Hà Nội mùa hè, mùa mưa, sấm chớp đì đùng, đì đùng..

Ngày trước, dạo sống ở Kuala Lumpur, na ná như Sài Gòn, quanh năm nóng nực, mưa và con người chơi trò đuổi bắt rình rập lẫn nhau. Nhưng vì tôi đến từ mảnh đất có thời tiết mấy mùa thay đổi như tâm trạng con người, nên tôi vẫn thích gọi những ngày ấy là những ngày hè miên man.

Những ngày hè miên man thưở ấy, cứ nhớ mãi một buổi trưa cuối tuần oi ả, đang thiu thiu giấc ngủ nửa vời, với cuốn sách mỏng hững hờ trên ngực, tôi giật nảy người ngã đánh bịch xuống sàn bởi tiếng sấm khủng khiếp bất chợt dội đến sát bên tai. Mây đen vần vũ bên ngoài cửa sổ, sấm chớp lại tiếp tục rền vang, tiếng sấm đùng đoàng dữ dội khiến tôi cảm thấy kinh hãi đến độ hớt hải chạy sang gõ cửa phòng con Zhii, hỏi nó này sắp bão hay sao mà sấm chớp to thế nhỉ, có cần chuẩn bị cửa nẻo đồ ăn thức uống gì không? Con Zhii nhìn tôi mặt xanh lét, nó cười bảo mưa thôi mà, mày chưa quen đấy thôi, không sao đâu, ở quê mày không  có sấm chớp bao giờ à? Tôi tròn mắt, như thế này là bình thường sao, ở quê tao cũng có sấm, nhưng nếu so với ở đây thì không khác gì tiếng rắm so với tiếng đại bác. Con Zhii bật cười hà hà.

Ngày về, ngồi bên vỉa hè nhìn dòng người vội vã lao đi trong cơn dông chiều muộn, nhớ chuyện lúc xưa, nhớ lời nghe ai đó nói, rằng chúng ta sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, chúng ta gắn bó với nơi này, chúng ta cảm thấy trong mắt mình là vẻ đẹp của nó, nhưng thật ra, cứ đi đi rồi sẽ thấy, nơi nào cũng hơn nơi này hết cả, em ơi.. Nghe đì đùng bên tai, nhớ mình từng so sánh tiếng sấm quê hương với tiếng rắm.

Cơn mưa ở Kuala Lumpur hơi giống cơn mưa ở quê tôi.

Quê tôi xứ đạo, người dân hai bên lương giáo sống lẫn vào nhau, lúc nhỏ dù không gắn bó, tôi vẫn theo cha mẹ về thăm thời thơ ấu của họ, sau này lớn lên, mới sực biết ơn mẹ cha đã gieo trong lòng mình thêm một khúc ân tình xứ sở. Cơn mưa ở quê là cơn mưa đột ngột giữa cánh đồng xanh mướt bao la những ngày tha thẩn ra lăng thăm mộ cụ, mộ ông, mộ bà, là cơn mưa nghe hàng cây thổn thức rì rào trên đường vào nhà ông ngoại, là cơn mưa ngồi trên xe đạp người lớn chở, vén tấm áo mưa nhìn nước sông chảy xiết, những cú xóc trên con đường lát gạch bạc màu lấm tấm rong rêu, những va chạm oà vỡ vào mặt nước đục ngầu của giọt mưa lao đến từ không trung vô tận, là cơn mưa đứng biên hiên nhà ngó dòng sông chia đôi bờ, nhà nội bên này, nhà ngoại bên kia.

