Nơi tôi ở dạo này vắng tanh. Chính quyền thành phố cứ hai tuần lại nới thời hạn phong toả giãn cách một lần. Tới nay chưa biết ngày nào mới hết. Dịch giã cứ thế cuốn đời sống vào những quẩn quanh thường nhật. Máy tính tôi hỏng, mùa này thì mang được đi đâu, cũng chẳng gọi được dịch vụ nào tới nhà. Thế là từ lúc mười ba tuổi tới giờ, hai mươi năm rồi tôi mới có khoảng thời gian liên tục không dùng máy tính dài như vậy, tính bằng tuần, bằng tháng. Thế là tôi sống thanh nhã một mình, ngày ngày ở trong nhà làm những việc nhà mà căn nhà nào cũng cần có người lo liệu. Và tôi đếm số lượt xe cứu thương hụ còi chạy qua trước cửa nhà mình. Mỗi ngày ba bận sáng, chiều, tối.

Đến đây phải giải thích một chút, tôi viết ‘số lượt xe cứu thương chạy qua trước cửa nhà mình’ là viết cho mọi người đọc xuôi tai vậy thôi, chứ tôi ở chúng cư, trước cửa nhà tôi là cái hành lang trước đây trẻ con đôi lần chạy nhảy hò hét, bây giờ vắng lặng như bất kỳ nơi đâu trong thành phố, thì lấy đâu ra tiếng còi cứu thương. Gần nhà tôi có khu đô thị người ta xây rồi bỏ hoang, tôi hay gọi là đô thị ma, bây giờ được trưng dụng dùng làm bệnh viện dã chiến mà đôi lần thấy mấy nghệ sĩ với ngôi sao giải trí tới thổi kèn hát hò kêu là phục vụ bà con. Thế là mỗi ngày, xe cứu thương cứ đến đến đi đi trên con đường trước ban công nhà tôi. Tôi ở trong nhà, lúc đứng lúc ngồi lúc nằm, nghe không sót lượt nào.

Cả tháng nay, ngày nào cũng hơn chục lượt. Có ngày cao điểm, tôi đếm được sáng bảy lượt, chiều năm lượt, tối mười bốn lượt, cho đến khi tôi đóng kín cửa đi ngủ. Tôi ngủ ít, mỗi ngày chừng sáu tiếng, tức là vị chi mười tám tiếng tôi thức, hai mươi sáu lượt còi xe cứu thương hụ ò í e chạy qua.

Những đêm mưa rào rạc, tôi kê ghế ra ban công ngồi nhìn xuống con đường, vẫn có những bóng xe vụt qua. Nhưng khung cảnh tạo cảm giác như trong các phim thảm hoạ thì chỉ có những chiếc xe cứu thương sơn trắng, đèn đỏ nhấp nháy, còi xe dồn dập vang dài mới đáng kể. Xe vừa chạy vừa hụ còi, tôi thì ngồi im một chỗ, màng nhĩ sẽ đón nhận những rung động trong không khí từ các góc độ khác nhau. Vậy là tôi nghe miết cũng quen, biết tiếng còi này tới từ bên trái hay bên phải, xe này chở người bệnh từ lối nào, nhà họ có thể ở đâu, xe còn đang ở xa hay đã tới gần nhà tôi nhất, chỉ cách chừng vài chục mét.

Tôi vốn ghét nghe hàng xóm hát karaoke. Ghét cay ghét đắng. Những người hàng xóm cụ thể nhà nào tôi không biết, chỉ biết tiếng hát dở như hạch của họ theo gió bay đến quấy rầy tôi. Độ này tôi không phải nghe họ hát karaoke nữa, phần vì chủ tịch thành phố cũng phát rồ vì hàng xóm của ông ấy hát, nên hàng xóm của tôi bị vạ lây mà phải im mồm. Giờ tôi nghe còi xe cứu thương. Nếu hỏi tôi có ghét không, thì có, tôi ghét chứ, tôi ghét tất cả mọi âm thanh tiếng ồn mà đời sống đô thị tôi thiết tha thương mến bắt tôi phải nghe. Đó là cái mâu thuẫn trong lòng tôi, tôi không sao giải quyết nổi.

