Năm ngoái đón Tết ở quê, năm nay, tới lượt mình ở nhà cùng mẹ, thằng Tít theo bố mình về quê.
Mấy ngày trước Tết, lăn vào dọn dẹp nhà cửa, bới móc ra đủ thứ hầm bà lằng trên đời. Mình hít hà lấy hơi như chuẩn bị đẩy tạ, lôi hết đống giấy tờ tích trữ trên giá sách cả sáu, bảy năm nay xuống sàng lọc. Đéo mẹ cái thói đời, mười phần thì hết ba phần là những thứ vô giá trị, cái này chẳng biết người khác có như mình không, nhưng đồ rằng cũng không phải chuyện cá biệt. Mình còn tìm được một xấp bài kiểm tra hồi còn đi học cấp hai, cấp ba, toàn điểm chín, điểm mười đỏ như gạch. Xem đến đâu bùi ngùi xúc động đến đấy, tôi phục tôi quá sao mà học giỏi ghê vậy nè!!
Thật ra hồi xưa đi học, cứ trả bài kiểm tra là mình phi tang hết sạch, bất kể điểm chác cao thấp thế nào. Đấy là do mình tính toán được câu hỏi của ông bà già nếu thấy mình đem về toàn điểm cao mà đến cuối kì tổng kết, điểm trung bình trồi sụt lung tung không ra đâu vào đâu. Mấy đứa cùng lớp thấy mình vò bài kiểm tra điểm mười ném mẹ vào sọt rác mà há hốc mồm, hihi. Xấp bài kiểm tra nằm dưới gầm bàn làm việc, có lẽ là do những hôm lơ đãng mà quên, hoặc do cảm xúc tuổi thần tiên không điều khiển được hành vi nên để lại hậu quả, lâu rồi bây giờ không nhớ nổi.
Tất nhiên bài kiểm tra thì mình giữ lại, kỉ niệm cả một thời đi học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thân yêu, ai nỡ vứt đi mà tội nghiệp. Soạn được mấy bịch nilon to đùng bê ra trước sân, bố mẹ mình mắt nhìn mà chán, hàng xóm đi qua mắt dẹt mắt tròn, mình trừng mắt cái trẻ con hốt hoảng chạy mất dép. Thấy trên mạng người ta bảo Tết là dịp quốc dân dọn nhà, quả thật đúng ghê..
Năm nay công việc cũng hòm hòm, mình không lâm vào cảnh chạy tiến độ trong lúc nước sôi lửa bỏng như năm ngoái, các anh em đồng nghiệp thấy có nhiều người vẫn đang căng thẳng miệt mài những ngày giáp Tết, vừa thương anh em, vừa thấy đó cũng là lẽ tất nhiên khó tránh khỏi trong môi trường làm việc hiện nay ở xứ mình. Chuyện này dài và phức tạp, lần khác sẽ kể sau.
Mười ngày trước Tết, các chị em phụ nữ lên cơn cuồng nộ chuyện đầu tóc móng vuốt, ầm ầm ào ào lao tới tiệm làm đầu và ngồi lì ở đó. Tuy không phải lần đầu chứng kiến, mình vẫn không khỏi cảm khái trước hiện tượng tâm lý hài hước này. Có em nói rất tóm tắt, em ngồi mòn cả đít luôn ý.. Mình thỉnh thoảng hay viết status về chuyện chị em phụ nữ đi làm đầu, lần nào post lên cũng được các bạn like xong cười hô hố, có em bảo chuyện làm đầu bình thường thôi mà, cũng giống như việc đàn ông đi rửa xe trước Tết vậy. Mình bật cười, sao em lại so sánh một việc mất tám tiếng và một việc mất có ba mươi phút như thế? Em phụng phịu, thì cũng như nhau cả thôi.
Thằng Phan Anh nói chuyện với mình, vui mồm kể có lần em đến đợi người yêu em ở hiệu làm đầu, em đến lúc đang làm dở chừng, em ngồi chờ lâu vãi l., chán không có gì làm em lôi sách GMAT ra đọc (một loại sách học thi, rất dày, vui lòng google để biết thêm chi tiết), đọc xong cả quyển rồi mà vẫn chưa xong. Mình với nó ngồi rung đùi cười hơ hơ, coi đó là chuyện vui vẻ lắm. Mình tung hê lên thế này, chẳng biết liệu người yêu nó đọc được xong có chửi nó tội đi kể linh tinh cho mình không. Thôi kệ..
