ thể hoá được chỉ đạo của shi-fu, không có cả tập đoàn sẽ sập tiệm như chơi, nghe mà cười lăn cười bò. Lại có lần mình ngồi với thằng em tên Hưng, cho nó lời khuyên phải làm thế này thế này, phải nhắn tin thế kia thế kia, phải nghe lời anh, không là mày thua đấy, nó vừa uống vừa gật đầu lia lịa, làm phiền mình đến tận mấy hôm sau, cho đến khi người yêu nó quay lại với nó mới thôi.

Lần mình say là hôm mấy anh em lâu ngày mới có bữa ngồi với nhau, gặp bạn gặp bè, vừa uống vừa tâm tình hết chuyện trời có con chim bay sang chuyện dưới biển có con cá lặn, tưởng như không bao giờ kết thúc. Đến mười một giờ, quán đóng cửa, bọn mình lại mua thêm mấy chai, mang ra đầu Hàng Bông ngồi quán lòng cá nhậu tiếp. Anh em càng về sau càng hiểu nhau, thấy một đời đánh bạn với nhau, thật bõ cái công được cha mẹ sinh ra cho sống làm người.

Lúc sau mình bắt đầu mót tiểu, hỏi thì chủ quán chỉ ra ngõ bên cạnh, đi vào có nhà vệ sinh, kiểu nhà vệ sinh tập thể của các ngõ trong khu phố cổ Hà Nội. Lần đầu êm xuôi, mình nhẹ bẫng, thanh thoát quay lại tiếp chuyện anh em. Nhưng đến lần sau thì sinh chuyện, mình ngấm rượu thế nào lại đi quá lên ngõ trên, khổ nỗi các ngõ cấu tạo giống hệt nhau, đều bé tí, có cái cổng sắt chỉ rộng khoảng tám chục phân, đi vào ba, bốn mét thì có nhà vệ sinh bên tay trái. Đến lúc xong việc quay ra, đã thấy cổng bị khoá từ lúc nào, mình choáng váng cầm cục khoá sắt nặng chịch, lôi điện thoại ra gọi Hiệp béo, thều thào tao bị khoá cửa rồi, cứu tao.

Hiệp béo cùng Tuấn sex chạy ra, gọi cả anh chủ quán, nhưng anh ấy cũng bó tay, không phải ngõ nhà mình. Hiệp béo nói gì lúc ấy mình cũng không nhớ, loáng thoáng là hai bên bàn bạc, rồi mình vào trong sân, ấn chuông đập cửa ầm ỹ nhà gần nhất. Bác gái chủ nhà xuống mở cửa, hỏi mình là ai, làm gì mà đêm hôm gọi cửa. Mình lúng túng giải thích, xin bác mở cửa giúp cháu, bác mắng cho té tát rồi cũng mở cửa cho mình. Lúc ra được khỏi con ngõ, mình quay lại cảm ơn bác rồi dông thẳng một mạch, Hiệp béo đứng lại xin lỗi rối rít, ăn thêm một chặp mắng, Tuấn sex nhà gần đấy, nó đứng né ra một bên, cười hí hí.

Chuyện đi nhậu say, hành xử nhố nhăng vậy cũng thành kỉ niệm để nhớ.

Lần gần đây nhất mình ghé quán Phụng là đợt thành phố có dự án dẹp vỉa hè, một dự án đầu voi đuôi chuột nhảm nhí và ngớ ngẩn như biết bao nhiêu dự án khác trên xứ sở này. Nhân viên quán bảo hôm nay không bán được, người ta không cho bán rượu. Mình bảo bán cho em mà cũng không được à, mặt em thế này lo gì, cho em một hai chai, ngồi nói chuyện tí thôi ấy mà. Chị ấy ngần ngừ một lúc rồi cũng sắp bàn cho bọn mình. Hôm ấy, lần đầu tiên không thấy bóng chú Phụng ngồi trên sập.

Hôm nay nghe tin chú Phụng qua đời. Bần thần mất một lúc lâu. Rất lâu, trên suốt quãng đường về nhà sau cơn mưa.

Mình chưa bao giờ nói chuyện với chú Phụng, chưa cả nhìn vào mắt chú. Mình chẳng biết chú Phụng là người thế nào, trong những câu chuyện với bác Tưởng bố anh Hoàng, bác vẫn thường kể thằng Phụng nó thế này, thằng Phụng nó thế kia.

Hôm nay, nhận ra trong lòng có một tình cảm rất khó gọi tên, dành cho một người chưa một lần gặp gỡ.

———-

ChuKim – 2017

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.

– natchukim.cogaihu@gmail.com –

PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.