‘Sương ơi..’
Lúc chiều, nhắn tin cho em Sương như thế, tự dưng thần người ra, rồi cảm thấy không gian màn hình điện thoại bé tẹo bỗng trở nên lãng mạn hẳn. Chắc là vì gọi ‘Sương ơi’, chứ không phải ‘này’, hay ‘này Sương này’, hoặc mở đầu theo trường phải nhanh mạnh thẳng vào vấn đề.
Dù sau đó mình có huyên thuyên và em Sương cũng nói năng nhảm nhí, y như mọi lần, thì đến tận tối đêm, nghĩ lại vẫn thấy bản thân đang tủm tỉm cười, thấy thật tốt vì được ‘mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương’, tiếng nói quê hương sao mà đáng yêu thế.
Điểm đáng yêu ở đây chính là chữ ‘ơi’. Chữ ‘ơi’, bé đến giờ nói không biết bao nhiêu lần, bập bẹ biết ghép tiếng, thì gọi mẹ ơi, bố ơi, ông ơi, bà ơi, làm cả nhà sướng rần rần, thấy lời nào thằng con mình phun ra cũng như châu như ngọc, mà nhà nào cũng vậy, sung sướng hân hoan nghe con mình ơi ơi ơi đủ thứ, tiến dần tới câu ra lệnh, không để ý thì tí nữa thành thói ăn nói trống không chả có vâng dạ gì. Nói như thế không phải để giảm giá trị của chữ ‘ơi’, mà để thấy rằng, trên đời này quả luôn có những điều hết sức bình dị nhưng ẩn chứa sức mạnh vô song, hihi.
Trong hiểu biết hạn hẹp của một thanh niên không có kiến thức hàn lâm và cũng chưa đi đó đi đây đủ nhiều, thì ngôn ngữ các nước phương Đông mình trong câu nói thường xuất hiện một thành tố, gọi là tiếng đệm. Ví dụ như ‘ơi’, ‘mà’, ‘à’.. trong tiếng Việt, và ‘lah’, ‘loh’, ‘leh’.. trong tiếng Tàu, ‘ne’, ‘yo’.. trong tiếng Nhật. Thế mới sinh ra cái trò nhăn nhở cợt nhả ‘ô kê la’ của các thanh niên An Nam từng giao tiếp với tiếng Anh mang âm hưởng văn hóa Tàu. Thành tố tiếng đệm này hoàn toàn vô nghĩa về mặt giải thích khoa học, nhưng đặt trong văn cảnh lại rất có ích trong việc giúp biểu đạt thái độ, tình cảm, ý nghĩa. Ngẫm ra, bọn Tây lông không có tiếng đệm kiểu này trong ngôn ngữ của chúng nó, từ ngữ nào cũng có ý nghĩa giải thích được đàng hoàng sang các thứ tiếng khác, câu cú lại có ngữ pháp thành luật theo kiểu công thức (cái này tiếng Việt mình cũng có, nhưng độ toán học thì không bằng, hồi nhỏ chưa học đã nghe bảo ‘phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam’, nghe xong thấy việc học thật vô nghĩa biết bao..), điều này rất quan trọng trong việc hình thành nên văn hóa của bọn Tây lông ngày nay, chúng nó giỏi khoa học kĩ thuật hơn người Á Đông cũng là điều không mấy khó hiểu.
Còn tiếng Á Đông mình, giống như dân Á Đông mình sống ở cái vùng lúc thì khắc nghiệt lúc thì trù phú, nó cứ trúc trắc lung tung phèng, bên cạnh các yếu tố do lịch sử và địa chính trị thì vốn nó cũng đã khó tiếp thu rồi. Thời bây giờ. ngoại trừ những thành phần bản địa ra thì chỉ cần là dân ngoại quốc mà giỏi tiếng Á Đông bất kì, đều trở thành điều hi hữu lý thú, thậm chí có ông còn thành hiện tượng văn hóa, thành nhân vật của công chúng, nói chung là kì diệu không thể nói thành lời.
Trình bày dài dòng như thế, ý muốn nói thật ra tiếng Tây lông rất hay, hay và cần thiết để nâng cấp bản thân, còn tiếng Á Đông thì biết thì tốt mà không biết thì cũng không đến nỗi trở thành nhà quê ôm xó bếp. Nhưng biết dùng tiếng Á Đông rồi, mà thẳng toẹt ra là tiếng ta, tiếng của ông bà tổ tiên để lại cho dân tộc mình, là tiếng Việt mình, thì thực sự nó rất hay, cái hay của sự duyên dáng bất thường ập đến trong từng phát âm.
Bài này thì chỉ nói về chữ ‘ơi’ thôi, không lại bảo viết đéo gì dài thế ai mà đọc, hehe.
Chữ ‘ơi’ coi vậy mà quá tuyệt vời luôn.