Mấy hôm trước Tết cũng là những ngày sau đại hội đảng, các vị trí cũ và mới đã được xác định, thị trường quà biếu Tết trở nên nhộn nhịp tưng bừng, khắp các nẻo người ta đua nhau đi chúc tụng với chả quan hệ, đường tắc phải nói là thôi rồi, phải đi đâu không khác nào cực hình. Bật tivi mấy bạn phát thanh viên cứ lải nhải ùn ứ ùn ứ theo lời tay cán bộ nào từng nói trước đây (vẫn nhúc nhích được thì không phải là ùn tắc, mà là ùn ứ), nghe mà ngứa dái đéo thể tả, tắc thì nói mẹ là tắc cho rồi, bày đặt nói ứ, ứ, ứ. Ứ ứ cái l.
Tới ngày làm việc cuối cùng, chào hỏi bắt tay nhau xong, trên đường về nhà, thấy nhiều người đồ đạc chằng chéo trên xe, nai nịt đèo bòng nhau, chắc là về quê ăn Tết. Thấy cay mắt thương cho phận người, tới tận ngay trước khi được xả hơi đoàn tụ, vẫn cứ vất vả ngược xuôi trong gió rét.
Rồi Hà Nội vắng teo, người ta bỏ Hà Nội mà đi hết. Người về quê, người đi du lịch, người đóng cửa lo chuyện nhà chuyện cửa. Hà Nội vắng teo.
Mình dọn dẹp xong xuôi, lôi chú Kim ra lau chùi cho sáng bóng, tra dầu mỡ trơn tru, rồi tung tăng lượn lờ đi chơi chiều cuối năm. Lâu lắm rồi mới cưỡi chú Kim đi chơi, lần cuối cùng cưỡi chú Kim, mình còn tán được gái, giờ chả biết còn xơ múi được gì không.
Đường xá vắng vẻ nhẹ nhõm, quả thật rất thích, ai cũng thích. Mình đi café với bạn, có ông bảo chà chà tuyệt thật, phải tranh thủ tận hưởng lúc này, bọn nhà quê cút về hết rồi. Mình ngứa tai, bảo đmẹ xin lỗi ông, ông ăn nói như c., ông gọi người ta là bọn nhà quê, xin lỗi ông chứ đéo có người ta, thì cái đất này chết rục xương. Bạn mình im lặng.
Đô thị có lúc này lúc kia, có thời suy, thời thịnh. Nếu như trên đời này có thứ đô thị nào không có sự đóng góp của người nhập cư mà trở thành đô thị được, thì mình bé bằng con kiến, hehe, cứ hô to vậy dẫu cho phận mình thì cũng con sâu cái kiến lắm. Nói như thế ý là mình coi việc thành phố đông đúc với đủ loại người là điều không thay thế được, có điều ấy, thành phố mới đúng thật là thành phố, dù cho với cung cách quản lý của chính quyền, tiến trình thành thị hóa nông thôn đâu chẳng thấy, chỉ thấy sự nông thôn hóa thành thị là càng lúc càng dữ dội.
Nói vậy chứ mình quyết định, Tết này sẽ chỉ cưỡi chú Kim đi chơi, chứ không dùng xe máy hay taxi như thường khi vẫn thế (nhân tiện mở ngoặc, chú Kim là tên mình đặt cho cái xe đạp của mình). Như thế, cảm thấy Tết đáng yêu hơn..
Tết nhất thật vui, mình nói thế với bạn bè mình. Nhiều người lắc đầu, kêu mệt lắm mệt lắm, Tết nhiều thứ muộn phiền lắm. Loanh quanh cũng là chuyện quà cáp, gặp gỡ, biếu xén. Mình cười, có lẽ tại mình chưa có gia đình như họ, nên mình không hiểu. Mình chỉ thấy, họ cũng giống hệt như đất Hà Nội này, chỉ khi nó không phải là chính nó trong một khoảnh khắc, người ta mới thốt lên rằng Hà Nội thực sự đây rồi. Còn nhiều người, họ đem nụ cười trên môi đi khắp nơi, họ nghĩ họ phải tỏ ra thế này thế nọ, họ biết đâu, ‘tỏ ra’ đã trở thành cách sống của họ mất rồi. Hihi.
Còn mình, mình vẫn thích Tết, năm nay có niềm ngạc nhiên là bố mẹ gói bánh chưng đón Tết. Lần đầu tiên trong đời mình biết mùi gói bánh chưng đón Tết, cứ gặp ai là nhắc đi nhắc lại, cảm thấy vô cùng phấn khởi trong lòng.
Mình nói chuyện với em, em hỏi, anh thích làm gì nhất với người yêu của anh? Mình tặc lưỡi, làm tình.
Em cười haha, kêu em đã định mở ngoặc là ngoại trừ làm tình ra, mà thôi kệ để xem anh nói thế nào, y như rằng nhé. Mình phì cười, em được lắm. Anh à, anh thích chuyện trò, thích giao tiếp với nhau, thích nói về bất kì điều gì, ở bất kì nơi đâu, trong bất kì lúc nào.
