Chú Kim kể chuyện bầu cử, nhưng mà gọi anh thôi, xin đừng gọi chú, anh đã sống ngoài tuổi tác từ rất lâu rồi, các em ạ. Đây là câu chuyện mà anh muốn kể cho các em nghe, tại sao anh lại gọi em xưng anh, các em đọc rồi hãy tự hiểu. Anh đích xác muốn hướng tới các em, chính các em.
Các em thân mến,
Tháng 5 tới đây, tức là tháng 5 năm 2016, ở nước mình sẽ có bầu cử quốc hội.
Quốc hội là gì? Quốc hội là cơ quan lập pháp, tức là làm nhiệm vụ soạn luật, nói nôm na đơn giản là cãi nhau ỏm tỏi mỗi lần muốn ra luật gì đó, cho đến khi nào thống nhất được thì thôi. Quốc hội do vậy gồm một nhóm người tinh hoa được chọn lọc từ khắp cả nước.
Anh mở ngoặc luôn nếu các em chưa biết, bên cạnh lập pháp còn có hành pháp và tư pháp. Hành pháp là nhiệm vụ của chính phủ, dân gian hay gọi là nhà nước, tức là thực thi luật. Tư pháp là bảo vệ luật pháp, dân gian gọi là thực thi công lý, đây là việc của tòa án và viện kiểm sát. Nói đơn giản vậy để mấy em hiểu, vì anh nghĩ nhiều em tuy lớn rồi, thậm chí lớn hơn anh, nhưng vẫn chả biết cái mẹ gì, anh xin lỗi nếu anh nhầm về các em. Đây là trường hợp hiếm hoi mà anh thấy vui nếu mình nhầm.
Ở nước ngoài người ta có nhiều đảng, mấy nước tư bản dân chủ, hành pháp, lập pháp và tư pháp đứng riêng biệt, rạch ròi với nhau, ông nào làm việc của ông đấy, không có chuyện thì thụt cụng chén cụng ly bàn chuyện anh linh động cho em tí, anh em mình chỗ thân tình em mới có lời như thế. Như thế gọi là tam quyền phân lập. Các em qua đó sẽ thấy cảnh sát và quân đội chả có cái quyền mẹ gì về chính trị, hai lực lượng này đơn thuần làm nhiệm vụ của họ, tức là cảnh sát thì lo điều tra, truy bắt tội phạm trong nước, tức là lo an ninh đối nội; quân đội phụ trách chuyện lãnh thổ, bảo vệ quyền lợi quốc gia khi bị đe dọa, tức là lo an ninh đối ngoại. Trong trường hợp đặc biệt thì hai bố này sẽ được điều động, ví dụ như thiên tai địch họa hay khủng bố tấn công, lúc ấy cứu giúp con người là trên hết. Và chỉ thế thôi.
Ở nước mình nó khác, nước mình có nhõn cái đảng cầm quyền, gọi tên là đảng Cộng sản Việt Nam, và nước mình không có tam quyền phân lập, đảng này chỉ đạo hết, gọi là một quyền duy nhất. Tức là loanh quanh ba cái pháp quyền đều là anh em một nhà cả, khôn ngoan đá đáp người ngoài (đảng), gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau, các cụ dạy rồi. Suy ra nước mình ngoài tiền ít thì cái gì cũng ít hơn người ta, cái nào gây ra cái nào thì các em tự động não, hihi.
Dạo này gần đến đợt bầu cử quốc hội, anh tự dưng muốn nói chuyện về bầu cử quốc hội, nên anh mở đầu giải thích hơi dài dòng tí, các em thông cảm. Thôi anh kể đây, chuyện là vầy..
Do đặc thù năm sinh, nên hồi ấy, tức là cách đây mười năm, anh đã đi bầu cử lần đầu tiên, năm ấy, anh mới vừa tròn mười tám. Độ tuổi xuân thì mơn mởn, anh chả hiểu biết cái con mẹ gì cả, với anh lúc ấy, bầu cử chỉ là một trò đoàn thể nhảm nhí của đám đoàn thể ngớ ngẩn. Anh đi vì tò mò, và vì muốn xem có em nào ngon trong đám tình nguyện viên ở điểm bầu cử không, và cũng vì nếu không đi thì lấy đâu ra chuyện mà bây giờ kể cho các em nghe.
Quả thực là anh chẳng hiểu biết cái con mẹ gì cả, nên anh không lưu lại được kí ức gì về nội dung cái ngày anh tham gia toàn dân đi bầu cử, anh chắc cũng được tính trong số chín mấy phần trăm dân số đi bỏ phiếu. Vinh dự thế mà anh chả nhớ chó gì cả, ngoại trừ việc anh rút ra kết luận là đã là đoàn thể thì đéo thể nào có gái xinh được.
Rồi năm năm lại qua đi, lại đến kì bầu cử. Lần này anh đã lớn hơn một tí, đã học gần xong cái đại học làng, anh đã biết thỉnh thoảng đọc sách đọc báo, đã biết ghét biết yêu, các em ạ.
Hồi ấy, anh đang học năm cuối, cũng tầm tháng 5, cũng rộn ràng mùa bầu cử. Anh đang làm đồ án tốt nghiệp, thức đêm bạc cả mặt. Cái trường kiến trúc anh học hồi ấy, chả hiểu làm gì mà khổ thế, sinh viên trăm đứa như một, suốt ngày lụi hụi đêm hôm, mười mấy cái đồ án trong suốt từng ấy năm học là mười mấy lần bọn anh rơi vào trạng thái lơ mơ đơ đơ do thức đêm chạy lụt. Lúc làm đồ án tốt nghiệp, một tuần cuối cùng hôm nào anh cũng đi ngủ lúc bảy giờ sáng, ngủ đến trưa dậy ăn cơm rồi cắm mặt vào làm tiếp đến bảy giờ sáng hôm sau. Thỉnh thoảng, bọn anh kéo nhau đi trà đá, than khổ, kêu lo. Kêu than vậy chứ cũng không giải quyết được gì.