Kuala Lumpur nhiều cây cối, cơn mưa có lúc tàn bạo, có lúc tâm tình theo tán cây gật gù ủ rũ, buồn thiu. Lúc đầu tôi ở trên đồi, mỗi ngày mưa tạnh lại lững thững ra trước cổng nhà, đứng bên vệ đường hít hà mùi mát lạnh phả ra từ khu rừng trước mặt, bầu trời nắng đêm không còn bóng mây luẩn quẩn. Có lần chạy bộ theo đường mòn trong buổi chiều tà thì gặp cơn mưa bất chợt, chạy vội dẫm lên lá khô rào rạo, rồi một thoáng sau tất thảy ướt nhẹp dưới chân, ngước nhìn lên cao chỉ còn vài con khỉ con cũng đang chạy mưa cùng mình, giá mà biết chuyền cành nhẹ nhàng nhanh nhẹn như chúng thì tốt biết bao. Rồi cơn mưa Kuala Lumpur là khu chung cư sát cạnh ga cuối Sentul Timur, cơn mưa trắng trời nhìn từ cửa sổ tầng mười sáu, nhà thờ đạo Hindu với mấy con bò nằm trú mưa an nhàn như những hiện thân thành thần đích thực, nhà chùa Phật giáo Sri Lanka, mấy chú tiểu hớt hải chạy trong sân, mấy chú ngày thường thi thoảng gặp, vẫn nhoẻn cười khi thấy tôi chắp tay chào từ xa. Cơn mưa mà người bạn đến từ xứ ôn đới ngạc nhiên, đang có bão à, ừ, ở đây ngày nào cũng có bão.

Cơn mưa dưới quê, hay cơn mưa Kuala Lumpur, đều tí tách, lách rách, lõng bõng, ọc ạch, hoạ hoằn lắm mới đủ lào rào.

Cơn mưa Hà Nội thì khác. Cơn mưa Hà Nội có quá nhiều lúc ầm ầm. Cơn mưa Hà Nội, trong lòng tôi, là cơn mưa mái tôn.

Dân Hà Nội xây nhà, nhiều người chọn giải pháp lợp mái tôn chống nóng, thị trường có đủ loại, tôn một lớp, tôn cách nhiệt cách âm đủ cả, đợt trước còn ầm ỹ lên vụ tôn lạnh bán chạy như tôm tươi, hoá ra toàn hàng lởm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Rộ lên một dạo, rồi nguội đi. Cách âm đâu chưa thấy, có cách âm được thì cũng chỉ cách âm cho không gian phía dưới, nhưng hàng ngàn hộ gia đình san sát cạnh nhau cùng lợp mái tôn, khi mưa rơi, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cái mái nhà tạo thành thứ âm thanh rào rào lộp độp rất đặc trưng, khi ấy có cách mấy thì cũng không qua được cách mạng. Thế là người ta chẳng bao giờ quảng cáo tôn cách âm nữa.

Cơn mưa mái tôn khi thì tĩnh mịch, khi lại rào rào, lâu lâu rầm rầm như gào thét đánh nhau sống chết đến nơi. Cơn mưa mái tôn khi ấy dữ dội đầy tính cách. Từ góc nhìn của một kẻ ngồi trong nhà, trong cơn mưa mái tôn, có thể chia ra vài loại người tiêu biểu.

Loại ‘thiền’. Loại người này khi cơn mưa mái tôn ập đến đem theo thứ âm thanh đặc trưng cường độ lớn, sẽ gập sách, tắt phim tắt nhạc, tắt máy tính, vứt điện thoại qua một bên, ngả người bên cửa sổ, nếu trời còn sáng, sẽ đăm chiêu nhìn ra ngoài, đập vào mắt là mái tôn nhà hàng xóm, quen thuộc và xấu xí, nếu đã tối đêm, sẽ lặng lẽ nhắm mắt, lắng nghe. Thường khi thiền, người ta không nghĩ gì, nhưng loại ‘thiền’ này chỉ tỏ ra yên tĩnh, trong đầu vẩn vơ đủ chuyện trên đời, với một nỗi buồn man mác không gọi thành tên.

Loại ‘hoà nhập’. Loại này hơi ngược, sẽ bật nhạc đủ to để giai điệu vẫn vang vọng, còn tiếng mưa mái tôn vẫn vọng vào thắt trong lồng ngực, họ thích sự pha trộn này. Loại này cũng sẽ đọc sách nếu có hứng, thậm chí đàn hát theo cách không thể nào tận hưởng hơn. Cơn mưa đâu chỉ mang đến nỗi buồn, thời tiết ẩm ướt xám xịt ấy cũng có thể đầy niềm vui lắm chứ. Ai biết đâu, người ta có thể vui với nỗi buồn đến vậy.