Nhưng tôi chăm chú nghe tiếng xe cứu thương. Nó nói lên nhiều điều, vừa bi thương, vừa phẫn nộ. Tôi cứ nghe miết, rồi nhớ tới tiếng còi xe cứu thương chạy tới ngõ nhà tôi hôm ấy, tôi đón họ vội vã vào cấp cứu cho mẹ tôi, rồi chừng một tiếng sau, tôi đưa mẹ tôi lên xe cứu thương đi về phía nhà xác. Chuyến đi ấy xe không hụ còi. Tôi tự hỏi nhiều câu, rồi trả lời mình, rồi lại bỏ qua, không trả lời nổi. Không thể trả lời được mà không khỏi xót xa cho người này và giận dữ với người kia.

Thế rồi mấy hôm nay, tôi nghe tiếng còi xe cứu thương ít hẳn đi, khi tối trời gần như không thấy nữa, chỉ có tôi vẫn tự tưởng tượng rằng nó văng vẳng bên tai. Tôi vốn thính tai, hồi xưa đi khám thính lực, bác sĩ bảo tai tôi 12/10. Hồi ấy tôi mười sáu tuổi, đến giờ chắc cũng tụt đi đôi chút, còn độ 10/10 hay 9/10 gì đó chẳng hạn. Tôi nghe hàng xóm hát không trượt phát nào, bạn tôi ngồi xem phim bật ầm ầm, tôi vẫn khó chịu vì có tiếng hát lải nhải ở đâu khe khẽ vọng lại. Ấy vậy mà chăm chú mà vẫn không thấy tiếng xe cứu thương hụ còi quen thuộc đâu. Thấy lạ. Rồi tôi nghĩ, à, là bệnh viện quá tải, là người ta chuyển sang cách ly tại nhà. Rồi tôi lên mạng đọc báo, thấy người ta bảo họ giảm hụ còi để người dân bớt căng thẳng nặng nề vì dịch bệnh. Đường cũng vắng, hụ còi mà làm gì.

Tôi không còn cách nào theo dõi được số lượt xe cứu thương chạy qua trên con đường ấy nữa.

Hôm nay tôi vô tình đọc được lời bộc bạch của một người mà chúng tôi chỉ biết nhau, chứ không quen nhau. Người đó viết:

“‘Nếu ngày mai tôi không còn tồn tại trên thế giới này, tôi có làm điều này không?’ là câu tôi thường tự hỏi mỗi ngày khi tôi cần quyết định có làm điều gì đó không. Nếu câu trả lời là có, tôi sẽ cố gắng làm. Và tôi luôn tin rằng một trong những điều tôi làm được là nói thật.”

Người đó kể một câu chuyện, và như mọi câu chuyện trên đời, nó khiến người này cảm thông, người khác bức xúc, người hả hê và người cay cú.

Nhưng mà như thế thì có sao đâu, tôi lựa chọn tin vào câu chuyện người đó kể, rằng đó là sự thật. Đã là sự thật thì nó cứ ở đó thôi, chẳng bao giờ khác đi được. Nhắm mắt bịt tai hay bịt miệng cũng không thể nào khiến sự thật không còn là sự thật nữa.

Tiếng còi xe cứu thương đã tắt, tiếng hát karaoke của hàng xóm nhà tôi đã dừng. Chỉ còn nỗi sợ sự thật vẫn run rẩy như ngọn lửa âm ỷ cháy trong lòng các khu dân cư.

———-

ChuKim – 2021

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Trong khả năng của mình, mong bạn chia sẻ những bài viết của anh, như một sự khích lệ. Nếu có thể tài trợ/ủng hộ bằng vật chất, vui lòng ấn vào đây. Xin cảm ơn.

– natchukim@cogaihu.com –

Tái bút: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.