Ngày bầu cử năm ấy, tài tình lại trùng đúng cái tuần cuối dầu sôi lửa bỏng. Trước đó mấy ngày, bọn anh nhận được thông báo, sinh viên khi nộp đồ án thì nộp kèm thẻ cử tri, hay giấy xác nhận đã tham gia bầu cử, đại loại như thế anh không nhớ rõ. Không thì không được nộp bài. Mà nói chung thì sinh viên là phải nộp lại giấy xác nhận (hoặc thẻ cử tri) cho trường.
Tin này do lớp trưởng lớp anh thông báo, tất nhiên. Đó là thông báo miệng, lớp trưởng lớp anh cũng nhận thông báo miệng từ trên trường, lại tất nhiên.
Hôm trước, lúc ngồi nghĩ ngợi về chuyện viết bài này, anh nhảy vào chat với lớp trưởng lớp anh, anh hỏi nó vụ ngày xưa. Nó gật gù bảo ừ đúng là có chuyện thông báo phải nộp giấy xác nhận. Anh hỏi thông báo là do ai đưa ra, nó lắc đầu bảo lâu ngày rồi bây giờ không nhớ tý nào nữa. Rồi nó nói, mình không biết mấy chuyện chính trị nhạy cảm đâu nha. Anh cười, bảo không phải sợ.
Có cái đéo gì đâu mà phải sợ.
Độ tuổi hai mươi ba, anh vẫn chẳng hiểu biết cái con mẹ gì cả. Thấy có tin như thế, làu bàu chửi rủa, kiểu đmẹ đồ án tốt nghiệp với đi bầu quốc hội thì liên quan đéo gì đến nhau, đang lúc gấp rút, mất thời gian của bố mày.
Đến ngày bầu cử, anh hôm ấy vẫn thức một lèo đến bảy giờ sáng, ngồi vẽ mệt gần chết, nghe tiếng loa réo rắt các ca khúc tuyên truyền cách mạng, anh uể oải lên mạng xem linh tinh chán chê đủ thứ, rồi thay quần áo lếch thếch xách mông ra điểm bầu cử ở ngay gần khu nhà anh.
Anh vào, làm thủ tục ghi tên các kiểu, rồi gạch mẹ hết các ứng cử viên là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Anh là người ngoài đảng, anh phải chọn các ứng cử viên là người ngoài đảng chứ, để cho đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam họ chọn người của họ. Hồi ấy anh nghĩ thế.
Bây giờ anh vẫn nghĩ thế, hơi khác một tí là anh hiểu ra trong danh sách ứng cử viên đại biểu quốc hội toàn là những gương mặt xa lạ, mà phàm ở đời, cái gì mình thấy xa lạ tức là mình thiếu kiến thức về cái ấy.
Thiếu kiến thức thì còn nói chuyện đéo gì nữa. Chỉ có chết.
Anh cầm tờ giấy xác nhận đã đi bầu cử về, để trên bàn, lăn ra ngủ sau một đêm dài đồ án.
Đến ngày nộp bài, chẳng ai hỏi gì tới tờ giấy ấy. Không một ai. Mọi thứ cứ như thể chưa từng tồn tại. Đó là lần đầu tiên anh hiểu ra ý nghĩa của lệnh miệng. Cho nên bây giờ, bất kì cái gì có liên quan đến anh, anh đều đòi hỏi phải có giấy tờ, văn bản có chữ kí, đóng dấu đàng hoàng. Đó là một điều quan trọng, một kiến thức sống còn mà hôm nay anh muốn truyền đạt đến cho các em.
Thật ra, hồi ấy đúng là do thiếu hiểu biết, thiếu cả bản lĩnh, cứ theo phản xạ của một nền giáo dục chỉ toàn truyền lệnh, nên bọn anh đã nhắm mắt nhắm mũi làm theo lệnh mà không có lấy một chút bình tĩnh nghĩ ngợi về hai chữ ‘tại sao’.
Anh không biết năm năm trước, các trường khác có cái thông báo miệng kì quặc như trường anh không, anh cũng không biết, liệu vài tháng tới, các trường đại học liệu có cái thông báo dưới dạng tin đồn nào như năm năm trước đã từng có ở trường anh không. Anh không biết.
Điều mà anh biết, đó là hôm nay, sau năm năm của một đời người, anh thấy trên mạng đã có rất nhiều thông tin, rất nhiều kiến thức được cập nhật rõ ràng, dễ hiểu về chính trị, lịch sử, văn hóa. Ngày trước, không phải anh không có điều kiện tìm hiểu, mà do vô tâm biếng lười, đến giờ nghĩ lại mà rùng mình vì những năm tháng phí hoài đã trôi qua. Hôm nay, anh mong các em, dù làm bất kì điều gì, cũng sẽ làm với sự hiểu biết mà các em hoàn toàn có thể có được.
Đi bầu cử hay không, hãy có lý do, và có kiến thức cho lựa chọn của mình.
Dù chúng ta có thích chính trị hay không, chính trị nó vẫn không hề buông tha chúng ta chút nào. Tờ giấy xác nhận bầu cử năm nào, sau khi anh bảo vệ tốt nghiệp, đã yên vị trong sọt rác.
Như một sự lãng phí về giấc ngủ bình yên bị phá bĩnh..
=)))))
LikeLike