Loại ‘tôi muốn hét lên với cả thế giới’. Loại này là loại sống trên mạng như sống ngoài đời. Sẽ ôm điện thoại, ôm máy tính, hễ mưa là nhắn tin, là viết vài dòng. Không ướt át sến xẩm, thì kêu than đủ đường. Không cười cợt ngu ngơ, thì phân tích giao thông là vậy. Loại này chán đời lắm, tôi thỉnh thoảng cũng là loại này.

Cơn mưa mái tôn ấy, còn có những người lao đi trong ướt lạnh.

Người ta đi khi trong lòng đang nghĩ về điều gì nhỉ? Về gánh mưu sinh oằn nặng hai vai, về nỗi niềm không tài nào san sẻ, về cuộc hẹn đầy yêu thương mà họ đang hướng tới, hay về gia đình đang đợi họ? Về điều gì nhỉ, và về đâu?

Tôi lao đi trong cơn mưa. Âm thanh vọng từ mái tôn hai bên đường đập lùng bùng trong màng nhĩ. Ướt, lạnh, ngập. Tôi lao đi trong cơn mưa năm ấy, hướng về một mối tình chớm nở thành bông.

Chúng tôi ở cạnh nhau cả buổi tối hôm ấy, trên lối đi tối tăm không ánh đèn đường, trong quán cafe mái tranh của gia đình cô gái ấy, ánh đèn sợi đốt lập loè, lắc lư theo gió. Không có ai, chỉ có chúng tôi, nhà tranh mái lá, bàn ghế tre, rót chén trà nghi ngút khói, mưa từ ngoài hắt vào dưới chân tôi. Tôi ngước lên, sắp dột kìa. Không sao đâu, chỗ này không tới, không thì ngồi xích ra, cô nói, chẳng ngước lên nhìn tôi. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, ăn cơm nguội, trò chuyện về thế giới ngoài kia. Tôi cứ tưởng, cả đời này tôi sẽ ngồi như vậy mãi. Chớp mắt, chúng tôi lao đi trong cơn mưa, chúng tôi lao đi trong sự ngu si của tuổi trẻ. Tôi ướt sũng, thốt lên trong lòng, thơ thế!!

Sau này, vào một câu chuyện khác, một lần có người nói với tôi, em ở Hà Nội đợi anh nhé, tôi trả lời, đừng vội yêu ai trong cơn mưa nhé, nào đâu em có đợi anh về.. Khi đó, Hà Nội đang mưa, Kuala Lumpur đang mưa. Chúng tôi như thấy mưa trong từng lời với nhau. Sau này, lại sau này, một hôm tôi hỏi cô, sao em sắp lấy chồng, mà chẳng nói gì với anh. Cô cười đáp, vì em sợ anh buồn. Đến lượt tôi cười, giá mà cô nhớ ra, rằng tôi thì lúc nào mà chẳng buồn. Và thế là tôi chưa kịp hẹn hò, chưa kịp đón đưa, và chưa cả kịp hôn cô trong một cơn mưa bất chợt.

Những cơn mưa mái tôn đầy ắp kỉ niệm. Bây giờ, mỗi cơn mưa là mỗi lần thấp thỏm lo lắng, đường có ngập không, cây có đổ không, có ai ẩu thả gây tai nạn không, có nên đi đâu không. Không, trời ơi, cơn mưa đâu đáng bị đối xử như vậy. Lại phải nghĩ, phải vận động để người ta không còn thấy ngại ngần, mệt mỏi mỗi khi mưa tới. Con người mà sợ những cơn mưa, thì cuộc sống ấy tràn đầy bi kịch.

Và nếu sau này, tôi có phải lòng một cô gái nào khác trong cơn mưa, tôi muốn đó phải là một cơn mưa gầm thét, cơn mưa điên cuồng, cơn mưa cuốn phăng cả cuộc đời vào tình yêu mãnh liệt. Là cơn mưa mái tôn ồn ào, xấu xí, cơn mưa mái tôn mà một kẻ sống với nó lâu ngày, chợt cảm thấy trong ánh mắt, trong thịt da mình là vẻ đẹp, là nhạc điệu.

Như cơn mưa mà tôi đã lao đi cùng cô gái năm ấy. Tôi gọi cô, là cô gái hư.