Xem phim Mỹ thấy bọn nó gọi nhau bằng đại từ nhân xưng, hoặc bằng tên, thấy bình thường, không có vấn đề gì, thậm chí lắm lúc còn trẹo mồm theo để bắt chước phát âm. Đến lúc xem phim Việt Nam, thi thoảng thấy gọi nhau kiểu ‘anh ơi..’, chữ ‘ơi’ cứ kéo dài cái mồm ra, giọng thì ngọt, nghe mà điếng người. Tất nhiên phim Việt Nam nhưng phải là phim Việt Nam hay, không thì thậm chí anh em còn chẳng xem làm gì cho mất thời gian, ngoại trừ các thanh niên rảnh háng với văn hóa thưởng thức bằng không. Những lúc ấy, thấy dậy lên trong lòng niềm gắn bó mật thiết, mọi sự lý giải đều chẳng còn cần thiết nữa, phim Việt Nam có kém hơn phim Mỹ hay xem, vẫn kiên nhẫn ngồi tiếp những phút sau. Ấy là khi nhận ra..
Ngoài đời giao tiếp, để ý một tí thôi, sẽ thấy hữu ích không ngờ. Mình có thằng bạn, tên là Quân, thằng này từ bé đến giờ mãi không yêu đương gì, dù học hành giỏi giang, công ăn việc làm ngon lành ổn định, lại cao to đen hôi râu quai nón, bố mẹ nó sốt ruột mong ngóng đến ngày nó dẫn cô nào về nhà, mong mãi từ hồi lâu lắm rồi đến tận giờ, haha. Có lần mình sang nhà thằng Quân ăn cơm, trong bữa ông anh nó bảo thằng Kim này nó yêu đương chí tử mẹ ạ, tình vắt đầy thắt lưng, bố mẹ thằng Quân suýt xoa, rồi kể đang có em này được lắm mới giới thiệu cho Quân mà chưa thấy nó ừ hử gì với người ta. Mình hỏi ờ sao vậy, nhắn tin bắt chuyện đi, ngại đéo gì, đằng nào mày chả đéo có người yêu. Chú bé nghe khích bác nguyên một bữa trưa thì cũng xuôi, cầm điện thoại lên soạn cái tin cộc cằn vãi l., đại khái là rủ con nhà người ta đi chơi. Mình với ông anh nó ngồi hai bên nhòm, giật phăng điện thoại bảo đmẹ đưa đây để tao, mình vắt chân ngồi gật gù giải thích, bảo mày nhắn tin thế bố ai mà thiện cảm với mày cho được, đầu tiên nên nhắn ‘Hà ơi’, có chữ ơi vào cái không khí mềm mại hẳn, rồi sau đấy mới hỏi ‘Hà có bận gì không’, hoặc hỏi bất kì cái mẹ gì mà mày muốn hỏi, ít nhất nếu không trả lời thì người ta cũng không ghét mày, con nhà người ta được cha mẹ người ta yêu thương như lá ngọc cành vàng, hạng phu phen phàm tục như mày, đúng là ăn hại.
Thằng Quân cười sướng, cả nhà nó cười sướng, mình cũng cười sướng, nó làm theo lời mình rồi chiều hôm ấy hình như đi chơi với em Hà thật. Đến giờ nó vẫn chưa có người yêu, nhưng chắc chắn không phải lỗi tại mình. Chắc chắn là như thế. Kể chuyện ấy ra, cũng là có ý tốt muốn chia sẻ cho các anh em nào thấy cần, hi vọng các anh em thấy được cái ý nhị tinh tế của việc sử dụng chữ ‘ơi’ trong việc tán gái, hehe.
Tất nhiên, phải hiểu rằng dùng chữ ‘ơi’ mà hay, thì cũng chỉ hay trong phạm vi tình cảm đầm ấm, gắn bó, và đặc biệt là giữa hai người nam nữ mà thôi. Đừng nhắn tin cho mấy thằng bạn giang hồ cốt đột theo kiểu ‘Hiệp ơi..’, chúng nó chửi cho bung mả, vừa ẽo ọt vừa không có tí nam nhi nào cả.
Lạm bàn về tiếng ta với ví dụ là chữ ‘ơi’, đến đây là hết. Hãy cứ gọi nhau đi, với tình yêu và đôi mắt biết cười. Hoặc nhớ về nhau thôi cũng được, với câu gọi có chữ ‘ơi..’ kéo dài, làm ta rơi tuột vào ái tình ngào ngọt.
——————–
Bên chén trà, nói về hạnh phúc
Bên chén trà, nói tục chửi bậy
Bên chén trà, ‘mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình’
———-
ChuKim – 2015
ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.
– natchukim.cogaihu@gmail.com –
PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.
đanh đá dữ dội, đọc buồn cười quá cậu Kim ƠI :)))
LikeLiked by 1 person