Lâu lâu, mình lại ốm một lần.

Bây giờ chừng này lớn, biết được sự lợi hại của thời gian, sự tàn phá trong lối sống của một thằng trai lông bông lêu lổng, mình mới đâm ra hay ốm vặt, không như khi còn nhỏ, dù thể chất yếu ớt, nhưng khác với thằng Tít, mình quanh năm khoẻ re. Chỉ lâu lâu, mình lại ốm một lần. Ốm nặng.

Lần này, đen đủi thế nào, bị con muỗi vàng nó đốt cho phát lúc nào không biết, thế là sốt xuất huyết.

Năm nay có dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội, chính xác là lại có dịch. Thủ đô mà năm nào cũng dịch bệnh, không dịch này thì bệnh kia, dân tình cứ nháo nhác hết cả, rồi lại một năm qua đi, năm sau lại cùng nhau đón dịch.

Mình bắt đầu sốt lúc tảng sáng, đầu ngày vẫn kịp chạy lên văn phòng thu xếp chút việc, rồi phi thẳng về nhà nằm xìu như cọng bún thiu.

Mình sốt mê man mấy ngày liên tục, về sau nghe bác sĩ bảo mới biết, trong bốn chủng sốt xuất huyết, mình dính ngay chủng rất nặng, sau đó còn biến chứng loạn lên, phải nhập viện thêm mấy ngày. Thế nên mình mới nói, bị con muỗi vàng nó đốt.

Những ngày sốt là những ngày khác lạ, thân nhiệt rất cao, còn tinh thần thì lên xuống không theo một biên độ nào. Chập chờn giữa những cơn mộng mị của giấc ngủ nửa vời, mình lặng lẽ đón nhận sự chăm sóc của người nhà, của cha, của thằng Tít em mình. Có một lúc, nằm lặng yên nhìn lên trần nhà, nhớ lại lần gần nhất đi uống bia quá trớn mấy ngày liên tục, bị viêm amidan, cũng sốt tưng bừng vài hôm, đó là lần cuối cùng mình ốm bẹp giường có mẹ chăm sóc.

Tỉnh tỉnh mê mê, mình quay ra bảo thằng Tít, này, tao nhớ mẹ quá.

Thằng Tít im lặng. Phải rồi, hai anh em trai như những con thú hoang trong gia đình, thứ tình cảm uỷ mị như vậy, rõ ràng không phù hợp chút nào.

Nhớ ngày còn nhỏ, có lần gặp cơn đau tái mặt, cha mẹ đưa đi khám, thở hổn hển, vẫn ngóc đầu lên hỏi, mẹ ơi liệu con có chết không, con đau quá. Rồi lần bị ngộ độc giữa những ngày hè cuối cùng của mùa hè cuối cùng trong đời học sinh, đêm hôm vào viện cấp cứu, mình thở hổn hển, vẫn ngóc đầu lên nói, mẹ ơi con đau quá, đừng để con chết. Trước khi lịm đi vì mệt, mình vẫn kịp nhìn thấy mẹ mình phì cười, ừ ừ yên tâm không chết đâu. Mẹ mình hay bảo mình là thằng tham sống sợ chết, chắc cũng từ những lần kêu cứu ngô nghê ấy, sau này khi mình nói với mẹ, chết thì có gì đáng sợ, cuộc sống không ra cuộc sống mới đáng sợ, mẹ mình chẳng biết phải nói gì với mình.

Chậm rãi, trong cơn sốt dai dẳng, mình nhớ lại những lần ốm trước đây, trong căn nhà mà mẹ cha đã nuôi nấng từ nhỏ, kỉ niệm trở về như dòng sông lấp lánh thời niên thiếu, không ít những buồn đau nhưng chứa đựng vô vàn mộng đẹp. Bất giác, không nén được tiếng thở dài, có phải sau này khi không còn mẹ, mình sẽ không bao giờ được ốm như một đứa con đầy muộn phiền của cha mẹ?

