Anh có biết Tổ quốc là gì không? _ Đó là mái nhà mà mẹ ta đã ru ta trên đầu gối, mà cha ta đã bế ta trong lòng. Đó là cái sân cỏ mà ta vui chơi đùa bỡn. Đó là mái trường mà ta đến học vỡ lòng. Đó là nghĩa trang mà tổ tiên ta an nghỉ muôn đời. Đó là cái tháp chuông mà ta hân hoan trông thấy mỗi khi quay bước về làng. Đó là cánh đồng đã in vết cần lao của ông cha ta. Đó là những đồi núi, sông suối, đầm hồ mà ta đã từng qua lại bao lần.
Tổ quốc đó, chúng ta phải dốc hết tâm lực mà yêu; chúng ta phải phải dốc hết trí lực mà phụng sự.
Có nhiều cách phụng sự Tổ quốc.
Các nhà khoa học phụng sự bằng những phát minh làm rạng danh tổ quốc. Các nhà kỹ nghệ phụng sự bằng cách làm cho đất nước giàu mạnh; những người nông dân bằng cách làm cho đất đai, đồng ruộng được phì nhiêu; những người thợ bằng cách giữ gìn danh tiếng trung thực, kiệm cần của nòi giống. Các bậc cha mẹ nuôi con nên người, cũng là cách phụng sự Tổ quốc. Các thầy giáo_cô giáo dạy bảo học trò đến nơi đến chốn cũng là phụng sự Tổ quốc. Người lính tuân theo kỷ luật quân ngũ mà học cách sử dụng vũ khí cũng vậy.
Tác giả Jules Steeg – Bài :”La Patrie”
(Chu Thái Sơn sưu tầm)
——————–
(Trung học Đệ nhất cấp (nay là Trung học cơ sở), Ban B (Khoa học xã hội), Khóa I_năm 1951_Nguyên văn Pháp ngữ).