Mình có người bạn tính rất nghệ sĩ, tên là Nga, mình thường gọi đó là nghệ sĩ Nga. Nghệ sĩ Nga đời sống đa dạng, tham gia nhiều bộ môn, hội hoạ, phim, ảnh, thậm chí cả bộ môn tập tạ cho cơ thể đỡ dặt dẹo mà một người èo uột như nghệ sĩ cũng dây dưa tí chút. Thế nên mình rất khoái nghệ sĩ Nga, thỉnh thoảng lại hẹn trà đá nghe nghệ sĩ bốc phét chuyện la cà trên giang hồ.
Dạo này nghệ sĩ Nga tham gia một lĩnh vực mới, lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã. Đại khái là nghệ sĩ bắt đầu đi làm cho một tổ chức phi chính phủ, xong nghệ sĩ kể chuyện, mới làm mà nghệ sĩ đã cảm thấy khi thì thất kinh hồn vía, khi thì buồn bã chán nản. Thử hỏi có vui vẻ nổi không khi nghe chuyện buôn lậu ngà voi, sừng tê giác của người Việt Nam từ châu Phi về, cả thế giới nhìn vào và chửi rủa khinh bỉ? Có vui vẻ nổi không khi đọc danh sách dài thườn thượt những loài động vật trong sách đỏ đã tuyệt chủng của xứ sở này trong hai thập kỉ qua? Có vui vẻ nổi không khi biết chuyện các trang trại nuôi chó nhân giống, nuôi gấu lấy mật, chả có cái nào đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu để đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho đám động vật có giống tốt đang đem lại nguồn thu cho con người.
Mình nghe đến đâu há hốc mồm ra bình phẩm à ồ với nghệ sĩ Nga đến đấy. Bên cạnh thực tế đáng buồn thì có những chuyện cũng khá thú vị. Nghệ sĩ kể, lúc đến phỏng vấn, có một câu là nhà mày có nuôi chó mèo hay con gì không? Nghệ sĩ trả lời có, tao nuôi mèo, mở ngoặc là nghệ sĩ Nga này là dạng thiếu nữ yêu mèo, bao giờ rảnh mình sẽ kể chuyện thiếu nữ yêu chó và thiếu nữ yêu mèo sau. Bên tuyển dụng nghe nghệ sĩ nói thế, nở nụ cười hỉ hả, tốt lắm, tốt lắm.
Phải rồi, vào làm cho tổ chức bảo vệ động vật thì phải yêu động vật chứ, câu hỏi này tuy không mang tính then chốt nhưng ngó vậy chứ nó rất tinh tế, mình chẳng biết nhà tuyển dụng nghệ sĩ Nga có phải người tinh tế không, nhưng hỏi câu này mà gặp phải mình, trả lời thẳng toẹt là không, em chả nuôi con gì, vì em không chăm được, để vật nuôi xác xơ không tình cảm của chủ, tội lắm, lúc ấy không biết mình có được nhận vào làm không.
Hồi nhỏ, nhà mình nuôi đủ thứ động vật. Năm mình học lớp sáu, bố mình đi công tác ở đâu, mang về một con chim khướu. Con khướu này thấy bố mình nghe người ta bảo nó hót hay lắm nên bố mình mua về cho nhà cửa rộn rã tiếng chim muông. Nhà mình thời gian ấy cũng nuôi mèo, phàm đã là mèo, nhìn thấy chim chóc là chúng nó đã ngứa mắt rồi, đằng này mèo nhà mình lại là giống mèo ta với bản tính An Nam đặc trưng, thế là nó suốt ngày rình rình tấn công con khướu. Bố mình thấy vậy treo cái lồng lên rõ cao giữa sân nhà, làm cái móc lủng lả lủng lẳng. Con khướu thì đúng là giống chim ngu, ngoài cái mã đẹp đẽ với bộ lông đen bóng mượt ra, nó chả được cái mẹ gì ngoài sự lắm mồm. Nó hót rất hăng, nghe rất vui tai, mình còn nhớ những buổi trưa ngày nghỉ, nằm dài trên ghế đọc truyện, nghe tiếng chim hót cao vút, cứ thế thiu thiu ngủ gật lúc nào không hay.
Mình ngủ chứ con mèo không ngủ. Một ngày đẹp trời, nó không nói không rằng, lạnh lùng co người lấy đà từ tường rào, đoạn tung một cú phi thân thiện nghệ trước ánh mắt sững sờ của mình và thằng Tít. Bộp, nó bám được vào cái lồng chim, bám một cách vững chãi, rồi nó thò chân trước vào tung cú vả nhanh như điện. Con khướu trong cơn hoảng loạn đã may mắn nhảy tránh được. Mình đứng dưới hét ầm lên, cầm chổi nhảy lên khua con mèo, loài mèo nói thật là nó chả coi hành động của mình ra gì, bị quờ trúng thì nó thả mình rơi cái bịch rồi thản nhiên bỏ đi, không quên ném lại cái nhìn sắt màu tràn ngập tự tin.