Cả năm nói chuyện miết mải. Đến những phút cuối cùng trước lúc giao thừa, mình lặng lẽ xách chú Kim ra đi lang thang, tuyệt chẳng liên lạc với ai.
Đi qua những con đường hàng ngày vẫn lui tới, qua những kỉ niệm tưởng nhớ đến chết được, qua bầu không khí nửa hồi hộp, nửa lưu luyến của đời người. Hai bên đường, nhiều người bày cây lá bán lấy lộc đầu năm cho người đi chơi giao thừa mua về. Mình nhớ chuyện Tết nhất người ta hay vin cớ mà tăng giá, thấy lý do ngày Tết không được nghỉ mà phải làm nên tăng giá, nó thật hóm hỉnh, có ai bắt làm đâu, không thích làm thì nghỉ cũng được, có sao đâu, làm rồi lại tăng giá, vừa tăng giá vừa kêu ca với khách, đến lạ. Rồi chuyện người ta tranh thủ kiếm thêm những lúc đêm hôm năm mới năm cũ thế này, họ cũng tranh thủ chặt chém, thật lạ, đi làm khổ sở như thế trong lúc người khác quây quần, trông họ chẳng nghèo, và họ thu về một mớ, cười tươi rói, lạ. Nhưng thôi, thị trường sẽ điều tiết theo khả năng, âu cũng là chuyện thuận mua vừa bán..
Mình cưỡi chú Kim trên phố, đi qua những cửa hiệu kinh doanh, người ta bày mâm cúng trời đất ra trước cửa nhà, mọi người thắp hương, thành kính bái vọng tổ tiên. Mình cứ đi, vừa đi vừa nghĩ ngợi về những chuyện đã xảy ra, về những điều đang ở phía trước, về những người đã đến và đi trong đời, về những người vẫn đang còn ở cạnh. Thốt nhiên, thấy cái Tết trở thành một phần tâm hồn lúc nào chẳng hay..
Có một chuyện mình nghĩ tới, mà thấy nên nói luôn tại đây, đó là chuyện đốt vàng mã. Cái này báo chí truyền thông thông tin người ta nói nhiều rồi, sách vở kiến thức cũng không thiếu, vào google gõ ‘nguồn gốc tục đốt vàng mã’ là ra cả đống. Thật kinh khủng khi mỗi năm dân tình cứ đốt đi cả khối lượng giấy khổng lồ như vậy, đốt đi thành tro bụi. Nhiều người cứ nói, đốt cho các cụ, đây là vấn đề tâm linh. Xin lỗi chứ muốn chăm lo, thì cố sức chăm lo khi còn sống, còn chuyện âm phần, nghĩ như vậy tức là chẳng có hiểu biết tự thân nào về âm phần, tâm linh, chẳng qua cứ làm mà không nghĩ. Cứ làm mà không nghĩ, hại chết người xứ Annam mình, ai hai.. Mình phản đối chuyện đốt vàng mã, sau này, sẽ cố sức làm thay đổi chuyện này, thay đổi được hay không, cứ phải thử làm cái đã.
Hôm nay sáng mùng Một, dậy ăn cơm cúng với mẹ, tối nay bố mình với thằng Tít từ quê lên, cả nhà ăn cơm. Ngày mùng Một nào mình cũng ở nhà nguyên ngày, nghĩ ngợi và viết lách linh tinh, đọc được cái gì thì đọc, gọi là ngày đầu năm lấy chữ nghĩa làm trọng, hi vọng cả năm được sáng sủa ra với người đời, thì tốt.
Đêm qua em bảo, sáng mai em sẽ dậy sớm, em thích Hà Nội sáng sớm mùng Một lắm, đầy không khí, đầy tâm hồn, em sẽ đi chơi để tận hưởng không khí ấy, đấy mới đúng là Hà Nội của em. Mình lại buồn cười, định bảo Hà Nội của em sao giống anh hùng nhất khoảnh thế, được có một lúc à. Hà Nội vẫn là Hà Nội thôi em, vẫn vừa tệ hại, vừa thương khó như thế, mình lớn lên ở đây, gắn bó với nó, thì mình vẫn thương mến nó, em ạ. Nghĩ thế, nhưng mình chẳng nói, mình bảo em, ừ, đi chơi, nhớ chụp ảnh vừa thôi, tĩnh lặng vào, dùng các giác quan để ghi nhớ, nhớ chưa. Em bảo vâng, rồi hỏi anh có bao giờ đi chơi sáng mùng Một không?
Mình cười, không, anh ở nhà thôi, anh góp phần giữ cho sáng mùng Một được vẹn nguyên vắng lặng, chứ anh không tham gia phá hoại sự vắng lặng ấy, rồi gào lên yêu, yêu, yêu..
Em khen, anh văn minh ghê..