dạo này tôi có thói quen ngày nào cũng mò vào group dân cư trên facebook ngó nghiêng xem có gì hay ho không.

lúc trước tôi vào để tìm đồ ăn. từ ngày phong toả giãn cách nghiêm ngặt, chợ búa đóng cửa mà cửa hàng siêu thị cũng mua bán càng lúc càng khó khăn. hôm qua tôi còn bị Vinmart từ chối bán hàng cho, nguồn cớ là bởi tôi không dùng Zalo, các em nhân viên thì khăng khăng chỉ bán hàng qua Zalo mà thôi, tôi hỏi thế anh nhắn tin bình thường được không? imessage nhé, cái số điện thoại ấy bọn em cũng dùng iphone mà? em nhân viên từ chối. tôi mới hỏi thế nhỡ điện thoại anh hỏng thì sao? lúc ấy không có Zalo không có gì nữa thì em bảo anh làm thế nào? tầm này ai sửa điện thoại đâu? em nhân viên suy nghĩ độ 0.5s rồi trả lời: anh xem nhờ được ai nhắn tin Zalo thì nhờ chứ em chịu. tôi biết đôi co cũng chẳng ích gì trong tình huống này bởi nó chính là một trong những biểu hiện máy móc hoá của con người khi trở thành một phần của hệ thống.

tôi bèn về nhà lục facebook tìm một cửa hàng trong khu có nhận bán hàng qua phần mềm chat của facebook để chứng minh rằng tồn tại được trong xã hội Việt Nam mà không dùng Zalo tuy là giống như con cá bơi ngược dòng nhưng không phải là bất khả thi. mười lăm phút sau, tôi mua được đủ đồ ăn cho tuần tới.

kể chuyện như vậy là ý rằng, nếu chỉ dựa vào hệ thống các cửa hàng siêu thị đơn thuần thì nguy cơ chết đói tuy không cao (đối với tầng lớp của tôi, xin nhấn mạnh như vậy bởi xã hội ta đã phá bỏ giai cấp từ rất lâu rồi), nhưng khả năng ăn uống thiếu dinh dưỡng thì hiển hiện trước mắt bởi năng lực cung ứng là có hạn.

từ ngày trận phong toả diễn ra, ngay lập tức, sự linh hoạt của thị trường đã xuất hiện thông qua hình thức cư dân bán hàng với nhau trên group facebook của cả khu. trước đây họ cũng bán hàng túc tắc, nhưng đợt này tôi cảm giác toàn bộ các hàng xóm láng giềng của mình đều trở thành những doanh nhân tháo vát vô kể. lên group thấy không thiếu thứ gì, người mua kẻ bán tấp nập, thậm chí hình thức rủ mua chung để gom đơn lớn cũng rất phổ biến. tôi thi thoảng cũng tham gia mua được cái này cái kia, có những pha không thành công khi mà tôi comment hay nhắn tin cho chủ hàng đều không được trả lời, tôi kể với bạn tôi thì bạn tôi bảo tại cái mặt mày nó đéo tín đấy. tôi soi gương thấy mặt mình phong lưu có chính nghĩa có nghệ thuật, lại có cả phẩm chất di truyền do được sinh ra trong gia đình làm ăn buôn bán. đéo hiểu sao mà lại đéo trả lời tin nhắn muốn mua đồ của tôi?

nhưng thôi, bỏ qua, đó là chuyện nhỏ, tôi cũng hiểu sức người có hạn và chúng ta cần phải sống bao dung. mười lần hết bảy tôi vẫn mua được bao gạo nải chuối, thế là vui rồi.

ngày tháng cứ trôi qua như vậy, hai tuần một lần, chính quyền thành phố lại nới hạn phong toả giãn cách. đã ba tháng nay tôi ở nhà, nấu nướng tơi bời ngày 3, 4 bữa, trình độ chợ búa bếp núc của tôi tăng vọt, bây giờ bên cạnh kĩ năng của một máy rửa bát đời 1988 thì tôi còn là một tay đứng bếp không tệ. thế mới thấy bình thường các nghệ sĩ này nọ hay khoe ảnh nấu ăn chói lọi huy hoàng, hoá ra cũng thường thôi, mấu chốt vẫn là sự thông minh và vẻ đẹp trai, ắt sẽ làm được chứ có gì là hóc hiểm lắm đâu.

nhân đó cũng nói, những cú nới hạn phong toả giãn cách như vậy khiến tôi, cũng như nhiều người khác, cảm nhận về thời gian đã biến chuyển. tôi thấy hai mươi tư giờ bây giờ rất khác khi xưa, nói là ngắn thì rất ngắn vì cả ngày cứ mải miết lo miếng ăn rồi nấu nướng dọn dẹp lau chùi nhà cửa vệ sinh cá nhân, quay qua quay lại đã hết veo; nói dài thì rất dài bởi từng việc ấy cứ chậm rãi chậm rãi mà lặp đi lặp lại theo một nhịp độ lê thê không bút mực nào (của tôi) có thể tả xiết. và như một hệ quả tất yếu, ba tháng qua, lượng data ái tình nhục dục bay khắp đất trời một phương là tất cả những gì mà sức trẻ có thể làm được. tôi đọc sách, thấy người ta mô tả về sức mạnh của dục năng, tôi gật gù mà hướng mình theo con đường thử thách sự nhẫn nại xem sao.

vậy là ngày ngày tôi vào group dân cư xem chửi nhau. vui đéo thể tả.