Sau pha đấy, mình còn cùng bố tắm cho con khướu thêm vài lần. Một ngày, nó bay đi mất. Chẳng rõ là do bố mình bất cẩn, hay do cố tình thả cho nó bay đi. Chuyện ấy mình không nhớ, sau này cũng không bao giờ hỏi lại. Mình cứ nghĩ mãi, nuôi chim như thế, nghe tiếng nó hót thấy hay, nhìn nó chuyền cành trong lồng thì nhộn, nhưng biết đâu được như thế là buồn hay vui. Cánh chim lớn phải sải cánh tung bay ở bầu trời lớn, đến khi biết tỏ ra văn vẻ, thi thoảng mình vẫn nói như thế với mấy thằng đệ.
Nhà mình còn nuôi cả cá, có cái bể cá để trong phòng khách đã hai chục năm, hết lứa cá này đến lứa cá khác hàng ngày bơi lội tung tăng trước mắt mình. Hồi nhỏ mình với thằng Tít có cái thú đứng xem cá ị, nhìn rất buồn cười, con cá vàng bơi chậm lại, chậm lại, khuôn mặt vốn thường vô cảm nay trở nên đờ đẫn trì độn vô cùng, rồi dải cứt chậm rãi trồi ra khỏi cửa mình. Xem đến đây bao giờ hai anh em mình cũng đứng cười nắc nẻ, mẹ mình bảo hai thằng hâm hết cái để xem rồi à.
Nuôi cá vàng chán, bố mình chuyển sang nuôi cá rồng, đây là giống cá khá đắt tiền, nuôi cũng tốn hơn nuôi cá khác. Các loài cá nhỏ chỉ ăn giun mồi, cá rồng ăn cá mồi bán ngoài chợ. Mình thường được giao nhiệm vụ đi mua cá mồi cho con cá rồng có cái mặt thẳng tưng, mồm hếch ngược lên nom rất hung bạo. Có vài lần mình quên, mẹ mình cũng quên không nhắc, con cá rồng đói quá, nó đuổi cắn đám cá vàng. Tội nghiệp bọn cá vàng bị cắn tả tơi, rồi đến một hôm, chẳng hiểu vì già yếu hay chấn thương, lần lượt từng con nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Sau đó, mình gọi con cá rồng là chú cá cô đơn, con cá dọn bể có đấy nhưng chẳng giao tiếp gì, coi như vô dụng.
Chú cá cô đơn ở với nhà mình khá lâu, dễ phải đến vài năm, từ lúc nhỏ bé tí chỉ dài bằng bàn tay, cho đến khi nó chết thì nó đã dài khoảng hơn ba chục phân. Lúc nó chết, mình đang độ tuổi thích ăn cá, mẹ mình bèn trổ tài chế biến rồi rán lên cho mình ăn. Không biết việc rán ăn con cá cảnh và việc làm thịt con chó giữ nhà vốn xảy ra khá phổ biến ở các làng quê Bắc Bộ có bị coi là giống nhau không, nhưng ngày ấy mình đã ăn thịt chú cá cô đơn trong tâm trạng chia nửa buồn vui. Niềm vui háo hức của đứa trẻ khi được làm một việc chưa từng bao giờ có, ăn thịt cá rồng, nỗi buồn nhè nhẹ của những kí ức đã thành hình về con vật vẫn thường qua lại chạm mặt nhau, giờ nằm đó, im lìm và thảm thương trên mâm cơm nhà chủ.
Các cụ xưa có lối nói ví von, cái kiếp chim lồng cá chậu, thật chẳng sai chút nào. Làm con cá cảnh được nuôi trong bể lớn còn đỡ, làm con chim nhảy tưng từng trong lồng, đến khi ra ngoài chưa chắc đã đủ sức tung mình bay đi, thật hiếm có nỗi đau khổ nào sánh bằng.
Bạn bè mình nuôi chó cũng nhiều, dạo gần đây nổ ra tranh cãi về chuyện rõ mõm với đeo xích cho chó khi đi ra đường. Chuyện thực hiện luật của chính quyền, chuyện luật còn nhiều vấn đề, chuyện người dân ý kiến ra sao, mình nghe bạn bè mình cũng chia hai phe tranh cãi loạn xạ.
