Hơn hai ngàn năm trước, ở bên Tàu, sau khi trung nguyên đạt được sự thống nhất về chữ viết, đơn vị đo lường và ti tỉ thứ quy ước chung khác dưới bàn tay của vị vua đốt sách Tần Thuỷ Hoàng, nước Tàu lại rơi vào cảnh chiến loạn. Rồi với những biến động long trời lở đất, tay anh chị Lưu Bang đã tiêu diệt Tây Sở Bá vương Hạng Vũ, nhân vật cái thế vô song về tính tiểu thuyết, mở ra triều đại nhà Hán huy hoàng nhất trong lịch sử Tàu kéo dài suốt bốn thế kỉ. Đúng với quy luật cứ nhập vào một thời gian rồi sẽ tách ra, cứ tách ra một thời gian rồi sẽ nhập vào theo sử Tàu, sau đó đất nước ấy lại quay cuồng trong cơn chiến loạn vào thời kì cuối nhà Hán, để rồi người đời sau đã mê đắm giai đoạn lịch sử được biết đến với cái tên Tam Quốc, một thời kì đã đi vào rất nhiều tác phẩm nghệ thuật có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn cõi Á Đông.
Mở bài dài dòng như vậy, vì mình cũng là một người rất mê Tam Quốc, gần đây bộ Tam Quốc Chí của Trần Thọ được xuất bản nhưng mình chưa đọc, hồi nhỏ mới chỉ đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung và đã cày nát hai bộ phim truyền hình năm 1994 và năm 2010, đặc biệt là bản 1994 đã đi vào lòng khán giả Việt Nam theo cùng cái cách mà bản Tây Du Ký năm 1986 đã làm. Trong khuôn khổ bài viết này, do vậy cũng chỉ bàn về nội dung của Tam Quốc Diễn Nghĩa mà thôi.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhân vật được yêu thích nhất, nói không ngoa, chính là Gia Cát Khổng Minh, từ đây người viết xin được gọi là Lượng cho gần gũi với văn hoá gọi tên của người Việt Nam ta. Gia Cát Lượng là dạng thiên tài bùng nổ, anh này được miêu tả có tài mưu lược, chính trị, văn hoá, lịch sử, quân sự, ngoại giao, kiến thiết, quản lý, phát minh, tất tần tật anh đều siêu đẳng, mọi lời nói, hành động đều thể hiện đẳng cấp vượt trội so với người cùng thời. Thậm chí lại có ngoại hình nho nhã bảnh bao, đẹp trai mắt sáng râu ria gọn gàng không thô thiển, tay thường cầm quạt lông phe phẩy, thần thái vô cùng xuất chúng. Anh chính là người đã vạch ra sách lược chia ba thiên hạ cho tay anh chị Lưu Bị trong tư gia tại đất Long Trung.
Nói về cái tài của anh Lượng thì có mà hết ngày này qua tháng nọ, nhưng một trong những biệt tài đã góp phần tạo nên huyền thoại của anh chính là khả năng hùng biện siêu quần bạt tuỵ. Gia Cát Lượng không nói thì thôi, hễ mở mồm ra từng lời đều có sức mạnh đến thiên quân vạn mã cũng chưa chắc sánh bằng.
Một trong những màn múa mép định giang sơn của anh Lượng là lần anh đến Đông Ngô vào nói chuyện với đám nhân sĩ vùng này. Đây là trước khi Tào Tháo kéo quân xuống đánh Đông Ngô (nói giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng chính là Ngô này, người Việt Nam đánh nhau với giặc Ngô chính là Bà Triệu), chúa Ngô không biết nên hoà hay nên đánh, bèn thử tài xem Gia Cát có thuyết phục được phái chủ hoà hay không.
Ngày xưa đọc truyện rồi xem phim, đến đoạn này cứ ngẩn cả người mà vỗ đùi đen đét, cha chả cái tay Khổng Minh này nó tài đến thế là cùng, một mình chấp hết cả quần thần nước Ngô, các anh tài máu mặt bị anh Lượng nói cho không bật lại được tí nào. Cuối cùng Lượng đã thuyết phục được Tôn Quyền kết hợp với chủ mình là tay anh chị Lưu Bị kháng Tào, tạo nên trận Xích Bích lừng danh, có rất nhiều phim về trận đánh này xem khá hay.
Hôm nay ngồi buồn, tình cờ xem lại đoạn đối đáp kinh điển của Gia Cát Lượng. Mình lại ngẩn cả người, nhưng lần đầu tiên trong đời, đó là cái ngẩn người đem đến cảm giác thăng hoa bừng nở trong lòng, nụ cười tận hưởng khoái cảm rạng rỡ trên môi khi mình nhận ra những nguỵ biện trong lời nói của anh Lượng.