nói chung là muôn hình vạn trạng. người bán chửi người mua lươn khươn ăn quỵt. người mua chửi người bán dịch vụ như lồn. nếu như theo dõi các màn bóc phốt quy mô lớn có thể ví như đọc tiểu thuyết, thì xem chửi nhau trên group dân cư chính là đọc truyện ngắn đấy các bạn ạ.

tôi đọc chửi nhau như vậy thì cảm thấy mọi thứ được soi tỏ. trước tôi cứ thắc mắc, sao toàn các anh chị ở nhà chung cư giống mình, mà họ nấu được các món bún phở miến hủ tíu bánh canh cơm tấm, non non nước nước mây mây trời trời y như ngoài hàng vậy, trong khi ngoài hàng người ta phải có hệ thống bếp núc chuẩn chỉ, hệ thống cung cấp nguyên liệu dồi dào phức tạp vô cùng mới làm được. đây thì các hàng xóm nhà tôi chụp ảnh lên nhìn ngon lành cành đào, chỉ muốn vung tiền ra mà thưởng thức cuộc sống.

khổ thế đấy, chính vì có cái thắc mắc ấy nên tôi không mua vội, từ từ quan sát đã. y như rằng, sau độ vài tuần thì bắt đầu xuất hiện các bài chửi. hoá ra họ bán láo các bạn ạ. nấu nướng như lồn ảnh một đằng đồ ăn một nẻo, giá thì trên trời mà chất lượng thì nếu không phải vì tấm lòng trân quý đồ ăn chắc chỉ có nước bay thẳng vào sọt rác. hài thật.

thế là các khách hàng, ở đây 100% là các chị em, bắt đầu ba máu sáu cơn. tất nhiên rồi, bỏ tiền ra, đắt rẻ gì cũng phải xứng đáng. ban đầu họ nhắn tin phản hồi bức xúc với người bán. mà nếu người bán tử tế thì câu chuyện còn đéo gì đâu mà tôi kể ra thế này, thực tế cho thấy người bán đéo quan tâm, họ loanh quanh cho qua chuyện và đỉnh điểm có thể chửi luôn người mua nếu thấy khó ở trong người. có người còn doạ đăng số điện thoại của nhau lên group gái gọi. tôi phọt cười. tất nhiên người mua đéo bao giờ thúc thủ chịu thua, tiền mất rồi có thể không đòi chứ còn danh dự thì địt mẹ mày đéo bao giờ tao chấp nhận. họ chụp màn hình lia lịa, ảnh đồ ăn trong quảng cáo, ảnh đồ ăn trong thực tế, ảnh đoạn chat, nói chung là chi tiết đầy đủ kèm theo lời thuyết minh, lời nguyền rủa, lời tự ca ngợi bản thân và lời tư vấn cho mọi người tránh xa lũ thất đức kia ra.

ấy là tôi còn chưa kể đến tệ nạn nhảy đồ của nhau. tức là dưới chân mỗi toà thường có cái bàn và một bác bảo vệ ngồi ở đó. việc của bác bảo vệ là trông nom trật tự chứ không phải là trông đồ và chuyển đồ cho cư dân, nên các anh chị để gì lấy gì bác không quan tâm. miễn là trật tự. thế là lâu lâu lại có người lên group than vãn về chuyện sao các anh chị lại lấy đồ ăn của em, nó không đáng bao nhiêu cả nhưng đây là việc rất sai trái, nếu bây giờ anh chị nào lấy trả lại em thì em sẽ cho các anh chị tiền. tôi ớ ra. ngứa miệng quá tôi bèn comment hỏi, sao việc ấy là rất sai trái mà chị lại còn hứa cho tiền cái người làm việc rất sai trái vậy? bao nhiêu người vào thả haha làm tôi cảm thấy mình nổi tiếng vl. chị chủ tút mãi sau mới reply, đại ý là chị ấy cho tiền vì chị ấy nghĩ chắc người kia đang đói lắm rồi, bần cùng mới sinh đạo tặc. tôi ồ lên ngay, đúng là một con người có tấm lòng bồ tát. tôi đã sai rồi.

đấy các bạn ạ, các bạn thấy không, nãy giờ tôi huyên thuyên như vậy, chỉ đưa ra vài ví dụ con con cho những vui buồn thăng trầm về miếng ăn trong vùng phong toả những ngày này ở một khu chung cư bình dân, ấy vậy mà các bạn vẫn đọc đến tận chữ cuối cùng này. hẳn các bạn cũng đang buồn chán lắm. tôi xin được bày tỏ lòng cảm thông và sự sẻ chia cùng các bạn. nhân đó cũng xin mời các bạn ghé blog của tôi theo đường link dưới comment. ai cảm thấy có thể chia sẻ được phần nào bằng vật chất tới tôi thì ấn vào mục donate để xem thông tin nhé. còn nếu không thì ủng hộ tôi bằng ý nghĩ cũng được. thế là cũng vui rồi.

ps: trong ảnh là nơi tôi ở, nhìn từ dưới đường lên, lâu lâu tôi cũng để bản thân mình trần trụi tự nhiên mà bước ra đứng hóng gió ngắm trời ngắm đất ngắm con đường vắng bóng xe cộ lại qua, chạnh lòng không biết mình có đang làm ảnh hưởng tới tầm quan sát lành mạnh của bất kì ai hay chăng..

———-

ChuKim – 2021

ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Trong khả năng của mình, mong bạn chia sẻ những bài viết của anh, như một sự khích lệ. Nếu có thể tài trợ/ủng hộ bằng vật chất, vui lòng ấn vào đây. Xin cảm ơn.

– natchukim@cogaihu.com –

Tái bút: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.