Mình có ông anh, kể chuyện bảo ngày xưa anh nuôi một con husky to đẹp lắm, hai thằng con anh dắt nó đi dạo là không nổi luôn, có lần bị nó chạy kéo ngã dúi dụi. Anh kể, anh nuôi đang yên đang lành, tự nhiên một hôm con chó nhìn thấy con gà của thằng hàng xóm đi lơ vơ ngang qua, thế là chỉ trong một khoảnh khắc, bản năng săn mồi của nó trỗi dậy trong máu, nó lao đến đợp cho một phát, con gà toi luôn, rồi nó vứt xác con gà ở đấy, bỏ về phía anh đang đứng nghệt ra. Lần ấy anh phải xin lỗi gãy lưỡi, rồi đền tiền nữa. Thế mà chưa hết, lại một lần sau, lại một con gà chọi, lại là của thằng hàng xóm ấy, và con husky nhà anh lại bùng nổ khả năng đồ sát. Thằng hàng xóm nhà anh điên lắm, mày phải hiểu là cái bọn nuôi gà chọi, chúng nó yêu gà còn hơn yêu vợ. Chúng nó chăm con gà kì công lắm, vuốt rượu, chăm lông, cho ăn cho uống, thậm chí dùng cả miệng chúng nó để hút đờm ở cổ cho con gà. Thằng hàng xóm nhà anh điên lên, nó dân anh chị mà, nó đòi về nhà vác dao ra chém con chó của anh. Anh lại phải ra nói chuyện, lại xin lỗi gãy lưỡi, lại đền tiền. Cũng may mà hai con gà bị cắn chết là loại lính quèn, không phải con chiến tướng của nó, không chắc nó vác dao ra chém cả anh luôn rồi. Khi xong việc vợ nó bảo, may mà hôm nay chồng em chưa ăn sáng đấy, anh ý mà ăn sáng làm vài chén rượu thì khéo gay go rồi. Sau đấy anh hãi quá, không phải hãi chuyện chó nhà mình cắn gà, mà anh sợ nhỡ một ngày nào đấy, không phải con gà, mà là đứa trẻ con thì sao, đối với bọn chó này, mình biết thế nào được, nhỡ đâu với nó, một khoảnh khắc bất chợt, con gà và đứa trẻ con chả khác gì nhau, thì lúc đấy khốn nạn luôn. Mình tặc lưỡi, vâng nhỡ mà trẻ con nó vừa chơi với gà chọi của bố nó, hoặc vừa ăn thịt gà người đầy mùi anh ạ, thính giác của loài chó thì đi vào ca dao tục ngữ rồi anh em không phải bàn. Ông anh kể tiếp, thế là anh đem cho luôn, không nuôi nữa, thấy kể là ở quê từ đấy đến giờ nó cắn thêm mười mấy con gà rồi, khoản này thì chó Tây mà chả khác gì chó ta, sợ thật.
Kể ra chuyện như thế không phải vì muốn cổ vũ cứ chó ra đường là phải rõ mõm gông xích, mấy ông bà yêu chó đừng vội nhồng lên. Mình ý nói con chó không phải con người, bản năng và não bộ của loài vật, chúng ta không kiểm soát được, và cũng không lường trước hết được. Làm gì thì làm, như anh bạn mình, nghĩ về bọn trẻ con, rồi hãy đưa ra quyết định.
Đến giờ nhà mình không còn nuôi mèo, cũng không nuôi chim, chỉ còn lại bể cá, thỉnh thoảng đứng tần ngần trước khi ra khỏi nhà mỗi sáng, bớt vài giây cho cá ăn, nhìn chúng nó lao vào đớp thứ thức ăn công nghiệp nhân tạo, thấy mấy con cá này đúng là muôn đời sống trong bể, không khác được.
Quay lại chuyện nghệ sĩ Nga, giờ mà ai đấy hỏi mình nhà có nuôi con vật gì không, mình sẽ bắt chước cụ kiến trúc sư Phillip Johnson, mình sẽ bảo có chứ, nhà em có nuôi một con.. phò.
Con phò ấy chính là em đây.
———-
ChuKim – 2017
ChuKim là bút danh của một người viết tự do, sống và yêu tại một ngôi làng mang tên thành phố. Nếu có thể, hãy ủng hộ và khích lệ bằng cách đọc và chia sẻ những gì anh viết trong khả năng của bạn. Xin cảm ơn.
– natchukim.cogaihu@gmail.com –
PS: Tất cả nội dung trong blog này đều được tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả về nội dung, ngoại trừ những bài sưu tầm có đề rõ. Mọi trích dẫn, đăng lại, vui lòng ghi rõ nguồn.
Ông béc giê mình quen còn cắn cổ bò cơ. Bản năng mà. Đôi khi con người còn không khống chế được.
LikeLike