Thằng Tít em mình, thằng đang ôm giấc mộng phim ảnh, nó chăm mình lóng nga lóng ngóng, bị mình cằn nhằn hết chuyện lặt nhặt này đến chuyện tiểu tiết nọ. Bố mình đã già, ông già chăm thằng con ốm, còn gội đầu cho mình, không càu nhàu chuyện mình để tóc dài trông không chỉnh tề gọn gàng như ông muốn.

Thế mà mình vẫn nhớ mẹ, và nhớ cả những người phụ nữ trong đời. Mình có tật hay nghĩ, khi ở cạnh, người nào người nấy đều bảo mình, nghĩ ít thôi. Thế mà khi ốm rồi, mình vẫn cứ nghĩ, những chuyện đã xảy ra khi ở cạnh người ngày người kia, từng khuôn mặt, từng giọng nói, từng lời cố nhân ngày ấy, lần lượt hiện ra trong sự tĩnh lặng của cơn ốm, thế giới bỗng gói gọn lại chỉ còn là bốn bức tường rèm che bóng nắng, thước phim cuộc đời chiếu toàn chuyện tình ái yêu đương, cứ thế phải chiếu đúng lúc ấy mới chịu được.

Mình vào viện, hay hay thế nào lại nằm đúng ê kíp được mấy em y tá, bây giờ người ta gọi là điều dưỡng, chăm sóc, em nào cũng xinh xắn đáo để. Thấy mình tóc dài râu dài, ria chạy một đường con kiến nom vô cùng đê tiện, các em hỏi mình anh trông cứ như nghệ sĩ ấy nhỉ, mình cười bảo, thì anh chính là nghệ sĩ đây. Một em tròn mắt, anh làm hoạ sĩ hả anh? Mình lắc, không, anh làm kiến trúc. Các em y tá chắc cũng không thấy hai cái nghề ấy có quá nhiều sự khác biệt, trầm trồ thế chắc là anh vẽ đẹp lắm nhỉ, một em mắt lúng liếng liếc mình, mấy hôm nữa khoẻ lại anh vẽ cho em xem nhé. Mình cười buồn, em đẩy xe lăn đưa mình vào buồng thang máy, chẳng hiểu sao lúc ấy lòng dạ tán gái bỗng xìu đi. Mình đã thực sự ốm.

Ốm như thế, bây giờ nghĩ lại, tích cực mà nói, cũng là một dịp để bình thản mà ngâm ngợi về mọi chuyện trong đời.

Người mình xẹp lép, teo đi như con cá khô, sau cơn ốm chỉ còn lại ba thành công lực, thậm chí cả thị lực cũng chưa hồi phục hoàn toàn. Thật đúng là thất kinh, thế mà có cô bạn đã sốt xuất huyết ba lần, tức là trải qua ba chủng sốt, vẫn còn một chủng nữa là thoát nạn vĩnh viễn, cô này kể chuyện,những người từng dính chưởng như mình nghe mà thấy sốt xình xịch trở lại. Bệnh này thật quá nguy hiểm, có người hỏi ý kiến mình, mình nói luôn là mình không hài lòng với cách phòng chống và các ứng xử của chính quyền khi bệnh dịch bùng nổ. Cái gì cũng đổ cho dân, phát chán. Dân mà có đầy đủ phương tiện, thì ở đấy mà chính với chả quyền.

Mình đi làm, đứa em ở văn phòng hỏi, anh có viết lại trải nghiệm ốm đau không, mình bảo, ừ cũng chưa biết, anh đang nghĩ, anh nằm viện là chi tiền, vẫn được lựa chọn giữa khổ và bớt khổ hơn một chút, không phải cái nghèo cái khổ là hay, nhưng nhiều khi cái khổ, cái dằn vặt bi thương lại đem đến nhiều suy tưởng hơn là sự sung sướng nhàn hạ, em ạ.

Thế rồi vẫn lạch cạch ngồi kể chuyện, một câu chuyện ốm đau với bóng dáng của toàn là phụ nữ. Thế mới đau.