Thôi thì bung bét, anh Lượng tranh luận nhưng đề cập vào vấn đề rất ít, anh công kích cá nhân, thoá mạ tập thể, bẻ cong khái niệm, lợi dụng quan điểm Nho giáo cũ rích để áp đặt cho tình huống lịch sử, mỗi khi đến hồi bí lí lẽ thì anh bèn chửi người ta, và ngúng nguẩy quay đít không thèm nói chuyện, không khí đã căng thẳng thì chớ, giọng thuyết minh còn lên bổng xuống trầm biểu cảm dè bỉu bỉ bôi, phải nói là không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Mình xem đến đâu hai đầu gối run lên từng hồi đến đó, môi cắn chặt để kìm nén tiếng cười bật ra như tiếng sấm rền vang giữa bầu trời yên ả. Ôi, thật sự quá nhiều nguỵ biện từ cả hai phía, đây chính xác là chửi nhau chứ khôn phải tranh luận, haha. Phân tích ra rất dài dòng, cũng không cần thiết ở đây, ai chưa hiểu thì nên vào trang Nguỵ biện – Fallacy nghiên cứu dần dần sẽ hiểu. Mình nhờ chăm chỉ vào trang này đọc mà hiểu ra cách thức tranh luận, phản biện văn minh là thế nào, hiểu ra con người ngoài kiến thức ra thì còn cần có một thái độ thích hợp khi đối thoại. Điều này là cực kì quan trọng để có thể trở thành một người biết lắng nghe, biết lên tiếng, thậm chí là cả biết bốc phét có điểm dừng.
Trong thời khắc mà hình tượng Gia Cát Lượng bị giải ảo trong lòng mình, có những tia sáng đã le lói chiếu sáng màn đen tâm trí. Trong tù mù tăm tối ngàn năm, mình chợt bừng lên vỡ oà hiểu ra tại sao chính quyền Tàu lại tung hô loại hình văn học nghệ thuật đề cao sự ngu trung này đến vậy. Đó chính là vì những lập luận của Nho giáo, những lý lẽ để bảo vệ chế độ, bảo vệ sự cuồng tín của thời đại cách đây 2000 năm, vẫn y hệt như tư duy tranh luận của không chỉ lũ dư luận viên giẻ rách, mà còn của rất nhiều người trong xã hội hiện nay.
Hai ngàn năm và tư duy không hề đổi khác. Trời ơi..
Thứ văn hoá ấy đã ảnh hưởng sâu rộng và bén rễ vào tâm hồn người Tàu và người Việt, nó ngăn cản sự tiến bộ, nó gò ép con người, nó đặt ra những định nghĩa để khống chế xã hội, không cho người ta có được tự do tuyệt đích ngay cả khi thời đại này đã là thời đại internet cách quá xa thời đại anh Lượng phát minh ra xe cút kít (xem bản Tam Quốc Diễn Nghĩa 2010).
Cuộc giải ảo này đem lại cảm giác từ đây, mình sẽ tiếp nhận văn hoá với trình độ khá hơn xưa, dù chỉ một tẹo, nhưng chắc chắn là khá hơn xưa. Những màn nâng cấp bản thân đến theo lối bất ngờ này luôn đem lại cảm giác vô cùng phấn khích và ngẫu hứng.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mình phỉ nhổ vào toàn bộ tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa và cá nhân anh Lượng, mình có phải hồng vệ binh hay dư luận viên vô học làm cách mạng văn hoá đâu, mình vẫn rất mê Tam Quốc, nhưng sẽ tỉnh táo hơn, sáng suốt hơn trong nhìn nhận và đánh giá, cũng như sẽ có thêm lý lẽ trong mỗi cuộc bình phẩm cùng bạn bè. Ngoài ra cũng giới thiệu cho ai chưa biết thì nên tìm đọc Hoả Phụng Liêu Nguyên, bộ truyện tranh lấy bối cảnh thời Tam Quốc rất hay của tác giả Trần Mỗ. Có thể khẳng định chắc nịch rằng đây là bộ truyện tranh Tàu hay nhất mà mình từng đọc, bộ truyện tranh chính trị này đạt tầm xuất sắc cả về nội dung lẫn mỹ thuật. Ai mê Tam Quốc mà chưa chịu đọc Hoả Phụng thì cũng giống như việc chìm đắm trong quá khứ huy hoàng nhưng cũ kĩ, không chịu chấp nhận thực tại rằng thời đại nào cũng có những bước tiến, còn các thiên tài thì luôn luôn xuất hiện.
Chỉ đừng quay qua quay lại, mà vẫn thấy những điều đáng buồn của hai ngàn năm vẫn ở sát sau lưng.